VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 341/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA TẠI CUỘC HỌP VỚI BỘ QUỐC PHÒNG VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM, CHỐNG BUÔN LẬU CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG VÀ CẢNH SÁT BIỂN
Ngày 20 tháng 8 năm 2014, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chủ trì cuộc họp với Bộ Quốc phòng về công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Văn phòng Chính phủ; Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục Quản lý thị trường. Sau khi nghe Bộ Quốc phòng báo cáo, báo cáo bổ sung của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và ý kiến của các đồng chí dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia có ý kiến kết luận như sau:
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên cả nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp và trên các lĩnh vực, địa bàn rất nghiêm trọng, trở thành vấn nạn lớn. Tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng bầy bán tràn lan, công khai ở các địa bàn, cửa hàng... Tình trạng này tác động xấu tới môi trường kinh doanh, sức khỏe của nhân dân và hình ảnh quốc gia trong con mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
1. Về công tác phòng chống tội phạm và chống buôn lậu:
Biểu dương Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, tích cực trong chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống tội phạm nói chung và công tác chống buôn lậu nói riêng, đạt được kết quả tích cực, góp phần bảo vệ chủ quyền, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo 1389 của Bộ Quốc phòng về thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; phòng, chống tham nhũng; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân thành lập Ban Chỉ đạo cấp mình. Trong 7 tháng đầu năm 2014, lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng đã phát hiện, bắt giữ 1.472 vụ buôn lậu, xử phạt hành chính 675 vụ, chuyển cơ quan chức năng xử lý 503 vụ, khởi tố 25 vụ với 36 bị can và đang điều tra, xác minh 25 vụ; phát hiện, bắt giữ 854 vụ vận chuyển ma túy.
Tuy nhiên, tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn trên các tuyến vẫn diễn ra hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi và nghiêm trọng (đặc biệt là tuyến biên giới Việt - Lào); buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, hàng điện tử trên các tuyến đường biển phía Đông Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam và buôn lậu thuốc lá, rượu, gỗ, đường... trên tuyến biên giới ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, An Giang vẫn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do:
a) Nước ta có đường biên giới đường bộ và đường biển dài, địa hình phức tạp, sức cạnh tranh hàng hóa trong nước còn hạn chế. Phương tiện, điều kiện làm việc của các lực lượng chức năng chưa đáp ứng yêu cầu.
b) Một số nơi, người đứng đầu địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tác hại của buôn lậu nên chưa tích cực chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vụ việc buôn lậu chưa kiên quyết, kịp thời.
c) Công tác thông tin tuyên truyền chưa tốt, chưa sâu để nhân dân đồng thuận ủng hộ, thấy rõ tác hại của buôn lậu và không tiếp tay, vận chuyển, mua bán hàng lậu.
d) Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng chức năng trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu; việc kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ chưa thường xuyên.
đ) Một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng, còn nhiều sơ hở, bất cập bị các đối tượng lợi dụng.
e) Một số nơi, người đứng đầu địa phương, đơn vị vì lợi ích cục bộ buông lỏng; đáng lưu ý còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thừa hành nhiệm vụ chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình, thiếu tinh thần trách nhiệm đã để cho buôn lậu hoạt động.
2. Để làm tốt công tác phòng chống tội phạm và chống buôn lậu, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
a) Phải nhận thức rõ buôn lậu tác động tiêu cực đến nền kinh tế và gắn liền với tệ nạn tham nhũng; xác định công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu là nhiệm vụ thường xuyên để tiếp tục quán triệt sâu rộng đến từng cấp ủy, đơn vị, toàn quân nhận thức rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác này.
b) Chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu, các đường mòn lối mở khu vực biên giới và các vùng biển; phối hợp tốt với các lực lượng chức năng (Hải quan, Công an) để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng buôn lậu. Đặc biệt, lực lượng Bộ đội Biên phòng tập trung phối hợp với lực lượng Công an triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy lớn tại các tuyến, địa bàn trọng điểm (Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình).
c) Rà soát mô hình tổ chức, bố trí cán bộ, chiến sĩ có đủ năng lực, phẩm chất, điều động luân chuyển hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để phòng, chống các biểu hiện tiêu cực; tạo điều kiện về trụ sở, phương tiện, có cơ chế khuyến khích tinh thần và vật chất để động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ, chiến sĩ có vi phạm. Người đứng đầu đơn vị nào để xảy ra buôn lậu trên địa bàn phụ trách phải bị xem xét, xử lý và chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước.
d) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chuyên trách chống buôn lậu.
Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và lực lượng để Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
đ) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu.
e) Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác chống buôn lậu. Làm tốt dự báo tình hình và xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với các lực lượng liên quan để đấu tranh có hiệu quả trên các tuyến, địa bàn và triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm và các loại mặt hàng có thuế suất cao như rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản, gỗ...
g) Tăng cường phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển các nước láng giềng nhằm đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu quốc tế; thực hiện hợp tác quốc tế để góp phần giữ gìn an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển.
h) Chủ động phối hợp với các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án buôn lậu.
i) Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân thấy rõ tác hại buôn lậu và không tiếp tay, vận chuyển, mua bán hàng lậu.
k) Các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của buôn lậu; lên án những hành vi sai trái, biểu dương các đơn vị, cá nhân làm tốt công tác này kịp thời.
3. Về các kiến nghị của Bộ Quốc phòng:
a) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động tạm nhập - tái xuất, cửa hàng miễn thuế..., không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu.
b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi quy trình, rút ngắn thời gian công nhận Thương binh, Liệt sĩ đối với các chiến sĩ bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, quản lý chặt các doanh nghiệp kinh doanh mua bán, chế biến than, quặng các loại để kịp thời phát hiện, xử lý loại bỏ các doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện; phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng rà soát các cửa khẩu phụ, lối mở khu vực biên giới, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, không vì lợi ích cục bộ mà làm phương hại lợi ích quốc gia.
d) Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ thống kê, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ vướng mắc cho các lực lượng chức năng trong quá trình thực thi công vụ; báo cáo Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.