VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 271/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ DỰ ÁN "XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT-ĐỨC", HIỆP ĐỊNH GIỮA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA PHÁP VỀ THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HÀ NỘI, CƠ CHẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC ĐỐI VỚI DỰ ÁN XÂY DỰNG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CHẤT LƯỢNG CAO SỬ DỤNG VỐN VAY NƯỚC NGOÀI
Ngày 23 tháng 08 năm 2010, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án "Xây dựng Trường Đại học Việt - Đức", Hiệp định giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp về việc thành lập và phát triển Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, cơ chế tài chính trong nước đối với dự án xây dựng các trường đại học chất lượng cao sử dụng vốn vay nước ngoài. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Công an, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo, ý kiến của các đại diện Bộ, ngành và ý kiến của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
1. Thời gian qua, giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, trong thời gian tới, công tác đào tạo nguồn nhân lực phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, có tính quyết định, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt và giành đủ nguồn lực trong nước kết hợp với tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác của quốc tế để thực hiện, nhất là đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
2. Để củng cố và phát triển giáo dục đại học của nước ta, chủ yếu là dựa trên các cơ sở đào tạo đại học hiện có, nhất là các trường có uy tín, truyền thống, có đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất tương đối khá …
Trên cơ sở các trường này, cần đẩy mạnh đầu tư và tăng cường hợp tác, liên kết với các trường đại học có uy tín của nước ngoài để nâng cấp từng ngành, nhóm ngành; từng khoa, nhiều khoa và toàn bộ trường lên đẳng cấp quốc tế (được công nhận tương đương, được cấp bằng của một trường đại học quốc tế có tên tuổi, sinh viên ra trường không những làm việc được ở trong nước, mà còn đủ trình độ làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực được đào tạo …). Hiện nay, theo báo cáo đã có 35 chương trình tiên tiến đã được thực hiện trong các trường đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng chương trình nâng cấp, phát triển đại học đến 2015-2020, trong đó xác định rõ số lượng các khoa, trường sẽ đạt được đẳng cấp quốc tế trong từng thời kỳ, đồng thời đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết, có hiệu quả của nhà nước cho việc này, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2010.
3. Về Trường Đại học Việt - Đức: việc đầu tư xây dựng các trường đại học có chất lượng cao với sự hợp tác, hỗ trợ của nước ngoài, trong đó có Trường Đại học Việt Đức là quá trình thực hiện Đề án xây dựng trường đẳng cấp quốc tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2006. Nhà nước đã vay vốn Ngân hàng Thế giới giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai xây dựng Trường Đại học Việt - Đức. Đây là khoản vốn vay lớn, tính chất ưu đãi cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung chỉ đạo để thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, không để lãng phí, thất thoát. Cần sớm thành lập Ban quản lý dự án theo quy định để tiến hành xây dựng cơ sở vật chất; đồng thời xây dựng cơ chế tài chính cụ thể cho trường, trong đó xác định rõ mức thu học phí, các khoản giúp đỡ hỗ trợ từ phía bạn (rà soát lại việc hợp tác với phía Đức trong thời gian qua; đàm phán, thuyết phục bạn làm rõ thêm, cụ thể hóa những khoản hỗ trợ giúp đỡ này) và Trường Đại học Việt - Đức cần được Nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên gồm những khoản nào, để làm những việc gì, những hoạt động gì, trong thời gian bao lâu … trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Đề án thành lập và phát triển Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có đối tác chiến lược là Cộng hòa Pháp đã được các Bộ góp ý hoàn chỉnh, Bộ Tư pháp thẩm định, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, đúng quy định, về cơ bản đủ cơ sở để ký kết. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát xem có cần bổ sung, điều chỉnh gì thêm trên cơ sở những kinh nghiệm có được từ việc thực hiện hợp tác với phía Đức tại Trường Đại học Việt - Đức thời gian qua; đồng thời cần làm rõ, cụ thể hóa với phía Pháp nội dung hỗ trợ thiết lập các phòng thí nghiệm và khoản hỗ trợ trị giá 100 triệu euro; bổ sung thêm kế hoạch thực hiện và kế hoạch chuẩn bị nhân lực khung cho trường. Tiếp tục đàm phán với bên cho vay vốn tiếp tục hạ lãi suất xuống. Nếu cần thiết, lập phương án đàm phán trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Địa điểm xây dựng Trường đã được xác định (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội), cần sớm chuẩn bị Kế hoạch triển khai cụ thể.
Sau khi Hiệp định được ký kết, căn cứ vào các điều khoản của Hiệp định, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng ngay Quy chế tài chính cụ thể của Trường, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Về việc xây dựng thêm các trường đại học có chất lượng cao: trước mắt tập trung triển khai chỉ đạo tốt việc đầu tư xây dựng 02 trường đại học trên. Tiếp tục thăm dò việc hợp tác xây dựng các trường đại học có chất lượng cao với các nước khác nhưng với yêu cầu là phía bạn giúp ta về vốn xây dựng cơ bản cho trường.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.