BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 212/KH-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2019 |
TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI NĂM 2019
Căn cứ Quyết định số 544/QĐ-BGDĐT ngày 04/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP); Quyết định số 581/QĐ-BGDĐT ngày 11/3/2019 phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Quản lý Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP); thực hiện Kế hoạch số 791/KH-BGDĐT ngày 12/9/2018 của Bộ GDĐT chi tiết các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch bồi dưỡng triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới năm 2019. Kế hoạch cụ thể như sau:
1. Mục đích: Tăng cường năng lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.
2. Yêu cầu: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng được bồi dưỡng; đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Đối tượng được bồi dưỡng triển khai Chương trình GDPT mới gồm:
1. Giảng viên sư phạm chủ chốt
2. Giáo viên phổ thông
3. Hiệu trưởng các trường phổ thông
4. CBQL cấp sở GDĐT, phòng GDĐT
Nội dung bồi dưỡng tập trung vào việc hướng dẫn triển khai Chương trình GDPT mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi đối tượng nói trên. Cụ thể như sau:
1. Triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới và những yêu cầu đặt ra đối với từng đối tượng được bồi dưỡng
a) Mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, phương pháp và hình thức đánh giá kết quả giáo dục theo Chương trình GDPT mới;
b) Kế hoạch và nhiệm vụ đặt ra đối với từng đối tượng được bồi dưỡng theo yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới: (i) Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của giảng viên sư phạm chủ chốt; (ii) Hoạt động dạy học của giáo viên phổ thông; (iii) Hoạt động tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của Hiệu trưởng cơ sở GDPT; (iv) Hoạt động chỉ đạo, điều hành của CBQL cấp sở GDĐT, phòng GDĐT.
2. Tăng cường năng lực cho mỗi đối tượng được bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới
a) Tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cho giảng viên sư phạm chủ chốt;
b) Tăng cường năng lực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá cho giáo viên phổ thông;
c) Tăng cường năng lực tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn cho Hiệu trưởng cơ sở GDPT;
d) Tăng cường năng lực chỉ đạo và tổ chức triển khai Chương trình GDPT mới cho CBQL cấp sở GDĐT, phòng GDĐT.
IV. KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG CHO TỪNG ĐỐI TƯỢNG
1. Giảng viên sư phạm chủ chốt
a) Số lượng: 200 báo cáo viên nguồn (gồm 120 giảng viên sư phạm; 80 chuyên viên Vụ, Cục, Hiệu trưởng, giáo viên phổ thông); 800 giảng viên sư phạm/giảng viên quản lí giáo dục chủ chốt.
b) Thời gian:
- Bồi dưỡng báo cáo viên nguồn đợt 1: 03 ngày trực tuyến, 05 ngày trực tiếp, trong tháng 4/2019;
- Bồi dưỡng báo cáo viên nguồn đợt 2: 05 ngày trực tuyến, 05 ngày trực tiếp, trong tháng 4-5/2019 (Chương trình bồi dưỡng giáo viên tiểu học);
- Bồi dưỡng báo cáo viên nguồn đợt 3: 05 ngày trực tuyến, 05 ngày trực tiếp, trong tháng 4-5/2019 (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở);
- Bồi dưỡng báo cáo viên nguồn đợt 4: 05 ngày trực tuyến, 05 ngày trực tiếp, trong tháng 4-5/2019 (Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông);
Bồi dưỡng giảng viên sư phạm chủ chốt: 03 ngày trực tuyến, 05 ngày trực tiếp, trong tháng 4/2019.
(Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo)
2. Giáo viên phổ thông
a) Số lượng: 6.956 tổ trưởng chuyên môn, 28.000 giáo viên cốt cán; bồi dưỡng đại trà tại địa phương.
b) Thời gian:
- Bồi dưỡng 6.956 tổ trưởng chuyên môn: 03 ngày trực tuyến, 05 ngày trực tiếp, trong tháng 4-5/2019.
- Bồi dưỡng 28.000 giáo viên cốt cán: 03 ngày trực tuyến, 05 ngày trực tiếp từ tháng 6-12/2019.
