ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/KH-UBND |
Cần Thơ, ngày 20 tháng 01 năm 2009 |
Thực hiện Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng - khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ 2009 - 2020; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Thực hiện Quyết định số 3979/QĐ-BNN-KH ngày 15 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU ngày 01 tháng 10 năm 2008 của Thành ủy Cần Thơ về việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng - khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xây dựng Kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu như sau:
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2004 - 2008
a) Sản xuất nông nghiệp:
Từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10 về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp (tháng 4 năm 1988), sản xuất nông nghiệp tỉnh Cần Thơ trước đây và thành phố Cần Thơ từ năm 2004 đến nay đã và đang có những chuyển biến mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đạt mức tăng trưởng bình quân 5,5%/năm, chất lượng nông sản dần được nâng lên, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản tăng từ 220,8 triệu USD (năm 2004) lên 736,5 triệu USD (năm 2008); tăng bình quân 32,9%/năm.
Cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn với các mô hình sản xuất có hiệu quả như: lúa, cá; màu, kinh tế vườn kết hợp du lịch, nuôi thủy sản chuyên canh,… từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường. Trong ngành Nông nghiệp, giá trị sản xuất thủy sản có tốc độ tăng nhanh, năm 2004 chiếm tỷ trọng 16,68%, đến năm 2008 tăng lên 34,89%; tỷ trọng giá trị sản xuất trồng trọt có xu hướng giảm dần qua các năm, năm 2004 chiếm 72,07%, đến năm 2008 còn 57,12%.
b) Phát triển nông thôn và đời sống nông dân:
- Cơ cấu kinh tế nông thôn: chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngành nghề nông thôn: theo số liệu điều tra về nông nghiệp, nông thôn năm 2006, số hộ nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ 70,63% giảm 6,85% so với năm 2001; hộ công nghiệp và xây dựng tăng thêm 3%, dịch vụ khác tăng 3,59%. Giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp tăng từ 37,8 triệu đồng/năm (năm 2004) tăng lên 85,7 triệu đồng/năm (năm 2008). Giá trị tăng thêm/ha đất nông nghiệp tăng từ 21,3 triệu đồng/năm (năm 2004) tăng lên 41,8 triệu đồng/năm (năm 2008).
- Kết cấu hạ tầng nông thôn: đến nay có nhiều chuyển biến tích cực, 82.571 ha diện tích chủ động tưới tiêu, chiếm 87,7% diện tích đất canh tác; có 77/85 (tỷ lệ 90,6%) xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; có 96,8% hộ sử dụng điện sinh hoạt; 79% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 61% số hộ sử dụng nước sạch; 100% xã có trạm y tế, trường tiểu học, nhà trẻ, mẫu giáo, bưu điện văn hóa…
- Đời sống nhân dân: từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1%/năm, đến năm 2008 tỷ lệ hộ nghèo còn 7% tổng số hộ. Thu nhập bình quân dân cư nông nghiệp tăng từ 3,34 triệu đồng/người (năm 2004) tăng lên 6,48 triệu đồng/người (năm 2008); nhà kiên cố ở nông thôn chiếm 9,13%, nhà bán kiên cố 55,34%, nhà đơn sơ 35,53%.
- Quan hệ sản xuất ở nông thôn: đến năm 2008, toàn thành phố có 64 Hợp tác xã nông nghiệp với tổng số hộ xã viên 1.129 hộ, diện tích 2.083,7 ha (1,81% đất nông nghiệp toàn thành phố), tổng vốn điều lệ đăng ký 39,4 tỷ đồng (đã thu 32,3 tỷ đồng, đạt 81,77%); tổng số tổ hợp tác 2.274 tổ, tổng số thành viên 53.806 người; có 1.329 hộ đạt tiêu chí trang trại, nhưng mới có 02 hộ đăng ký trang trại.
Các Hợp tác xã bước đầu thể hiện được vai trò trong việc tiếp thu hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, xóa đói giảm nghèo.
