ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11102/KH-UBND |
Đồng Nai, ngày 15 tháng 9 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
TỪNG BƯỚC PHỤC HỒI CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG ĐẢM BẢO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TẠI TỈNH ĐỒNG NAI TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tỉnh Đồng Nai đã và đang tập trung toàn lực để dập dịch, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tăng cường giãn cách xã hội, thần tốc xét nghiệm nhiều vòng, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hạn chế thấp nhất số lượng ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của Nhân dân là trên hết và trước hết, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Để chuẩn bị cho lộ trình trở lại bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh tỉnh Đồng Nai và cả nước dần kiểm soát được ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
b) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch qua đó góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch được kiểm soát.
c) Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho người dân.
d) Đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
a) Bảo đảm an toàn phòng chống dịch, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng con người, đi đôi với việc khôi phục kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội.
b) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, người dân kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa, từng bước phục hồi nền kinh tế thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn tiếp diễn.
c) Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chủ động của người dân và doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19.
II. TIÊU CHÍ, NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN LỘ TRÌNH
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và mức nguy cơ của các vùng.
Mức độ nguy cơ theo quy mô cấp xã (căn cứ Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19):
a) Vùng đỏ (nguy cơ rất cao): Khi có một trong số các yếu tố dịch tễ sau:
- Có chùm F0 chưa rõ nguồn lây.
- Hoặc có F0 xác định được nguồn lây nhiễm từ khu công nghiệp, trường học, siêu thị lớn và các khu vực có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát, khó truy vết.
b) Vùng cam (nguy cơ cao): Những xã, phường, thị trấn chưa thuộc mức “Nguy cơ rất cao” nhưng được đánh giá là có mức “Nguy cơ cao” khi có một trong số các yếu tố dịch tễ sau:
- Có F0 chưa rõ nguồn lây.
- Hoặc có F0 xác định được nguồn lây trong nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện... có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Hoặc liền kề với xã, phường, thị trấn hoặc địa bàn có điều kiện qua lại thuận tiện được đánh giá nguy cơ rất cao.
c) Vùng vàng (nguy cơ): Những xã chưa thuộc mức “Nguy cơ cao” nhưng dược đánh giá là mức “Nguy cơ” khi có một trong số các yếu tố dịch tễ sau:
- Có F0 xác định được nguồn lây trong cộng đồng.
- Hoặc có F1, người đi về từ vùng dịch trong nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện... có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Hoặc liền kề với xã, phường, thị trấn hoặc địa bàn nguy cơ cao và có điều kiện qua lại thuận tiện.
- Hoặc có nguy cơ xâm nhập cao từ nhập cảnh trái phép và cách ly nhiều.
d) Vùng xanh: Những xã, phường, thị trấn không thuộc các mức trên.
2. Nguyên tắc
a) Mở dần từng bước lộ trình bình thường mới đối với các vùng và đảm bảo phải tuyệt đối an toàn.
b) Tình hình dịch, mức độ nguy cơ, tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ tiêm vắc xin thường xuyên được đánh giá và cập nhật để phục vụ cho việc quyết định thực hiện và chuyển đổi giữa các vùng.
c) Lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới tại các huyện, thành phố do UBND cấp huyện quyết định (có trao đổi thống nhất cùng ngành y tế). Thời gian cần thiết để chuyển trạng thái tốt nhất là 07 ngày để thông báo cho cộng đồng và chuẩn bị việc thực hiện.
d) Các tiêu chí (tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và mức nguy cơ của các vùng) được đánh giá định kỳ (01 lần/tuần) ở tất cả các cấp (từ xã/phường/thị trấn đến huyện/thành phố) để áp dụng các biện pháp phù hợp (Chỉ thị 16* hoặc Chỉ thị 15* hoặc Chỉ thị 19* hoặc Bình thường mới *)
III. THỜI GIAN THỰC HIỆN
Bắt đầu lúc 00 giờ, ngày 20 tháng 9 năm 2021. Quá trình thực hiện, vừa đánh giá, vừa rút kinh nghiệm, đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế, tiến đến khôi phục các hoạt động trong môi trường sống chung với COVID-19.
