ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 443/KH-UBND |
Hà Giang, ngày 06 tháng 12 năm 2017 |
Thực hiện Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ công văn số 1274/BXD-HTKT ngày 06/6/2017 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050,
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Văn bản số 107/TTr-SXD ngày 03/11/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thoát nước đô thị và khu, cụm công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
Thoát nước đô thị là ngành dịch vụ công ích, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thoát nước. Phát triển thoát nước bền vững góp phần bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, có sự tham gia và giám sát của cộng đồng và hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương nhằm đảm bảo thoát nước an toàn, hiệu quả góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
1. Mục đích:
Quản lý và phát triển hệ thống thoát nước đồng bộ, bền vững, làm cơ sở xây dựng các chương trình về đầu tư xử lý nước thải cho các đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, bệnh viện, làng nghề từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao ý thức cộng đồng về thoát nước và bảo vệ môi trường.
2. Yêu cầu:
- Nước thải, bùn thải được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Xử lý nước thải, bùn thải bằng các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Kết hợp giữa giải pháp xử lý nước thải tập trung và phi tập trung nhằm nâng cao tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi xả ra môi trường.
- Nước mưa được thu gom, xử lý và tái sử dụng bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Vật tư, vật liệu, thiết bị cho ngành thoát nước phải áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường nhằm góp phần tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
1. Mục tiêu tổng quát
- Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hệ thống thoát nước theo từng giai đoạn.
- Phát triển hệ thống thoát nước ổn định và đồng bộ bao gồm xây dựng mạng lưới thu gom, chuyển tải về nhà máy xử lý nước thải theo từng giai đoạn phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phát huy tối đa công suất thiết kế các nhà máy xử lý nước thải bảo đảm hiệu quả quản lý và đầu tư xây dựng.
- Tăng tỷ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải; hệ thống thoát nước được vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và theo định kỳ.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Hiện trạng hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh
a) Hệ thống thoát nước thải:
- Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 14 đô thị gồm 01 đô thị loại III, 01 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V, nhưng chỉ có 02 đô thị là thị trấn Tam Sơn (huyện Quản Bạ) và thị trấn Yên Minh (huyện Yên Minh) được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Các đô thị còn lại chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đạt chuẩn, nước thải được thoát chủ yếu qua hệ thống rãnh dọc của đường và thoát tự nhiên.
- Thành phố Hà Giang đã có dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt nhưng mới chỉ dừng ở bước lập dự án, chưa triển khai các bước tiếp theo.
b) Hệ thống thoát nước mưa: Các đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có hệ thống thu gom nước mưa. Nước mưa được thu gom và thoát chung qua hệ thống rãnh dọc của đường hoặc thoát tự nhiên. Do đặc điểm các đô thị đa phần có địa hình đồi núi dốc, có sông suối chảy qua nên tình trạng ngập úng trong đô thị ít xảy ra. Hiện chỉ có thành phố Hà Giang còn tồn tại một số điểm ngập xuất hiện khi có mưa với cường độ cao được chia theo các phường trong thành phố như khu vực lòng chảo Mã Tim, đoạn qua sân bóng đá nhân tạo đường Lý Tự Trọng, đường 20/8 (đoạn qua Sở TN&MT), đường Nguyễn Trãi (đoạn ở Hải quan tỉnh). Ở các đô thị còn lại không xảy ra tình trạng ngập úng.
c) Hệ thống thoát nước thải tại các khu công nghiệp: Các khu công nghiệp có hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản được triển khai theo các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Khu công nghiệp Bình Vàng đã có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung công suất 2.000 m3/ngày.đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý III/2017. Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy đã có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải tập trung công suất 400 m3/ngày.đêm, đã bàn giao đưa vào sử dụng và được cấp phép xả nước thải vào nguồn.
d) Hệ thống thoát nước thải tại các cụm công nghiệp: Trên địa bàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp có định hướng phát triển được phê duyệt tại Quyết định số 3233/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có 02 cụm công nghiệp gồm Cụm công nghiệp Nam Quang huyện Bắc Quang, cụm công nghiệp Minh Sơn 2 huyện Bắc Mê là đang hoạt động. Khu xử lý nước thải chung của cả cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng. Hiện tại các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp phải tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
e) Hệ thống thoát nước tại các bệnh viện: Hiện các bệnh viện trên địa bàn tỉnh gồm 03 bệnh viện tuyến tỉnh và 09 bệnh viện tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải y tế, cơ bản thu gom và xử lý nước thải tại các bệnh viện theo quy định. Tuy nhiên, một số bệnh viện gồm Bệnh viện đa khoa huyện Quang Bình, Quản Bạ và Đồng Văn hệ thống thoát nước đã xuống cấp, cần phải đầu tư nâng cấp để đảm bảo yêu cầu xử lý.
g) Hệ thống thoát nước tại các làng nghề: Có 35 làng nghề trên địa bàn tỉnh gồm sản xuất rượu, sản xuất chè, thêu dệt vải lanh, sản xuất giấy bản, làng nghề đan lát, làng nghề may mặc và chế tác các sản phẩm phục vụ du lịch. Do đặc điểm của các làng nghề là sản xuất theo quy mô nhỏ và quy mô nông hộ, phương pháp thủ công; lượng nước thải phát sinh không nhiều, khối lượng xả thải ra môi trường nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường nên chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải theo tiêu chuẩn.
