ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/KH-UBND |
Phú Yên, ngày 30 tháng 3 năm 2020 |
ỨNG PHÓ XÂM NHẬP MẶN, HẠN HÁN TRÊN DIỆN RỘNG TRÊN ĐỊA NÀN TỈNH PHÚ YÊN
Trong những năm gần đây tình hình thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan, phức tạp gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các lĩnh vực đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất đặc biệt nghiêm trọng. Để chủ động ứng phó, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán trên diện rộng, với một số nội dung chủ yếu như sau:
CƠ SỞ PHÁP LÝ, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng, chống, thiên tai năm 2013;
Căn cứ Luật Thủy lợi năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;
Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn;
Thực hiện Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ- CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự.
- Tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn; đảm bảo thực hiện tốt việc chủ động tích trữ nước, ngăn mặn phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao tính chủ động, tích cực của người dân trong việc phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.
- Để chủ động ứng phó, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh trong mùa khô, hạn hán trên diện rộng.
NỘI DUNG KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ XÂM NHẬP MẶN, HẠN HÁN TRÊN DIỆN RỘNG
I. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ XÂM NHẬP MẶN, HẠN HÁN TRÊN DIỆN RỘNG
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện những giải pháp trọng tâm nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán trên diện rộng như sau:
- Khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện việc nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, công trình ngăn mặn,... để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang xây dựng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời tích trữ nước, ngăn mặn phục vụ sản xuất và dân sinh.
- Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh
- Có kế hoạch điều hòa, phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,...) và sản xuất nông nghiệp.
Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó cho phù hợp.
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn người nông dân các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...
- Hướng dẫn vận động người dân chủ động trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi.
- Các cơ quan chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý khi phát sinh dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi trong mùa hạn mặn.
Đối với lĩnh vực trồng trọt: Khuyến cáo nhân dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước hạn hán; tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương,... để tiết kiệm sử dụng nước hiệu quả; khuyến cáo mức độ chịu hạn hán, xâm nhập mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp; kiên quyết không để người dân sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Hướng dẫn người dân dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi; các biện pháp vệ sinh tiêu độc, s át trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời các ổ dịch để có biện pháp ứng phó.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong lĩnh vực thủy sản, theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn, PH,...) để khuyến cáo người dân sản xuất cho phù hợp; hướng dẫn người dân bố trí thời vụ nuôi thủy sản theo tình hình thực tế xâm nhập mặn.
3. Cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân
Các cơ quan, đơn vị cấp nước phải có kế hoạch cấp nước cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô hạn, đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng để phục vụ nhân dân, trong đó cần chú trọng các giải pháp trọng tâm, như:
- Tăng cường công tác kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các hệ thống công trình cấp nước tại các nhà máy nước; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng kịp thời khắc phục những hư hỏng trên tuyến, đảm bảo vận hành các nhà máy nước liên tục phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.
- Nạo vét các ao, hồ chứa nước nhằm tăng cường, tích trữ nước để phục vụ cho công tác vận hành cấp nước.
- Đẩy nhanh tiến độ thi công mở mạng các hệ thống cấp nước, tiến độ lắp đặt đồng hồ nước để kịp thời phục vụ nhân dân.
- Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên, Sở Nông nghiệp và PTNT (Trung tâm Nước sạch và VSMTNT), Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, chỉ đạo các đơn vị cấp nước thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện nhằm đạt mục tiêu đề ra.
4. Công tác thông tin, tuyên truyền
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Hội, đoàn thể tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;...
- Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Phú Yên: Chủ động phối hợp xây dựng và phát sóng các chuyên mục, các bài viết hướng dẫn, tuyên truyền biện pháp phòng, chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn để người dân biết và thực hiện, đặc biệt là tuyên truyền vận động nhân dân tích cực, chủ động trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan liên quan cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh để tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân biết và thực hiện.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ đạo Đài Phát thanh của địa phương xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao tính chủ động, tích cực của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm nhằm đảm bảo phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi; thường xuyên thông tin về diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để người dân biết, chủ động ứng phó.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Tăng cường công tác dự báo kịp thời về diễn biến của thời tiết cũng như nhận định tình hình hạn hán; thực hiện quan trắc môi trường nước; kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm nhằm hạn chế các tác nhân để bảo vệ môi trường nước.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất như: Tưới tiêu tiết kiệm; khả năng thích ứng, chống chịu hạn hán và mặn ở cây trồng, vật nuôi,...
7. Sở Y tế: Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt, phòng, tránh phát sinh dịch bệnh do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài.
8. Sở Tài chính, Sở kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan rà soát tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí đảm bảo công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả.
9. Công ty Điện lực Phú Yên: Đảm bảo cung cấp đủ điện cho các trạm bơm điện hoạt động thường xuyên liên tục để bơm nước tưới chống hạn và cho các nhà máy nước để vận hành cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
10. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán trên diện rộng tại địa phương:
- Kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch; chỉ đạo sản xuất theo đúng lịch thời vụ.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống công trình thủy lợi tại địa phương (hồ chứa, kênh mương,...) để kịp thời duy tu, sửa chữa nếu có hư hỏng. Trong trường hợp vượt quá khả năng, các địa phương báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét.
- Có giải pháp đảm bảo cấp nước sinh hoạt tới từng hộ, thôn, bản, xã ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt (đặc biệt chú ý vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển); tăng cường sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước cho các hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trường hợp cấp bách không còn nguồn nước cho sinh hoạt, cần sử dụng phương tiện chở cấp nước đến từng cụm dân cư. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
II. CÁC KỊCH BẢN ỨNG PHÓ XÂM NHẬP MẶN, HẠN HÁN TRÊN DIỆN RỘNG
a) Rủi ro thiên tai cấp độ 1: Trường hợp các vùng có khả năng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại các khu vực (đối với hạn hán thiếu nước gồm các huyện: Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa…; đối với xâm nhập mặn tại các địa phương ven biển, gồm các huyện: Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa).
b) Rủi ro thiên tai cấp độ 2: Trường hợp có nhiều vùng xảy ra nắng nóng, khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên diện rộng kéo dài nhiều tháng, nguồn nước tại các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.
2. Công tác chỉ đạo phòng chống, ứng phó đối với từng cấp độ rủi ro thiên tai
Các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán trên diện rộng theo kế hoạch, phương án của đơn vị, địa phương đã được xây dựng, trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, như sau:
2.1. Trường hợp xảy ra rủi ro thiên tai cấp độ 1
a) Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, thông báo, cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến các cấp chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó phù hợp, hiệu quả.
- Xác định cấp độ rủi ro, kịp thời hướng dẫn, tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định.
- Phối hợp với Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên để đấu nối nguồn nước của Công ty kịp thời cung cấp nước cho người dân; vận hành các điểm cấp nước tập trung đã được xây dựng, đảm bảo hoạt động cấp nước cho người dân ở nơi chưa có nguồn nước máy để người dân có nước sinh hoạt.
b) Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Theo dõi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động xây dựng phương án vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, đáp ứng tối đa nhu cầu dùng nước của địa phương, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
- Thường xuyên kiểm tra nguồn nước trong công trình thủy lợi; tăng cường trữ nước vào công trình thủy lợi trong mùa mưa, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,...) và sản xuất nông nghiệp.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo để phục vụ chỉ đạo phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; kịp thời cung cấp thông tin về diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đến các ngành, địa phương và người dân để biết và chủ động trong phòng chống, ứng phó.
d) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Yên: Tăng cường cập nhật, thông báo diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; các thông tin dự báo, cảnh báo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Bố trí lịch phát sóng các chuyên mục hướng dẫn biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn để người dân biết và thực hiện nhằm hạn chế thiệt hại.
e) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Hội, đoàn thể tỉnh: Tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm; tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông, suối để cung cấp cho sản xuất; vận động nhân dân theo dõi thông tin, diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
f) UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn; các thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để tổ chức ứng phó cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam để vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.