Trong giai đoạn 2003 - 2008 thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24 tháng 6 năm 2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, các doanh nghiệp đã ký kết và cho các hộ nông dân ứng 419.364 triệu đồng để sản xuất lúa; có khoảng 38.693 lượt nông hộ tham gia ký kết hợp đồng, diện tích 91.354 ha, sản lượng 750.313 tấn.
a) Một số yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng và phát triển nông nghiệp có xu hướng ngày càng tăng:
- Diện tích đất trồng lúa: giảm dần qua từng năm, từ 93.900 ha năm 2004 đến nay giảm xuống còn hơn 90.500 ha, bình quân mỗi năm giảm thêm 800 ha. Diện tích cây lâu năm so với năm 2004 cũng giảm trên 1.000 ha. Diện tích đất nông nghiệp sẽ còn tiếp tục giảm do yêu cầu đô thị hóa, công nghiệp hóa,… Diện tích đất nông nghiệp giảm sẽ kéo theo mất việc làm và các vấn đề xã hội nảy sinh nếu không có những giải pháp tích cực về đào tạo và chuyển đổi ngành nghề, tái định cư để ổn định đời sống và sinh hoạt.
- Cơ cấu lao động nông thôn: có bước chuyển biến tích cực song còn chậm, tỷ lệ lao động nông nghiệp năm 2004 là 52,5% đến năm 2008 là 50,3% (giảm 2,2%) chưa tương xứng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa; mặc dù công tác khuyến nông triển khai thực hiện khá tốt nên trình độ sản xuất của nông dân thành phố Cần Thơ so với mặt bằng chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long khá cao, nhưng công tác giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn và quản lý với trình độ cao còn nhiều bất cập, số lao động qua đào tạo sơ trung cấp chiếm 3% và 1,67% tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Lực lượng lao động cán bộ chuyên môn ở cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
- Tình hình thiên tai, dịch bệnh: ngày càng gia tăng, xảy ra liên tiếp trên cây trồng, vật nuôi; biến đổi khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, gây tổn thất, thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp. Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá hàng hóa nông sản bấp bênh, sản xuất lãi ít, tiêu thụ sản phẩm từng lúc có khó khăn, đời sống nông dân bị ảnh hưởng nhiều, tác động đến chuyển đổi cơ cấu và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
b) Tổ chức sản xuất vẫn còn mang hình thức sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chưa đầu tư phát triển đồng bộ và chưa tạo dựng sản phẩm thương hiệu của địa phương.
c) Kinh tế tập thể còn thiếu động lực và môi trường phát triển chưa đồng bộ, trình độ đội ngũ cán bộ Hợp tác xã còn hạn chế, chưa an tâm công tác,… Hợp tác xã chưa thật sự đóng vai trò hỗ trợ hoạt động sản xuất nông hộ, một số nơi tổ chức Hợp tác xã còn mang tính hình thức.
d) Ngoài năng suất, chất lượng lúa gạo, thủy sản có bước cải thiện; tuy nhiên, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các loại nông sản khác chưa cao; vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề lo lắng của người dân và thách thức lớn trong quá trình hội nhập kinh tế. Hệ thống sản xuất, vận chuyển, chế biến và phân phối theo mô hình GAP và chưa đầu tư xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh.
đ) Khoảng cách chênh lệch thu nhập bình quân giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn khá lớn và có xu hướng tăng (năm 2004 là 3,83 lần, năm 2008 là 4,72 lần). Đời sống nhiều hộ nông dân còn khó khăn, nhất là những hộ ít đất, hộ thuần nông, không có ngành nghề phụ. Phần lớn các nông hộ thiếu vốn sản xuất phải vay ngân hàng hoặc mua chịu vật tư, phân bón để sản xuất theo cách thức: “ăn trước, trả sau”, thậm chí vay nóng bên ngoài; do đó, nông dân sẵn sàng chấp nhận bán nông sản với giá thấp sau khi thu hoạch để trả tiền vay hoặc trả nợ mua vật tư; họ khó có thể trữ nông sản để chờ thời điểm giá tốt hơn để bán, vì thế nông dân là người dễ bị ép giá. Do thu nhập thấp và nghèo khó, một số hộ nông dân phải cho con nghỉ học sớm để giảm bớt gánh nặng chi tiêu và phụ giúp gia đình tăng thêm nguồn thu.
Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn ngày càng phổ biến, bắt nguồn từ trình độ văn hóa thấp, không có trình độ chuyên môn, không được đào tạo để chuyển đổi nghề dẫn đến một bộ phận thanh niên thất nghiệp lại rơi vào tệ nạn xã hội.
e) Kinh tế nông thôn tuy có bước chuyển dịch, nhưng vẫn còn mang tính nặng về nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng nông thôn có bước phát triển, tuy nhiên chưa hoàn chỉnh để tạo điều kiện cho cơ khí hóa, điện khí hóa nông nghiệp, phát triển sơ chế, bảo quản và lưu thông hàng hóa. Nông nghiệp có vai trò quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực nhưng đầu tư cho nông nghiệp trong những năm qua chưa đáp ứng, đặc biệt là đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, đầu tư thủy lợi còn rất thấp so với nhu cầu, nhất là việc nạo vét kênh cấp II, nên nhiều nơi chưa đảm bảo nguồn nước cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất; vốn đầu tư cho nước sạch nông thôn hàng năm cũng ở mức khiêm tốn, mới đáp ứng được 20% nhu cầu.
g) Quá trình đô thị hóa nhiều hộ dân bị thu hồi đất với mức đền bù, hỗ trợ không đảm bảo cuộc sống bình thường của người nông dân trong thời gian chuyển nghề; không có phương án giải quyết việc làm thiết thực cho người mất đất không có khả năng làm việc tại các khu công nghiệp; do vậy, nông dân gặp nhiều khó khăn trong đời sống.
h) Môi trường nông thôn nhất là môi trường nước bị ô nhiễm ngày càng nhiều do nuôi thủy sản không áp dụng đúng quy trình xử lý chất thải; việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020
1. Mục tiêu chung:
Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, giảm chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Huy động các nguồn lực, bao gồm nguồn lực nông dân, nguồn lực xã hội địa phương và các nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị mang đặc trưng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng thành phố hiện đại, văn minh và là trung tâm động lực của toàn vùng. Tạo tiền đề vững chắc để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, chú trọng các giải pháp tập trung vào chủ thể nông dân để nâng dần trình độ, năng lực của nông dân, thực hiện tốt việc chuyển dịch lao động xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thật sự ổn định, bền vững.
2. Mục tiêu đến năm 2020:
- Tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, công nghệ chất lượng cao, tốc độ tăng trưởng nông, thủy sản đạt 4,5 - 5%/năm. Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, bảo vệ môi trường; giải quyết cơ bản việc làm, nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay. Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 40% lao động xã hội của thành phố.
- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản; nâng cấp mạng lưới giao thông, đảm bảo xe ô tô đến 100% trung tâm xã; cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; đảm bảo cơ bản việc cung cấp nước sạch, điện, điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao,… ngày càng tốt hơn.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn, thực hiện có hiệu quả, bền vững công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, phát huy vai trò tổ chức Hội Nông dân và phong trào nông dân tham gia đóng góp vào sự nghiệp xây dựng thành phố Cần Thơ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
- Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, bão lũ; chủ động triển khai một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tích cực ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất và đời sống nông thôn.
II. Nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu
1. Nhiệm vụ chung:
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững, tập trung chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao, làm nền tảng để trở thành đô thị loại 1 vào năm 2010, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020; là trung tâm kinh tế - xã hội, trung tâm giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển các loại hình dịch vụ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.
- Nông thôn phát triển hài hòa, văn minh với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, văn hóa; bảo vệ tốt trật tự an toàn xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
- Chăm lo phát triển con người một cách toàn diện; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
2. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đến năm 2020:
(1) Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 16%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 17,1%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là 18%/năm.
(2) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Cơ cấu kinh tế năm 2010 là: nông - lâm - ngư nghiệp 10,7%; công nghiệp - xây dựng 45,1%; dịch vụ 44,2%; đến năm 2020 là: nông - lâm - ngư nghiệp 3,7%; công nghiệp - xây dựng 53,8%; dịch vụ 42,5%.