Trong thời gian từ ngày 16 tháng 9 năm 2021 đến 00 giờ ngày 20 tháng 9 năm 2021: Đề nghị các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại văn bản số 10569/UBND-KGVX ngày 31 tháng 8 năm 2021 của UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Việc tham gia lưu thông và cấp giấy đi đường đối với các nhóm đối tượng tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của UBND tỉnh tại văn bản số 10569/UBND-KGVX ngày 31/8/2021, văn bản số 10616/UBND-KGVX ngày 04/9/2021, văn bản số 10856/UBND-KGVX ngày 08/9/2021 (các giấy đi đường đã được cấp theo mẫu tại các văn bản nêu trên đến hết ngày 15/9/2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 19/9/2021, không cần cấp lại giấy đi đường mới).
IV. CÁC NỘI DUNG TỪNG BƯỚC PHỤC HỒI CÁC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ XÃ HỘI
(Đính kèm Phụ lục)
V. CÁC HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP TRONG VÀ NGOÀI KHU CÔNG NGHIỆP
1. Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện các phương án 03 tại chỗ:
Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các phương án đã đăng ký; ngoài ra, để đảm bảo sản xuất liên tục, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất Doanh nghiệp được thực hiện thêm các nội dung sau:
a) Doanh nghiệp được lựa chọn, thực hiện hoán đổi hoặc bổ sung người lao động để duy trì sản xuất nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp không có trường hợp F0 trong vòng 14 ngày trước khi thực hiện hoán đổi và phải đảm bảo an toàn cho người lao động khi thực hiện hoán đổi.
- Người lao động được hoán đổi ra, vào doanh nghiệp hoặc bổ sung vào doanh nghiệp đảm bảo phải ở khu vực vùng xanh tại địa phương, phải được tiêm vắc xin ít nhất 01 mũi (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày.
- Khi thực hiện hoán đổi hoặc bổ sung thì người lao động vào doanh nghiệp phải được xét nghiệm lần 01 vào ngày đầu tiên bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên, bố trí ở vùng đệm ít nhất 03 ngày và xét nghiệm lại lần 02 bằng phương pháp RT-PCR trước khi đưa vào sản xuất. Đối với người lao động trở về địa phương thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính (còn hiệu lực trong vòng 03 ngày).
- Việc hoán đổi tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với nguyện vọng của người lao động, số lượng hoán đổi do doanh nghiệp quyết định.
b) Phối hợp chính quyền địa phương cho người lao động đi, về hàng ngày, với các điều kiện sau:
- Tỷ lệ lao động: 07 ngày đầu tiên tổ chức cho từ 10% đến 20% tổng số lao động của doanh nghiệp đi về hàng ngày, sau đó cứ mỗi 07 ngày tăng thêm từ 10% đến 20% cho đến khi hết số lượng lao động của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp không có trường hợp F0 trong vòng 14 ngày trước khi thực hiện và phải đảm bảo an toàn cho người lao động khi thực hiện việc đi, về hàng ngày.
- Tổ chức đi lại cho người lao động hàng ngày đảm bảo an toàn không lây nhiễm.
- Người lao động được đi, về hàng ngày đảm bảo phải ở khu vực vùng xanh tại địa phương, phải được tiêm vắc xin ít nhất 01 mũi (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày.
- Doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm định kỳ theo kế hoạch chủ động của doanh nghiệp.
2) Đối với các doanh nghiệp không thực hiện 03 tại chỗ trước đây nhưng hiện tại có nhu cầu hoạt động trở lại: Doanh nghiệp lựa chọn thực hiện 1 trong 2 trường hợp sau:
a) Thực hiện việc đăng ký các phương án 03 tại chỗ theo quy định (03 tại chỗ; 01 cung đường - 02 địa điểm hoặc linh động kết hợp cả 02 phương án trên), trong đó, đáp ứng điều kiện về người lao động như sau:
- Người lao động đảm bảo phải ở khu vực vùng xanh tại địa phương, phải được tiêm vắc xin ít nhất 01 mũi (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày, có kết quả âm tính lần 01 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 01 và ngày thứ 03 bằng phương pháp RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp 5 hoặc mẫu gộp 10).
- Doanh nghiệp phải tổ chức xe đón chở người lao động vào công ty để thực hiện phương án 03 tại chỗ.
b) Cho người lao động đi, về hàng ngày nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Tổ chức đi lại cho người lao động hàng ngày đảm bảo không lây nhiễm.