(Chi tiết tại Phụ lục 2 kèm theo)
3. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông
a) Số lượng: 4.000 Hiệu trưởng; bồi dưỡng đại trà tại địa phương.
b) Thời gian: 03 ngày trực tuyến và 05 ngày trực tiếp trong thời gian tháng 6-12/2019.
(Chi tiết tại Phụ lục 3 kèm theo)
4. CBQL cấp sở GDĐT, phòng GDĐT
a) Số lượng: 1.028 người, bao gồm 713 Trưởng phòng GDĐT, 63 Giám đốc sở GDĐT, 252 người là Trưởng, Phó Phòng Giáo dục Trung học và Phòng Giáo dục Tiểu học thuộc sở GDĐT.
b) Thời gian: 03 ngày trực tuyến, 05 ngày trực tiếp, trong tháng 4/2019.
(Chi tiết tại Phụ lục 4 kèm theo)
1. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Thường xuyên chỉ đạo; Ban Quản lý Chương trình ETEP và Ban Quản lý Dự án RGEP là đầu mối tổ chức.
2. Các trường đại học sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục phối hợp với các sở GDĐT triển khai thực hiện.
3. Các sở GDĐT chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của địa phương phù hợp với kế hoạch của Bộ GDĐT, cử giáo viên và CBQL cốt cán tham gia bồi dưỡng, đồng thời triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở GDPT đại trà theo đúng tiến độ.
Trên đây là kế hoạch tổ chức bồi dưỡng về triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới năm 2019. Các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và hiệu quả./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG GIẢNG VIÊN SƯ
PHẠM CHỦ CHỐT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI NĂM 2019
(Kèm theo Kế hoạch số
212/KH-BGDĐT ngày 20 tháng 3
năm 2019)
I. NỘI DUNG BỒI DƯỠNG
1. Những nội dung cần bồi dưỡng cho giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục gồm:
a. Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT mới:
- Tìm hiểu về mục tiêu, nội dung, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và cơ sở vật chất khi thực hiện Chương trình GDPT mới;
- Tìm hiểu về cơ sở khoa học và tư tưởng chủ đạo đề xuất chương trình môn học trong chương trình GDPT mới;
- Phân tích những điểm khác biệt giữa chương trình môn học mới so với chương trình hiện hành;
- Xác định những yêu cầu về năng lực đối với giáo viên và CBQL cơ sở GDPT để tổ chức thực hiện thành công Chương trình GDPT mới;
b. Phát triển nội dung, tài liệu, phương thức bồi dưỡng giáo viên và CBQL đáp ứng nhu cầu về năng lực triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới:
- Xác định và phân tích nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và CBQL cơ sở GDPT;
- Phát triển nội dung bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của giáo viên và CBQL giáo dục trong điều kiện thực hiện chương trình GDPT mới;
- Xây dựng tài liệu bồi dưỡng (đa dạng về hình thức) để tổ chức bồi dưỡng giáo viên và CBQL cơ sở GDPT;
- Quy trình hóa các phương thức bồi dưỡng bồi dưỡng giáo viên, ưu tiên các phương thức tích hợp công nghệ thông tin (học kết hợp, học đảo chiều) và đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá công tác bồi dưỡng giáo viên và CBQL giáo dục.
2. Tổ chức thực hiện:
- Các trường ĐHSP/Học viện QLGD căn cứ các yêu cầu về nội dung như trên để đề xuất nội dung chi tiết;
- Ban Quản lí Chương trình ETEP tập hợp các đề xuất, gửi Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Vụ Giáo dục Dân tộc, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục, Cục Công nghệ Thông tin, Cục Quản lý Chất lượng, Cục cơ sở vật chất để lựa chọn đề xuất và báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu cho đơn vị phù hợp;
- Trường ĐHSP/Học viện QLGD được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu bồi dưỡng xây dựng nội dung và tổ chức thẩm định, hoàn thành trước 31/3/2019.
II. KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG
1. Đối tượng bồi dưỡng:
a. Bồi dưỡng 200 báo cáo viên nguồn (gồm 120 giảng viên của các trường ĐHSP và 80 cán bộ quản lí, giáo viên phổ thông giỏi) để phát triển các tài liệu bồi dưỡng.