(3) GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 1.210 USD vào năm 2010, đạt 2.318 USD vào năm 2015 và đạt 4.611 USD vào năm 2020.
(4) Kim ngạch xuất khẩu thời kỳ năm 2006 - 2020 tăng bình quân 20,8%/năm; trong đó giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 20,2%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 21,8%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 21,3%/năm.
a) Về phát triển nông nghiệp:
- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu của ngành theo hướng thâm canh và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; phát triển tổng hợp kinh tế vườn kết hợp với nuôi trồng thủy sản và các loại hình du lịch sinh thái, tạo cảnh quan xanh, sạch cho khu vực ngoại thành. Xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ - kỹ thuật cao. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nhất là dịch vụ cung cấp cây giống, hoa kiểng đáp ứng nhu cầu đô thị và du lịch. Đẩy mạnh chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản.
Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh năm 1994) bình quân đạt từ 2.900 - 3.000 USD/ha vào năm 2010; từ 6.100 - 6.200 USD/ha vào năm 2020.
Diện tích đất nông nghiệp năm 2020 còn khoảng 97.000 ha, chiếm 69,1% tổng diện tích tự nhiên.
- Về trồng trọt: tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức từ 2 - 2,5% /năm (giai đoạn năm 2006 - 2015) và tăng mạnh hơn từ 2,5 - 3%/năm (giai đoạn năm 2015 - 2020). Chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích đất chuyên trồng lúa đến năm 2010 còn 75.000 - 80.000 ha (sản lượng 1,1 triệu tấn), năm 2020 còn 54.200 - 64.000 ha (sản lượng 0,95 triệu tấn); tăng diện tích rau, màu chuyên canh ở vùng ven đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với quy mô 9.000 ha vào năm 2010 và từ 12.000 - 15.000 ha vào năm 2020; phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực là đậu nành và mè; sản xuất cây ăn quả từng bước đa dạng hóa các chủng loại cây ăn quả bằng các loại giống mới, chất lượng cao theo nhu cầu thị trường và lợi thế phát triển trên từng địa bàn, đến năm 2010 diện tích khoảng 24.000 ha, năm 2020 đạt 26.000 ha.
- Về chăn nuôi: phát triển mạnh đàn heo, đàn bò, khôi phục và từng bước phát triển đàn gia cầm trong giai đoạn năm 2006 - 2010 và tăng nhanh trong giai đoạn sau năm 2010. Chuyển dần phương thức chăn nuôi hộ và trại gia đình sang phương thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và trang trại liên hợp, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và xử lý chất thải; sắp xếp và xây dựng cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo tiêu chuẩn và vệ sinh thực phẩm và môi trường.
Quy mô đến năm 2010 đàn heo 320.000 - 350.000 con, đàn gia cầm 2,2 - 2,8 triệu con, đàn bò 8.000 - 9.000 con; đến năm 2020, đàn heo đạt 415.000 - 480.000 con, gia cầm 3,7 - 4,3 triệu con, đàn bò 21.000 - 30.000 con.
- Về nuôi, trồng thủy sản: phát triển đa dạng các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, bao gồm luân canh với lúa, xen canh trong mương vườn và chuyên canh trong ao, hầm trên đất thổ canh, bãi bồi, ven sông và kênh lớn, vùng trũng và nuôi bè trên sông rạch. Phát triển diện tích nuôi đến năm 2010 đạt 17.800 ha (trong đó, diện tích nuôi cá tra là 1.300 ha), sản lượng 223.150 tấn (sản lượng cá tra 188.500 tấn); năm 2020 là 26.000 ha (trong đó, diện tích nuôi cá tra là 1.600 ha), đạt sản lượng 418.100 tấn (sản lượng cá tra là 240.000 tấn).
