VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2015 |
Ngày 22 tháng 01 năm 2015, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014, nhiệm vụ giải pháp năm 2015 và định hướng kế hoạch 05 năm 2016-2020. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Ban Chỉ đạo), các đồng chí thành viên và cố vấn của Ban Chỉ đạo, Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng Điều phối các cấp: Trung ương, tỉnh và huyện.
Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) năm 2014, nhiệm vụ giải pháp năm 2015 và định hướng về kế hoạch 05 năm 2016-2020, ý kiến tham luận của Lãnh đạo các địa phương và các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp của toàn thể nhân dân. Đảng có rất nhiều nghị quyết về vấn đề này, trong đó Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực.
Quán triệt Nghị quyết Trung ương, Chính phủ đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó đề ra 19 tiêu chí thể hiện trên tất cả các mặt kinh tế xã hội và đời sống nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng, văn hóa, giáo dục, y tế, việc làm, giảm nghèo, môi trường, đời sống, sản xuất, thu nhập của người nông dân; bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn nông thôn; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn nông thôn; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chính là nội dung cụ thể trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn; tái cơ cấu nông nghiệp; là nội dung cụ thể của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; việc xây dựng nông thôn mới với các chỉ tiêu tổng hợp cũng chính là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện và chăm lo đời sống nhân dân, phát triển bền vững trên địa bàn nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ nhất trí, đánh giá cao với nội dung Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo. Hơn 04 năm qua. Chính phủ cùng các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền cùng cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân đã chung vai, góp sức thực hiện Chương trình và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên nhiều chuyển biến mới trong nông nghiệp, nông thôn. Chương trình đã đưa ra hệ thống cơ chế, chính sách khá đồng bộ; các tiêu chí về nông thôn mới được tiếp tục hoàn thiện, từ đó đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình; cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; nhân dân nhận thức đây là phong trào của chính mình, mang lại lợi ích thiết thực không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài và trở thành phong trào sâu rộng với nhiều mô hình tốt, cách làm tốt. Đến nay, số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 là 785 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 8,8 %), 1.285 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí/xã so với năm 2010. Dự kiến đến hết 2015 sẽ có khoảng 1.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt được mục tiêu đề ra là 20 %). Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn những năm qua có những bước phát triển tích cực, đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, thu nhập của người dân năm 2014 so với năm 2010 tăng khoảng 2 lần; hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; bộ mặt nông thôn được thay đổi căn bản, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng tích cực, kinh tế nông thôn có cả công nghiệp, dịch vụ ngay trên địa bàn. Đời sống nhân dân được nâng cao, an ninh trật tự, hệ thống chính trị được giữ vững, tạo tiền đề cho năm 2015 và giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Chương trình trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung khắc phục như: Sự quan tâm thực hiện Chương trình có nơi, có lúc thiếu sâu sát, thiếu thường xuyên và chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác chỉ đạo, điều hành sử dụng vốn của một số địa phương còn kém hiệu quả, còn trông chờ vào nguồn lực của Trung ương, việc chủ động huy động các nguồn lực xã hội còn hạn chế; kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới còn chưa đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các địa phương và vùng miền; một số cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chưa sát thực tế và còn có mặt hạn chế, chưa hấp dẫn, chậm được điều chỉnh, bổ sung (chính sách liên kết, vay tín dụng, khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, đào tạo nghề ...).
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Cơ bản nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nêu trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo. Để phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu năm 2015 và giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ lưu ý trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt một số công tác trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc việc thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chính là cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trực tiếp góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, tạo thành phong trào trong mọi tầng lớp quần chúng; phải có chương trình, kế hoạch, lộ trình hành động cụ thể; có kiểm tra, đôn đốc, có sơ kết rút kinh nghiệm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tốt trong xây dựng nông thôn mới; địa phương nào có cán bộ thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ cần phải thay thế ngay; khẩn trương xây dựng kế hoạch Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, làm căn cứ để các địa phương đưa vào văn kiện đại hội Đảng các cấp.
2. Các Bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung các chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đảm bảo thực hiện có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, tập trung vào một số chính sách sau:
- Chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, để tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị gia tăng nhằm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học tạo ra những đột phá trong nghiên cứu giống mới có giá trị cao. Đây là chính sách mang tính quyết định, nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân;
- Chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và đầu tư sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn (đất đai, thuế, hỗ trợ hạ tầng ...) để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu lao động trên địa bàn nông thôn;
- Chính sách liên kết hợp tác đa dạng giữa hộ nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác để nông dân tiếp cận nhanh với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, với thị trường, giải quyết hiệu quả đầu ra cho nông dân;
- Chính sách dạy nghề tạo việc làm cho lao động nông thôn theo hướng: (1) ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng suất chất lượng công việc của người lao động tại chỗ làm nông nghiệp; (2) đào tạo ngành nghề mới để người lao động có thể chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động làm việc cho doanh nghiệp và lao động tham gia các hoạt động liên kết với doanh nghiệp;
- Chính sách tín dụng phải đẩy mạnh và tăng thêm hỗ trợ cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo, đồng thời Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò chủ lực, tăng cường, hỗ trợ hiệu quả cho các hộ vay phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;
- Chính sách, cơ chế đặc thù gắn với Chương trình giảm nghèo nhằm hỗ trợ, ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy sự phát triển của các vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, bãi ngang, ven biển, hải đảo).
3. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, yêu cầu các Bộ, ngành xem xét, tính toán để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho Chương trình, đồng thời các địa phương chủ động trong việc huy động ngân sách địa phương, các nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, thực hiện xã hội hóa và lồng ghép Chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
4. Tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí về nông thôn mới; phải xác định rõ được nhóm tiêu chí cơ bản (thu nhập, giảm hộ nghèo, y tế, giáo dục...), hướng dẫn các địa phương theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là vùng khó khăn, đặc thù nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn của các tiêu chí, tránh hình thức, chạy đua theo thành tích, để đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân. Đối với những xã, huyện đã đạt 19 tiêu chí, phải tiếp tục phấn đấu, vươn lên để giữ vững, duy trì và phát triển nông thôn bền vững, tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung của đất nước. Trong thời gian tới, yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục xem xét, đưa ra những mức phấn đấu cao hơn để tạo động lực phát triển mới cho những xã đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.
5. Các cấp ủy Đảng, Nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể phải xem Chương trình xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, từ đó vận động nhân dân thực hiện, đưa phong trào ngày hiệu quả hơn, thực sự là phong trào thi đua lành mạnh của nhân dân, của quần chúng, qua đó đem lại lợi ích thiết thực cho chính người dân. Đồng thời hết sức lưu ý đến việc nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong xây dựng nông thôn mới cũng như kịp thời khen thưởng các điển hình tiên tiến.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA CÁC TỈNH
Về các khó khăn, kiến nghị của các địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới như về chính sách môi trường nông thôn; điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới; đổi mới chính sách tín dụng cho nông dân; bổ sung hướng dẫn cơ chế đặc thù cho vùng khó khăn; chính sách liên kết nông dân và doanh nghiệp; bổ sung tiêu chí huyện, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; chính sách về kinh tế trang trại...: Giao Thường trực Ban Chỉ đạo khẩn trương tổng hợp, nghiên cứu, bổ sung vào Chương trình công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành theo thẩm quyền để bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách nêu trên, hướng dẫn địa phương thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Về việc tăng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2015-2016: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, đề xuất nguồn phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.