VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 329/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2014 |
Ngày 30 tháng 7 năm 2014, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chủ trì Hội nghị thực hiện chính sách đặc thù và củng cố chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Công thương, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế; lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Định và lãnh đạo một số huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên.
Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và kết quả triển khai thực hiện Công văn số 588/TTg-ĐP ngày 20 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý cơ chế, chính sách đối với các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên (Công văn số 588); Lãnh đạo Bộ Nội vụ báo cáo về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định số 124) và ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị, đồng chí Trần Đại Quang kết luận như sau:
I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG VĂN SỐ 588/TTg-ĐP CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước, đồng thời có những cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; tạo nguồn lực giúp các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và toàn vùng, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước gắn với yêu cầu phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách đối với các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên (Công văn số 588) là một trong những chính sách đặc thù quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Cho tới nay, việc triển khai các cơ chế, chính sách này đã mang lại kết quả tích cực, góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân trong vùng.
Trong 5 năm qua, ngân sách Trung ương đã ưu tiên bố trí cho các huyện miền núi giáp Tây Nguyên số vốn đáng kể từ nguồn kinh phí đặc thù hỗ trợ mục tiêu theo Công văn số 588. Số kinh phí trên đã được đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như: Xây dựng trụ sở làm việc của xã, đường giao thông nông thôn, các công trình cấp điện, nước sạch, công trình thủy lợi, nhà văn hóa cộng đồng...; hỗ trợ người dân kinh phí lắp đặt công tơ điện, mua nông cụ, máy chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng mạng lưới truyền thanh cơ sở; hỗ trợ thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn và thực hiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, giáo dục từ miền xuôi lên công tác lâu dài tại các huyện miền núi. Nguồn lực hỗ trợ trên đã được các huyện miền núi phân bổ và sử dụng hợp lý, đúng mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, do những bất cập, hạn chế cả về khách quan và chủ quan, trong đó có việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan với Ủy ban nhân dân các tỉnh trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chưa chặt chẽ, nên hiệu quả của các cơ chế, chính sách này chưa cao. Một số Bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc triển khai Công văn số 588 ở các nội dung liên quan, dẫn đến việc triển khai ở các địa phương gặp khó khăn, lúng túng; nhiều đề án lập và phê duyệt chậm; một số huyện chưa tiếp cận được đầy đủ nguồn lực thực hiện chính sách, làm giảm hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đây là bài học kinh nghiệm về sự phối hợp triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 124 phê duyệt Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020. Bộ Nội vụ đã ban hành Kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đòi hỏi phải triển khai cụ thể, chi tiết, trong đó cần ưu tiên một số vấn đề sau:
1. Đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 124 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối hợp, hướng dẫn cụ thể để các địa phương tổ chức thực hiện. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện được thụ hưởng xây dựng kế hoạch chi tiết và sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ để thực hiện có hiệu quả công tác này.
2. Trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cần hết sức quan tâm đến việc quy hoạch tạo nguồn cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng yêu cầu về cán bộ, công chức cho nhiệm kỳ 2016 - 2021 và những năm tiếp theo. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức được điều động về các địa bàn khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi thuộc các tỉnh giáp Tây Nguyên, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng cao, khu vực biên giới. Xây dựng chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định.
3. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã; phấn đấu đến năm 2020, cơ bản các xã, phường, thị trấn vùng Tây Nguyên và các huyện miền núi thuộc các tỉnh giáp Tây Nguyên có trụ sở làm việc được kiên cố hóa, bảo đảm mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị cấp xã có phòng làm việc riêng và được trang bị phương tiện, điều kiện làm việc tối thiểu.
4. Để đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, trước hết phải đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cử tuyển, tăng cường thu hút học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường cao đẳng, đại học... Các địa phương cần có định hướng ưu tiên đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật là người dân tộc thiểu số đối với các ngành: nông, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa và một số ngành nghề quan trọng khác.
Các học viện, các trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công an, Quốc phòng, các trường văn hóa nghệ thuật cần mở rộng quy mô, số lượng và ngành nghề cử tuyển đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tăng cường tuyển sinh, đào tạo sinh viên dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đào tạo giáo viên, bác sỹ, cán bộ y tế, kỹ sư nông lâm. Riêng lĩnh vực giáo dục và y tế, cần nghiên cứu mở rộng chính sách hợp đồng đào tạo theo địa chỉ, phù hợp với các quy định hiện hành.