- Phối hợp với các đơn vị cấp nước, trạm cấp nước trên địa bàn, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.
- Chỉ đạo Đài Phát thanh địa phương: Thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; các thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Tổ chức phát sóng các chuyên mục hướng dẫn biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn để người dân biết và thực hiện nhằm hạn chế thiệt hại.
2.2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 (mức độ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng)
Rút kinh nghiệm trong các đợt hạn hán, xâm nhập mặn những năm trước, đặc biệt là năm 2019 đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các lĩnh vực đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất đặc biệt nghiêm trọng. Để chủ động, ứng phó và đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh trong mùa khô, nhất là khi xảy ra rủi ro thiên tai cấp độ 2. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó đối với rủi ro thiên tai cấp độ 1 nêu trên; đồng thời, thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, cụ thể:
a) Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn và các đơn vị cấp nước khác, vận hành các điểm cấp nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương cử cán bộ kỹ thuật tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý khi phát sinh dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại.
- Phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố thống kê, đánh giá thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn (nếu có) kịp thời thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giúp người dân sớm khắc phục thiệt hại theo quy định pháp luật.
b) Công ty Cổ phần cấp thoát nước Phú Yên: Tăng cường hỗ trợ các trạm, nhà máy nước ở địa phương để kịp thời cung cấp nước cho người dân; các khu công nghiệp và vận hành các điểm cấp nước tập trung đã xây dựng để cung cấp cho người dân đảm bảo đủ nước.
c) Các đơn vị cấp nước khác trên địa bàn: Chủ động rà soát, thực hiện các giải pháp để cung cấp nước cho nhân dân phục vụ sinh hoạt, sản xuất, nhất là các giải pháp cung cấp nước tại những khu vực nguồn nước thiếu hụt, bị nhiễm mặn,...
d) Công an tỉnh: Rà soát, phối hợp với ngành chức năng trong trường hợp cấp thiết có thể huy động xe bồn chữa cháy để vận chuyển nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho người dân và các bệnh viện, doanh nghiệp, khu công nghiệp, trường học...
e) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Rà soát, phối hợp với ngành chức năng trong trường hợp cấp thiết có thể huy động lực lượng, phương tiện để vận chuyển nước cung cấp cho người dân ở những khu vực thiếu nước, khan hiếm nước.
f) Sở Y tế: Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gây ra do ảnh hưởng bởi các yếu tố hạn hán, xâm nhập mặn đối với người dân.
g) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Hội, đoàn thể tỉnh: Tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ, cứu trợ cho người dân bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn (nhất là hỗ trợ nước uống).
h) UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Huy động tối đa các nguồn lực để cung cấp nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho người dân và các bệnh viện, doanh nghiệp, khu công nghiệp, trường học...
- Tiếp tục triển khai một số giải pháp đã được thực hiện và phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua; huy động phương tiện (kể cả xe bồn chữa cháy) trên địa bàn để vận chuyển nước cung cấp cho nhân dân.
- Kịp thời thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn (nếu có); đồng thời phối hợp với các Sở, ngành có liên quan để sớm triển khai thực hiện khắc phục thiệt hại theo quy định.
Căn cứ nội dung Kế hoạch này, UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán trên diện rộng theo chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị.
Trên đây là Kế hoạch ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán trên diện rộng, UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban ngành có liên quan và địa phương nghiêm túc thực hiện, đồng thời báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-TKCN tỉnh), địa chỉ: Số 64 Lê Duẩn, F7, thành phố Tuy Hòa; ĐT: 0257.3842.173, fax: 0257.3842.174; email theo địa chỉ: vppclbpy@gmail.com và bchpctttkcnpy@phuyen.gov.vn, khi có thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn) xảy ra, để theo dõi, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.