ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4959/KH-UBND |
Ninh Thuận, ngày 17 tháng 9 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC ĐÓN PHỤ NỮ MANG THAI SẮP SINH, PHỤ NỮ ĐANG NUÔI CON NHỎ DƯỚI 03 TUỔI VÀ NGƯỜI ĐI KHÁM, ĐIỀU TRỊ BỆNH BỊ KẸT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRỞ VỀ TỈNH (ĐỢT 1)
Căn cứ Công điện số 1081/CĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 302-TB/TU ngày 14 tháng 9 năm 2021 về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19;
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch tổ chức đón phụ nữ mang thai sắp sinh, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 03 tuổi và người đi khám, điều trị bệnh bị kẹt tại Thành phố Hồ Chí Minh trở về tỉnh (đợt 1), cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu.
1. Mục đích.
- Nhằm hỗ trợ cho các đối tượng là phụ nữ mang thai sắp sinh, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 03 tuổi và người đi khám, điều trị bệnh bị kẹt tại thành phố Hồ Chí Minh trở về tỉnh Ninh Thuận phù hợp với điều kiện tiếp nhận và phương án phòng chống, dịch của tỉnh.
- Chủ động, tích cực, có phương án cụ thể cho từng đối tượng từ việc đăng ký, tiếp nhận, xét nghiệm, đưa đón, cách ly; bảo đảm chặt chẽ, an toàn phòng, chống dịch trước mắt và lâu dài.
2. Yêu cầu.
- Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình đón nhận: người về an toàn, vận chuyển an toàn, tổ chức cách ly an toàn; nếu có sự cố phải có phương án xử lý an toàn.
- Các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và các cá nhân có liên quan tích cực phối hợp, đảm bảo sự chủ động, thống nhất, kịp thời, đồng bộ và an toàn, thực hiện đúng các văn bản hiện hành về phòng, chống dịch Covid - 19.
- Phải sàng lọc thông tin đáp ứng đầy đủ các điều kiện ngay từ đầu và phải có phương án xử lý đối với từng tình huống có thể xảy ra.
II. Điều kiện, đối tượng, số lượng tiếp nhận.
1. Đối tượng tiếp nhận: công dân thường trú tại Ninh Thuận, theo nhóm đối tượng ưu tiên đón về như sau:
- Người đi khám, điều trị bệnh và bị kẹt tại thành phố Hồ Chí Minh (có hồ sơ khám, chữa bệnh của Bệnh viện).
- Phụ nữ đang mang thai (từ 37, 38, 39 tuần tuổi, có giấy siêu âm/phiếu khám thai của Bác sỹ chuyên khoa) và người thân đi theo (02 người/phụ nữ mang thai).
- Phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 03 tuổi (có giấy khai sinh của trẻ): gồm có 02 con nhỏ và chồng cùng về.
2. Điều kiện tiếp nhận: Công dân thuộc các đối tượng nêu trên từ Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội có nguyện vọng về tỉnh Ninh Thuận; có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (còn giá trị trong vòng 72 giờ tính đến thời điểm đón về); phải có giấy xác nhận hoàn thành cách ly (nếu thuộc đối tượng cách ly); cam kết thực hiện các quy định của tỉnh và địa phương nơi cư trú về phòng, chống dịch Covid-19.
3. Số lượng: dự kiến khoảng 236 người (đính kèm danh sách cụ thể).
III. Quy trình tiếp nhận, đón về và cách ly tập trung.
1. Thực hiện thủ tục đăng ký, tiếp nhận.
Các đối tượng nêu trên có nhu cầu về Ninh Thuận sẽ thông qua gia đình (người thân) tại địa phương tiến hành đăng ký trực tiếp với UBND cấp xã (có mẫu phiếu đăng ký, xác định nhóm đối tượng); cấp xã lập danh sách, tổng hợp chuyển cấp huyện tổng hợp chung và gửi về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở báo cáo của UBND các huyện, thành phố, Sở Lao động- Thương binh và xã hội tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét. Địa phương chịu trách nhiệm về tính xác thực về danh sách đề nghị của địa phương lập.
2. Quy trình tiếp nhận.
- Sau khi có danh sách đăng ký cụ thể từ UBND các huyện, thành phố chuyển đến; Sở Lao động- Thương binh và xã hội tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh số liệu chính thức số công dân cần đón về để thống nhất về thời gian, số lượng,… đón về đảm bảo chặt chẽ, an toàn.
- Sau khi Kế hoạch được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có văn bản đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện sắp xếp, bố trí địa điểm tiếp nhận và tạo điều kiện cho đối tượng được phép đến nơi tiếp nhận đảm bảo an toàn; Tổ tiếp nhận sẽ kết nối với các đối tượng (thông qua số điện thoại) để chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và thông tin thời gian, địa điểm cụ thể để tiếp nhận.
- Tại điểm tiếp nhận: Tổ tiếp nhận sẽ kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ theo quy định; tổ chức test nhanh trước khi đón về. Trường hợp qua test nhanh phát hiện ca nghi dương tính thì đối tượng nghi F0 và F1 có liên quan sẽ được ở lại để điều trị, cách ly theo quy định.
