ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 910/KH-UBND |
Quảng Bình, ngày 03 tháng 6 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ DÂN SINH MÙA KHÔ NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
Thực hiện Quyết định số 305/QĐ-TTg ngày 05/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; căn cứ tình hình thời tiết, nguồn nước trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với các nội dung cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
- Chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.
- Có kế hoạch tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, phù hợp với khả năng cung cấp nước đảm bảo phục vụ sản xuất mùa khô và dân sinh mùa khô năm 2021.
- Cân đối điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người, gia súc và công nghiệp.
2. Yêu cầu
- Các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nguồn nước để kịp thời triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp.
- Đảm bảo kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó khi hạn hán, thiếu nước xảy ra nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về sản xuất, đảm bảo an sinh, kinh tế.
- Các giải pháp phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả phòng chống hạn hán, thiếu nước.
- Sử dụng kinh phí thực hiện công tác ứng phó hạn hán, thiếu nước đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình, quy định
II. Các biện pháp phòng, chống hạn
1. Giải pháp quản lý vận hành công trình
- Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Việc phân phối nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi với các tổ chức, cá nhân, hộ dùng nước và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.
- Xây dựng kế hoạch cấp nước và thực hiện cấp nước khoa học với phương châm xa tưới trước, gần tưới sau; xứ đồng cao tưới trước, xứ đồng trũng, thấp tưới sau để tăng hiệu quả tưới, tiết kiệm nguồn nước.
- Thường xuyên theo dõi mực nước trên các sông, hồ để chủ động điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm; bơm trữ vào các khu vực ao, hồ, vùng trũng để dự trữ.
- Quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước.
- Khẩn trương hoàn thành các công trình, hạng mục công trình thủy lợi phục vụ tưới để kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất.
- Tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước.
- Nạo vét theo kế hoạch các cửa khẩu, kênh dẫn, kênh chính các trạm bơm, hồ đập để dẫn nước phục vụ bơm tưới như: Hồ Tiên Lang, huyện Quảng Trạch bơm tại cầu máng Quảng Thanh tưới cho thôn Phù Ninh xã Quảng Thanh; bơm tại hói Sác Rộc xã Phù Hóa tưới cho diện tích sản xuất của xã Phù Hóa; Hồ Đồng Ran, huyện Bố Trạch bơm tại máng Đồng Cửa hỗ trợ tưới cho vùng cuối tuyến xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch; Hồ Vực Nồi, huyện Bố Trạch bơm tại cầu máng Sơn Vạn và máng Vực Ngọc hỗ trợ tưới cho diện tích vùng cuối tuyến; Hồ Vực Sanh + Cửa Nghè, huyện Bố Trạch bơm dung tích nước chết trong hồ Vực Sanh hỗ trợ tưới...
- Chuẩn bị sẵn sàng phương án lắp đặt các trạm bơm bằng động cơ điện, dầu dã chiến trên các tuyến kênh, kênh tiêu, ao, đầm, hồ tại các vị trí thuận lợi để tận dụng cấp nước tưới.
2. Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa nước thường xuyên bị thiếu nước qua các cây trồng chịu hạn, có nhu cầu nước ít, nhằm tiết kiệm nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
3. Giải pháp thông tin tuyên truyền
- Các địa phương, đơn vị, tổ chức tuyên truyền vận động người dân hiểu tác động của biến đổi khí hậu đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm, tính tất yếu của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.
- Vận động người dân tích cực tham gia làm thủy lợi, nạo vét phát dọn kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Thực hiện tưới tiết kiệm, tưới vừa đủ cho nhu cầu cây trồng, giữ bờ bao, bờ thửa để lợi dụng khả năng trừ nước ở mặt ruộng, tránh tưới liên tục, tràn lan từ thửa này sang thửa khác.
- Khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực cuối kênh.
4. Đối với cấp nước sinh hoạt, công nghiệp
- Các đơn vị cấp nước sinh hoạt có kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, các khu công nghiệp trên địa bàn quản lý khi hạn hán xảy ra.
- Tính toán, cân đối, lập kế hoạch dành nước ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp khi hạn hán xảy ra. Theo dõi, nắm bắt tình hình thiếu nước sinh hoạt, đề xuất các biện pháp cấp nước thích hợp.
- Một số hệ thống cấp nước nhỏ lẻ, các giếng nước của người dân do ảnh hưởng hạn hán không đủ nước, tiến hành các biện pháp như: Gia cố giếng, tăng cường các phương tiện vận chuyển để cấp nước, không để thiếu nước sinh hoạt và bùng phát dịch bệnh do hạn hán kéo dài.