Tổng sản lượng chế biến xuất khẩu đến năm 2010 đạt 80.000 tấn (trong đó, sản lượng cá tra 75.400 tấn), năm 2015 đạt 120.000 tấn (trong đó, sản lượng cá tra 90.000 tấn) và đến năm 2020 đạt 160.000 tấn (trong đó, sản lượng cá tra 96.000 tấn). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 đạt 350 triệu USD, năm 2020 đạt 846 triệu USD.
b) Về phát triển nông thôn: xây dựng phát triển nông thôn toàn diện cả về cơ cấu kinh tế và kết cấu hạ tầng kỹ thuật; ưu tiên trước hết đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, chợ, giáo dục, y tế, văn hóa, phát triển đô thị nông thôn văn minh, bảo vệ môi trường…
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ đa mục tiêu: trước hết đảm bảo chủ động tưới tiêu và kiểm soát lũ kết hợp khai thác nguồn lợi từ lũ để bồi dưỡng độ phì nhiêu của đất,… vận hành khai thác có hiệu quả dự án Ô Môn - Xà No, Nam Đòn Dong - Bắc Cái Sắn…
- Giao thông nông thôn: xây dựng và nâng cấp các tuyến đường huyện theo tiêu chuẩn cấp V, cấp VI đồng bằng, đạt 95% vào năm 2010 và 100% vào năm 2020; mở mới các tuyến đường quận, huyện quan trọng; hoàn chỉnh các tuyến đường liên xã, phường.
- Giáo dục: đến năm 2010 có 80% trường mầm non, 70% trường tiểu học, 40% trường Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Năm 2020 có 100% trường lớp các cấp học, bậc học đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 2010 có 100% giáo viên đạt chuẩn.
- Y tế: mở rộng đi đôi với nâng cấp cơ sở và trang thiết bị cho hệ thống y tế cấp huyện, xã theo chuẩn quốc gia. Bình quân có 8,3 bác sĩ/vạn dân và 22,8 giường bệnh/vạn dân vào năm 2010; 12 bác sĩ/vạn dân và 29,2 giường bệnh/vạn dân vào năm 2020. Tăng tỷ lệ thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lên 92% năm 2010 và 95% năm 2020.
- Thiết chế văn hóa cơ sở: tạo bước phát triển mới về chất của phong trào “toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”.
Đến năm 2010, có 88% hộ gia đình văn hóa, 80% khu phố và 75% phường, xã đạt danh hiệu văn hóa; đến năm 2020 thành phố có 98% gia đình văn hóa, 95% khu phố và 97% phường, xã đạt danh hiệu văn hóa.
c) Về nông dân và dân cư nông thôn:
- Tăng thu nhập cho dân cư nông thôn đến năm 2020 gấp trên 2,5 lần so với hiện nay.
- Đến năm 2010 có trên 40% tổng số lao động được đào tạo, đến năm 2020 số lao động được đào tạo nghề chiếm 47,7% lao động trong độ tuổi.
- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đến năm 2010 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 90%.
- Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đến năm 2010 đạt 99,5% và đến năm 2020 các hộ dân nông thôn đều được cung cấp điện sinh hoạt an toàn.
- Giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo 1%/năm và cơ bản giải quyết hoàn toàn tình trạng hộ nghèo vào năm 2020.
- Hỗ trợ nhân dân giải quyết nhà tạm bợ ở nông thôn và các hộ tái định cư, các hộ có thu nhập thấp, bảo đảm mỗi hộ dân đều có nhà ở; trong đó, nhà kiên cố, bán kiên cố và lâu bền chiếm từ 70% vào năm 2010 và 75% trở lên vào năm 2020.
1. Tổ chức quán triệt Nghị quyết:
- Tổ chức quán triệt sâu rộng trong các ngành, các cấp chính quyền và nhân dân để nhận thức đúng đắn về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Thảo luận dân chủ để làm rõ và cụ thể hóa những chủ trương và giải pháp lớn về xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của dân cư nông thôn; đổi mới cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở nông thôn.
- Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn một cách chủ động và có hiệu quả. Phát động phong trào thi đua lao động xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn mới.
