BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 549/KH-BYT |
Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2014 |
Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 29-CT/TW), căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
- Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW đến các cấp Ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động và người lao động trong toàn ngành, nhằm phát huy kết quả đã đạt được, tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng về ý thức chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người lao động, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
- Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 29-CT/TW gắn trách nhiệm của các đơn vị trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cấp Ủy, chính quyền, của mỗi cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động và người lao động.
Căn cứ Chỉ thị số 29-CT/TW và Kế hoạch thực hiện của Bộ Y tế; căn cứ nhiệm vụ được giao các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng trong các đơn vị chỉ đạo thực hiện đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW trong toàn ngành Y tế; đảm bảo phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai ở mỗi cấp, đơn vị;
- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW và Kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ Y tế, xác định những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với 2 nội dung sau:
+ Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (AT,VSLĐ) trong ngành y tế;
+ Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của ngành y tế trong công tác vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, cơ sở lao động.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động của ngành Y tế để đảm bảo người lao động trong ngành Y tế được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất khác được chăm sóc nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
2.1. Giai đoạn 2014-2015
2.1.1. Đối với công tác AT,VSLĐ trong ngành Y tế:
- Trên 70% số đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
- Trên 30% người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động được cấp Giấy chứng nhận, Chứng chỉ; trên 50% người lao động được huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động được cấp Giấy chứng nhận.
- Trên 70% đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành Y tế được đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ hàng năm và lập Hồ sơ vệ sinh lao động; Trên 70% số người lao động trong toàn ngành được khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động.
- Trên 90% người lao động trong ngành y tế được trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ cần thiết để phòng ngừa, đối phó, ứng cứu sự cố và tai nạn lao động trong quá trình làm việc.
- Trên 90% người lao động trong ngành y tế được xác nhận làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng các chính sách, chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.
- Đảm bảo 100% số vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng trong ngành y tế được điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật; 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong ngành y tế được chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật.
2.1.2. Đối với công tác vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong cả nước:
Trung bình hằng năm tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động.
2.2. Giai đoạn 2015-2020
2.2.1. Đối với công tác AT,VSLĐ trong ngành Y tế:
- 100% số đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
- 100% người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động được cấp Giấy chứng nhận, Chứng chỉ; 100% người lao động được huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động được cấp Giấy chứng nhận.
- 100% đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành Y tế được đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ hàng năm và lập Hồ sơ vệ sinh lao động; 100% số người lao động trong toàn ngành được khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người lao động.
- 100% người lao động được trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện cấp cứu, cứu hộ cần thiết để phòng ngừa, đối phó, ứng cứu sự cố và tai nạn lao động trong quá trình làm việc.
2.2.2. Đối với công tác vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong cả nước:
Trung bình hằng năm tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cấp Ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, người sử dụng lao động, người lao động trong và ngoài ngành y tế. Gắn công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng để tuyên truyền các tin, bài, văn bản có liên quan đến an toàn lao động, vệ sinh lao động; phổ biến kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho cơ sở lao động và người lao động trong toàn ngành. Khắc phục tình trạng người sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động và việc người lao động mới chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà xem nhẹ bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho chính mình.
Phát động phong trào xây dựng văn hóa an toàn và văn hóa phòng ngừa tại các cơ sở lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chủ động tham gia quá trình quản lý, giám sát bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, duy trì và tổ chức tốt phong trào thi đua "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động" tại cơ sở lao động trong toàn ngành.
Xây dựng, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp để phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở lao động, các tổ chức, cơ quan, người sử dụng lao động để xảy ra mất an toàn lao động, vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp.
Khuyến khích các cơ sở lao động, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân làm tốt, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Đưa nội dung đào tạo về an toàn lao động, vệ sinh lao động nâng cao hiểu biết về các quy trình, quy phạm chuyên môn, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động vào trong các cơ sở đào tạo của ngành Y tế.
Huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động là nhiệm vụ bắt buộc đối với cơ quan, đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành.
Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế lao động các tuyến về kỹ năng giám sát môi trường lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, chú trọng công tác chuyển giao, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động.