2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) Đối với nước thải:
- Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 30% diện tích bao phủ dịch vụ.
- 15% tổng lượng nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
- 100% lượng nước thải bệnh viện được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
- 100% lượng nước thải các khu công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
- 30% lượng nước thải của các cụm công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
- 10% lượng nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
b) Đối với thoát nước mưa và chống ngập cục bộ ở đô thị:
- Mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị đạt trung bình trên 70% phù hợp với cao độ nền và thoát nước mặt.
- 100% các tuyến đường chính trong đô thị, các tuyến đường nằm trong các khu đô thị, khu dân cư đều có hệ thống thoát nước mưa.
- 90% các đô thị trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng ngập cục bộ trong mùa mưa.
- Ban hành và tổ chức thực hiện Quy định quản lý thoát nước và giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn tỉnh.
2.3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
a) Đối với nước thải:
- Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 40% diện tích bao phủ dịch vụ.
- 20% tổng lượng nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
- 10% nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được tái sử dụng tưới cây, rửa đường đô thị và các nhu cầu khác.
- Duy trì tỷ lệ 100% nước thải bệnh viện được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
- Duy trì tỷ lệ 100% nước thải các khu công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
- 20% lượng nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
- 50% lượng nước thải của các cụm công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
b) Đối với thoát nước mưa và chống ngập cục bộ ở đô thị:
- Mở rộng phạm vi phục vụ các hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị đạt trung bình trên 80%.
- 20% các đô thị có giải pháp thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho sinh hoạt, tưới cây, rửa đường và các mục đích khác.
- 100% các đô thị không còn tình trạng ngập cục bộ trong mùa mưa.
2.4. Tầm nhìn đến 2050
a) Đối với nước thải:
- Mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ.
- 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường.
- 30% nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được tái sử dụng tưới cây, rửa đường đô thị và các nhu cầu khác.
- Duy trì tỷ lệ 100% nước thải bệnh viện được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
- Duy trì tỷ lệ 100% nước thải các khu công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
-50% lượng nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
- 80% lượng nước thải của các cụm công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.
b) Đối với thoát nước mưa và chống ngập úng đô thị:
- Mở rộng phạm vi phục vụ các hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị đạt 100%.
- 50% các đô thị có giải pháp thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho sinh hoạt, tưới cây, rửa đường và các mục đích khác.
- Duy trì tỷ lệ 100% các đô thị không còn tình trạng ngập cục bộ trong mùa mưa.
IV. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Xác định cụ thể các nội dung công việc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện.
2. Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của việc triển khai thực hiện Quyết định.
3. Ưu tiên các nguồn lực cho công tác nghiên cứu áp dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực xử lý nước thải và thoát nước chống ngập đô thị.
4. Lập quy hoạch thoát nước đô thị vùng tỉnh.
5. Rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch thoát nước trong quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu.
6. Xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
7. Phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành khác có liên quan thực hiện kế hoạch đề ra nhằm phát triển hệ thống thoát nước bền vững trên địa bàn tỉnh.
8. Xây dựng và ban hành Quy định quản lý thoát nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai, thực hiện.
9. Xây dựng và trình phê duyệt giá dịch vụ thoát nước.
10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh.
11. Xây dựng các cơ chế, chính sách và môi trường thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh.
12. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia trong việc xây dựng, giám sát và bảo vệ hệ thống thoát nước đô thị.
1. Sở Xây dựng
1.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh lập:
- Quy hoạch thoát nước đô thị vùng tỉnh.
- Quy định quản lý thoát nước trên địa bàn tỉnh.
- Giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải.
- Chương trình về đầu tư xử lý nước thải cho các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế theo lộ trình hợp lý.
1.2. Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức:
- Nghiên cứu áp dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải; quản lý thoát nước an toàn, sử dụng công nghệ vật tư, thiết bị sản xuất trong nước hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.
- Nghiên cứu áp dụng giải pháp xử lý nước thải phi tập trung và mô hình xử lý nước thải phi tập trung, tái sử dụng nước mưa, nước thải, bùn thải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quy định.
1.3. Hướng dẫn rà soát các nội dung quy hoạch thoát nước trong quy hoạch đô thị bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị.