2. Đẩy mạnh công tác quy hoạch và triển khai thực hiện đồng bộ các quy hoạch:
Các sở, ngành, quận, huyện chủ động xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển của ngành, địa phương.
a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, quận huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các quận, huyện đến năm 2020.
b) Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm công bố, triển khai Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn vận tải trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025 đã được phê duyệt đến các quận, huyện và chủ trì phối hợp với các sở, ngành trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của địa phương phù hợp quy hoạch chung được phê duyệt.
c) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị đến năm 2025; lập quy hoạch khu dân cư nông thôn tập trung vùng bị ảnh hưởng thiên tai.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai lập Quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến 2015; quy hoạch chống sạt lở các sông, rạch thành phố Cần Thơ. Tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch của ngành đã được phê duyệt như: rà soát và bổ sung quy hoạch ngành Nông nghiệp phát triển nông thôn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên nước các lưu vực sông thuộc thành phố Cần Thơ. Tiếp tục hoàn chỉnh các Quy hoạch đang xây dựng như Quy hoạch ngành nghề nông thôn thành phố Cần Thơ, Quy hoạch vành đai thực phẩm. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất áp dụng công nghệ cao, các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ ổn định như: gạo, cá, rau màu,… gắn với việc phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
đ) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện: “Quy hoạch phát triển bưu chính viễn thông thành phố Cần Thơ giai đoạn năm 2006 - 2010 và định hướng 2020”.
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp triển khai thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên nguồn vốn hợp lý cho các dự án, đảm bảo phát huy hiệu quả vào sản xuất (Đề án giống, Đề án thủy lợi, Đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp, Đề án an ninh lương thực, Đề án khuyến nông, khuyến ngư,…), tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng nông sản.
- Xây dựng hai Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, phấn đấu đến năm 2015 đưa vào sử dụng có hiệu quả:
+ Trung tâm Giống: trước mắt tập trung cho công tác giống phục vụ hai ngành sản xuất chủ lực của thành phố là cây lúa và thủy sản (tôm càng xanh, cá tra).
+ Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Cờ Đỏ: xây dựng hình thành mô hình kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp hiện đại, kết hợp đào tạo nông dân chính quy cho thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ theo mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh và xã hội hóa công tác sản xuất giống; xây dựng tốt hệ thống thủy lợi nội đồng và giao thông đồng ruộng để tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch; tổ chức việc xây dựng các mô hình hợp tác thích hợp trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi; tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường gắn với việc xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa (Đề án phát triển ngành Trồng trọt); hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường chất lượng nước, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên (Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, Đề án khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020).
b) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để phát triển nông thôn theo mô hình nông thôn mới.
Thành phố tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ để phát triển nông nghiệp gắn với phát triển đô thị, nông sản chất lượng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia chuyển giao khoa học và công nghệ.
c) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các nhà khoa học có công trình ứng dụng hiệu quả, bền vững cho nông nghiệp, nông thôn; thu hút đội ngũ trí thức về công tác ở nông thôn, đặc biệt là các ngành Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Văn hóa,… tăng cường năng lực của mạng lưới khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác ở nông thôn.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và quận, huyện xây dựng đề án bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái nông thôn.
4. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị:
Các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện tích cực phối hợp với Bộ, ngành Trung ương tập trung các nguồn lực để tăng quy mô và hiệu quả đầu tư. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng ở nông thôn:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, tăng tỷ lệ đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn từ năm 2009 và 05 năm sau gấp 02 lần năm 2009 theo các chương trình, dự án cụ thể được duyệt.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành Trung ương và các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn phù hợp với nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng; xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở nông thôn, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, đô thị hóa.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các trạm, trại giống, phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp.
Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: bờ kè sông Hậu - sông Cần Thơ, tuyến kè bảo vệ khu vực cồn Cái Khế, kè sông Trà Niền và chống xói lở kè chợ Phong Điền; tường kè sông Trà Nóc, kè chống sạt lở sông Ô Môn, nạo vét kênh Thốt Nốt, kè chống sạt lở thị trấn Thốt Nốt…
c) Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện đầu tư nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn, bảo đảm có đường ô tô liên xã, phường và phần lớn các ấp, khu vực dân cư, đáp ứng yêu cầu vận chuyển giao thương hàng hóa thuận tiện; thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống giao thông đường bộ, đường sông do địa phương quản lý; đầu tư xây dựng và nâng cấp các bến xe, bến tàu tạo điều kiện phát triển các phương tiện vận tải đường sông hiện đại, an toàn.
d) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện trong công tác cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, đảm bảo đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư; xây dựng Đề án phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn (bao gồm: cơ khí, hóa chất, năng lượng,..); phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn; xây dựng Đề án phát triển thương mại nông thôn.