- Đợt 1: Bồi dưỡng về Hướng dẫn thực hiện chương trình phổ thông mới.
- Đợt 2, 3, 4: Bồi dưỡng về Phương pháp dạy học và Kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực.
b. Bồi dưỡng 800 giảng viên sư phạm cốt cán để làm báo cáo viên tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đại trà (gồm 700 người chuyên về bồi dưỡng GV; 100 người chuyên về bồi dưỡng CBQL (Đợt 5).
2. Đơn vị thực hiện bồi dưỡng:
Ban Quản lý Dự án RGEP (đơn vị được giao nhiệm vụ viết tài liệu bồi dưỡng) và các chuyên gia tư vấn quốc tế của Dự án RGEP sẽ thực hiện công tác bồi dưỡng.
3. Hình thức và lộ trình triển khai bồi dưỡng:
a. Bồi dưỡng đợt 1:
Bồi dưỡng được thực hiện kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp, trong đó:
- Các học viên tự học qua mạng: 03 ngày trong tháng 4/2019
- Các học viên học trực tiếp, tập trung tại Hà Nội: 05 ngày trong tháng 4/2019.
b. Bồi dưỡng đợt 2, 3,4:
Bồi dưỡng được thực hiện kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp. Báo cáo viên là các chuyên gia tư vấn quốc tế về bồi dưỡng của Dự án RGEP. Mỗi đợt tổ chức:
- Các học viên tự học qua mạng: 03 ngày trực tuyến trong tháng 4/2019
- Các học viên học trực tiếp, tập trung tại Hà Nội: 05 ngày trong tháng 4- 5/2019.
c. Bồi dưỡng đợt 5:
- Các học viên tự học qua mạng: 03 ngày trong tháng 4/2019
- Các học viên học trực tiếp, tập trung theo các khu vực do 7 trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP phụ trách: 05 ngày trong tháng 4/2019.
III. CHUẨN BỊ HỆ THỐNG BỒI DƯỠNG QUA MẠNG
Cục Công nghệ Thông tin chỉ đạo đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng phối hợp với các trường ĐHSP liên quan theo các khu vực để chuẩn bị nền tảng LMS và hạ tầng thiết bị đáp ứng yêu cầu để hỗ trợ hình thức học tập kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp.
Tài liệu phục vụ tự học qua mạng cần được các trường ĐHSP liên quan cài đặt sẵn sàng từ ngày 01/4/2019.
IV. KINH PHÍ BỒI DƯỠNG
Kinh phí tổ chức các khóa bồi dưỡng sử dụng nguồn kinh phí của Ban Quản lí Dự án RGEP.
V. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Các Vụ, Cục liên quan chỉ đạo, lựa chọn đơn vị (nhóm đơn vị) triển khai xây dựng nội dung và tài liệu bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đặt ra; cử đại diện tham gia thẩm định tài liệu bồi dưỡng; tham gia giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng.
2. Ban Quản lí Dự án RGEP là đầu mối tổ chức bồi dưỡng: Lập kế hoạch; Gửi thông báo tới các trường ĐHSP/Học viện QLGD để lập danh sách học viên.
3. Các trường ĐHSP/Học viện QLGD tham gia Chương trình ETEP cử người đúng thành phần tham dự bồi dưỡng; Thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng các giảng viên cốt cán theo hình thức học kết hợp; Báo cáo kết quả bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
4. Các Sở GDĐT cử cán bộ tham gia tập huấn đúng thành phần; Phối hợp với ban tổ chức để quản lý người học./.
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN PHỔ
THÔNG CÁC CẤP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI NĂM 2019
(Kèm theo Kế hoạch số 212/KH-BGDĐT
ngày 20 tháng 3 năm 2019)
I. NỘI DUNG BỒI DƯỠNG
1. Những nội dung cần bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông các cấp gồm:
a. Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT mới và Chương trình GDPT theo môn học:
- Tìm hiểu về mục tiêu, nội dung, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và cơ sở vật chất của Chương trình GDPT tổng thể;
- Phân tích những điểm khác biệt giữa chương trình GDPT mới và chương trình GDPT hiện hành;
- Phân tích được yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh trong chương trình GDPT mới; định hướng nội dung giáo dục (các môn học/hoạt động giáo dục), phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục của chương trình GDPT mới;
- Tìm hiểu về mục tiêu, nội dung, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và cơ sở vật chất của Chương trình GDPT theo môn học.
b. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực:
- Trình bày ý nghĩa, bản GDPT giáo dục phổ thông mới;
- Trình bày các đặc điểm, phương pháp dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học;
- Tổ chức thiết kế các chương trình môn học theo chủ đề, chuyên đề học tập và xây dựng kế hoạch phối hợp các lực lượng giáo dục thực thi chương trình;
- Phân biệt kiểm tra đánh giá theo định hướng năng lực và kiểm tra đánh giá kiến thức;
- Thiết kế câu hỏi, bài tập đánh giá năng lực HS; Trình bày các bước kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực HS;
- Xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề, chuyên đề để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
2. Tổ chức thực hiện:
- Các trường ĐHSP căn cứ các yêu cầu về nội dung như trên để đề xuất nội dung chi tiết.
- Ban Quản lý Chương trình ETEP tập hợp các đề xuất, gửi Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Vụ Giáo dục Dân tộc, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Cục Công nghệ Thông tin, Cục Quản lý Chất lượng, Cục Cơ sở vật chất để lựa chọn đề xuất và báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu cho đơn vị phù hợp.
- Trường ĐHSP được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu bồi dưỡng xây dựng nội dung và tổ chức thẩm định, hoàn thành trước 31/3/2019.
II. KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG
1. Đối tượng bồi dưỡng:
- Đợt 1: Bồi dưỡng 6.956 người là tổ trưởng chuyên môn các cấp học.
- Đợt 2: Bồi dưỡng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán (bao gồm 14.937 GVCC cấp tiểu học; 10.939 GVCC cấp THCS; 2.834 GVCC cấp THPT).
- Đợt 3: Bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà (ưu tiên 100% giáo viên dạy lớp 1) trên cả nước.
2. Đơn vị thực hiện bồi dưỡng:
Đơn vị (nhóm đơn vị) được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu sẽ chủ trì công tác bồi dưỡng.
3. Hình thức và lộ trình triển khai bồi dưỡng:
a. Bồi dưỡng đợt 1:
Bồi dưỡng được thực hiện kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp.
- Các học viên tự học qua mạng: 03 ngày trong tháng 4/2019
- Các học viên học trực tiếp, tập trung theo các khu vực do 7 trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP phụ trách: 05 ngày trong tháng 4/2019.
b. Bồi dưỡng đợt 2:
Bồi dưỡng được thực hiện kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp.
- Tháng 6/2019: Các Sở GDĐT hoàn thành việc lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán.
- Từ tháng 7/2019 đến tháng 8/2019: Các trường tham gia Chương trình ETEP tổ chức bồi dưỡng đợt 2 (Kế hoạch chi tiết được thông báo sau).
c. Bồi dưỡng đợt 3:
Bồi dưỡng được thực hiện kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp.
- Tháng 7/2019: Các Sở GDĐT ban hành kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2019: Các trường tham gia Chương trình ETEP phối hợp với các Sở GDĐT tổ chức bồi dưỡng đợt 3.
Các trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP có trách nhiệm cử giảng viên và đảm bảo hệ thống LMS hoạt động ổn định để hỗ trợ công tác bồi dưỡng của các địa phương.
III. CHUẨN BỊ HỆ THỐNG BỒI DƯỠNG QUA MẠNG
Cục Công nghệ Thông tin chỉ đạo đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng phối hợp với các trường ĐHSP liên quan theo các khu vực để chuẩn bị nền tảng LMS và hạ tầng thiết bị đáp ứng yêu cầu để hỗ trợ hình thức học tập kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp.
Tài liệu phục vụ tự học qua mạng cần được các trường liên quan cài đặt sẵn sàng từ ngày 15/4/2019.
