ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 278/KH-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 12 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM NĂM 2020 VỀ “PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ, HẠ TẦNG KỸ THUẬT THEO HƯỚNG XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG”
Căn cứ Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 06/12/2019 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm năm 2020 về “phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương” với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
Tập trung phát triển đô thị trở thành thành phố trực thuộc trung ương dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị đô thị di sản theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm phát triển đô thị theo hướng bền vững; hỗ trợ tích cực cho yêu cầu phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp; nâng cao năng lực phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn:
- Xây dựng Kế hoạch và triển khai công tác tổ chức thực hiện các Quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chú trọng các quy hoạch có tầm chiến lược; tổ chức triển khai phủ kín các quy hoạch phân khu xây dựng, đô thị đối với địa bàn các huyện, thị xã, thành phố Huế làm tiền đề cho việc triển khai đồng bộ các quy hoạch chi tiết; hoàn thành công tác rà soát quy hoạch nông thôn mới gắn liền với việc cập nhật, rà soát các quy hoạch chuyên ngành tạo cơ sở cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc lập Quy hoạch tỉnh.
- Tiếp tục tổ chức triển khai hoàn thành công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu xây dựng một số đồ án lớn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
- Hoàn thành và triển khai thực hiện đề án phát triển đô thị Huế đến năm 2030 gắn với việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế, sắp xếp lại các đơn vị hành chính.
- Triển khai hoàn thiện việc xây dựng Bộ tiêu chí đô thị di sản và cơ chế chính sách đặc thù về thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Hoàn thành lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng 2050 gắn với việc xây dựng và triển khai quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quy hoạch tỉnh.
- Hoàn thành công tác lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và tiến hành lập Khu vực phát triển đô thị tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dự án phát triển đô thị.
2. Giao thông:
Phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn trọng điểm làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế: dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý, tập trung các tuyến giao thông quan trọng trong khu vực đô thị trung tâm, giữa khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhằm liên kết các vùng, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế xã hội: đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường Phong Điền - Điền Lộc, đường Thủy Phù - Vinh Thanh... Khởi công các gói thầu xây lắp dự án "Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh), dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng-giai đoạn 2, dự án thành phần tỉnh Thừa Thiên Huế. Tiếp tục thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị: Đường Phùng Lưu (đoạn từ đường Trưng Nữ Vương đến đường vào sân Golf), thị xã Hương thủy; Đường 19/5 (đoạn từ QL1A đến cầu Ông Ân), thị xã Hương Trà; Đường Đào Tấn nối dài (đoạn từ đường Phan Bội Châu đến đường Điện Biên Phủ); Nâng cấp, mở rộng đường Phùng Quán, thị xã Hương Thủy, Chỉnh trang Đường Võ Văn Kiệt (đoạn từ đường Minh Mạng đến cầu vượt Thủy Dương)...
Bố trí nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế: hoàn thành Đường phân luồng công nhân ra vào Khu công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Đường trục chính trong KCN Phong Điền vào khu chức năng chế biến cát, Mở rộng Đường tỉnh 9 qua thị trấn Phong Điền đoạn từ QL1A đi Nhà máy xi măng Đồng Lâm.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư một số công trình nhằm khai thác thế mạnh về tiềm năng văn hóa, du lịch trên địa bàn: tiếp tục thực hiện Đường nối từ Quốc lộ 1A vào vườn quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc.
3. Cấp nước và xử lý nước thải:
Tiếp tục triển khai Dự án cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015 nguồn vốn ODA (ADB), có tính đến giai đoạn 2020.
Ưu tiên đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho các khu công nghiệp.
Tập trung thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế.
4. Cấp điện:
Đảm bảo việc hỗ trợ cung cấp điện thi công đến hàng rào công trình theo quy hoạch.
5. Hạ tầng công nghệ thông tin:
Tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, tiến tới hình thành đô thị thông minh.
Phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2020: Đầu tư hệ thống cảm biến phục vụ phát triển dịch vụ đô thị thông minh; Nâng cấp hoàn thiện hạ tầng dùng chung phục vụ phát triển dịch vụ đô thị thông minh, triển khai hệ thống đảm bảo an toàn thông tin hạ tầng dịch vụ đô thị thông minh, Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc giám sát, cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tích hợp giám sát toàn diện các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Du lịch, Giao thông và Môi trường theo đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế” giai đoạn 2018-2020 định hướng đến năm 2025.
Hoàn thiện Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2020: Xây dựng hệ thống dự phòng nóng hạ tầng dùng chung tỉnh; Nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế.
6. Hạ tầng kỹ thuật khác:
Tiếp tục đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn ở các huyện. Hoàn thành dự án bài chôn lấp rác Phú Sơn. Đẩy nhanh tiến độ dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh (bãi rác Hương Bình), Dự án cải tạo bãi chôn lấp số 2 Thủy Phương. Khởi công dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại khu xử lý chất thải rắn Lộc Thủy, huyện Phú Lộc. Khởi công dự án lò đốt rác Phú Sơn của nhà đầu tư.
7. Hạ tầng khu công nghiệp:
Đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp: khu công nghiệp Phong Điền của các nhà đầu tư Công ty cổ phần Prime Thiên Phúc, Công ty TNHH C&N Vina Huế - Hàn Quốc, Công ty Viglacera; khu công nghiệp Tứ Hạ giai đoạn 1 của Công ty TNHH Hello Quốc tế Việt Nam; khu công nghiệp La Sơn giai đoạn 1 của Công ty TNHH Vitto; khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4 (đợt 1).
Xúc tiến đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phú Đa, Quảng Vinh.
Kêu gọi đầu tư nhà ở, hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ công nhân gắn với phát triển khu công nghiệp.
8. Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô:
Hoàn thành dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây. Đẩy nhanh tiến độ Đường phía Đông đầm Lập An. Khởi công Đường trục chính Khu đô thị Chân Mây.
Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ cầu cảng số 2, hoàn thành cầu cảng số 3.
Tiếp tục kêu gọi đầu tư khu phi thuế quan, hạ tầng cảng và dịch vụ cảng Chân Mây.
9. Nguồn lực thực hiện:
Tổng cộng dự kiến: 2.000 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách nhà nước: 1.000 tỷ đồng.
- Vốn doanh nghiệp: 1.000 tỷ đồng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục dự án, công việc, thời gian thực hiện cụ thể và phân công các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tiến độ; chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, đoàn thể và các địa phương có liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch này, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện theo định kỳ 6 tháng.
2. Các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo, thực hiện các nội dung liên quan trong Kế hoạch.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý cho việc thực hiện Kế hoạch.
4. Các Sở, ngành làm việc với Bộ Tài chính, các Bộ ngành liên quan để phối hợp đẩy nhanh dự án của Trung ương trên địa bàn, tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương do Bộ, ngành quản lý.
5. Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh rà soát các thủ tục, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp.
6. Giám đốc các sở; Thủ trưởng các cơ quan đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành, địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh để giải quyết, tháo gỡ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.