đ) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn thành phố đầu tư, nâng cấp hệ thống bưu điện, phát triển mạng lưới hạ tầng bưu chính, viễn thông đến vùng nông thôn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt giữa nông thôn và thành thị, triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống: “Thư viện kỹ thuật nông nghiệp” tại các điểm bưu điện văn hóa xã và “Trung tâm thông tin cơ sở” bao gồm cơ sở dữ liệu thông tin về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống thiên tai,… tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận thông tin thông qua các phương tiện thông tin.
e) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện trong công tác quy hoạch và bố trí dân cư nông thôn gắn với Quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và mở rộng đô thị. Xây dựng đề án người nghèo về nhà ở khu vực nông thôn. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh các cụm, tuyến dân cư vượt lũ; xóa nhà tạm ở nông thôn.
g) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành trong công tác lập và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng với sự biến đổi khí hậu.
5. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn:
a) Sở Y tế nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa tuyến huyện; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh; tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nông thôn, chính sách an sinh xã hội nhất là bảo hiểm y tế đối với người nghèo, chăm sóc trẻ dưới sáu tuổi,…; xây dựng Đề án phát triển y tế nông thôn.
b) Sở Giáo dục và Đào tạo nâng cấp hoàn chỉnh cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ tốt việc dạy và học; chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát, bổ sung đề án kiên cố hóa trường học ở nông thôn. Phối hợp với Sở Nội vụ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công tác, tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản lý, điều hành, trình độ đội ngũ cán bộ công chức trong cơ quan quản lý nhà nước các cấp; xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn.
c) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là những hộ bị thu hồi đất, không đất và thiếu đất sản xuất; xây dựng và triển khai chương trình dạy nghề cho nông dân gồm dạy nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo mục tiêu hiện đại hóa ngành Nông nghiệp sử dụng lao động dôi dư ở nông thôn (nông nhàn) và dạy nghề theo mục tiêu xuất khẩu lao động, cung cấp công nhân cho các khu công nghiệp và phát triển dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương; xây dựng đề án an sinh xã hội cho dân cư nông thôn.
Tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và các chương trình mục tiêu khác; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và giảm hộ nghèo, chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất cho các vùng nông thôn sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, việc làm mới, nhất là vùng đông dân cư, vùng có lao động chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, phụ nữ nghèo, bảo hiểm y tế, chăm sóc trẻ dưới 6 tuổi…
d) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, tình làng, nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục và tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, quận huyện xây dựng Đề án phát triển văn hóa nông thôn.
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận huyện xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
6. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ hiệu quả ở nông thôn:
a) Liên minh Hợp tác xã thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành nghiên cứu và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; thành lập Quỹ hỗ trợ Hợp tác xã. Tiếp tục đổi mới, phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác phù hợp với Luật Hợp tác xã và cơ chế thị trường; kịp thời hỗ trợ các Hợp tác xã về đào tạo cán bộ quản lý, tiếp cận các nguồn vốn, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và các dự án phát triển nông thôn; các Hợp tác xã thực hiện tốt dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.
b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố xây dựng Đề án phát triển kinh tế trang trại trong nông, lâm, thủy sản; Đề án phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
c) Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện phát triển các hình thức liên kết trong nông dân và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến để chủ động nguồn hàng, ổn định chất lượng sản phẩm và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh ở nông thôn, nhất là về tiêu thụ chế biến nông, thủy sản; sử dụng nguyên liệu và thu hút lao động tại chỗ; khuyến khích các doanh nghiệp làm dịch vụ sửa chữa, cung cấp thiết bị, máy móc vật tư,… phục vụ nông nghiệp và đời sống nông thôn.
