ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/KH-UBND |
Ninh Bình, ngày 04 tháng 10 năm 2017 |
Thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án); công văn số 2999/LĐTBXH-BTXH ngày 19/7/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án như sau:
KHÁI QUÁT CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ AN SINH XÃ HỘI
1. Tình hình đối tượng an sinh xã hội và dự báo đến năm 2020
1.1. Tình hình đối tượng an sinh xã hội
a) Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Đến 30/6/2017, toàn tỉnh có 43.252 đối tượng hưởng trợ cấp/trợ giúp xã hội với tổng kinh phí thực hiện trong 6 tháng trên 102 tỷ đồng, trong đó: 39.679 người hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên; 3.134 cá nhân, hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí chăm sóc nuôi dưỡng; 813 hộ gia đình được hỗ trợ chi phí mai táng; 434 người được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 03 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 01 đơn vị chăm sóc nuôi dưỡng 122 đối tượng tổng hợp và 02 đơn vị chăm sóc nuôi dưỡng 312 người tâm thần. Các đơn vị bảo trợ xã hội ngày càng được nâng cấp, mở rộng, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng.
- Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016, trên địa bàn tỉnh còn 16.808 hộ nghèo (chiếm 5,77% tổng số hộ), 18.907 hộ cận nghèo (chiếm 6,49%). Năm 2017 cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ, toàn diện; Nhiều mục tiêu đạt và vượt kế hoạch tạo chuyển biến rõ nét, tác động sâu sắc tới nhiều mặt đời sống xã hội. Các dự án vốn vay, dạy nghề, việc làm, hỗ trợ đồng bào dân tộc và các nguồn vốn tài trợ khác... đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc và các hội, đoàn thể trong tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất, góp phần đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” để góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và người nghèo để có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
b) Đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng
- Đến nay đã xác nhận cho trên 150 nghìn đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng, trong đó: trên 16 nghìn liệt sỹ; 1.220 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 14 Anh hùng lực lượng vũ trang; 7.900 thương binh; 6.900 bệnh binh; trên 6.200 người người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 871 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 2.250 thanh niên xung phong được hưởng chế độ; 102 nghìn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, 6.500 người được tặng bằng khen thành tích trong kháng chiến... Chi trả trợ cấp hàng tháng cho 25 nghìn lượt người; trên 10 nghìn người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ; 35 nghìn người được cấp thẻ BHYT; 52 nghìn lượt người hưởng ưu đãi giáo dục đào tạo với tổng kinh phí chi trả hàng năm từ 550 đến 590 tỷ đồng; thực hiện điều dưỡng cho trên 11 nghìn người.
c) Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp
Tính riêng năm 2016, đã thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho 61.739 người với tổng kinh phí 2.135 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước đảm bảo cho 32.917 đối tượng với tổng kinh phí 966 tỷ đồng; Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo cho 25.852 đối tượng với tổng kinh phí 1.146 tỷ đồng; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 2.970 người với kinh phí 21,8 tỷ đồng. Thực hiện chi trả khám chữa bệnh qua BHYT cho 1.377.501 lượt người với tổng kinh phí 535 tỷ đồng.
1.2. Dự báo đối tượng đến năm 2020
a) Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo: Khoảng 51.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, trong đó: 21.600 người cao tuổi, 22.100 người khuyết tật, 250 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trên 7.000 đối tượng khác. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến năm 2020 ước giảm còn trên 5.800 hộ nghèo.
b) Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công còn khoảng 24.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng.
c) Đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Khoảng gần 72 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó 33 ngàn người hưởng từ ngân sách nhà nước đảm bảo, 36 ngàn người hưởng từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo và 3 ngàn người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
2. Khái quát thực trạng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội
a) Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội và giảm nghèo
Hiện đang triển khai, thực hiện phần mềm hệ thống thông tin quản lý (MIS) phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo và bảo trợ xã hội. Phần mềm hệ thống này được áp dụng thực hiện tại tất cả các huyện thuộc 63 tỉnh thành trên toàn quốc và được tác nghiệp trực tuyến từ trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện để vận hành hệ thống MIS. Một hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về hộ có người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hộ nghèo/cận nghèo, cơ sở dữ liệu này bao gồm các thông tin cơ bản về:
- Hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Chính phủ: bao gồm thông tin về đặc điểm cơ bản của hộ và thông tin về tất cả các thành viên trong hộ;
- Hộ có người hưởng chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Nghị định 06/2011/NĐ-CP và Nghị định 28/2012/NĐ-CP: bao gồm thông tin đặc điểm cơ bản của hộ và thông tin về thành viên là đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng.
b) Hệ thống thông tin và CSDL người có công
- CSDL về người có công hiện mới chỉ lưu trữ được phần thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ trên phần mềm do Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai. Các đối tượng người có công còn lại đang được lưu trữ trên phần mềm quản lý triển khai sử dụng từ năm 1995.
- Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã triển khai phần mềm “Quản lý tài chính trợ cấp ưu đãi người có công” để cập nhật, quản lý thông tin và phục vụ hoạt động chi trả trợ cấp đối với người có công theo 03 cấp: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; quản lý hồ sơ đối tượng và danh sách chi trả trợ cấp; quản lý công tác lập dự toán, cấp phát kinh phí và chi trả trợ cấp ưu đãi người có công.
c) Hệ thống thông tin quản lý và CSDL lĩnh vực bảo hiểm xã hội
- Bảo hiểm xã hội tỉnh đang ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ để quản lý đối tượng như: phần mềm xét duyệt hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, phần mềm xét duyệt chế độ ngắn hạn, phần mềm quản lý chi, phần mềm quản lý thu, số thẻ, phần mềm quản lý tài chính, kế toán, hệ thống cấp số định danh và quản lý bảo hiểm y tế hộ gia đình, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.
- Tùy theo mức độ và yêu cầu quản lý, CSDL được xây dựng và tổ chức khai thác đáp ứng yêu cầu quản lý thu, chi và giải quyết chế độ cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
d) Hệ thống thông tin và CSDL bảo hiểm thất nghiệp
Hiện nay đang ứng dụng phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai, với tài khoản và mật khẩu được cung cấp, cán bộ làm công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp có thể làm nhanh, chính xác từ khâu nộp hồ sơ đến khâu ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp chưa triển khai kết nối với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để kiểm soát việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tránh tình trạng gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
- Chưa có CSDL thống nhất và toàn diện quản lý đối tượng an sinh xã hội, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.
- Các CSDL an sinh xã hội thành phần đã và đang được triển khai nhưng chưa hoàn thiện, còn đơn lẻ, chưa gắn kết, chia sẻ thông tin với nhau.
- Cán bộ làm công tác an sinh xã hội chưa được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Một số cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã do tuổi cao nên việc sử dụng máy tính bị hạn chế.
- Phần mềm quản lý đối tượng người có công được triển khai sử dụng từ năm 1995 không tương thích với hệ điều hành mới hiện nay. Do đó việc cập nhật và tìm kiếm thông tin về người có công gặp rất nhiều khó khăn.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Mục tiêu chung
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
a) Ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội kịp thời, công khai và minh bạch.
b) Hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử để tích hợp, giúp người dân thụ hưởng thuận lợi các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội bao gồm thông tin cơ bản về công dân là đối tượng của các chính sách: trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
3. Định hướng đến năm 2030
Mở rộng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội gồm thông tin thêm về các lĩnh vực: Dạy nghề, việc làm, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác của an sinh xã hội theo quy định của pháp luật.
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.
- Đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn và Kế hoạch của tỉnh về triển khai thực hiện Đề án.
- Biên soạn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và cơ sở dữ liệu an sinh xã hội; Tuyên truyền bằng phương pháp cổ động trực quan; Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, chú trọng các hình thức đối thoại trực tiếp; Tổ chức tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí, sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh và trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý và cập nhật CSDL quốc gia về an sinh xã hội
2.1. Xây dựng, triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội; quản lý, cập nhật CSDL quốc gia về an sinh xã hội; nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; ban hành quy chế và thực hiện nghiêm quy chế về cập nhật, quản lý, vận hành và truy cập CSDL quốc gia về an sinh xã hội; bảo đảm kết nối liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các địa phương và các cơ quan Trung ương.
Nội dung:
- Xây dựng CSDL cấp số an sinh xã hội; hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đầu vào, đầu ra, bảo đảm các CSDL thành phần cập nhật, quản lý, tích hợp và trao đổi CSDL an sinh xã hội;
- Vận hành CSDL về an sinh xã hội, gồm: Sao lưu, dự phòng, khắc phục sự cố, phục hồi dữ liệu, các giải pháp kỹ thuật khác về bảo đảm hiệu suất vận hành và sẵn sàng hệ thống ở mức độ cao;
- Xây dựng số an sinh xã hội bảo đảm kết nối với mã số định danh nhằm quản lý thống nhất CSDL về an sinh xã hội. Sử dụng số định danh cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội để xác định đối tượng. Trên cơ sở đó, các hệ thống thông tin thành phần sử dụng số an sinh xã hội làm cơ sở quản lý và trao đổi cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.