IV. KINH PHÍ BỒI DƯỠNG
Kinh phí tổ chức bồi dưỡng đợt 1 sử dụng từ nguồn kinh phí của Ban Quản lí Dự án RGEP.
Kinh phí tổ chức bồi dưỡng đợt 2 sử dụng từ nguồn kinh phí của Chương trình ETEP.
Kinh phí tổ chức bồi dưỡng đợt 3 sử dụng nguồn kinh phí của địa phương.
V. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Các Vụ, Cục liên quan chỉ đạo, lựa chọn đơn vị (nhóm đơn vị) triển khai xây dựng nội dung và tài liệu bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đặt ra; cử đại diện tham gia thẩm định tài liệu bồi dưỡng; tham gia giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng.
2. Ban Quản lý Chương trình ETEP và Ban Quản lý Dự án RGEP là đầu mối lập kế hoạch; Gửi thông báo tới các Sở GDĐT để lập danh sách học viên; Phân bổ học viên cho các trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP tổ chức bồi dưỡng.
3. Các trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt để hỗ trợ hiệu quả quá trình bồi dưỡng; Cử giảng viên cốt cán tham gia bồi dưỡng đảm bảo chất lượng cả giai đoạn bồi dưỡng qua mạng và bồi dưỡng trực tiếp; Báo cáo kết quả bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
4. Các Sở GDĐT cử cán bộ và quản lý cán bộ tham gia tập huấn đợt 1, đợt 2 đúng thành phần; Phối hợp với các trường ĐHSP để lập kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đợt 3 tại địa phương./.
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG HIỆU TRƯỞNG CƠ
SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI NĂM 2019
(Kèm theo Kế hoạch số 212/KH-BGDĐT
ngày 20 tháng 3 năm 2019)
I. NỘI DUNG BỒI DƯỠNG
1. Những nội dung cần bồi dưỡng cho các Hiệu trưởng các trường phổ thông gồm:
a. Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT mới:
- Tìm hiểu về mục tiêu, nội dung, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; quản lý cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, công nhân viên khi thực hiện Chương trình GDPT mới;
- Xác định những yêu cầu về mặt tổ chức, quản lý hoạt động chuyên môn của nhà trường để tổ chức thực hiện thành công Chương trình GDPT mới.
b. Tổ chức, quản lý hoạt động chuyên môn nhà trường phù hợp với chương trình GDPST mới:
- Phát triển chương trình giáo dục nhà trường và chương trình môn học/hoạt động giáo dục;
- Chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện chương trình GDPT mới; xác định được những nội dung giáo dục cần lồng ghép, tích hợp vào chương trình môn học/hoạt động giáo dục (lịch sử, văn hóa địa phương; giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống); bổ sung, cập nhật nội dung giáo dục trong các chủ đề của chương trình môn học/hoạt động giáo dục phù hợp với yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh;
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch dạy học của nhà trường trên cơ sở phân bố tiết học theo năm; chỉ đạo (bố trí nhân sự) tổ chức dạy học các môn tích hợp; tổ chức các hoạt động trải nghiệm;
- Tổ chức thực hiện đúng các quy định về quản trị tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ phục vụ dạy học, hoạt động giáo dục trong nhà trường; huy động các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
2. Tổ chức thực hiện:
- Các trường ĐHSP/Học viện QLGD căn cứ các yêu cầu về nội dung như trên để đề xuất nội dung chi tiết;
- Ban Quản lý Chương trình ETEP tập hợp các đề xuất, gửi Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Vụ Giáo dục Dân tộc, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Cục Công nghệ Thông tin, Cục Quản lý Chất lượng, Cục Cơ sở vật chất để lựa chọn đề xuất và báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu cho đơn vị phù hợp.
- Trường ĐHSP/Học viện QLGD được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu bồi dưỡng cần xây dựng nội dung và tổ chức thẩm định, hoàn thành trước 31/3/2019.
II. KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG
1. Đối tượng bồi dưỡng:
- Đợt 1: Bồi dưỡng 4.000 CBQL cơ sở GDPT cốt cán trên toàn quốc.
- Đợt 2: Bồi dưỡng 100% CBQL cơ sở GDPT trên toàn quốc.
