BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4174/TTr-BGTVT |
Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2009 |
Thực hiện Chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ năm 2009, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự thảo Nghị định quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Dự thảo Nghị định). Bộ Giao thông vận tải xin trình Chính phủ Dự thảo Nghị định.
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH
Hiện nay đa số các quốc gia dùng luật giao thông bên phải (tay lái bên trái), nhiều quốc gia trước đây theo hệ bên trái cũng chuyển qua bên phải. Các nước nằm trong khối thịnh vượng chung, một số thuộc địa cũ của Anh (Singapore, Malaysia, Ấn độ, ...) và một số quốc gia ở Nam Phi còn dùng xe tay lái ở bên phải (giao thông bên trái). Ngoài ra, Nhật Bản, Thái Lan là trường hợp đặc biệt mặc dù không thuộc khối thịnh vượng chung nhưng sử dụng tay lái ở bên phải. Toàn cộng đồng Châu Âu hiện nay dùng xe tay lái ở bên trái, duy nhất chỉ có Anh là dùng xe tay lái ở bên phải.
Trước nhu cầu hội nhập về kinh tế, phát triển hoạt động du lịch thì việc cho phép các phương tiện tay lái bên phải của người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam là cần thiết.
Luật Giao thông đường bộ năm 2001 quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 48 “Tay lái của xe ôtô ở bên trái của xe”. Tuy nhiên Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008 đã quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 “Trường hợp xe ôtô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Đây chính là căn cứ pháp lý ban hành Nghị định này.
Do sự khác biệt giữa loại phương tiện ô tô có tay lái bên phải lưu hành ở các nước thực hiện quy tắc tham gia giao thông vượt bên phải, khi hoạt động tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ theo quy tắc vượt bên trái nên sẽ gặp những hạn chế về tầm nhìn, thói quen vượt phải. Chính vì vậy cần có Nghị định quy định cụ thể, hướng dẫn và quản lý hoạt động tham gia giao thông của người lái và loại phương tiện này nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn cho người nước ngoài khi lái xe ô tô có tay lái bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam, đồng thời tạo thuận lợi cho sự phát triển du lịch bằng đường bộ giữa các nước với Việt Nam.
II. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
Việc xây dựng Nghị định được tiến hành theo các quan điểm chỉ đạo sau đây:
1. Thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
2. Đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
3. Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam.
4. Bảo đảm tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đồng thời vận dụng quy định của các điều ước, tập quán quốc tế và luật nước ngoài phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và xu thế thực tiễn của hoạt động giao thông vận tải đường bộ trong nước.
III. QUÁ TRÌNH SOẠN THẢO NGHỊ ĐỊNH
Trong quá trình soạn thảo, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các điều ước quốc tế có liên quan đến giao thông đường bộ mà Việt Nam là thành viên, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình thực hiện và tham khảo tài liệu, kinh nghiệm xây dựng, ban hành văn bản của một số nước trên thế giới…
Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Tổ Biên tập với sự tham gia của đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, các Vụ tham mưu..., các chuyên gia để soạn thảo Dự thảo Nghị định. Ngày 17 tháng 4 năm 2009, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị trực tuyến hai đầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu Dự thảo Nghị định tới 300 đại biểu tham dự. Bộ Giao thông vận tải cũng đã gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Dự thảo Nghị định để xin ý kiến góp ý bằng văn bản và đã tiếp thu ý kiến góp ý (có Báo cáo tiếp thu ý kiến góp ý gửi kèm theo).
Dự thảo Nghị định đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải từ ngày 07 tháng 4 năm 2009 để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã tổng hợp đánh giá tác động của Dự thảo Nghị định theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có gửi kèm theo).
Dự thảo Nghị định đã được chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu và sửa Dự thảo Nghị định theo ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp (có gửi kèm theo Báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định).
IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 4 Chương với 13 Điều.
1. Chương I: Những quy định chung, gồm 2 Điều (Điều 1, Điều 2)
Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng.
Nội dung của Chương này nêu rõ quy định phạm vi điều chỉnh theo điểm c khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
2. Chương II: Quy định việc xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam, gồm 4 Điều (từ Điều 3 đến Điều 6)
Chương này quy định và hướng dẫn về trình tự, thủ tục đối với xe ô tô của người nước ngoài có tay lái ở bên phải phải thực hiện khi vào tham gia giao thông tại Việt Nam.
Quy định người lái xe phải là người nước ngoài và xe phải đi theo đoàn, có xe dẫn đường nhằm bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
Chương này còn quy định về việc xử lý vi phạm đối với người và phương tiện khi vi phạm các quy định về hoạt động giao thông đường bộ tại Việt Nam.
3. Chương III: Trách nhiệm quản lý nhà nước, gồm 7 Điều (từ Điều 7 đến Điều 13)
Nội dung chương này quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong quá trình hướng dẫn, quản lý xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam.
4. Chương IV: Điều khoản thi hành, gồm 2 Điều (Điều 14, Điều 15)
Chương này quy định về hiệu lực thi hành của Nghị định.
V. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU
1. Có ý kiến đề nghị để tạo thuận lợi cho việc hợp tác kinh tế, phát triển thương mại du lịch giữa các nước, đề nghị bỏ quy định “đi theo đoàn và có xe ô tô dẫn đường”. Tuy nhiên, vấn đề này Bộ Giao thông vận tải thấy rằng để bảo đảm an toàn khi xe của người nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thì cần phải có quy định đi theo đoàn và có xe dẫn đường, Bộ Công an cũng thống nhất cần có xe ô tô dẫn đường và đi theo đoàn. Vì vậy dự Dự thảo Nghị định vẫn giữ nguyên nội dung này.
2. Tại điểm c khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Trường hợp xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Như vậy bao hàm tất cả các loại xe ô tô, không phân biệt xe ô tô chở người và xe ô tô vận chuyển hàng hóa (xe tải). Nếu Nghị định quy định chung cho tất cả các loại xe ô tô thì loại xe tải của người nước ngoài có tay lái ở bên phải cũng được tham gia giao thông tại Việt Nam. Khi đó vấn đề bảo đảm an toàn giao thông sẽ khó khăn hơn và việc vận chuyển hàng hoá không phải để phục vụ cho hoạt động du lịch mà phục vụ cho hoạt động du lịch là lý do chính để Quốc hội thông qua quy định này trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Vì vậy tại khoản 3 Điều 2 Dự thảo Nghị định, Bộ Giao thông vận tải đã dự thảo quy định không áp dụng đối với xe ô tô vận tải hàng hoá để hạn chế không cho phương tiện xe tải của người nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam, đồng thời vì mục đích an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện, người lái xe phải là người nước ngoài.
Bộ Giao thông vận tải gửi kèm theo Tờ trình Chính phủ:
- Dự thảo Nghị định quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam, sau khi đã tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm định và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo Nghị định;
- Bản tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trên đây là những nội dung chính của Dự thảo Nghị định quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam, các nội dung xin ý kiến Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải kính trình Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.