- Xác định quyền truy cập của các cơ quan Trung ương, cấp tỉnh và địa phương trong việc khai thác cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.
- Thống kê, số hóa, tích hợp các dữ liệu an sinh xã hội thành phần hiện có lên các phần mềm thành phần đã được xây dựng theo chuẩn thống nhất.
- Tổ chức nhập liệu hồ sơ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ các dữ liệu thành phần của hệ thống cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.
- Xây dựng, tích hợp dữ liệu về an sinh xã hội theo tiêu chuẩn, quy mô đủ lưu trữ, bảo đảm công suất xử lý dữ liệu cho tất cả các hoạt động nghiệp vụ của hệ thống thông tin và CSDL về an sinh xã hội; xây dựng hệ thống an ninh, hệ thống bảo mật nhằm bảo vệ hệ thống mạng và dịch vụ mạng bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, có hệ thống lưu trữ dự phòng dữ liệu và hỗ trợ khôi phục sau sự cố.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký, thụ hưởng giải quyết các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đơn giản hoá các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân: Mẫu đơn, mẫu tờ khai xét duyệt và thẩm định đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
- Giảm thủ tục hành chính trong việc giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, bảo đảm liên thông ba thủ tục hành chính đăng ký, xét duyệt và thụ hưởng chính sách qua thẻ an sinh xã hội dùng chung cho 6 loại hình chính sách.
- Liên thông với các cơ sở dữ liệu khác của công dân theo quy định của pháp luật.
2.2. Cập nhật CSDL quốc gia về an sinh xã hội gồm các trường thông tin sau:
a) Các thông tin về đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý (MIS) tích hợp các chương trình trợ giúp xã hội trên toàn tỉnh và hướng tới hình thành CSDL cho các chương trình trợ giúp xã hội, góp phần hỗ trợ công tác xây dựng chính sách, chiến lược trợ giúp xã hội toàn quốc.
- Các thông tin về đối tượng và chính sách trợ giúp xã hội được thu thập, cập nhật theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan.
b) Các thông tin về đối tượng hưởng chính sách giảm nghèo theo chuẩn nghèo, cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý (MIS) các chương trình, dự án giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh, kết nối với hệ thống toàn quốc hoặc cập nhật, chuyển giao phần mềm mới do Trung ương chỉ đạo để thực hiện chung. CSDL bước đầu sẽ bao gồm các thông tin cơ bản về hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, các đối tượng được hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, tiếp cận thông tin, vay vốn ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động,... góp phần hỗ trợ công tác xây dựng chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững.
- Các thông tin về đối tượng và chính sách giảm nghèo được thu thập, cập nhật theo chuẩn quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.
c) Các thông tin về đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Hệ thống cung cấp công cụ hỗ trợ cập nhật, quản lý, thống kê, báo cáo về thông tin, hồ sơ về người có công; công cụ chuyển nhận dữ liệu, hệ thống đồng bộ và tổng hợp số liệu trên toàn tỉnh và kết nối được với các hệ thống có liên quan khác (chính sách người có công, mộ liệt sĩ hệ thống hỗ trợ chi trả) nhằm hỗ trợ công tác quản lý, chi trả trợ cấp, hỗ trợ đền ơn đáp nghĩa đối với người có công kịp thời.
- Các thông tin về đối tượng và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thu thập và cập nhật theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản pháp luật có liên quan.
d) Các thông tin về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn Luật
- Hệ thống cung cấp các công cụ cập nhật, thống kê, báo cáo dữ liệu và quản lý chính sách, đối tượng bảo hiểm thất nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh và kết nối với hệ thống cả nước phục vụ chi trả, xây dựng chính sách về bảo hiểm thất nghiệp.
- Các thông tin về cung cầu lao động, đối tượng và các chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thu thập và cập nhật theo quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn Luật.
e) Thông tin về trẻ em theo quy định tại Luật trẻ em và các văn bản liên quan
- Hệ thống cung cấp các công cụ cập nhật, thống kê, báo cáo dữ liệu và quản lý chính sách, đối tượng trẻ em trên địa bàn tỉnh.
- Các thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ.
2.3. Tích hợp các thông tin sau đây vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.
a) Các thông tin định danh công dân theo quy định tại Điều 9 Luật căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn Luật.
b) Các thông tin về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn.
c) Các thông tin về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật.
