ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 77/KH-UBND |
Cà Mau, ngày 14 tháng 5 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN VÀ TÀI SẢN ĐỂ XỬ LÝ CÁC TÌNH HUỐNG CHÁY, NỔ, SỰ CỐ, TAI NẠN CÓ QUY MÔ LỚN, DIỄN BIẾN PHỨC TẠP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
Thực hiện Kế hoạch số 71/KH-C07-P5 ngày 13/4/2021 của C07 - Bộ Công an về huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của Công an các địa phương để xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành kế hoạch như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nhằm chủ động kịp thời, hiệu quả trong việc tổ chức huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh để tham gia, xử lý khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
2. Việc huy động lực lượng, phương tiện cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân phải bảo đảm đúng thẩm quyền, thủ tục theo quy định của pháp luật; tuyệt đối an toàn cho lực lượng, phương tiện khi tham gia chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
II. NỘI DUNG HUY ĐỘNG
1. Huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân
1.1. Trường hợp huy động
Khi xảy ra tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Công an tỉnh, cần phải huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các phương tiện chuyên dùng khác (xe cứu thương, xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe chở nước, xe phá dỡ công trình,…) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh để tham gia công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
1.2. Thẩm quyền huy động
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quyền huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị cấp có thẩm quyền huy động quyết định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị cấp có thẩm quyền huy động quyết định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực lượng quân đội đóng trên địa bàn. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện đó biết.
2. Huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị Công an tỉnh
2.1. Trường hợp huy động
- Khi xác định tình huống cháy, sự cố, tai nạn vượt quá khả năng xử lý của lực lượng Công an ở địa phương nơi xảy ra vụ việc, hoặc cần phải huy động thêm lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Công an các đơn vị, địa phương khác để xử lý đạt hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản do cháy, sự cố tai nạn gây ra.
2.2. Thẩm quyền huy động
- Trưởng Công an cấp huyện được quyền huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề nghị cấp có thẩm quyền huy động quyết định.
- Giám đốc Công an tỉnh được quyền huy động lực lượng, phương tiện của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý của mình thì phải đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Sau khi huy động thì thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện đó biết. Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện các thủ tục và tổ chức hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại về tài sản do việc trưng dụng để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC ĐƠN VỊ ĐƯỢC HUY ĐỘNG
1. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
- Tổ chức nắm chính xác tình hình vụ việc, tham mưu cấp có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; quyết định các phương pháp, biện pháp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị được huy động tham gia xử lý vụ việc.
- Khi lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân được huy động có mặt tại hiện trường để tham gia xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn, Ban Chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ tiếp nhận lực lượng chi viện, thống nhất về chế độ thông tin chỉ huy, điều hành và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị này thực hiện.
- Kịp thời báo cáo tình hình vụ việc cho lãnh đạo, cấp trên và cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông theo thẩm quyền; phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương và trung ương tuyên truyền, khuyến cáo và tổ chức cho người dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm nếu cần thiết (trường hợp có nguy cơ phát nổ, phát tán khói, khí độc; sạt lở…); thông tin, phổ biến các mối nguy hiểm do cháy, nổ, sự cố, tai nạn tác động và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh.
2. Nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân được huy động
2.1. Nhiệm vụ của Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất lãnh đạo cấp tỉnh huy động và chỉ huy các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Tổ chức triển khai chữa cháy, cứu người, cứu tài sản, giữ gìn trật tự, phân luồng giao thông phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, điều tra xác định nguyên nhân vụ cháy, sự cố, tai nạn.
- Đảm bảo công tác hậu cần phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (cung cấp nhiên liệu, thức ăn, nước uống, trang thiết bị y tế, chiếu sáng, thông tin liên lạc…) khi tổ chức chữa cháy lâu dài hoặc có người bị nạn.
- Kịp thời đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Khi xác định phải chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian dài, Ban Chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải chủ động tham mưu, đề xuất người có thẩm quyền (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nơi xảy ra vụ việc) đáp ứng các điều kiện về hậu cần phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (bổ sung nhiên liệu, hóa chất chữa cháy, phương tiện chiếu sáng, nước uống, thực phẩm và thuốc y tế…) để bảo đảm thuận lợi cho các đơn vị chiến đấu liên tục và đạt hiệu quả cao nhất.
- Rà soát lập danh sách các cơ sở có nguy cơ xảy ra tình huống cháy có quy mô lớn, diễn biến phức tạp để xây dựng phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có huy động lực lượng phương tiện của các địa phương lân cận để đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Xây dựng quy chế phối hợp với Công an các địa phương lân cận về việc huy động lực lượng, phương tiện chi viện xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn quy mô lớn, diễn biến phức tạp; hằng năm tổ chức sơ kết, báo cáo kết quả về Bộ Công an theo quy định.
2.2. Lực lượng Quân đội
Tham gia phối hợp với lực lượng Công an triển khai chữa cháy, cứu người bị nạn, hướng dẫn thoát nạn, sơ tán tài sản đến nơi an toàn. Điều động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (cháy rừng, sạt lở đất…).
2.3. Sở Y tế, Bệnh viện
Điều động xe cứu thương cùng các nhân viên y tế, dụng cụ sơ cấp cứu đến hiện trường để tiếp nhận, sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế.
2.4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Điều động xe bồn chở nước tiếp nước cho các phương tiện chữa cháy.
2.5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các báo, đài, cơ quan thông tin của địa phương nắm tình hình đưa tin về vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức khuyến cáo đến cộng đồng những thông tin cần thiết nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó trước các tác động nguy hiểm do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra.
2.6. Công ty cấp, thoát nước
Tăng áp lực nước cho các trụ nước chữa cháy ở khu vực xảy ra cháy hoặc điều động các xe chở nước để tiếp nước cho các phương tiện chữa cháy.
2.7. Công ty Điện lực và các chi nhánh điện
Tạm dừng cấp điện đến khu vực xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn theo yêu cầu của Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2.8. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia phối hợp với các lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự bên trong và bên ngoài khu vực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Huy động lực lượng, phương tiện cần thiết của các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2.9. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác
Có xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy, phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (xe chở nước, xe cẩu, xe xúc, xe ủi, xe nâng, xe phá dỡ công trình,…) có trách nhiệm điều động phương tiện đến đám cháy để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của người có thẩm quyền.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.
2. Giao Công an tỉnh chủ trì, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công an theo quy định.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để được hướng dẫn, giải quyết./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.