3. Thời gian, địa điểm cách ly y tế.
3.1. Thời gian tổ chức đón công dân: Dự kiến đi và về trong ngày (thời gian cụ thể do Tổ Công tác thống nhất đề xuất).
3.2. Thời gian cách ly: Thực hiện cách ly tập trung và theo dõi y tế theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn 4911/UBND-VXNV ngày 16/9/2021 về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch Covid-19.
3.3. Địa điểm cách ly: Thực hiện cách ly tập trung tại Cơ sở cách ly của tỉnh, cơ sở Bệnh viện đa khoa tỉnh đối với trường hợp phụ nữ mang thai từ đủ 37 tuần trở lên. Trường hợp công dân có nhu cầu cách ly tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh sẽ đăng ký và tạo điều kiện theo nhu cầu.
3.4. Chi phí trong thời gian cách ly: thực hiện theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính Phủ.
4. Phương thức vận chuyển.
Việc vận chuyển được thực hiện bằng ô tô do Sở Giao thông vận tải đề xuất.
Số lượng phương tiện: Gồm 12 xe giường nằm do Công ty Phương Trang tài trợ (mỗi xe tiếp nhận khoảng 20 người, không kể lái và phụ xe), 02 xe Công an dẫn đường, 02 xe y tế, 01 xe phục vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
5. Địa điểm tiếp nhận: Tập trung và đón tại Bến xe Miền Đông (cũ), địa chỉ: 292 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
IV. Kinh phí thực hiện.
Từ nguồn ngân sách tỉnh về công tác phòng chống dịch Covid-19 và nguồn vận động hợp pháp khác (nếu có).
V. Tổ chức thực hiện.
1. Văn phòng UBND tỉnh:
- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng; đại diện lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Y tế làm Tổ phó; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Tài chính, Tỉnh Đoàn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và mời Trưởng Ban liên lạc đồng hương Ninh Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia thành viên.
- Tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho Tổ công tác, người dân di chuyển đến địa điểm tiếp nhận và tổ chức tiếp nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh được nhanh chóng, thuận lợi, an toàn; tham mưu văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận thông báo thời gian, lộ trình để các địa phương hỗ trợ để đảm bảo an ninh trật tự.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát lại danh sách đăng ký của công dân đã tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và lên phương án cụ thể đón công dân về.
- Thành lập Tổ tiếp nhận đưa công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về do Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng; thành viên gồm các sở, ban ngành có liên quan: Công an, Y tế, Giao thông vận tải, Tỉnh đoàn.
- Tổng hợp dự toán chi tiết kinh phí phục vụ cho công tác đưa đón công dân gửi Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện.
3. Sở Y tế:
- Chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ cho Tổ tiếp nhận và test nhanh cho công dân được đón về.
- Tiếp cận người đang điều trị bệnh, phụ nữ mang thai để tư vấn về sức khỏe, điều kiện đi lại và cử nhân viên y tế tham gia Tổ tiếp nhận cho phù hợp.
- Có phương án phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh liên quan trên đường di chuyển để hỗ trợ xử lý những tình huống phát sinh về y tế (nếu có).
- Phối hợp với Ban điều hành các khu cách ly của tỉnh tổ chức thực hiện tiếp nhận cách ly tập trung tại Bệnh viện tỉnh.
4. Sở Giao thông vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với nhà xe Phương Trang để bố trí phương tiện, tổ chức vận chuyển đón người dân tại địa điểm tiếp nhận về đến cơ sở cách ly tập trung đảm bảo đúng lịch trình và an toàn.
- Chủ động liên hệ và thống nhất với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan đề nghị tạo điều kiện hỗ trợ cho Tổ tiếp nhận của tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch; phối hợp hỗ trợ việc điều tiết xe của Tổ tiếp nhận trong quá trình di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh; kịp thời xử lý các tình huống phát sinh (nếu có).
5. Công an tỉnh: Bố trí xe dẫn đoàn theo lịch tiếp nhận; chủ động liên hệ, phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có Đoàn xe đi qua đảm bảo lưu thông thuận lợi, an toàn, an ninh trật tự theo kế hoạch.
6. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Căn cứ số lượng tiếp nhận theo kế hoạch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Ban Điều hành các khu cách ly tập trung tỉnh) rà soát, kích hoạt các khu cách ly đảm bảo để tiếp nhận và tổ chức cách ly theo quy định.
7. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh: Trên cơ sở danh sách được xác lập và kế hoạch được ban hành; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có trách nhiệm làm đầu mối liên hệ với Ban liên lạc đồng hương tỉnh Ninh Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh thông tin đến công dân để xác nhận và thực hiện các thủ tục đưa đón về địa phương.
8. Sở Tài chính: Tham mưu bố trí kinh phí thực hiện theo đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
9. Tỉnh Đoàn: Cử 02 đoàn viên tham gia Tổ tiếp nhận theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
10. UBND các huyện, thành phố:
- Triển khai, rà soát, xác nhận người dân của địa phương mình theo tiêu chí đã được thống nhất bảo đảm chính xác, gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thống nhất phương án đưa đón.
- Liên lạc với công dân có danh sách đăng ký về quê chuẩn bị các thủ tục theo quy định và thời gian đón về theo Kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn phát sinh đề nghị phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để phối hợp, giải quyết./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.