1.4. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách pháp luật về thoát nước trên địa bàn tỉnh. Rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về thoát nước đã ban hành nhằm đề xuất điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện.
1.5. Đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng lộ trình thực hiện giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch phát triển thoát nước địa phương.
1.6. Tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác có liên quan thực hiện kế hoạch đề ra nhằm phát triển hệ thống thoát nước bền vững trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cụ thể hóa các quy định về cơ chế tài chính của trung ương đã ban hành, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; tham mưu xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Y tế
Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các bệnh viện đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường. Xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc nâng cấp các hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các bệnh viện đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải bệnh viện theo quy định.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường và kiểm soát ô nhiễm trong hoạt động thoát nước, thu gom và xử lý nước thải đô thị, khu, cụm công nghiệp - làng nghề và bệnh viện.
- Xây dựng, quản lý hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với lưu vực sông nội tỉnh.
- Cấp giấy phép, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực, thu hồi và cấp lại giấp phép về tài nguyên nước và cho phép chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo thẩm quyền.
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về môi trường theo quy định của pháp luật.
6. UBND các huyện, thành phố và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh
- Xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp tại địa bàn đơn vị mình quản lý.
- Rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch thoát nước trong quy hoạch đô thị trên địa bàn quản lý, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.
- Căn cứ tình hình thực tế tại địa bàn quản lý, xây dựng và ban hành Quy định quản lý thoát nước, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện.
- Tuyên truyền, phổ biến và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia trong việc xây dựng, giám sát và bảo vệ hệ thống thoát nước đô thị.
- Triển khai các phương án, giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa lớn, chỉ đạo việc duy tu, bảo dưỡng và nạo vét nâng cao hiệu quả của hệ thống thoát nước.
7. Các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan khác
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch để thực hiện Kế hoạch phát triển thoát nước đô thị và khu, cụm công nghiệp, làng nghề và bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
1. Các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch này (các nội dung phân công thực hiện xem phụ lục đính kèm).
2. Ngày 31/12 hàng năm hoặc đột xuất (khi có yêu cầu), các đơn vị gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh theo quy định.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản hồi về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH HÀ
GIANG ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2050
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 443/KH-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2017 UBND tỉnh Hà Giang)
STT |
Nội dung thực hiện |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Thời gian thực hiện |
Ghi chú |
1 |
Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý thoát nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai, thực hiện |
Sở Xây dựng |
- Các sở, ngành liên quan. - Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. - UBND các huyện, thành phố. |
Quý II/2018 |
|
2 |
Xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt |
Sở Xây dựng |
- Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. - UBND các huyện, thành phố. |
Quý I/2018 |
|
3 |
Lập Quy hoạch thoát nước đô thị vùng tỉnh, trình UBND tỉnh quyết định ban hành. |
Sở Xây dựng |
- Các sở, ngành liên quan - Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. - UBND các huyện, thành phố. |
Quý III/2018 |
|
4 |
Rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch thoát nước trong quy hoạch đô thị, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. |
- Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. - UBND các huyện, thành phố |
- Sở Xây dựng |
Quý I/2018 |
|
5 |
Phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành khác có liên quan thực hiện kế hoạch đề ra nhằm phát triển hệ thống thoát nước bền vững trên địa bàn tỉnh. Phối hợp và đôn đốc các sở, ban và UBND các huyện thực hiện Kế hoạch được duyệt. |
Sở Xây dựng |
- Các sở, ngành liên quan. - Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. - UBND các huyện, thành phố. |
Bắt đầu từ quý I/2018 |
|
6 |
Xây dựng và trình phê duyệt giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải. |
Sở Xây dựng |
- Sở Tài chính. - Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. - UBND các huyện, thành phố. |
Quý IV/2018 |
Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện giá dịch vụ thoát nước theo các khu vực có mạng lưới thu gom và có nhà máy xử lý đang hoạt động. |
7 |
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thoát nước trên địa bàn tỉnh. |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
- Sở Xây dựng. - Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. - UBND các huyện, thành phố. |
Định kỳ hàng năm |
|
8 |
Xây dựng các cơ chế, chính sách và môi trường thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn tỉnh; Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia giám sát và bảo vệ hệ thống thoát nước đô thị. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư |
- Các sở, ngành liên quan. - UBND các huyện, thành phố. |
Quý I/2018 |
|
9 |
Cụ thể hóa các quy định về cơ chế tài chính của Trung ương đã ban hành, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia quản lý, vận hành hệ thống thoát nước. Thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải. |
Sở Tài chính |
- Sở Xây dựng. - Sở Kế hoạch và Đầu tư. - Sở Tài Nguyên và Môi trường. - Sở Khoa học và Công nghệ. - Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. - UBND các huyện, thành phố. |
Định kỳ hàng năm |
Tùy thuộc nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, thực trạng các nhà máy xử lý nước thải đã đưa vào hoạt động. |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.