VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 181/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2021 |
Sáng ngày 08 tháng 7 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố) về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp, về phía Trung ương có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (dự họp tại điểm cầu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: đại diện lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, đại diện Lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam. Về phía Thành phố có: Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên (dự họp tại điểm cầu Thành ủy Thành phố); Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo một số Sở, ban, ngành liên quan quan (dự họp tại điểm cầu Ủy ban nhân dân Thành phố).
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, 20 ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, phát biểu của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Văn Nên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
Thành phố cần tiếp tục phát huy các kết quả, thành tích đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, chưa đạt được, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm (nhất là kinh nghiệm từ việc áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly xã hội tại một số khu vực trên địa bàn vừa qua) để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác phòng, chống dịch và việc triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16). Các tổ chức, cá nhân có cách làm hay, mô hình tốt cần được kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng; ngược lại, những nơi, những người làm chưa tốt thì phải kiểm điểm, phê bình; những hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định cần được nghiêm khắc xử lý theo quy định.
Ngay từ khi xuất hiện ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên cho đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia luôn quan tâm, bám sát tình hình dịch bệnh và thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ Thành phố. Việc áp dụng Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn Thành phố từ ngày 09 tháng 7 năm 2021 đã được Thường vụ Thành ủy, Thường trực Chính phủ cân nhắc thận trọng trước khi quyết định. Đây là quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp với diễn biến tình hình.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản (Công văn số 1691/VPCP-KGVX ngày 07 tháng 7 năm 2021 và Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2021 và nhiều Thông báo Kết luận) chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại Thành phố. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền được giao và diễn biến tình hình, Thành phố, các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo nêu trên, đặc biệt là Chỉ thị 16 để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
4. Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo:
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện mục tiêu kép. Thành phố lúc này phải ưu tiên cao nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới; nơi nào, khi nào an toàn và có đủ điều kiện theo quy định thì phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; phải linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu.
Hai là, trong hoàn cảnh càng khó khăn, phức tạp, chúng ta càng phải đoàn kết, thống nhất và giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến của nhau (kể cả ý kiến phản biện) để lựa chọn được giải pháp tốt nhất.
Phải thật bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh và quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra; đồng thời phải luôn linh hoạt, sáng tạo, bám sát tình hình để điều chỉnh kịp thời biện pháp phòng chống dịch, thực hiện Chỉ thị 16. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch bệnh đã đi qua; không lo sợ, hốt hoảng, lúng túng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi dịch xảy ra.
Những khó khăn, thách thức của Thành phố hiện nay là chưa có tiền lệ. Do đó, tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cứng nhắc, máy móc; quan trọng nhất là phải vì lợi ích chung, vì tính mạng, sức khỏe của nhân dân để mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm.
Ba là, phải huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị. nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở, lấy hệ thống chính trị cơ sở là nền tảng, là “pháo đài” phòng, chống dịch theo nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, tổ chức thực hiện, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, kêu gọi sự ủng hộ, hưởng ứng, chia sẻ, đóng góp và tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong thực hiện phòng, chống dịch; mỗi người dân là một “chiến sỹ”, mỗi phố, phường, tổ dân phố là một “pháo đài” phòng, chống dịch; phát huy cao độ vai trò của Tổ COVID cộng đồng tại từng tổ dân phố, xã, phường, doanh nghiệp...
Bốn là, phân công, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường hơn nữa kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Thành phố cần rà soát lại việc phân công, phân cấp, phân quyền hiện nay, cần thiết có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời, bảo đảm thực hiện thành công Chỉ thị 16 phù hợp với diễn biến tình hình, tránh bỏ sót, trùng chéo và phải có đầu mối chỉ huy tập trung, thống nhất.
Thành phố phải bảo đảm cho người lãnh đạo, chỉ đạo việc phòng, chống dịch có đủ thẩm quyền; đứng đầu Ban chỉ đạo có thể là đồng chí Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tùy theo diễn biến tình hình; bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất; có sự điều phối, phối hợp, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố.
Năm là, tiếp tục tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành với Thành phố và các địa phương. Thành phố phải chủ trì, tổ chức đầu mối phối hợp, điều phối việc tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ phòng, chống dịch của các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân... bảo đảm kịp thời, rõ ràng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp tình hình, tránh chồng chéo và bỏ sót, nhất là khi thực hiện Chỉ thị 16.
- Cùng với việc chỉ đạo liên tục, thường xuyên, Chính phủ tiếp tục phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng phối hợp với Lãnh đạo Thành phố trong chỉ đạo công tác chống dịch tại Thành phố, cụ thể là thực hiện Chỉ thị 16.
