VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 154/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 2021 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CÔNG TÁC CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2021, GIAI ĐOẠN 2021-2025
Ngày 27 tháng 4 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, giai đoạn 2021- 2025. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến kết luận như sau:
I. Đánh giá chung
Thời gian qua, tập thể Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị của Bộ Giao thông vận tải đã đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đã đầu tư xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, hiện đại như cảng hàng không quốc tế, cảng biển cửa ngõ, trung chuyển, các tuyến đường bộ cao tốc...; phát triển các dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của xã hội và yêu cầu đi lại của người dân trên mọi miền đất nước; tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, có ý nghĩa chiến lược trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, như phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đã phản ánh tổng thể bức tranh chung của ngành, khắc họa những kết quả đạt được, những vấn đề còn thách thức và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Ngành giao thông vận tải là ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế, luôn phải “đi trước mở đường” tạo điều kiện cho các ngành kinh tế đất nước phát triển. Bác Hồ đã khẳng định “... Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”. Để đạt được các mục tiêu, đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục đổi mới tư duy, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của các tồn tại, yếu kém để khắc phục, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chính theo đúng chức năng quản lý nhà nước là tập trung cho xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, xây dựng công cụ kiểm tra giám sát và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, quản lý vĩ mô.
II. Một số tư tưởng chỉ đạo
Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải quán triệt đến từng lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, chuyên viên các nguyên tắc dưới đây trong thực hiện công vụ:
1. Tiếp tục phát huy thành tích, khắc phục tối đa khuyết điểm hạn chế, không thỏa mãn, chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được; kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; tuyên truyền, nhân rộng, phát huy những bài học kinh nghiệm tốt, mô hình làm việc hiệu quả, cách làm hay trong phạm vi cả nước; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo cho tư duy và hành động;
2. Nguyên tắc “ba không” trong giải quyết tháo gỡ, khó khăn: “không nói không”, “không nói khó” và “không nói có mà không làm”;
3. Về tư tưởng chỉ đạo trong xử lý công việc: “suy nghĩ phải chín”, “tư tưởng phải thông”, “quyết tâm phải cao”, “nỗ lực phải lớn”, “hành động phải quyết liệt, hiệu quả”, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất;
4. Việc càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể; lấy ý kiến, lắng nghe đối tượng tác động để tạo sự thống nhất cao trước khi quyết định; đối với những cơ chế, chính sách mới khi đề xuất thấy đúng, chính xác phải kiên trì giải thích, phân tích kỹ lưỡng tạo đồng thuận, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, chú ý lắng nghe các ý kiến phản biện để xem xét thấu đáo, chặt chẽ và quyết định theo đa số;
5. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc thực tế đã vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội;
6. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn kết chặt chẽ với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
III. Một số nhiệm vụ trọng tâm
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Về công tác xây dựng Đảng: phải có giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng viên, tổ chức Đảng. Đảng lãnh đạo trực tiếp toàn bộ mọi mặt công tác, do vậy phải luôn luôn coi trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng ở mọi lúc, mọi nơi; phải luôn luôn quán triệt, thực hiện nghiêm 05 nguyên tắc xây dựng và tổ chức hoạt động của Đảng và 05 phương thức lãnh đạo của Đảng.
2. Bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; quy hoạch hợp lý, hiệu quả xây dựng các cảng hàng không quốc tế, nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển, quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt, triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, miền núi phía Bắc, khu kinh tế động lực và các vùng khó khăn khác...
3. Thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2021 về việc triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm về Chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và rà soát hệ thống pháp luật của ngành.
- Trong xây dựng thể chế và rà soát chính sách: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách; hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và đề xuất sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành giao thông vận tải ngay trong năm 2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết; lưu ý các nội dung sau đây:
+ Lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, địa phương để chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn chế; ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò là vốn mồi, có tính chất hỗ trợ.
+ Nghiên cứu đề xuất cơ chế nhà nước thu phí đối với các tuyến đường nhà nước đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển giao thông vận tải, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan.
4. Công tác tổ chức cán bộ, phòng chống tham nhũng:
Rà soát, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong theo hướng giảm đầu mối, giảm trung gian, giảm cấp phó và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nguyên tắc trong phân công công việc, bảo đảm một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; rà soát khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và cắt giảm các đầu mối trung gian.
Tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong mọi hoạt động; tiếp tục và cương quyết đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu một cách hiệu quả và tránh phô trương hình thức; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết. Các đồng chí lãnh đạo Bộ phải thực hiện nêu gương theo đúng quy định của Ban chấp hành Trung ương, của bộ Chính trị, Ban Bí thư, chức vụ càng cao càng phải nêu gương; chống mọi hành vi tiêu cực, lãng phí.
5. Tập trung khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ các Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu trước mắt và tầm nhìn lâu dài, bảo đảm gắn kết, đồng bộ, hiệu quả trong cả 05 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia từng thời kỳ; trong đó, phải xác định những nhiệm vụ, công việc trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa các nguồn lực, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, ưu thế của từng vùng để tập trung nguồn lực; có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện phát triển tối đa trên cơ sở lợi thế của từng lĩnh vực (Căn cứ quy hoạch để xác định những dự án cấp thiết, hiệu quả theo thứ tự ưu tiên để kêu gọi, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư).
- Nghiên cứu đề xuất phân cấp là cơ quan có thẩm quyền và tiết kiệm ngân sách để giải phóng mặt bằng cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có điều kiện huy động về nguồn lực và có nhu cầu thực hiện đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia đối với các dự án đi qua địa bàn để tăng tính chủ động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp nguồn vật liệu xây dựng...
Địa phương nào chưa bố trí vốn để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thì cương quyết chưa triển khai đầu tư, bố trí vốn xây lắp để làm vốn mồi.
Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, bảo đảm chất lượng, tiến độ phê duyệt.
6. Công tác truyền thông, tuyên truyền:
Công tác tuyên truyền là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, cần coi trọng và tập trung cho công tác truyền thông. Vì vậy, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ động cung cấp thông tin, phối hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các báo, đài phản ánh trung thực, khách quan các chính sách và hoạt động, tuyệt đối không để xảy ra khủng hoảng tuyền thông; lắng nghe, phản hồi kịp thời, chính xác dư luận; định kỳ họp báo để công bố thông tin chính thống, loại trừ tin xấu, độc, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
IV. Về các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải
Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền, báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.