ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 153/KH-UBND |
Cần Thơ, ngày 23 tháng 7 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
ĐẢM BẢO CƠ SỞ VẬT CHẤT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC MẦM NON VÀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 09 tháng 4 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường phối hợp chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với các nội dung như sau:
I. HIỆN TRẠNG CƠ SỞ VẬT CHẤT TRƯỜNG, LỚP HỌC
Theo thống kê đầu năm học 2020 - 2021, toàn thành phố có 454 trường mầm non, phổ thông; trong đó, có 407 trường công lập, với tổng số 234.096 học sinh, chia ra:
1. Giáo dục mầm non: 175 trường; trong đó, trường công lập: 138 trường, với 34.808 trẻ, 1.305 nhóm, lớp; 1.307 phòng học (trong đó: 864 phòng kiên cố, 425 phòng bán kiên cố; 18 phòng tạm, phòng học nhờ), đạt tỷ lệ phòng học/lớp học là 1,0 (mục tiêu: 01 lớp/01 phòng học); 255 phòng phục vụ học tập; 288 phòng chức năng.
2. Giáo dục phổ thông
a) Cấp tiểu học
Có 173 trường; trong đó, trường công lập: 171 trường, với 96.986 học sinh, 3.058 lớp, 2.986 phòng học (trong đó: 2.483 phòng kiên cố, 454 phòng bán kiên cố; 49 phòng tạm, phòng học nhờ), tỷ lệ phòng học/lớp học là 0,98 (mục tiêu: 01 lớp/01 phòng học để học 2 buổi/ngày); 977 phòng phục vụ học tập; 323 phòng chức năng.
b) Trung học cơ sở
Có 70 trường; trong đó, trường công lập: 70 trường, với 71.496 học sinh, 1.826 lớp, 1.275 phòng học (trong đó: 1.190 phòng kiên cố, 74 phòng bán kiên cố; 11 phòng tạm, phòng học nhờ), tỷ lệ phòng học/lớp học là 0,7 (bảo đảm tối thiểu 0,6 phòng học/lớp theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học); 353 phòng học bộ môn, 156 phòng phục vụ học tập; 188 phòng chức năng.
c) Trung học phổ thông
Có 36 trường, trong đó trường công lập: 28 trường, với 30.806 học sinh, 823 lớp, 745 phòng học (trong đó: 701 phòng kiên cố, 44 phòng bán kiên cố), tỷ lệ phòng học/lớp học là 0,91 (bảo đảm tối thiểu 0,6 phòng học/lớp theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học); 194 phòng học bộ môn, 70 phòng phục vụ học tập; 73 phòng chức năng.
(Kèm chi tiết Bảng số 1)
II. MỤC TIÊU
Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025, Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 09 tháng 4 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường phối hợp chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên địa bàn thành phố; Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới thành phố Cần Thơ.
1. Mục tiêu chung
Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể:
a) Đầu tư xây dựng để các trường mầm non, tiểu học đảm bảo đủ 01 lớp/01 phòng học; kiên cố hóa trường, lớp học xóa toàn bộ phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp; xây dựng bổ sung số phòng học nhờ, mượn; có đủ các phòng bộ môn, các phòng chức năng, công trình vệ sinh và các hạng mục khác theo quy định hiện hành.
b) Đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu của các khối lớp theo đúng lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông; thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi ngoài trời trong các trường mầm non.
2. Mục tiêu đến năm 2025
a) Đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường, lớp học
Mục tiêu xây dựng phòng học kiên cố, đúng tiêu chuẩn quy định để thay thế phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp và xây dựng bổ sung số phòng học nhờ, mượn, gồm: 708 phòng học, với kinh phí dự kiến khoảng 503.585 triệu đồng (Kèm chi tiết Bảng số 2).
b) Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới
- Mục tiêu xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 01 lớp/01 phòng học cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng học bộ môn và thư viện theo quy định;
- Xây dựng bổ sung phòng học, phòng phục vụ học tập, phòng học bộ môn và thư viện, gồm: 2.696 phòng; trong đó, mầm non: 361 phòng, tiểu học: 1.209 phòng, trung học cơ sở: 770 phòng, trung học phổ thông: 356 phòng), với tổng kinh phí dự kiến khoảng 1.597.130 triệu đồng (Kèm chi tiết Bảng số 3).