2. Đơn vị thực hiện bồi dưỡng:
Đơn vị (nhóm đơn vị) được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu sẽ chủ trì công tác bồi dưỡng.
3. Hình thức và lộ trình triển khai bồi dưỡng:
Bồi dưỡng được thực hiện kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp.
- Tháng 6/2019: Các Sở GDĐT hoàn thành việc lựa chọn CBQL cơ sở GDPT cốt cán.
- Từ tháng 7/2019 đến tháng 8/2019: Các trường ĐHSP/Học viện QLGD tham gia Chương trình ETEP tổ chức bồi dưỡng đợt 1 (Kế hoạch chi tiết được thông báo sau).
- Từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2019: Các trường ĐHSP/Học viện QLGD tham gia Chương trình ETEP tổ chức bồi dưỡng đợt 2 (Kế hoạch chi tiết được thông báo sau).
Các trường ĐHSP/Học viện QLGD tham gia Chương trình ETEP có trách nhiệm cử giảng viên và đảm bảo hệ thống LMS hoạt động ổn định để hỗ trợ công tác bồi dưỡng của các địa phương.
III. CHUẨN BỊ HỆ THỐNG BỒI DƯỠNG QUA MẠNG
Cục Công nghệ Thông tin chỉ đạo đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng phối hợp với các trường ĐHSP liên quan theo các khu vực để chuẩn bị nền tảng LMS và hạ tầng thiết bị đáp ứng yêu cầu để hỗ trợ hình thức học tập kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp.
Tài liệu phục vụ tự học qua mạng cần được các trường liên quan cài đặt sẵn sàng từ ngày 01/7/2019.
IV. KINH PHÍ BỒI DƯỠNG
Kinh phí tổ chức bồi dưỡng đợt 1 sử dụng từ nguồn kinh phí của Chương trình ETEP.
Kinh phí tổ chức bồi dưỡng đợt 2 sử dụng nguồn kinh phí của địa phương.
V. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Các Vụ, Cục liên quan chỉ đạo, lựa chọn đơn vị (nhóm đơn vị) triển khai xây dựng nội dung và tài liệu bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đặt ra; cử đại diện tham gia thẩm định tài liệu bồi dưỡng; tham gia giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng.
2. Ban Quản lý Chương trình ETEP là đầu mối lập kế hoạch; Thông báo gửi các Sở GDĐT để lập danh sách học viên; Phân bổ học viên cho các trường ĐHSP/Học viện QLGD tham gia Chương trình ETEP tổ chức bồi dưỡng.
3. Các trường ĐHSP/Học viện QLGD tham gia Chương trình ETEP thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt để hỗ trợ hiệu quả quá trình bồi dưỡng; Cử giảng viên cốt cán tham gia bồi dưỡng đảm bảo chất lượng cả giai đoạn bồi dưỡng qua mạng và bồi dưỡng trực tiếp; Báo cáo kết quả bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
4. Các Sở GDĐT cử cán bộ và quản lý cán bộ tham gia tập huấn đợt 1 đúng thành phần; Phối hợp với các trường để lập kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đợt 2 tại địa phương./.
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ
CẤP SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI NĂM 2019
(Kèm theo Kế hoạch số 212/KH-BGDĐT ngày 20 tháng 3 năm 2019)
I. NỘI DUNG BỒI DƯỠNG
1. Những nội dung cần bồi dưỡng cho CBQL các sở GDĐT, phòng GDĐT gồm:
a. Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT mới:
- Tìm hiểu về mục tiêu, nội dung, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, quản lý cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, công nhân viên khi thực hiện Chương trình GDPT mới;
- Xác định những yêu cầu về mặt giải pháp quản lý để tổ chức thực hiện thành công Chương trình GDPT mới;
b. Chuẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới:
- Phân tích những tác động và đề xuất những giải pháp của địa phương, nhà trường khi triển khai chương trình GDPT mới;
- Xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp quản lý trong phát triển và thực hiện chương trình;
- Rà soát, sắp xếp bố trí lực lượng giáo viên, nhân viên của các trường thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn để chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới;
- Xác định các yêu cầu đối với đội ngũ, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo chất lượng khi tổ chức thực hiện Chương trình GDPT mới;
- Xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục của các nhà trường và định hướng nội dung giáo dục của địa phương;
- Giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục của địa phương.
