BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4304/TTr-BNN-CB |
Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2010 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH VỀ SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH MUỐI
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh muối và xin kính trình Thủ tướng Chính phủ như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH VỀ SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH MUỐI
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, nhu cầu tiêu dùng muối trong nước, nhất là xu thế hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam cần có các quy định về sản xuất, chế biến và kinh doanh muối phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế để sản xuất muối trong nước ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu sử dụng muối cho công nghiệp, tiêu dùng và các ngành khác cả về số lượng, chất lượng.
Để khuyến khích phát triển sản xuất muối, ngày 15 tháng 7 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/1999/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển muối; ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất muối đến năm 2020. Qua quá trình thực hiện, các văn bản này đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống người làm muối. Tuy nhiên, đến nay một số chính sách đã ban hành không còn phù hợp với thực tiễn, sản xuất muối chưa đáp ứng nhu cầu muối chất lượng cao cung cấp cho ngành công nghiệp, y tế; chưa có khái niệm thống nhất muối ăn, muối thô, muối công nghiệp, muối biển, muối mỏ và quy định cụ thể cho hoạt động sản xuất, kinh doanh muối; chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đồng muối … chưa đầy đủ, thực sự khuyến khích phát triển các đồng muối công nghiệp cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm muối trên thị trường; chính sách về giá sàn muối đã ban hành nhưng không thực hiện được trong thực tế; chính sách khuyến khích phát triển sản xuất muối công nghiệp chưa rõ, nhất là thực hiện hỗ trợ của Nhà nước cho người dân sản xuất muối đã ban hành nhưng còn gặp nhiều khó khăn; chính sách về xuất nhập khẩu muối còn thiếu, chưa chủ động trong điều hành xuất nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất muối trong nước, đời sống người dân sản xuất muối; chưa có quy định trong lĩnh vực muối phù hợp với quy định hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do đó việc sửa đổi, bổ sung và nâng cao giá trị pháp lý của những văn bản này bằng Nghị định về sản xuất và kinh doanh muối (sau đây gọi tắt là Nghị định) là rất cần thiết.
Nghị định được xây dựng và ban hành nhằm tạo điều kiện tăng cường công tác quản lý ngành muối, thúc đẩy phát triển sản xuất muối, đảm bảo tiêu thụ một cách ổn định, đáp ứng nhu cầu về muối cho tiêu dùng của nhân dân, cho công nghiệp và các mục đích khác; hướng tới xuất khẩu, nâng cao giá trị của sản phẩm muối và sau muối. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, lưu thông muối và các sản phẩm sau muối trên lãnh thổ Việt Nam.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH
Việc xây dựng Nghị định về sản xuất và kinh doanh muối được tiến hành theo các quan điểm chỉ đạo sau đây:
1. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành muối nhằm ổn định, nâng cao đời sống người làm muối; nâng cao năng suất, chất lượng và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng muối trong nước, hướng tới xuất khẩu.
2. Bảo đảm sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và tính thống nhất của Nghị định trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.
3. Tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất, chế biến và kinh doanh muối.
III. QUÁ TRÌNH SOẠN THẢO VĂN BẢN
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập để xây dựng dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh muối với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực có liên quan và đăng tải xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trên website.
Dự thảo Nghị định đã được xây dựng trên cơ sở tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan; chỉnh sửa, bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, tham gia bằng văn bản của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sản xuất muối; các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực ngành muối và đăng tải xin ý kiến trên Website (xin gửi kèm theo Bản tổng hợp ý kiến và giải trình tiếp thu ý kiến góp ý). Hiện đã có 36 tổ chức cá nhân góp ý, trong đó có ý kiến góp ý của 11 Bộ Ngành, 14/19 các tỉnh sản xuất muối trong cả nước và 11 ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực ngành muối.
IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 5 Chương, gồm 29 Điều.
1. Chương I: Quy định chung
Chương này gồm 4 Điều (từ Điều 1 đến Điều 4): Quy định về phạm vi điều chỉnh, phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ: thế nào là muối, muối thô, muối tinh, muối công nghiệp, sản xuất muối, sản xuất muối thủ công, sản xuất muối công nghiệp, chế biến, kinh doanh muối và phạm vi quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh muối.