c) Đầu tư mua sắm trang thiết bị đáp ứng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới
- Mục tiêu đảm bảo đủ thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 705.400 triệu đồng (Kèm chi tiết Bảng số 4);
- Việc mua sắm trang thiết bị trường học thực hiện theo danh mục quy định, trên cơ sở quy mô trường/lớp, số lượng học sinh, khả năng nguồn kinh phí và khai thác sử dụng máy móc, thiết bị, xác định số lượng, chủng loại, đầu tư mua sắm theo đúng lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông và thiết bị đồ dùng, đồ chơi ngoài trời trong các trường mầm non.
3. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch
a) Dự toán kinh phí
Tổng kinh phí thực hiện khoảng: 2.806.115 triệu đồng.
Trong đó:
- Chi phí xây dựng kiên cố hóa trường, lớp: 503.585 triệu đồng;
- Chi phí xây dựng bổ sung: 1.597.130 triệu đồng;
- Chi phí mua sắm thiết bị: 705.400 triệu đồng.
b) Nguồn kinh phí dự kiến thực hiện
- Vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của thành phố: 2.100.715 triệu đồng;
- Vốn sự nghiệp giáo dục chi mua sắm thiết bị: 500 triệu đồng;
- Các nguồn xã hội hóa và vốn huy động hợp pháp: 205.400 triệu đồng.
c) Việc lập và triển khai thực hiện kế hoạch tài chính cho các nhiệm vụ của Kế hoạch thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Quản lý việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học
a) Rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học
- Đối với giáo dục mầm non: Đầu tư xây dựng phòng học, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà bếp và nhà kho; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị đồ chơi ngoài trời;
- Đối với giáo dục tiểu học: Đầu tư xây dựng phòng học (ưu tiên đảm bảo 01 lớp/phòng cho lớp đầu cấp tiểu học), các phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập) và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo), bàn ghế 02 chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ;
- Đối với giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông: Đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chuẩn bị và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6 (theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo), thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế 02 chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ;
- Giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở định hướng các nguồn vốn đầu tư, thực hiện rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư phù hợp với địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Quản lý, sử dụng cơ sở vật chất
- Kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các công trình trường học; lập kế hoạch và thực hiện việc bảo trì công trình theo quy định;
- Kiểm tra lập kế hoạch xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa các hạng mục, công trình trường học đã xuống cấp hoặc không phù hợp theo quy định.
c) Lập kế hoạch và tổ chức mua sắm thiết bị dạy học
Căn cứ thực trạng thiết bị dạy học hiện có, lập kế hoạch chi tiết sửa chữa, thay thế, nâng cấp, mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học cần thiết và đồng bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ việc dạy và học theo chương trình hiện hành; thực hiện việc mua sắm mới trên cơ sở khai thác sử dụng hết công suất của các thiết bị đã được trang bị, phù hợp với điều kiện kinh phí đảm bảo chuẩn bị tốt cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
d) Bảo quản và khai thác sử dụng thiết bị
- Bố trí đủ các phòng chức năng, phòng học bộ môn, hệ thống tủ, giá, kệ để sắp xếp thiết bị dạy học đảm bảo khoa học, đúng quy định; xây dựng quy chế bảo quản, sử dụng thiết bị dạy học và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế trong quá trình sử dụng thiết bị dạy học, đặc biệt là các thiết bị dễ xảy ra cháy, nổ, độc hại (hóa chất, vật dễ cháy, nổ), đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh trong quá trình sử dụng; lập hệ thống sổ sách quản lý, theo dõi việc sử dụng thiết bị dạy học đã trang bị trong các cơ sở giáo dục;
- Các cơ sở giáo dục bố trí, sắp xếp nhân sự phụ trách công tác quản lý, sử dụng thiết bị và tạo điều kiện để nhân viên được đào tạo đúng chuyên ngành và tham gia các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ;
- Người đứng đầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức khai thác sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học đã được đầu tư trong các cơ sở giáo dục phục vụ cho công tác dạy và học bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học.
2. Thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học
a) Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục
- Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi đơn vị, địa phương, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục;
- Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài. Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường, lớp học ở các khu đô thị mới, tái định cư, khu đông dân cư, các khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục có tổ chức nội trú, bán trú cho học sinh.
b) Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp học
- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học (ưu tiên bảo đảm 01 lớp/01phòng cho lớp đầu cấp tiểu học), phòng chức năng, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, bán trú, đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đặc biệt chú trọng các vùng có điều kiện khó khăn, khu đông dân cư, các khu công nghiệp;
- Xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học;
- Lập kế hoạch chi tiết cụ thể, tổ chức thực hiện tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học, đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông và lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
c) Nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học
Đến năm học 2021 - 2022, cấp tiểu học: đảm bảo yêu cầu 01 lớp/01 phòng để tổ chức cho học sinh học 02 buổi/ngày; cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông: đảm bảo yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/01 phòng lớp đầu cấp để tổ chức học các môn tự chọn.
d) Đối với các công trình nhà vệ sinh và nước sạch trong trường học
- Rà soát, đánh giá thực trạng, lập kế hoạch xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh và công trình nước sạch;
- Kế hoạch của mỗi cơ sở giáo dục đảm bảo thể hiện các nội dung: nêu được thực trạng, đề xuất kế hoạch cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh, công trình nước sạch; quy chế bảo quản, sử dụng nhà vệ sinh, công trình nước sạch đúng cách; mô hình quản lý, vận hành và sử dụng nhà vệ sinh, công trình nước sạch phù hợp thực tiễn của trường, chú trọng xây dựng mô hình tự quản lý của giáo viên và học sinh; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục với việc bảo đảm vệ sinh trường học; Kế hoạch của cơ sở giáo dục được phổ biến đến tất cả các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Triển khai thực hiện đầy đủ, đúng quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất trường học
a) Về cơ sở vật chất
Thực hiện đúng quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng và thiết kế mẫu từng loại trường học, lớp học; hướng dẫn thiết kế xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục mầm non, phổ thông.
b) Về thiết bị
Thực hiện đúng quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng cấp học theo chương trình đổi mới, thiết bị dạy tin học, ngoại ngữ và phòng học bộ môn, hướng dẫn đầu tư mua sắm trang thiết bị theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, gắn với định hướng phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
4. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học
a) Lồng ghép hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục và các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương bảo đảm đủ đáp ứng việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.
b) Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo; trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho cấp tiểu học; các phòng học bộ môn, phòng chức năng của cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
c) Tổng hợp, cân đối các nguồn vốn, huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ,…
d) Thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, góp phần giải quyết các nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Là cơ quan thường trực triển khai Kế hoạch; tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, triển khai và tổng hợp tình hình thực hiện; chủ trì và chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện.
b) Chủ trì thực hiện nhiệm vụ quản lý hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học; tổng hợp, đề xuất giải quyết những phát sinh trong quá trình thực hiện.
c) Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục theo dõi thực hiện bổ sung danh mục công trình cần đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân quận, huyện xác định nguồn vốn đối với từng công trình.
d) Tăng cường phối hợp với các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước cập nhật các chương trình đổi mới giáo dục, cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới về giáo dục trên địa bàn.
2. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ khả năng ngân sách địa phương để cân đối bố trí kinh phí cho sự nghiệp giáo dục thực hiện triển khai Kế hoạch trong giai đoạn 2021 - 2025.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí ngân sách từ nguồn vốn đầu tư công để đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định và phân cấp quản lý.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện của các địa phương, gắn với tiêu chí giáo dục trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
5. Sở Xây dựng
a) Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố quy hoạch các công trình giáo dục, bố trí đất cho giáo dục đảm bảo quy định các chỉ tiêu sử dụng đất đai tối thiểu trong quy hoạch của thành phố; thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở vật chất trường học.
b) Tham gia kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện của các địa phương.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Thực hiện bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng thêm phòng học tại khu vực đông dân cư.
b) Tham gia kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện của các địa phương.
7. Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện của địa phương; triển khai chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ sở vật chất phù hợp với tình hình địa phương và kế hoạch đầu tư các cơ sở giáo dục.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và nhà vệ sinh trong trường học.
c) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu. Yêu cầu các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo kịp thời./.
(Đính Kèm Bảng số 1, 2, 3, 4)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.