VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2021 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BÌNH PHƯỚC
Ngày 14 tháng 01 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Phước. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài chính, Xây dựng và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển năm 2021 và các đề xuất, kiến nghị của Tỉnh, phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự năng động, sáng tạo, quyết liệt và nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước. Mặc dù năm 2020 bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nhưng với ý chí vươn lên mạnh mẽ, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp, tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chuyển biến toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào kết quả chung của cả nước qua những điểm sáng đáng ghi nhận với 21/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,51%; sản xuất công nghiệp tăng 12,5%, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 10,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 7,3% so với năm 2019. Thu ngân sách vượt 69% so với chỉ tiêu Trung ương giao, vượt 14% so với chỉ tiêu điều chỉnh của Hội đồng nhân dân tỉnh. Cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, đạt những bước tiến đáng khích lệ; lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, Tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đến nay không có ca nhiễm nào ngoài cộng đồng. Công tác bảo vệ mốc giới và lãnh thổ quốc gia được bảo đảm, nhất là trong việc tăng cường các chốt kiểm soát dịch bệnh; quan hệ hữu nghị giữa chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân hai bên biên giới luôn được duy trì; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, kiện toàn nhân sự sau Đại hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cần nhìn nhận nghiêm túc những bất cập, tồn tại của thời gian qua: tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng cao; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm; đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; hầu hết các chỉ số của Tỉnh (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính) đều ở mức độ thấp; đời sống nhân dân vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn; việc giải quyết khiếu nại còn kéo dài.
II. ĐỊNH HƯỚNG TRỌNG TÂM NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời cũng là năm tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có diễn biến phức tạp và tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ nhất trí cao với ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và báo cáo của lãnh đạo Tỉnh về kế hoạch, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Đề nghị Tỉnh tiếp thu những ý kiến phát biểu sâu sắc, cụ thể của các Bộ, cơ quan và thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Phước cần chung sức, đồng lòng quán triệt thực hiện hiệu lực, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trước mắt tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt chương trình hành động, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ.
2. Thúc đẩy phát triển hướng đến trở thành một trong những địa phương tiên phong về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp nâng cao hiệu quả nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất lớn, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm năng và thế mạnh; phấn đấu có nhiều thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên địa bàn Tỉnh.
3. Tận dụng sự hỗ trợ của Trung ương, các chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nhanh chóng xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch vùng Đông Nam bộ và liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng có ý nghĩa chiến lược và mang tính đột phá. Trong đó, xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai 10 dự án trọng điểm đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI.
4. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả bộ máy; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng minh bạch, thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xây dựng chính quyền các cấp “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
5. Tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng nhu cầu lao động cho các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, giữ gìn tiếp nối truyền thống phong trào công nhân “Phú Riềng Đỏ”; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng công tác dân tộc; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (đặc biệt là ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên, chặt phá rừng trái phép...).
6. Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Chuẩn bị tốt các công tác tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
7. Nâng cao cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương. Với đường biên giới dài với nước bạn, tỉnh cần hết sức lưu ý, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh và phương tiện, hàng hóa, kiểm soát biên giới tại các cửa khẩu, lối mở để phòng, chống dịch Covid-19, tránh dịch bệnh lây lan.
8. Bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giao lưu, thông thương với các tỉnh biên giới nước bạn Campuchia. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội.
1. Về các dự án giao thông có tỉnh kết nối vùng, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông hiện nay của vùng Đông Nam bộ:
- Đối với Dự án đường bộ cao tốc Chơn Thành - Thủ Dầu Một - Thành phố Hồ Chí Minh: đồng ý, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền để triển khai đầu tư xây dựng Dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để triển khai Dự án.
- Đối với Tuyến đường sắt xuyên Á, giai đoạn 1 từ Chơn Thành đi công Cái Mép: Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu sớm bổ sung trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia; trước mắt, nghiên cứu đường sắt chuyên chở hàng hóa từ Chơn Thành - Di An - Cái Mép và xây dựng phương án hình thức đầu tư (bao gồm cả hình thức xã hội hóa), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT 753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay Quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cảng Cái Mép, Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu): giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu, đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong tháng 3 năm 2021.
2. Về mở rộng các Khu công nghiệp khoảng 2.500ha; thành lập Khu công nghiệp mới 5.500ha:
- Về quy hoạch mở rộng các Khu công nghiệp có thêm khoảng 2.500ha: ủng hộ về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan xử lý theo quy định pháp luật; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong Quý I năm 2021.
- Về quy hoạch thành lập mới các Khu công nghiệp khoảng 5.500ha: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Về bổ sung quy hoạch điện năng lượng mặt trời thêm 4.000Mwp, trong đó sớm bổ sung vào quy hoạch điện VII là 1.200Mwp của Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh - giai đoạn 2:
Giao Bộ Công Thương tổng hợp kiến nghị của Tỉnh, làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để làm rõ quy hoạch công suất, truyền tải, bảo đảm phát huy tiềm năng lợi thế về năng lượng điện mặt trời của Tỉnh, phục vụ Vùng Kinh tế trọng điểm và bảo đảm cân đối vùng, miền công khai, minh bạch, an toàn hệ thống điện quốc gia, hiệu quả đầu tư, truyền tải và huy động công suất theo đúng Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2021.
4. Về triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương (công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) thuộc quỹ đất do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Phước:
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nghiên cứu, xem xét nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, trình phương án cụ thể, chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.
5. Về hỗ trợ cho tỉnh Bình Phước 50% tương ứng với số tiền 150 tỷ đồng để đo đạc đất đai, hoàn thành dữ liệu đất đai:
Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ khả năng cân đối của ngân sách Trung ương và quy định của pháp luật, đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về hỗ trợ cho tỉnh 50% tương ứng với số tiền 150 tỷ đồng, để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh biên giới:
Đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan liên quan căn cứ khả năng cân đối của ngân sách Trung ương để hỗ trợ Tỉnh, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và cân đối giữa các địa phương có cùng đặc điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2021.
7. Về việc xây dựng sân bay Técníc Hớn Quản thành sân bay lưỡng dụng theo hình thức PPP:
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan xem xét kiến nghị của Tỉnh để nghiên cứu trong quá trình lập Quy hoạch hệ thống cảng hàng không theo quy định của Luật Quy hoạch.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.