2.4. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đầu vào, đầu ra, bảo đảm các cơ sở dữ liệu thành phần cập nhật, quản lý, tích hợp và trao đổi cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.
3. Cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho công dân, tích hợp cơ sở dữ liệu, xây dựng cổng thông tin điện tử an sinh xã hội
3.1. Nghiên cứu, thí điểm ứng dụng thẻ an sinh xã hội điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Kết nối CSDL chuyên ngành với CSDL quốc gia về an sinh xã hội.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính và tích hợp các loại giấy tờ công dân như số hưởng trợ cấp, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan vào thẻ an sinh xã hội.
3.2. Xây dựng cổng thông tin tích hợp cung cấp môi trường giao tiếp điện tử và dịch vụ công trực tuyến về an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cán bộ, người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng.
- Cổng cung cấp các thông tin, ứng dụng riêng về an sinh xã hội như sau: Cung cấp thông tin chính sách, tin tức sự kiện an sinh xã hội... Tích hợp các ứng dụng và CSDL có liên quan về an sinh xã hội. Cung cấp các kênh thông tin tích hợp việc làm, dạy nghề, bảo hiểm, chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng trong nhóm an sinh xã hội.
- Xây dựng, tích hợp và cung cấp trên Cổng thông tin tích hợp về an sinh xã hội các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 về an sinh xã hội, các dịch vụ xã hội cho người dân và doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu.
- Tích hợp và cung cấp công cụ tìm kiếm đa năng nhiều tiêu chí khác nhau; có thể vẽ biểu đồ so sánh từng thời kỳ; hỗ trợ tìm kiếm và khai thác thông tin dữ liệu trực quan gắn kết thông tin bản đồ với thông tin thuộc tính phục vụ chỉ đạo, điều hành về an sinh xã hội.
- Xây dựng, tích hợp Kênh thông tin, truyền thông đối thoại trực tuyến với người dân, doanh nghiệp trên Internet về an sinh xã hội phục vụ công tác truyền thông, quảng bá về an sinh xã hội.
4. Tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phần mềm ứng dụng, phát triển nhân lực, dịch vụ công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.
- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu, sản xuất phần mềm, nội dung số nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chi trả chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu; lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ công bảo đảm chi trả theo yêu cầu, thực hiện theo cơ chế thu hồi vốn đầu tư thông qua thu phí cung cấp dịch vụ chi trả chính sách; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tự đăng ký và nhập liệu các trường thông tin cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.
5. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trong việc ứng dụng, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ... cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin và CSDL về an sinh xã hội phục vụ hiệu quả trong công tác quản lý.
6. Trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm của các tỉnh đã áp dụng thành công việc sử dụng thẻ an sinh xã hội điện tử
Tổ chức học tập, trao đổi nâng cao khả năng quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho công dân; tích hợp cơ sở dữ liệu, xây dựng cổng thông tin điện tử an sinh xã hội từ các tỉnh trong nước đã áp dụng thành công việc sử dụng thẻ an sinh xã hội điện tử.
7. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội
Đồng thời với việc triển khai thực hiện, ứng dụng cần thiết phải tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội tại các cơ quan, địa phương để khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, đồng thời đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bảo đảm từ các nguồn: vốn doanh nghiệp, chi phí dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội, nguồn vốn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước; nguồn huy động, tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Là cơ quan chủ trì, có nhiệm vụ hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; kiểm tra, giám sát đánh giá, sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương lựa chọn đơn vị có mạng lưới cơ sở vật chất và nhân lực trải rộng đến cấp xã trên cả nước, có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội, các chính sách an sinh xã hội và bảo đảm xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội để cung cấp dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
2. Sở Tài chính
Hàng năm căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch theo phân cấp của luật ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tham mưu xây dựng hệ thống thông tin đảm bảo kết nối, tích hợp đồng bộ các thông tin toàn hệ thống; đảm bảo quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng của hệ thống thông tin về an sinh xã hội.
- Tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư phát triển hạ tầng, viễn thông, internet, các dịch vụ công nghệ thông tin.
4. Công an tỉnh, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan tích hợp các thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội gồm: thông tin định danh công dân theo quy định tại Điều 9 Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn Luật; các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn Luật; các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm y tế theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật.
5. Các Sở, Ban, Ngành liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung liên quan của Kế hoạch.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch trên địa bàn theo nhiệm vụ quản lý; bố trí nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Kế hoạch./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.