1. Trên cơ sở những nhiệm vụ, nội dung chủ yếu của Kế hoạch này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, triển khai cho các đơn vị trực thuộc để tổ chức thực hiện.
2. Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này.
Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, đề xuất của đơn vị gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo, điều hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW CỦA HỘI NGHỊ
LẦN THỨ BẢY BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG - KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN,
NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2009 của Ủy
ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
TT |
Nội dung công việc |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
Ghi chú |
I |
CÔNG TÁC QUY HOẠCH |
|||
1 |
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giao Thông vận tải, Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
2 |
Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị đến năm 2025 |
Sở Xây dựng |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
3 |
Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2015 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
4 |
Quy hoạch khu dân cư nông thôn tập trung vùng bị ảnh hưởng thiên tai |
Sở Xây dựng |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
5 |
Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông, rạch thành phố Cần Thơ |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
6 |
Quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
7 |
Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
II |
CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN CỦA CHÍNH PHỦ |
|||
1 |
Đề án Phát triển ngành Trồng trọt |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
2 |
Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
3 |
Đề án Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
4 |
Đề án Cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
5 |
Đề án Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn (bao gồm: cơ khí, hóa chất, năng lượng); phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn |
Sở Công Thương |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
6 |
Đề án Phát triển thương mại nông thôn |
Sở Công Thương |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
7 |
Đề án Phát triển thông tin, truyền thông nông thôn |
Sở Thông tin và Truyền thông |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
8 |
Đề án Bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn |
Sở Tài nguyên và Môi trường |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
9 |
Đề án Phát triển y tế nông thôn |
Sở Y tế |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
10 |
Đề án Phát triển văn hóa nông thôn |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
11 |
Đề án Hỗ trợ người nghèo về nhà ở khu vực nông thôn |
Sở Xây dựng |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
12 |
Đề án Xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho dân cư nông thôn |
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
13 |
Đề án Phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế ở nông thôn (trang trại, Hợp tác xã, doanh nghiệp, khoa học, thương mại, hiệp hội ngành hàng) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Liên minh Hợp tác xã thành phố, Hội Nông dân và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
14 |
Đề án Nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
15 |
Đề án khuyến nông, khuyến ngư |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
16 |
Đề án An ninh lương thực quốc gia |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
17 |
Chính sách khuyến khích cán bộ, thanh niên, trí thức về nông thôn |
Sở Nội vụ |
Các Sở: Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
III |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO |
|||
1 |
Khu Nông nghiệp công nghệ cao 1 (Trung tâm Giống nông nghiệp) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân huyện Cờ Đỏ |
|
2 |
Khu Nông nghiệp công nghệ cao 3 - Nông trường Cờ Đỏ (Dự án sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh |
|
3 |
Khu Nông nghiệp công nghệ cao 2 - Nông trường Sông Hậu |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân huyện Cờ Đỏ |
|
4 |
Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất giống cây con nông nghiệp |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
5 |
Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất các loại rau an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
6 |
Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống, nuôi trồng và sản xuất các loại sinh vật cảnh và lập khu sinh vật cảnh |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
7 |
Dự án tăng cường cơ giới hóa trong các khâu sản xuất của nền nông nghiệp công nghệ cao |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Công Thương và và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
8 |
Dự án nhân giống, phục hồi và xây dựng vườn cây ăn quả đặc sản kết hợp du lịch sinh thái |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
9 |
Dự án phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, tập hợp và hình thành nhóm tư vấn giải pháp công nghệ kỹ thuật phục vụ nền nông nghiệp công nghệ cao |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Nội vụ và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
10 |
Dự án ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn trong chăn nuôi (gia súc, gia cầm) |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
11 |
Dự án ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
12 |
Dự án phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
13 |
Dự án triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra sản xuất đại trà |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
14 |
Dự án xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao thành phố Cần Thơ |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Công Thương và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
15 |
Dự án ứng dụng công nghệ hiện đại vào các công đoạn sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nông sản |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Công Thương và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
16 |
Dự án phát triển sản xuất giống theo hướng nông nghiệp công nghệ cao - Trung tâm Giống nông nghiệp |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ủy ban nhân dân quận, huyện |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.