Cần xây dựng và thực hiện nhất quán chính sách ưu tiên đào tạo và bố trí việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các huyện miền núi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp về địa phương công tác.
5. Đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các huyện miền núi trước đây đã được hưởng chính sách theo Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Một số giải pháp củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002 - 2010" được tiếp tục thụ hưởng chính sách theo Quyết định 124 của Thủ tướng Chính phủ.
III. VỀ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên là địa bàn đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, văn hóa xã hội và quốc phòng, an ninh. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, đế xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù mới để Tây Nguyên có thêm nguồn lực hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng và Chính phủ đặt ra cho Vùng.
Thực trạng kinh tế - xã hội các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có nhiều mặt tương đồng với các huyện ở Tây Nguyên, thậm chí có nơi còn khó khăn hơn. Vì vậy, cần ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện cho các huyện miền núi phát triển ổn định, từng bước thu hẹp khoảng cách so với các huyện khác trong khu vực; trong đó cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép các huyện miền núi giáp Tây Nguyên được áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù như ở Tây Nguyên.
2. Đề nghị các Bộ, ngành quan tâm đến các đề xuất, kiến nghị của các tỉnh và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên, trước mắt cần tập trung chỉ đạo xây dựng một số chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội ở các huyện miền núi; có chính sách đặc biệt hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
3. Đề nghị các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tăng suất đầu tư về giao thông và thủy lợi phù hợp với đặc điểm địa lý tự nhiên của địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu; đầu tư xây dựng các hồ chứa, đập dâng để tích nước, hoàn thiện hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu.
4. Đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cường chỉ đạo thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, phục vụ tốt cho việc chống hạn và cắt lũ cho vùng hạ du; trồng rừng bù lại diện tích rừng bị mất do xây dựng thủy điện và xử lý một số vấn đề bức xúc về môi trường; tiếp tục giải quyết đền bù, hỗ trợ tái định canh, định cư nhằm ổn định sản xuất, đời sống của người dân ở các vùng dự án; sớm triển khai Chương trình cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện giai đoạn 2014 - 2020 ở các huyện miền núi.
5. Về công tác an sinh xã hội, đề nghị các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và các doanh nghiệp khác tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo của các huyện nghèo trong khu vực với khả năng cao nhất.
6. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5236/VPCP-V.III ngày 11 tháng 7 năm 2014 về cơ chế, chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ủy ban Dân tộc, Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá, các chính sách đã ban hành trên địa bàn. Về nội dung cơ chế, chính sách này, đề nghị các bộ, ngành tập trung nghiên cứu, đề xuất theo hướng sau đây:
a) Hỗ trợ các địa phương phát huy lợi thế về đất đai, đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa, trong đó ưu tiên phát triển cây công nghiệp dài ngày; nghiên cứu xây dựng chính sách đồng bộ về sản xuất, tiêu thụ cà phê; phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc; gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
b) Khuyến khích và hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện chủ trương liên kết vùng, trọng tâm là liên kết sử dụng tài nguyên rừng, tài nguyên nước; ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại; liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai mô hình thử nghiệm cơ chế chính sách liên kết đối với một số lĩnh vực, ngành hàng: cà phê, cao su, chè, hồ tiêu và một số ngành hàng cụ thể khác.
c) Khuyến khích và hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên, xây dựng các thương hiệu đủ sức cạnh tranh trong thị trường nội địa và quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống và nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, cung cấp máy móc, thiết bị, công nghệ với giá thành rẻ, chất lượng tốt phục vụ trực tiếp cho người dân.
d) Khuyến khích và hỗ trợ thiết lập các hình thức kết nghĩa, hợp tác giữa các xã, huyện, tỉnh biên giới Tây Nguyên với các xã, huyện, tỉnh biên giới của Nam Lào, Đông Bắc Campuchia trên lĩnh vực xây dựng nông thôn và giảm nghèo.
- Các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận khẩn trương triển khai, có giải pháp cụ thể tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
- Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung kết luận tại Hội nghị này.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.