VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2015 |
Ngày 13 tháng 01 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2014 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2015. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, lãnh đạo và thành viên Ban An toàn giao thông 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo kết quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kết luận như sau:
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2014
1. Năm 2014, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động giao thông vận tải trên phạm vi cả nước và cải thiện ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương; sau nhiều năm, đây là năm đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông dưới 9.000 người. Công tác chỉ đạo, điều hành về kiểm soát tải trọng xe được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ trên toàn quốc, đã tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe; tình trạng xe ô tô chở quá trọng tải, quá khổ đã giảm dần.
2. Biểu dương 10 địa phương giảm trên 20% số người chết do tai nạn giao thông, gồm: Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nam Định, Cà Mau, Bắc Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn. Đồng thời nghiêm khắc phê bình 05 tỉnh tăng trên 10% số người chết do tai nạn giao thông, gồm: Quảng Trị, Kon Tum, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre.
3. Một số tồn tại, hạn chế: Tuy đã đạt được các kết quả tích cực nhưng công tác trật tự, an toàn giao thông năm 2014 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể:
- Vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô; số người chết do tai nạn giao thông đường thủy tăng; trật tự an toàn giao thông trên địa bàn nông thôn diễn biến phức tạp; sự cố gây mất an toàn đường hàng không tăng; còn tình trạng ùn tắc ở một số tuyến đường cửa ngõ vào các giờ cao điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết;
- Nhận thức của một bộ phận người thi hành công vụ và người tham gia giao thông còn hạn chế; còn có sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; hành vi vi phạm quy định pháp luật về giao thông vẫn diễn ra nhiều: vi phạm tốc độ, lấn đường, lấn làn, vi phạm quy định nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm...; tình trạng phương tiện vi phạm chở quá khổ, quá tải trọng xe vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương;
- Công tác tổ chức giao thông, điều khiển giao thông, thẩm định an toàn giao thông đối với công trình kết cấu hạ tầng, xử lý điểm đen về tai nạn giao thông còn chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống bến, bãi trông giữ xe, các điểm đón, trả khách còn thiếu;
- Một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành chậm so với kế hoạch; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên, nội dung tuyên truyền còn chưa sát với thực tế, hình thức tuyên truyền còn thiếu sáng tạo.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2015
1. Năm 2015 tiếp tục thực hiện Năm an toàn giao thông với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; phấn đấu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương so với năm 2014 ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
2. Các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai Công điện số 2620/CĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội mùa xuân 2015; quán triệt mục tiêu và nhiệm vụ tại Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Trong đó lưu ý một số nội dung:
a) Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn quốc, từ cấp Trung ương đến các cấp địa phương ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2015.
b) Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; tuyệt đối tránh hình thức, rườm rà; triệt để thực hành tiết kiệm.
c) Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.
d) Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2015
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo đúng nội dung Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2013 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW.
2. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát.
3. Đẩy mạnh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông.
4. Đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông; những vi phạm về điều kiện an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông.
5. Đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng, tổ chức giao thông, bảo đảm điều kiện an toàn về kết cấu hạ tầng cho hoạt động của phương tiện tham gia giao thông.
6. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và người điều khiển phương tiện cá nhân, đặc biệt là nhóm những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.