2. Chương II: Sản xuất và kinh doanh muối
Chương này gồm 9 Điều (từ Điều 5 đến Điều 13): Về quy hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh muối; những quy định đối với sản xuất muối công nghiệp, sản xuất muối thủ công, chế biến muối có quy mô công nghiệp, quy mô nhỏ; những hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh muối; các biện pháp bình ổn thị trường; dự trữ quốc gia và xuất nhập khẩu muối.
Nghị định đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc xây dựng, trình, phê duyệt, thực hiện quy hoạch; những yêu cầu cụ thể đối với sản xuất muối thủ công, sản xuất muối công nghiệp bao gồm cả về cơ sở hạ tầng, điều kiện thiên nhiên, quy trình và thiết bị công nghệ; những quy định trong chế biến có quy mô công nghiệp, quy mô nhỏ nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm và an toàn lao động đối với người sản xuất. Nghiêm cấm sử dụng muối không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất, chế biến muối gây ô nhiễm môi trường không đảm bảo vệ sinh, gây nhiễm mặn, ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp, cuộc sống người dân xung quanh vùng sản xuất muối.
Nhà nước sử dụng chính sách quản lý sản xuất, xuất nhập khẩu, dự trữ quốc gia, dự trữ lưu thông và các biện pháp khác linh hoạt để phát triển ngành muối ổn định, đáp ứng nhu cầu của xã hội, can thiệp nhằm bình ổn thị trường muối khi có sự biến động lớn, ảnh hưởng đến đời sống người sản xuất, chế biến muối.
Về xuất nhập khẩu muối, Nghị định quy định về kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu. Mọi tổ chức, cá nhân có giấy phép kinh doanh, địa điểm, các yêu cầu kỹ thuật, trang thiết bị bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường đều được tham gia kinh doanh, xuất, nhập khẩu muối ngoài hạn ngạch thuế quan. Muối nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan phải là muối có chất lượng cao sử dụng cho các nhu cầu của ngành y tế, công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất công nghiệp khác mà trong nước chưa sản xuất được, có nhu cầu sử dụng muối trong sản xuất phù hợp với quy định của Nhà nước thì được cấp hạn ngạch nhập khẩu muối.
3. Chương III: Chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh muối
Chương III gồm 6 Điều (từ Điều 14 đến Điều 19): Quy định về các chính sách đất đai, thuế, đầu tư (ngân sách, tín dụng), khoa học công nghệ, đào tạo nghề và xúc tiến thương mại.
Nhà nước ưu tiên đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông muối; hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, thông tin, tập huấn, khuyến diêm và xúc tiến thương mại.
Ngân sách nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng đồng muối, như: Đê bao, trạm bơm, hệ thống cống, kênh mương cấp nước biển, hệ thống cống, kênh mương thoát lũ, công trình giao thông, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi đầu tư xây dựng đồng muối công nghiệp mới.
Về tín dụng, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho diêm dân trong đầu tư xây dựng nội đồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; cho những nhà đầu tư trong sản xuất, chế biến muối với quy mô sản xuất công nghiệp, có hiệu quả cao về mặt kinh tế, xã hội.
Những chính sách trên đã kế thừa những chính sách đã ban hành, thực hiện trong ngành muối trước đây và có cập nhật, bổ sung một số chính sách có liên quan do Nhà nước ban hành trong thời gian gần đây.
4. Chương IV: Trách nhiệm quản lý nhà nước
Chương IV gồm 8 Điều (từ Điều 20 đến Điều 27): Quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương về sản xuất và kinh doanh muối. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất, chế biến muối. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm muối. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm điều tiết lưu thông muối trong từng thời kỳ; bảo đảm cân đối cung cầu, phát triển ổn định thị trường; quy hoạch nhà máy hóa chất có sử dụng muối làm nguyên liệu cho sản xuất; quản lý xuất nhập khẩu muối. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về môi trường các cơ sở sản xuất, chế biến muối và kế hoạch sử dụng đất dùng trong sản xuất và kinh doanh muối. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh muối trên địa bàn địa phương. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước trong sản xuất và kinh doanh muối.
5. Chương V: Điều khoản thi hành
Chương V gồm 2 Điều (từ Điều 28 đến Điều 29): Quy định về trách nhiệm và hiệu lực thi hành Nghị định.
(Xin trình kèm theo dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh muối).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về sản xuất và kinh doanh muối.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.