ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 157/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 15 tháng 7 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI VIỆC THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số;
- Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin;
- Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 theo Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 14/10/2020 của UBND tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Năm 2021:
- Rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp huyện;
- Hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp để nhận dữ liệu được chia sẻ phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh;
- Hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu đối với cấp tỉnh 30%, cấp huyện 20%, cấp xã 15% để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử;
- Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
b) Năm 2022:
- Hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và đất đai, để nhận dữ liệu được chia sẻ phục vụ việc giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp;
- Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 50% Bộ phận Một cửa cấp huyện và 30% Bộ phận Một cửa cấp xã;
- Tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó), mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu;
- Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa xuống trung bình còn tối đa 30 phút/01 lần đến giao dịch.
c) Năm 2023 - 2025:
- Hoàn thành kết nối dữ liệu của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, phục vụ cho việc cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp;
- Tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử;
- Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại các Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100%, trừ các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn;
- 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành TTHC (trước đó), mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ;
- Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% số với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng;
- Tăng năng suất lao động trung bình trong việc giải quyết TTHC thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xã hội hóa một số công việc trong quy trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết TTHC, cụ thể: năng suất tiếp nhận hồ sơ trung bình của 01 nhân sự trực tại Bộ phận Một cửa trong 01 năm lên mức tối thiểu: tại tỉnh 1.600 hồ sơ; vùng nông thôn 1.200 hồ sơ; vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn 800 hồ sơ (trừ trường hợp tổng số hồ sơ tiếp nhận trong năm/01 Bộ phận Một cửa ít hơn chỉ tiêu trên). Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/01 lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/01 hồ sơ vào năm 2025;
- Điện tử hóa việc giám sát, đánh giá kết quả tiếp nhận, giải quyết TTHC làm cơ sở đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức công khai, minh bạch, hiệu quả;
- Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
Nội dung chi tiết tại biểu kèm theo Kế hoạch này.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC, THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào kế hoạch này xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện phù hợp tại cơ quan, đơn vị mình; hoàn thành kế hoạch trước ngày 20/7/2021.
2. Giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện cụ thể tại cơ quan, đơn vị mình, hoàn thành trước ngày 30/7/2021.
3. Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì chủ động triển khai thực hiện các công việc được phân công; các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì trong việc triển khai thực hiện các nội dung công việc.
4. Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí triển khai, thực hiện kế hoạch; Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Giao Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc triển khai việc thực hiện kế hoạch này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) để xem xét, giải quyết./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.