ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 214/KH-UBND | Thanh Hóa, ngày 16 tháng 10 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
KIỂM TRA CÁC HOẠT ĐỘNG HỢP PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Thời gian gần đây, Công an các địa phương liên tục bắt giữ nhiều vụ các đối tượng tổ chức sản xuất ma túy tổng hợp trong nội địa Việt Nam, thu giữ hàng trăm tấn tiền chất các loại dùng để sản xuất ma túy tổng hợp, trong đó có nhiều loại dễ kiếm, thông dụng trên thị trường có thể dùng để sản xuất ma túy, đồng thời là những hóa chất cơ bản không thể thiếu trong ngành công nghiệp hóa chất (như axit acetic, axit sunlfuric, toluene,...), chính vì vậy, nếu không quản lý chặt chẽ các loại tiền chất này các đối tượng sẽ lợi dụng núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp kinh doanh thuốc để sản xuất ma túy tổng hợp.
Nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động xuất nhập khẩu, quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất ma túy trong lĩnh vực y tế và công nghiệp (sau đây gọi tắt là tiền chất) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Quyết định số 52/2011/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch kiểm tra các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, mua bán, vận chuyển, phân phối và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất theo đúng quy định của pháp luật.
2. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý những hành vi lợi dụng các hoạt động hợp pháp liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.
3. Phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong các hoạt động xuất, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, mua bán, vận chuyển, phân phối và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất để kịp thời chấn chỉnh khắc phục, không để các tổ chức và cá nhân lợi dụng để hoạt động phạm tội.
II. NỘI DUNG KIỂM TRA
1. Kiểm tra tư cách pháp nhân của các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ
- Giấp phép thành lập và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế.
- Giấy chứng nhận đăng ký mã số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
2. Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiền chất
- Kiểm tra các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối và sử dụng:
+ Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc.
+ Thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện, thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất hướng tâm thần.
+ Thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa tiền chất sử dụng trong lĩnh vực y tế và phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Kiểm tra hàng tồn kho và chế độ bảo quản.
3. Chế độ ghi chép, báo cáo
- Ghi nhãn hàng hóa.
- Hồ sơ Hải quan về nhập khẩu, xuất khẩu.
- Hồ sơ về sổ sách, chứng từ, phiếu xuất kho, nhập kho.
- Công tác thống kê, báo cáo theo quy định.
III. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN KIỂM TRA
1. Đối tượng kiểm tra
- Các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có nhiệm vụ xuất, nhập khẩu thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất.
- Các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng các loại tiền chất.
- Các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ có hoạt động mua bán, sử dụng các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất.
2. Thời gian kiểm tra
- Tiến hành kiểm tra từ ngày 20/10/2019 đến 31/12/2019.
- Đề cương và lịch kiểm tra do Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành (theo Quyết định số 2187/QĐ-UBND ngày 07/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) thông báo cho các đơn vị.
IV. PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA
1. Các đơn vị được kiểm tra chuẩn bị báo cáo bằng văn bản về tình hình, kết quả hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối và sử dụng các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất của đơn vị mình và báo cáo trực tiếp với Tổ công tác liên ngành.
2. Các thành viên Tổ công tác liên ngành trực tiếp kiểm tra cụ thể các hoạt động liên quan của đơn vị được kiểm và lập biên bản kiểm tra.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, Cục Hải quan và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Tổ công tác liên ngành có kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất cụ thể để kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; Định kỳ tập hợp tình hình, kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Chính phủ theo quy định.
2. Sở Y tế, Sở Công thương, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành theo đúng Quyết định số 2187/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối và sử dụng các chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất phục vụ Tổ công tác liên ngành kiểm tra thực hiện có hiệu quả kế hoạch này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.