- Người lao động được đi, về hàng ngày đảm bảo phải ở khu vực vùng xanh tại địa phương, phải được tiêm vắc xin ít nhất 01 mũi (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày; có kết quả xét nghiệm âm tính.
- Doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm định kỳ theo kế hoạch chủ động của doanh nghiệp.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và địa phương triển khai hướng dẫn quy trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại chi tiết phù hợp từng giai đoạn trên kết quả kiểm soát dịch bệnh theo hướng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người lao động và người dân. Theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề quan trọng của chuỗi sản xuất kinh doanh, báo cáo đề xuất UBND tỉnh để tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai phối hợp các địa phương hướng dẫn, tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động thực hiện phương án “03 tại chỗ” hoặc “01 cung đường, 02 địa điểm” hoặc áp dụng cùng lúc 02 phương án trên chặt chẽ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ động tham mưu các giải pháp an toàn về phòng, chống dịch: tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và thực hiện các thủ tục theo quy định, trong đó có quy trình phối hợp chính quyền địa phương khi thực hiện hoán đổi người lao động và lộ trình di chuyển của người lao động đi, về đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
3. Tùy theo mức độ kiểm soát dịch bệnh và độ tiêm bao phủ vắc xin, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh giải pháp phòng, chống dịch phù hợp đối với các hoạt động cộng đồng theo tiến trình từng bước phục hồi các sinh hoạt của xã hội theo quy định.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện phục hồi kinh tế tại địa phương; có giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án trong quá trình từng bước bình thường các hoạt động kinh tế trong môi trường sống chung với COVID-19.
5. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện cập nhật và thông tin hàng ngày danh sách các vùng xanh, vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng trên địa bàn tỉnh để các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động, người dân được biết và hướng dẫn người dân thực hiện theo các quy định. Đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
6. Công an tỉnh hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ quản lý việc di chuyển của người dân từ các vùng đảm bảo phù hợp với tình hình mới; bố trí lực lượng phù hợp với chủ trương kiểm soát các vùng từ ngày 20/9/2021; phối hợp Sở Giao thông vận tải cấp mã QR đối với xe đưa đón người lao động của các doanh nghiệp; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tại các chốt giáp ranh các tỉnh/thành phố (cấp tỉnh), huyện/thành phố đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định.
7. Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan: Chủ động thực hiện các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, chủ động tham mưu đề xuất UBND tỉnh các nội dung để chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tỉnh Đồng Nai.
8. UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa:
a) Chủ động xây dựng Kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới tại địa phương và kịch bản phòng chống dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn cấp huyện, cấp xã; xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế trên địa bàn. Xác định và chịu trách nhiệm về bảo vệ và mở rộng các vùng xanh; kiểm soát hiệu quả và chuyển hóa vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ tại địa phương để có kế hoạch triển khai sát thực tế, khả thi và hiệu quả (người dân từ vùng xanh nếu vào vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng thì không được quay trở lại vùng xanh cho đến khi các vùng này trở thành vùng xanh; người dân từ vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng không được vào vùng xanh trừ các trường hợp công vụ).
b) Chủ động rà soát, lập danh sách từng hộ gia đình, cá nhân sống và làm việc trên địa bàn quản lý (kể cả những người dân đang ở tạm trú, ở trọ, sống lang thang....) để xây dựng phương án giãn cách, giảm mật độ người dân, công nhân, người lao động tại các khu nhà trọ, tập trung đông người ra vào khu vực, địa phương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch; rà soát, tổng hợp, lập danh sách, tổ chức tiêm vắc xin và quản lý các đối tượng chưa được tiêm vắc xin từ nơi khác trở về địa phương.
c) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc cho người lao động đi, về hàng ngày hoặc đón người lao động trở về địa phương sau khi kết thúc thực hiện các phương án 03 tại chỗ hoặc đưa người lao động từ địa phương đến doanh nghiệp tham gia, hoán đổi phương án 03 tại chỗ; hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp.
d) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương không tuân thủ hoặc không đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
9. Trong những trường hợp cần thiết chưa được quy định trong Kế hoạch này; khi triển khai không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch thì sẽ được xem xét giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.
Trên đây là Kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-T9 tại tỉnh Đồng Nai trong tình hình mới. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân triển khai thực hiện./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.