ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 165/KH-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 12 tháng 5 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
Thực hiện Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (sau đây gọi là Kế hoạch) như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Trí tuệ nhân tạo (TTNT) là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.
2. Kế thừa và phát huy những thành tựu mới nhất của nhân loại, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phát triển khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng của doanh nghiệp, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực; từng bước nhận chuyển giao, làm chủ, tiến tới sáng tạo công nghệ.
3. Tập trung nguồn lực để tạo ra và phát triển các sản phẩm TTNT, dịch vụ TTNT quan trọng có lợi thế cạnh tranh; đầu tư có trọng điểm ứng dụng TTNT trong một số lĩnh vực liên quan tới quốc phòng an ninh, quản lý tài nguyên, môi trường và dịch vụ cho: người dân; phát triển mạnh các doanh nghiệp ứng dụng TTNT, doanh nghiệp khởi nghiệp về TTNT.
II. MỤC TIÊU
Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phấn đấu đến năm 2030, ứng dụng TTNT trở thành lợi thế phát triển của tỉnh.
III. YÊU CẦU
1. Kế hoạch được triển khai thực hiện trên cơ sở lồng ghép thực hiện nhiệm vụ tại các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh: số 188/KH-UBND ngày 09/6/2017 về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, số 53/KH-UBND ngày 03/3/2020 về thực hiện Chương trình hành động số 2022-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, số 284/KH-UBND ngày 24/7/2020 về thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chiến lược nhằm đạt hiệu quả thiết thực.
2. Chú trọng đẩy mạnh hoạt động phát triển, ứng dụng TTNT trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động quản lý và sản xuất, kinh doanh; trước mắt ưu tiên đẩy mạnh hoạt động ứng dụng TTNT trong lĩnh vực hành chính công, dịch vụ công để nâng cao năng suất, hiệu quả phục vụ.
3. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy, hỗ trợ khối kinh tế tư nhân trở thành mũi đột phá trong phát triển, ứng dụng TNTT trên địa bàn tỉnh; thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực TTNT; tập huấn, trang bị kỹ năng cơ bản về ứng dụng TTNT cho đội ngũ lao động trực tiếp.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Sở Khoa học và Công nghệ
- Làm đầu mối phối hợp, trao đổi thông tin với Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Công nghệ cao) trong quá trình tổ chức thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về các thành tựu của TTNT; chủ trì tham gia và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân liên quan tham gia các sự kiện về TTNT trong và ngoài nước.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tham mưu, triển khai các nhiệm vụ phát triển, ứng dụng TTNT vào các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án bảo đảm phù hợp với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược.
- Tổ chức thực hiện Đề án Phát triển hệ tri thức Việt số hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017.
- Thúc đẩy ứng dụng các thành tựu về TTNT trong tổ chức, doanh nghiệp gắn với triển khai các chính sách quy định tại các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: Nghị quyết số 252/2020NQ-HĐND ngày 08/12/2020 về một số chính sách phát triển tài sản trí tuệ, thị trường khoa học công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ tĩnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và Nghị quyết số 91/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 về một số chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh; tổng hợp, thống kê, đánh giá việc thực hiện, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ và khi có yêu cầu.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp tham mưu phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng, ứng dụng TNTT để phát triển đồng bộ các hệ thống cơ sở dữ liệu toàn tỉnh theo cơ chế chia sẻ, dùng chung, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 09/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng Chương trình, chính sách phát triển doanh nghiệp số, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Tổ chức triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển sản phẩm TTNT và công nghệ thông tin cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để chủ động về nguồn nhân lực.
- Định hướng phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghệ thông tin ứng dụng TNTT; Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp cung cấp giải pháp tích hợp dựa trên công nghệ TTNT, và khoa học dữ liệu (KHDL) kết hợp với công nghệ blockchain, điện toán đám mây và Internet vạn vật,...
- Thúc đẩy ứng dụng các nền tảng TTNT trong lĩnh vực đảm bảo an toàn dữ liệu, an toàn an ninh mạng; xây dựng đô thị thông minh; quản lý xã hội và hành chính công; viễn thông.
- Triển khai các chương hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân, thanh thiếu niên và học sinh về dữ liệu và ứng dụng TTNT; các giải pháp nâng cao nhận thức về TTNT để các ngành, các cấp, cáp tổ chức, cá nhân hiểu rõ vai trò, lợi ích của TTNT, các kỹ năng cơ bản cần thiết phải chuẩn bị để đón nhận, phát triển các ứng dụng TTNT, trong đó quan tâm đến giải pháp nâng cao nhận thức về quản lý thay đổi.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Triển khai các chương trình đào tạo STEAM và các chương trình phổ cập kỹ năng xây dựng dữ liệu, ứng dụng TTNT cho học sinh phù hợp ở các cấp học.
- Thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng TTNT trong lĩnh vực giáo dục: dự đoán nhu cầu công việc của thị trường; tự động hóa quy trình nghiệp vụ của giáo viên; xác định các tiêu chí nhằm đạt mục tiêu học tập; cá nhân hóa việc học tập, nâng cao hiệu quả học tập có sự trợ giúp của giáo viên và trợ giảng ảo.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu cơ chế đặc thù cho các trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về TTNT trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thu hút các tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia.
5. Sở Tài chính: Thúc đẩy phát triển và ứng dụng TTNT trong lĩnh vực tài chính. Chủ trì, phối hợp với các ngành được giao nhiệm vụ để thẩm định, tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
6. Sở Công Thương
- Đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp TTNT trong lĩnh vực công nghiệp nhằm cải tiến thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm công nghiệp.
- Đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp TTNT trong lĩnh vực thương mại điện tử: dự báo xu hướng nhu cầu, tối đa hoá và tự động hoá đàm phán và thương lượng với nhà cung cấp; tự động hóa nhà xưởng và điều hành quản lý; tối ưu hóa bán hàng, phân loại sản phẩm; tối ưu hóa giá, cá nhân hoá quảng bá và đáp ứng nhu cầu hiển thị trang web trong thời gian thực; cá nhân hóa các khuyến nghị, cung cấp hỗ trợ trực tuyến với các trợ lý ảo và chatbot; tự động thanh toán tại cửa hàng và hoàn thiện phân phối.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thúc đẩy việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ về trí tuệ nhân tạo, công nghệ cạo vào sản xuất, gắn với đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp thông minh, tự động hóa từ khâu gieo trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến; phát triển sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, cung ứng cho người tiêu dùng.
8. Sở Giao thông vận tải: Thúc đẩy phát triển và triển khai ứng dụng TTNT trong lĩnh vực giao thông, vận tải, logistics: tự động phát hiện định danh phương tiện giao thông, xác định tốc độ và tự động hóa quy trình xử lý tại các trung tâm giám sát điều hành giao thông đường bộ; cung cấp dữ liệu phục vụ tối ưu hóa các hệ thống logistics; cung cấp dịch vụ tự động tìm đường và tư vấn khách hàng trong các mô hình vận tải công nghệ; nghiên cứu, triển khai các giải pháp cảnh báo tình huống nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện; hỗ trợ thống kê, đánh giá, phân tích và lập kế hoạch phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng quy hoạch giao thông vận tải, quản lý điều hành giao thông thông minh.
9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa các điểm đến và các di sản văn hóa của tỉnh kết nối với quốc gia, kết hợp với các dịch vụ tư vấn du lịch thông minh hướng người dùng; dự báo xu hướng và cá nhân hoá loại hình du lịch dựa vào phân tích thông tin trên mạng xã hội quan điểm người dùng, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch và chất: lượng dịch vụ du lịch thông minh.
10. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Triển khai tư vấn đào tạo về TTNT và KHDL cho người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
11. Sở Tài nguyên và Môi trường: Thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng TTNT trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường: dự báo số liệu ngành tài nguyên môi trường, áp dụng TTNT trong quan trắc, thu nhận, đo đạc, điều tra, khảo sát về đất đai và tài nguyên môi trường nham cung cấp và chia sẻ thông tin, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản về đất đai và tài nguyên môi trường theo thời gian thực; đảm bảo xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
12. Sở Y tế: Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng về thông tin y tế, thực hiện hiệu quả và mở rộng đề án khám chữa bệnh từ xa, hệ thống hồ sơ sức khỏe người dân đảm bảo trên 95% hồ sơ đạt chất lượng, kết nối liên thông các hệ thống y tế (như chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm,..), cá nhân hóa việc điều trị, nghiên cứu sản xuất và bào chế thuốc.
13. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh
- Thúc đẩy phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển, ứng dụng TNTT cho mục đích an ninh quốc phòng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, chiến tranh công nghệ cao.
- Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng khi xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của Chiến lược.
14. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh khác và Ủy ban nhân dân các huyên, thành phố, thị xã: Có trách nhiệm triển khai thực hiện Chiến lược bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp TTNT trong quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công.
15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp:
Tăng cường tuyên truyền và phản biện xã hội việc thực hiện Chiến lược.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện, định kỳ gửi kết quả thực hiện về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để phối hợp, tham mưu đề xuất giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.