VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 219/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2010 |
Ngày 10 tháng 8 năm 2010, tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã chủ trì cuộc họp về việc triển khai kịch bản Lễ khai mạc Đại lễ, Đề án Mít tinh, diễu binh, diễu hành và kịch bản Đêm Hội văn hóa – nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và Ban Tuyên giáo trung ương.
Sau khi nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long có ý kiến kết luận như sau:
Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là sự kiện quan trọng vinh danh giá trị văn hóa – lịch sử của Thăng Long – Hà Nội, của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước. Đây là nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các chuyên gia, các nhà khoa học.
Để phát huy ý nghĩa của sự kiện này, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu với đồng bào cả nước và nhân dân thế giới và cần phải tổ chức thật tốt Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong đó đặc biệt chú trọng đến 03 chương trình quan trọng là: Lễ khai mạc Đại lễ ngày 01 tháng 10 năm 2010, Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sáng 10 tháng 10 năm 2010 và Đêm Hội văn hóa – nghệ thuật tối 10 tháng 10 năm 2010.
1. Về Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội:
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt kịch bản Khai mạc 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tổ chức tập luyện, sơ duyệt và tổng duyệt Lễ khai mạc Đại lễ.
Bổ sung nội dung về việc UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới.
2. Đêm Hội văn hóa – nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội:
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn chỉnh kịch bản văn học và thành lập Tổ đạo diễn Đêm hội văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; hoàn chỉnh kế hoạch tổng thể các hoạt động thực hiện Đêm hội văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong đó có các phương án phù hợp với các tình huống thời tiết.
3. Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành:
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai công tác chuẩn bị theo đúng Đề án, kế hoạch đã được phê duyệt.
Dự thảo diễn văn tại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành cần gọn và xúc tích (khoảng 1,5 trang - 2,5 trang) có tính khái quát cao và mang hào khí dân tộc, mang dấu ấn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Chuẩn bị kỹ lời thuyết minh và người đọc trong quá trình diễu binh, diễu hành.
Phải hết sức chú ý chuẩn bị chu đáo công tác lễ tân. Bộ Ngoại giao – Trưởng Tiểu Ban Lễ tân chủ trì, khẩn trương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lập danh sách khách mời, chương trình lễ tân cụ thể, có kế hoạch phân công thực hiện, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; chủ trì, cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có thư cám ơn UNESCO và một số cá nhân, tổ chức quốc tế liên quan.
4. Về một số kiến nghị, đề xuất cụ thể:
a) Về khối xếp hình, xếp chữ: Đồng ý chọn phương án: Khối xếp hình, xếp chữ ngồi ghế nhựa cao 40 cm trên nền cỏ. Đài Truyền hình Việt Nam bố trí máy quay phía trên Lăng để quay toàn cảnh.
b) Đồng ý không triển khai dàn kèn đồng 1000 người, dàn hợp xướng 1000 người trước khán đài B, C và chuyển thành dàn đồng ca hát ngợi ca Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kịch bản và lựa chọn bài hát.
c) Đồng ý không bố trí Đoàn đại biểu Anh hùng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tham gia diễu hành; Ban Tổ chức và Tiểu Ban Lễ tân bố trí chỗ ngồi để đại biểu Anh hùng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng dự Lễ mít tinh, diễu binh và diễu hành.
d) Về lắp đặt màn hình LED phục vụ lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành:
Đồng ý thực hiện xã hội hóa việc lắp đặt màn hình LED để nhân dân theo dõi truyền hình trực tiếp mít tinh, diễu binh, diễu hành; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để triển khai thực hiện; không quảng cáo trên màn hình LED trong thời gian tổ chức mít tinh, diễu binh và diễu hành.
đ) Đồng ý việc chuyển nội dung thả bóng bay và chim bồ câu về cuối chương trình nghệ thuật 30 phút.
e) Đồng ý việc Khối diễu hành của thành phố Hà Nội có mang theo biểu tượng Bằng của UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.
g) Về việc mua xe ôtô phục vụ Lễ diễu binh, diễu hành: Bộ Quốc phòng sử dụng xe ô tô có sẵn để phục vụ lễ diễu binh, diễu hành.
h) Trong lúc cử Quốc thiều, tất cả mọi người hát Quốc ca, đồng thời bắn 21 loạt đại bác tại Sân vận động Cột Cờ Hà Nội, Bộ Quốc phòng chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn; không tổ chức đánh chiêng, trống và kéo còi trong cả nước.
i) Về địa điểm tổ chức các trận đấu của giải bóng đá quốc tế cúp Thăng Long: Cần cân nhắc kỹ, không được để ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị tổ chức Đêm Hội văn hóa – nghệ thuật vào tối 10 tháng 10 năm 2010 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
k) Về kinh phí: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ động bố trí kinh phí cho các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội theo quy định; kinh phí cho Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành thực hiện theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí và giải ngân kịp thời theo quy định hiện hành, với nguyên tắc: những hoạt động thuộc kế hoạch thường xuyên của các cơ quan, đơn vị thuộc kinh phí thường xuyên thì chi theo kinh phí thường xuyên đã được phân bổ. Những khoản phát sinh chi cho những hoạt động trực tiếp phục vụ cho Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mới được sử dụng nguồn kinh phí kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
l) Đồng ý ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định việc mua sắm các thiết bị âm thanh, ánh sáng, công nghệ cao phục vụ Đại lễ; chỉ định thầu tư vấn, thi công các hạng mục đã được phê duyệt trong Đề án, Chương trình Đại lễ.
m) Hội Cựu chiến binh Việt Nam thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị để tổ chức lễ cầu siêu tại Quảng Trị kết hợp với viếng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn trong Chương trình đón tiếp Đoàn đại biểu Anh hùng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng về dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
5. Thời gian từ nay đến Đại lễ đã rất gần, yêu cầu các Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, các Trưởng Tiểu Ban tập trung cao vào việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch của từng kịch bản, đề án đã được phân công. Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sẽ rà soát lần cuối và tiến hành tổng duyệt chung cả 03 chương trình vào khoảng cuối tháng 9 năm 2010.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.