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng dành thời gian trực tiếp chỉ đạo công việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của mình đối với việc Thành phố thực hiện Chỉ thị 16, bảo đảm thiết thực, cụ thể, sát với tình hình thực tế và với tinh thần ưu tiên, đáp ứng tối đa yêu cầu của Thành phố về các nguồn lực cho phòng, chống dịch (như tài chính, vật tư, sinh phẩm, cơ sở vật chất, nhân lực...). Các bộ, ngành phải hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, kịp thời, chính xác và thường xuyên bám sát thực tiễn để điều chỉnh các quy định về chuyên môn cho phù hợp tình hình để Thành phố thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16.
- Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên phân bổ vắc xin hiện có cho Thành phố và các tỉnh lân cận; Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân Thành phố phải tổ chức tiêm nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả.
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thành phố quan tâm bảo vệ người lao động mất việc, người có điều kiện khó khăn, người yếu thế khi thực hiện Chỉ thị số 16 theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu ăn, thiếu mặc.
- Các cấp, các ngành căn cứ tình hình của Thành phố phải khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các giải pháp cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.
- Phải phổ biến rất cụ thể các yêu cầu về cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 để nhân dân ủng hộ, tự nguyện và tích cực chấp hành. Đối với các vấn đề mới cần bổ sung, thí điểm thì Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, cách làm cụ thể nhưng phải trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, an toàn, hiệu quả và bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.
- Các lực lượng phải phối hợp hiệu quả, chặt chẽ trong thực hiện các khâu từ xét nghiệm, khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, điều trị, tránh trùng lắp. Bộ trưởng Bộ Y tế phải rà soát, cần thiết có hướng dẫn cụ thể về các nội dung chuyên môn như xét nghiệm, cách ly, truy vết, điều trị... phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh do biến chủng mới có độ nguy hiểm rất cao và đặc thù của Thành phố.
- Về bệnh viện và cơ sở điều trị: Phải chuẩn bị phương án cao hơn, cụ thể, rõ ràng hơn, có thể có nhiều người nhiễm bệnh hơn so với hiện nay. Thành phố phối hợp Bộ Y tế, các bộ, ngành xây dựng các kịch bản, trong đó có kịch bản nhiều người mắc bệnh và có phương án chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, cơ sở vật chất cho các kịch bản này. Bộ trưởng Bộ Y tế phải có hướng dẫn chi tiết đối với cơ quan chuyên môn của Thành phố; khẩn trương xem xét, tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục nhập khẩu các loại trang thiết bị cho phòng, chống dịch mà thế giới đã công nhận và thực hiện có hiệu quả.
- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo có hình thức thông tin phù hợp cho nhân dân về tình hình, kết quả, các biện pháp phòng, chống dịch. Nhân cơ hội chống dịch nói chung và thực hiện Chỉ thị 16 nói riêng mà đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn và thúc đẩy chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với Bộ Y tế và Thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch và thực hiện Chỉ thị 16.
- Về giao thông công cộng: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phải chủ trì, vào cuộc cùng với Thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo rõ ràng, cụ thể hơn về việc bảo đảm các hoạt động giao thông vận tải đi, đến, qua Thành phố (phân tuyến, luồng, phân khu vực...), không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho cả vùng, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch nhưng không gây ách tắc, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, giao thương.
- Về bảo đảm trật tự an toàn xã hội: Thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1691/VPCP-KGVX. Công an là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phải phát huy vai trò lực lượng công an chính quy ở cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn, Tổ COVID cộng đồng, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, vừa kêu gọi, vừa động viên, kết hợp sử dụng biện pháp hành chính, biện pháp kỹ thuật trong thực hiện Chỉ thị 16.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng chủ động phối hợp chặt chẽ với Thành phố trong quá trình triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đời sống tối thiểu của nhân dân khi thực hiện Chỉ thị 16.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ với Thành phố để thực hiện việc tiếp nhận các phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa và người đến từ Thành phố bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, yêu cầu phòng, chống dịch và thực hiện Chỉ thị 16 tại Thành phố.
Thành phố nghiên cứu, tổ chức họp báo hàng ngày (cử một đồng chí có chuyên môn, có thẩm quyền chủ trì) để thông tin kịp thời cho nhân dân về tình hình, kết quả, các mặt được, chưa được, những bài học hay, kinh nghiệm quý, mô hình làm tốt, có hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn và chỉ rõ những hạn chế, bất cập để tổ chức, cá nhân biết và phòng tránh.
Trong phòng, chống dịch và thực hiện Chỉ thị 16, lực lượng làm công tác truyền thông cùng là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, cần được ưu tiên các điều kiện bảo đảm, nhất là trong tác nghiệp để cung cấp thông tin chính thống, khách quan, kịp thời, chính xác cho nhân dân.
Cố gắng không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng lao động. Cho phép các cơ sở sản xuất an toàn, đáp ứng yêu cầu, điều kiện phòng, chống dịch thì có thể tiếp tục cho hoạt động sản xuất, tinh thần là vừa sản xuất vừa “chiến đấu” chống dịch, khuyến khích phương án tạo thuận lợi cho công nhân ăn nghỉ trong khuôn viên cơ sở sản xuất nhưng phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, an toàn, hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.