BỘ
CHÍNH TRỊ |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 78-KL/TW |
Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 2010 |
Tại phiên họp ngày 18/6/2010, sau khi nghe đoàn kiểm tra Trung ương (theo Quyết định số 226-QĐ/TW, ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị) báo cáo kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Ban cán sự đảng Bộ Tài chính báo cáo Đề án “Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước”, ý kiến của Văn phòng Trung ương Đảng và của một số bộ, ngành, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:
1- Về kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Bộ Chính trị cơ bản tán thành với những đánh giá, nhận định của đoàn kiểm tra về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương đã nghiêm túc tổ chức quán triệt sâu rộng và có chương trình cụ thể triển khai các Nghị quyết Trung ương và Nghị quyết đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, chỉ đạo, kiên quyết, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, nhận thức của các cấp uỷ đảng và chính quyền về vị trí, vai trò và sự cần thiết sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới đã nâng lên rõ rệt, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp và toàn xã hội. Doanh nghiệp nhà nước giảm về số lượng, nhưng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng thì mạnh lên, quy mô vốn tăng, cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt, có vị trí then chốt, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, một số nơi nhận thức chưa thật đầy đủ về yêu cầu khách quan cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; một số cơ chế, chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với điều kiện mới; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp; có doanh nghiệp tỉ lệ nợ trên vốn rất cao, không an toàn; đầu tư còn dàn trải, việc phát triển một số ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề chính của doanh nghiệp, dẫn đến phân tán nguồn vốn vốn đã ít và chứa đựng thêm nhiều rủi ro trong kinh doanh; trình độ công nghệ, năng suất lao động của khá nhiều doanh nghiệp còn thấp; việc đổi mới tổ chức quản lý trong doanh nghiệp nhà nước còn chậm; sức cạnh tranh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và chưa tương xưng với đầu tư của Nhà nước. Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn nhiều tồn tại, phân tán, tình trạng có quá nhiều chủ sở hữu trong một tập đoàn (từ Thủ tướng đến Bộ trưởng, Hội đồng quản trị đều là đại diện chủ sở hữu), dẫn đến trách nhiệm không rõ ràng, cần được sớm khắc phục. Việc thực hiện chức năng quản lý và giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có nơi, có lúc bị buông lỏng, vi phạm nghiêm trọng các quy định nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản nhà nước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, ngăn chặn, đặc biệt trong quản lý và giám sát việc mỏ rộng ngành nghề kinh doanh và việc sử dụng vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư. Công tác cán bộ chưa được quan tâm đúng mức, việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, luân chuyển chưa đảm bảo đầy đủ quy trình thủ tục.
Những kết quả đạt được đã khẳng định quan điểm, chủ trương của đảng về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, quan điểm về kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng dắn. Trong thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương và sự chỉ đạo của Chính phủ để nâng cao hiệu quả và vai trò của doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào một số việc chủ yếu sau:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX), Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và trong xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển và các giải pháp nhằm đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả và vị trí của doanh nghiệp nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đầy đủ và đồng bộ, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động, đồng thời tạo sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và đổi mới hoạt động của bản thân doanh nghiệp nhà nước.
Đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; sớm hoàn thành việc đánh giá lại giá trị vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và việc xử lý nợ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, có biện pháp làm lành mạnh tình hình tài chính doanh nghiệp.
Đẩy mạnh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo hướng doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối. Kiên quyết sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục; chấn chỉnh tình trạng tập đoàn, tổng công ty mở quá rộng ngành nghề mới nhưng không liên quan đến ngành nghề chính, không góp phần làm cho ngành nghề chính lớn mạnh mà còn làm cho nguồn lực tập đoàn, tổng công ty bị phân tán, mang nhiều rủi ro trong kinh doanh. Tổ chức, sắp xếp các tổng công ty nhà nước theo ngành, lĩnh vực trọng yếu để thành lập các tổng công ty nhà nước đủ mạnh và tiếp tục thí điểm các tập đoàn đang có để các đơn vị này thực sự là công cụ của Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Việc sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước phải trên cơ sở cơ chế thị trường. Có cơ chế tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phối hợp với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế trong nước nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trong thực hiện các dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Chăm lo việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giỏi ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Có cơ chế đãi ngộ, thu hút những người quản lý giỏi tham gia điều hành doanh nghiệp; mở rộng các hình thức hợp đồng thuê các cán bộ quản lý giỏi đã nghỉ hưu; nghiên cứu chế độ kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số cán bộ quản lý giỏi ở một số lĩnh vực quan trọng.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo quản lý, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước. Kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh để xử lý có hiệu quả. Hàng năm, sơ kết, đánh giá việc thực hiện, trong đó chú trọng làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý và giám sát vốn và tài sản nhà nước, trách nhiệm của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, của từng doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là của cá nhân người đứng đầu các cơ quan này, có biện pháp xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì đánh giá hoạt động của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các đảng ủy trực thuộc, các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng và kiến nghị việc hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, đoàn thể trong các các tập đoàn, tổng công ty lớn hoạt động trên phạm vi cả nước, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với doanh nghiệp, các đoàn thể trong doanh nghiệp và tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể.
2- Về hoàn thiện mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước:
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, từ năm 2005 đến nay, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã được thành lập, đi vào hoạt động, đạt được một số kết quả ban đầu, tạo ra sự chuyển đổi từ cơ chế cấp vốn cho doanh nghiệp sang cơ chế đầu tư vốn; từng bước thực hiện một phần quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước; góp phần tăng cường năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hoá và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Những kết quả sau gần 4 năm hoạt động Tổng công ty và Kinh doanh vốn nhà nước đã tiếp tục khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng trong quá trình đẩy mạnh sắp sếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cũng còn có những hạn chế, cần phải khắc phục, nhất là những hạn chế về định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp nghiệp, cơ chế quản lý doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ, về việc phân định rõ ràng chức năng quản lý nhà nước và giám sát vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, về vấn đề sử dụng vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để đầu tư vào những lĩnh vực thật sự cần thiết…
Trong thời gian tới, cần tập trung củng cố hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để làm tốt chức năng đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thực sự là công cụ, một kênh truyền vốn để Nhà nước chủ động trong việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và đầu tư theo hướng tập trung hơn vào các ngành, lĩnh vực thật sự then chốt, trọng yếu của nền kinh tế; đồng thời góp phần quản lý vốn và tài sản nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoạt động hiệu quả trên cơ sở làm rõ địa vị pháp lý, hướng hoạt động. Nghiên cứu để sớm chỉ định một cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Củng cố, đổi mới tổ chức bộ máy của Tổng công ty, có cơ chế, chính sách huy động các chuyên gia giỏi; thay đổi cơ cấu Hội đồng Quản trị theo hướng giảm các thành viên kiêm nhiệm, bổ sung thêm thành viên là các nhà kinh doanh chuyên nghiệp; cho phép thuê một số chuyên gia đầu tư tài chính tham gia điều hành công ty. Trước mắt, ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc hơn và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và các kết luận của Bộ Chính trị về mô hình Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nhằm tạo ra sự nhất trí cao trong hệ thống chính trị và trong xã hội.
Văn phòng Trung ương Đảng theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện Kết luận này với Bộ Chính trị./.
|
T/M
BAN BÍ THƯ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.