5. Kinh phí tổ chức thực hiện
Nguồn kinh phí thu từ quản lý, khai thác công trình thủy lợi cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nguồn thu từ dịch vụ cấp nước sinh hoạt, nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
III. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tổ chức triển khai chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước theo Kế hoạch; tổng hợp tình hình, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước tưới.
- Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; đối với các công trình hồ chứa đang triển khai thi công chỉ đạo chủ đầu tư có các giải pháp thi công phù hợp để đảm bảo khả năng tích nước tại các hồ chứa để phục vụ sản xuất.
- Tổng hợp, rà soát nhu cầu hỗ trợ kinh phí của các địa phương về phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sử dụng các nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh kịp thời, hiệu quả hoặc báo cáo Bộ ngành Trung ương hỗ trợ theo quy định.
- Chỉ đạo Chủ đầu tư xây dựng công trình hệ thống Thủy lợi Rào Nan phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi khẩn trương đắp tôn đê quay thượng lưu hố móng Tràn đoạn qua dẫn dòng để nâng đầu nước trước đập nhằm dự phòng cho các tháng mùa kiệt thiếu nước.
2. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trong việc bố trí kinh phí để chủ động ứng phó khi xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2021 và nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước.
3. UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Xây dựng phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương cho từng công trình, từng khu vực cụ thể; chủ động nguồn nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên thiếu nước; tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước như: bồn trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình, hóa chất xử lý nước. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng phương tiện lưu động, như: xe cứu hỏa, xe chở nước... để cung cấp cho người dân.
- Thường xuyên kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tự ý vận hành cống điều tiết tại các hồ chứa, kênh mương.
- Thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng nước hợp lý, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nước ngay từ đầu vụ cho các cây trồng, đặc biệt là các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao.
- Chủ động bố trí kinh phí của địa phương để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là các công trình cấp nước; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND tỉnh xem xét theo quy định.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất theo đúng lịch trình, kế hoạch.
- Thường xuyên theo dõi và báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng liên quan biết về tình hình hạn cũng như khả năng bị hạn để có biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời.
4. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi
- Phối hợp với chủ đầu tư xây dựng công trình hệ thống Thủy lợi Rào Nan khẩn trương đắp tôn đê quay thượng lưu hố móng Tràn đoạn qua dẫn dòng để nâng đầu nước trước đập nhằm dự phòng cho các tháng mùa kiệt thiếu nước.
- Bám sát lịch thời vụ, diện tích sản xuất, xây dựng phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của đơn vị cho từng công trình, từng khu vực cụ thể.
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi, UBND cấp xã huy động các tổ, đội thủy nông bịt các chỗ rò rỉ ở các cửa cống lấy nước và các chỗ rò rỉ khác ở các công trình thủy lợi. Triển khai sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương để chủ động cho công tác điều tiết nước tưới, đồng thời giảm tổn thất nước.
- Các Chi nhánh của Công ty ký cam kết về phối hợp điều tiết nước tưới với các đội thủy nông của các xã, phường, thị trấn xác định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2021.
- Sử dụng nước tiết kiệm ngay đầu vụ, đối với các vùng có khả năng bơm tưới từ sông, suối hoặc từ dưới mực nước chết trong các hồ chứa vào thời kỳ cuối vụ thì phải có kế hoạch bố trí máy bơm, nhiên liệu ngay từ đầu vụ.
- Thường xuyên theo dõi và báo cáo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng liên quan biết về tình hình hạn cũng như khả năng bị hạn để có biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời.
- Xây dựng dự toán kinh phí, vật tư, vật liệu, nguyên, nhiên liệu, nhân lực và các thiết bị máy móc để chủ động cho công tác chống hạn, điều tiết nước khi có nguy cơ hạn hán xảy ra đối với mùa khô năm 2021.
5. Công ty Cổ phần cấp nước Quảng Bình, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn:
- Xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, các khu công nghiệp trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý khi xảy ra nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nhất là tại vùng cao, ven biển, cần thực hiện các biện pháp cấp nước kịp thời, không để ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân do thiếu nước.
- Phối hợp với tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi tính toán, cân đối dành nước ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp khi hạn hán xảy ra. Theo dõi, nắm bắt tình hình thiếu nước sinh hoạt, đề xuất các biện pháp cấp nước thích hợp.
- Bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống công trình cấp nước, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt.
6. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình tăng cường dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, nhận định tình hình hạn hán, thường xuyên cung cấp số liệu cho các cơ quan liên quan và địa phương để phục vụ chỉ đạo phòng, chống hạn mùa khô năm 2021.
7. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình thường xuyên đưa tin phản ánh tình hình khí tượng thủy văn, công tác phòng chống hạn hán, tình hình khắc phục hạn hán và thiếu nước sinh hoạt; thông tin tuyên truyền rộng rãi cho người dân và các ngành, các cấp biết để chủ động trong công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.