2. Tổ chức thực hiện:
- Các trường ĐHSP/Học viện QLGD căn cứ các yêu cầu về nội dung như trên để đề xuất nội dung chi tiết.
- Ban Quản lí Chương trình ETEP tập hợp các đề xuất, gửi Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Thường xuyên, Vụ Giáo dục Dân tộc, Cục Nhà giáo và CBQLGD, Cục Công nghệ Thông tin, Cục Quản lý Chất lượng, Cục Cơ sở vật chất để lựa chọn đề xuất và báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu cho đơn vị phù hợp.
- Trường ĐHSP/Học viện QLGD được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu bồi dưỡng cần xây dựng nội dung và tổ chức thẩm định, hoàn thành trước 31/3/2019.
II. KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG
1. Đối tượng bồi dưỡng:
Bồi dưỡng 1.028 CBQL là lãnh đạo các Sở GDĐT, Phòng GDĐT trên cả nước, bao gồm 713 Trưởng phòng GDĐT, 63 Giám đốc sở GDĐT, 252 người là Trưởng, Phó Phòng Giáo dục Trung học và Phòng Giáo dục Tiểu học thuộc sở GDĐT.
2. Đơn vị thực hiện bồi dưỡng:
Đơn vị (nhóm đơn vị) được giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu sẽ chủ trì công tác bồi dưỡng.
3. Hình thức và lộ trình triển khai bồi dưỡng:
Bồi dưỡng được thực hiện kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp.
- Các học viên tự học qua mạng: 03 ngày trong tháng 4/2019
- Các học viên học trực tiếp, tập trung theo các khu vực do 7 trường ĐHSP tham gia Chương trình ETEP phụ trách: 05 ngày trong tháng 4/2019.
III. CHUẨN BỊ HỆ THỐNG BỒI DƯỠNG QUA MẠNG
Cục Công nghệ Thông tin chỉ đạo đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng phối hợp với các trường ĐHSP liên quan theo các khu vực để chuẩn bị nền tảng LMS và hạ tầng thiết bị đáp ứng yêu cầu để hỗ trợ hình thức học tập kết hợp giữa qua mạng và trực tiếp.
Tài liệu phục vụ tự học qua mạng cần được các trường liên quan cài đặt sẵn sàng từ ngày 15/4/2019.
IV. KINH PHÍ BỒI DƯỠNG
Kinh phí tổ chức các khóa bồi dưỡng sử dụng từ nguồn kinh phí của Ban Quản lý Dự án RGEP.
V. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Các Vụ, Cục liên quan chỉ đạo, lựa chọn đơn vị (nhóm đơn vị) triển khai xây dựng nội dung và tài liệu bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đặt ra; cử đại diện tham gia thẩm định tài liệu bồi dưỡng; tham gia giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng.
2. Dự án RGEP là đầu mối lập kế hoạch; Gửi thông báo tới các Sở GDĐT để lập danh sách học viên; Phân bổ học viên cho các trường ĐHSP/Học viện QLGD tham gia Chương trình ETEP tổ chức bồi dưỡng; Phối hợp với Ban Quản lý Chương trình ETEP và các Vụ, Cục để giám sát, đánh giá hoạt động bồi dưỡng.
3. Các trường tham gia Chương trình ETEP thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt để hỗ trợ hiệu quả quá trình bồi dưỡng; Cử giảng viên cốt cán tham gia bồi dưỡng đảm bảo chất lượng cả giai đoạn bồi dưỡng qua mạng và bồi dưỡng trực tiếp; Chi kinh phí bồi dưỡng theo hướng dẫn của Dự án RGEP; Báo cáo kết quả bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
4. Các Sở GDĐT cử cán bộ tham gia tập huấn đúng thành phần; Phối hợp với các trường để quản lý người học cả giai đoạn qua mạng và trực tiếp; Bố trí kinh phí phù hợp để hỗ trợ người học./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.