VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 383/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, TÁI ĐỊNH CƯ VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG PHỤC VỤ TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN MỞ RỘNG QUỐC LỘ 1 VÀ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐOẠN QUA KHU VỰC TÂY NGUYÊN.
Ngày 15 tháng 9 năm 2014, tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ triển khai các Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; đại diện các Bộ: Tài chính, Công an; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước; lãnh đạo các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần viễn thông FPT; đại diện một số Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải và một số Nhà đầu tư BOT.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ triển khai các Dự án mở rộng quốc lộ 1 và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số địa phương và các Bộ tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Các Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên là công trình trọng điểm quốc gia, được Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, yêu cầu phải hoàn thành vào cuối năm 2016. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, vì vậy đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương.
Trong điều kiện vừa khai thác, vừa thi công, công trình có quy mô lớn, trải dài trên 1.500 km, đi qua 23 tỉnh, thành phố có mật độ dân cư sống hai bên đường đông đúc, với khối lượng GPMB, tái định cư rất lớn (khoảng 84.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có gần 5.300 hộ cần phải bố trí vào khu tái định cư tập trung; đi dài hàng ngàn km công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, cáp quang, viễn thông...). Với sự nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, các Bộ ngành Trung ương, các Tập đoàn: EVN, VNPT, Viettel, Công ty FPT, đặc biệt là sự ủng hộ, chấp hành chủ trương, chính sách của người dân, đến nay công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng tiến độ các Dự án.
1. Về những kết quả đạt được trong công tác GPMB
Qua hơn một năm triển khai công tác GPMB, trong điều kiện có nhiều khó khăn phức tạp, nhưng với nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, kết quả GPMB các Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên được đánh giá là nhanh nhất từ trước đến nay so với các dự án công trình giao thông đã thực hiện.
Đến nay, đã bàn giao mặt bằng được 1505/1510 Km, có 20/22 tỉnh đã cơ bản bàn giao 100% (trong đó 5/5 tỉnh trên đường Hồ Chí Minh và 15/17 tỉnh trên quốc lộ 1). Nhìn chung các địa phương đã hoàn thành tốt công tác GPMB, tiêu biểu là các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đồng Nai, Cần Thơ, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Ninh Bình. Còn 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên hiện đang vướng một số vị trí chưa bàn giao xong do một số khó khăn vướng mắc đặc thù.
Công tác bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng cơ bản đã hoàn thành, được xử lý linh hoạt theo nhiều phương án: bố trí vào khu tái định cư tập trung, tái định cư xen ghép, hỗ trợ tiền thuê nhà trong quá trình hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư... Việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật được triển khai đồng bộ với việc bàn giao mặt bằng.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương, sự cố gắng, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là lòng yêu nước, trách nhiệm công dân cao cả của mỗi người dân; sự nghiêm minh, công bằng, công khai minh bạch, quan tâm đến quyền lợi của người dân trong thực thi nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Một số nhiệm vụ tiêu biểu đã được thực hiện tốt như sau:
- Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên họp giao ban, trực tiếp kiểm tra hiện trường, kịp thời tháo gỡ cụ thể những vướng mắc cho các địa phương và các Bộ ngành.
- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng vốn ngân sách nhà nước trước khi phát hành vốn trái phiếu Chính phủ để kịp thời thực hiện công tác GPMB; đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thẩm định việc hỗ trợ tạm ứng vốn cho các địa phương gặp khó khăn trong quá trình xây dựng khu tái định cư.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời hướng dẫn về cơ chế chính sách GPMB như chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông, lâm nghiệp để GPMB xây dựng các công trình giao thông và trả lời những vướng mắc của các địa phương về thủ tục đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Bộ Giao thông vận tải là cơ quan trực tiếp quyết định đầu tư và quản lý các dự án, đã làm tốt một số công việc sau:
+ Theo dõi, cập nhật thường xuyên tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc, chỉ đạo, khen thưởng kịp thời;
+ Các lãnh đạo Bộ phụ trách từng dự án thường xuyên họp giao ban với các địa phương, chủ động phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh.