Tăng cường công tác nghiên cứu, cải tiến trang, thiết bị bảo vệ cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ, các trang thiết bị phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ và phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Rà soát, nghiên cứu bổ sung các bệnh nghề nghiệp mới vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Không tiếp nhận các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất sử dụng công nghệ cũ, có nhiều nguy cơ gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường lao động cũng như ô nhiễm môi trường sống của nhân dân.
Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách trong công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong ngành y tế theo định hướng ưu tiên cho các hoạt động phòng ngừa, quản lý rủi ro, làm rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đầu tư cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong và ngoài ngành y tế. Củng cố và hoàn thiện các cơ sở khám, điều trị bệnh nghề nghiệp, cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động cho người lao động.
Huy động nguồn lực tham gia vào việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động trong ngành y tế. Chú trọng đầu tư trang thiết bị giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe, khám chẩn đoán bệnh nghề nghiệp cho cơ sở y tế các tuyến theo chức năng nhiệm vụ.
Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tiếp cận, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến của các nước; tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
1. Cục Quản lý môi trường y tế
- Tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc; quản lý công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong toàn ngành.
- Hàng năm, chủ trì phối hợp với các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ xây dựng kế hoạch trình Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Xây dựng, đề xuất những nội dung y tế trong Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Xây dựng kế hoạch vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2015-2020.
- Tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở lao động trong ngành y tế.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cơ sở lao động trong toàn ngành thực hiện đúng các quy định hiện hành của pháp luật về AT,VSLĐ; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về AT,VSLĐ và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Đầu mối trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
- Hàng năm tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này.
2. Vụ Kế hoạch Tài chính
- Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện công tác AT,VSLĐ, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp để thực hiện Chỉ thị.
3. Cục Quản lý khám, chữa bệnh
- Phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành thực hiện đúng các quy định hiện hành của pháp luật về AT,VSLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
- Đưa tiêu chí về AT,VSLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.
- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện công tác điều dưỡng phục hồi chức năng cho người lao động.
4. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế:
- Xây dựng các tiêu chí để lựa chọn, các máy, thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại đáp ứng được công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
5. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo:
- Ưu tiên đầu tư kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động; bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp mới.
6. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành
- Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị.
- Rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, hội đồng bảo hộ lao động, y tế cơ quan, mạng lưới an toàn vệ sinh viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hàng năm, khi xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị phải gắn liền với kế hoạch AT,VSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định hiện hành.
- Tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động trong toàn đơn vị.
- Tăng cường công tác tự kiểm tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện nghiêm việc đo, kiểm tra môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; bảo đảm người lao động không mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh tật khác do điều kiện lao động gây ra.
- Đối với các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị trong công tác vệ sinh lao động, giám sát môi trường lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo định kỳ hàng năm (ngày 31/12) về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế).
7. Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương
7.1. Căn cứ vào kế hoạch này để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị.
7.2. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế địa phương:
- Rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, hội đồng bảo hộ lao động, y tế cơ quan, mạng lưới an toàn vệ sinh viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hàng năm, khi xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị phải gắn liền với kế hoạch AT,VSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động theo quy định hiện hành.
- Lên kế hoạch, tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn quản lý.
- Tăng cường công tác tự kiểm tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về công tác AT,VSLĐ;
7.3. Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, cơ sở lao động trong ngành Y tế địa phương thực hiện nghiêm việc đo, kiểm tra môi trường lao động, lập hồ sơ vệ sinh lao động; Quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; bảo đảm người lao động không bị tai nạn lao động, không mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh tật khác do điều kiện lao động gây ra.
7.4. Phối hợp liên ngành tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp đối với các cơ sở lao động trên địa bàn quản lý.
7.5. Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư nguồn kinh phí, nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường, Trung tâm Y tế tuyến quận, huyện nhằm nâng cao năng lực giám sát môi trường lao động, khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế lao động để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
7.6. Tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo định kỳ hàng năm (ngày 31/12) về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế).
Trên đây là Kế hoạch Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của ngành y tế, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng y tế các Bộ, ngành, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) chỉ đạo./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.