+ Trên cơ sở các phương án bồi thường, GPMB và đề xuất hỗ trợ xây dựng khu tái định cư của các địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì rà soát, tổng hợp, đề xuất ứng vốn kịp thời phục vụ công tác GPMB.
+ Phối hợp với các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật tháo gỡ các thủ tục về cấp phép và tổ chức di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với tiến độ bàn giao mặt bằng.
- Các tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và đối thoại thường xuyên để người dân đồng thuận, chấp hành bàn giao mặt bằng; phối hợp tốt trong công tác đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công Dự án.
2. Công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công:
Trong thời gian qua, công tác đảm bảo giao thông trên toàn tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt, không có tình trạng ách tắc giao thông kéo dài, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do ảnh hưởng của việc thi công các dự án.
Đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng của địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, các cơ quan thông tấn báo chí và các đơn vị liên quan (Ban Quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công) trong công tác đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công các dự án.
3. Về một số tồn tại:
- Đối với địa phương:
+ Trong giai đoạn đầu triển khai công tác GPMB, một số địa phương chưa chủ động, chưa có sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu (Bí thư và Chủ tịch UBND các cấp), toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương chưa thực sự vào cuộc, nhân sự bố trí cho công tác GPMB chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu và yếu. Có địa phương thực hiện chưa tốt, để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
+ Một số địa phương còn lúng túng, chưa chủ động huy động các nguồn vốn để xây dựng khu tái định cư, công tác phê duyệt phương án GPMB ở một số địa phương còn chậm, việc rà soát đề xuất hỗ trợ xây dựng khu tái định cư còn chậm, chưa đầy đủ.
+ Công tác quản lý hồ sơ, quản lý đất đai của một số địa phương còn chưa tốt, quá trình thực hiện gặp phải khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, áp giá đền bù cho người dân.
+ Công tác bảo vệ mặt bằng thi công ở một số địa phương còn chưa tốt, dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm, gây khó khăn cho đơn vị thi công.
- Chủ công trình hạ tầng kỹ thuật chưa chủ động, quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ di dời công trình của đơn vị mình, chưa chủ động bố trí kinh phí và tổ chức di dời theo đúng cam kết với cơ quan quản lý hạ tầng giao thông khi xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Việc thu xếp vốn, đặc biệt đối với các dự án BOT, các nhà đầu tư chưa kịp thời chi trả cũng là một trong những nguyên nhân chậm trễ công tác GPMB tại một số dự án.
- Tại một số dự án, một số gói thầu trong giờ cao điểm còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Nguyên nhân do việc tổ chức thi công chưa hợp lý, lực lượng tư vấn giám sát còn mỏng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, ban ngành của địa phương, cũng như sự phối hợp đồng bộ với lực lượng công an, thanh tra giao thông...
Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB và đảm bảo an toàn giao thông các dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, chúng ta rút ra được một số kinh nghiệm như sau:
- Công tác GPMB có đặc thù rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm do ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và quyền lợi của người dân, vì vậy để làm tốt được công tác này cần phải có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
- Phải tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về chủ trương đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội để người dân đồng lòng ủng hộ, chấp hành bàn giao mặt bằng.
- Các Bộ, ngành kịp thời tham mưu và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, có hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện công tác GPMB.
- Đối với địa phương: Quán triệt ý nghĩa quan trọng của việc đầu tư xây dựng các dự án đối với kinh tế - xã hội và dân sinh để từ đó yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các sở, ban ngành; yêu cầu có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, khen thưởng và kỷ luật kịp thời. Cần có sự chỉ đạo quyết liệt, dứt khoát của người đứng đầu; nắm bắt tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đối thoại trực tiếp với người dân để giải thích về cơ chế chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước; đồng thời áp dụng các biện pháp hành chính kịp thời, đảm bảo kỷ cương, phép nước.
- Vốn cho công tác GPMB cần được bố trí kịp thời để chi trả cho người dân bị ảnh hưởng.
- Sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu đúng pháp luật, đồng tình ủng hộ là một yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành công tác GPMB và giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
- Thực hiện linh hoạt nhiều hình thức tái định cư (tự nguyện, tập trung, xen ghép...) và chủ động bố trí kinh phí xây dựng các khu tái định cư với quy mô phù hợp. Công tác xây dựng các khu tái định cư tập trung cần được thực hiện sớm để đáp ứng tiến độ GPMB.
- Kịp thời chỉ đạo, phối hợp và yêu cầu các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật chủ động bố trí kinh phí và tổ chức di dời theo đúng cam kết với cơ quan quản lý hạ tầng giao thông khi xây dựng các công trình này.
- Các đơn vị thi công có vai trò quan trọng trong thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng; khi có mặt bằng cần tổ chức thi công ngay để tránh tình trạng tái lấn chiếm, đồng thời tạo áp lực trong việc bàn giao mặt bằng.
- Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công: Tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông của Trung ương Đoàn và các cơ quan báo chí, truyền thông; đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Thanh tra giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông và các cấp chính quyền cơ sở; kịp thời sửa chữa mặt đường của đơn vị quản lý đường bộ; việc kiểm tra giám sát của Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát và tổ chức đảm bảo an toàn giao thông của Nhà thầu thi công.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẦN TIẾP TỤC TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN TỚI
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư các Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên đã được cơ bản thực hiện xong. Qua các bài học kinh nghiệm nêu trên, yêu cầu các Bộ, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và Phú Yên khẩn trương tổ chức giải phóng mặt bằng, bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 10/2014.
Các địa phương tiếp tục rà soát từng vị trí để xử lý dứt điểm các tồn tại về mặt bằng; trong thực thi công vụ phải thực hiện đúng chế độ chính sách của Nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tư lợi cá nhân, đồng thời không để phát sinh khiếu kiện; rà soát chuyển đổi nghề nghiệp cho các cá nhân, hộ gia đình tái định cư để đảm bảo cuộc sống của người dân; đảm bảo cung cấp điện, nước sinh hoạt trong các khu tái định cư, bảo đảm cuộc sống của người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quyết toán xây dựng các khu tái định cư đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của nhà nước, với mức giá hợp lý.
Các địa phương cần có quy hoạch hệ thống hạ tầng dùng chung (như đường điện, cáp viễn thông, cấp nước...) để hạn chế tình trạng lãng phí trong đầu tư hạ tầng.
2. Các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
3. Bộ Giao thông vận tải:
- Tiếp tục chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, Chủ đầu tư, Nhà đầu tư tích cực cùng với chính quyền địa phương tại các Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đã giải phóng mặt bằng xong hoặc đang còn tồn tại để khẩn trương thi công, bảo vệ mặt bằng và phối hợp giải quyết dứt điểm để hoàn thành bàn giao mặt bằng đảm bảo tiến độ thi công.
- Phát huy tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sự chủ động như đã làm tại các Dự án mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh để áp dụng vào các dự án giao thông khác.
- Chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, các Nhà đầu tư, nhà thầu Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, tổ chức thi công các dự án đảm bảo chất lượng, an toàn, hoàn thành toàn bộ các dự án vào cuối năm 2015 (sớm hơn 01 năm so với kế hoạch).
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông trong suốt quá trình thực hiện dự án.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát các dự án công trình giao thông trong cả nước để ưu tiên kịp thời giao vốn ngân sách phục vụ công tác GPMB cho các công trình trọng điểm, cấp bách để phát huy hiệu quả đầu tư.
5. Yêu cầu các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật (EVN, VNPT, Viettel, FPT, các chủ công trình nước sinh hoạt) tiếp tục tích cực phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Phú Yên, Bình Định, các Ban Quản lý dự án, các Chủ đầu tư, chủ động bố trí kinh phí và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ di dời công trình trong phạm vi GPMB, hoàn thành dứt điểm trong tháng 10/2014.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.