UBND TỈNH HÀ TĨNH |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/LN |
Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 02 năm 2009 |
HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH
VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM Y TẾ VÀ TRỢ CẤP MAI TÁNG PHÍ ĐỐI VỚI CỰU CHIẾN BINH, ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 290/2005/QĐ-TTG VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 150/2006/NĐ-CP
Thực hiện Pháp lệnh Cựu chiến binh số 27/2005/PL-UBTVQH11 ngày 07/11/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu chiến binh; Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT CCBVN-BLĐTBXH-BTC-BQP ngày 25/7/2007 của Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 150/2006/NĐ-CP; Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 191/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 07/12/2005 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.
Liên ngành Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh, Sở Tài chính, Bảo hiểm Xã hội tỉnh hướng dẫn thực hiện chế độ Bảo hiểm y tế và chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẤP THẺ BHYT VÀ TRỢ CẤP MAI TÁNG PHÍ:
1. Cán bộ, chiến sỹ đã tham gia các đơn vị vũ trang do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức trước cách mạng tháng 8; Cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam; Cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, dân quân du kích, đội viên đội công tác vũ trang trong vùng địch tạm chiếm đã tham gia chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc; Công nhân viên quốc phòng, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp không thuộc diện tham gia Bảo hiểm y tế bắt buộc hoặc chưa được hưởng Bảo hiểm y tế theo các chế độ ưu đãi khác thì được Nhà nước cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.
2. Quân nhân, công an nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, công nhân viên chức quốc phòng, công an, cán bộ dân chính đảng, thanh niên xung phong, dân quân, dân quân du kích tập trung, người nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động nếu không phải là người thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc tại Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ.
II. HỒ SƠ, THỦ TỤC XÉT HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM Y TẾ VÀ TRỢ CẤP MAI TÁNG PHÍ:
1. Đối với chế độ BHYT:
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điểm b mục 1, điểm b mục 2 phần II Thông tư số 10/2007/TTLT-BLĐTB&XH-HCCBVN-BTC-BQP và điểm 2.1; 2.2 mục 2 phần II Thông tư số 191/2005/TTLT/BQP-BLĐTBXH-BTC để tổ chức thực hiện.
2. Đối với hồ sơ trợ cấp mai táng phí:
Đối với hồ sơ mai táng phí cho các đối tượng nêu tại mục 1 phần I trên đây, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ mục 2 phần II Thông tư liên tịch số 10/2007/TTTT-BLĐTB&XH-HCCBVN-BTC-BQP để thực hiện
Đối với hồ sơ mai táng phí cho các đối tượng nêu tại mục 2 phần I trên đây, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ điểm 2.2 mục 2 phần II Thông tư số Liên tịch số 191/2005/TTLT/BQP-BLĐTBXH-BTC để tổ chức thực hiện.
III. CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM Y TẾ VÀ TRỢ CẤP MAI TÁNG PHÍ:.
1. Các đối tượng tại phần I nêu trên được nhà nước cấp thẻ BHYT với mức đóng hàng tháng bằng 3% mức lương tối thiểu do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
2. Trợ cấp mai táng phí đối với đối tượng thuộc điểm 1 phần I nêu trên khi từ trần nếu không thuộc diện hưởng chế độ mai táng phí theo Pháp lệnh Người có công và Luật Bảo hiểm xã hội thì người tổ chức mai táng được hưởng tiền mai táng phí là 10 tháng lương tối thiểu do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
3. Trợ cấp mai táng phí đối với đối tượng thuộc điểm 2 phần I nêu trên khi từ trần nếu không thuộc diện hưởng chế độ mai táng phí theo Pháp lệnh Người có công và Luật Bảo hiểm xã hội thì người tổ chức mai táng được hưởng tiền mai táng phí như các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc do Chính phủ qui định.
IV. TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ CƠ QUAN:
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
Uỷ ban nhân dân cấp xã trực tiếp chỉ đạo Ban chính sách xã phối hợp với Hội Cựu chiến binh thực hiện việc cấp thẻ BHYT và chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng Cựu chiến binh theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP và đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg cụ thể như sau:
1.1. Thẻ bảo hiểm Y tế:
- Cấp mới thẻ BHYT: Lập hồ sơ (02 bộ) kèm danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện. Định kỳ một năm duyệt 4 đợt cấp mới thẻ BHYT vào tháng 1, tháng 4 tháng 6 và tháng 10 (nhận hồ sơ từ ngày 01- ngày 10) gửi về Phòng Lao Động - Thương binh Xã hội.
- Tháng 10 hàng năm UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm bàn giao danh sách thẻ BHYT Cựu chiến binh theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, người hưởng theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện (Bao gồm danh sách đã được rà soát không bao gồm thẻ BHYT cho người nghèo, BHYT cho đối tượng thực hiện theo NĐ 67/2007/NĐ-CP, BHYT đối với người có công đã được cấp).
- Nhận thẻ BHYT từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để tổ chức trao thẻ và lập danh sách có ký nhận thẻ BHYT cho đối tượng.
- Trước ngày 10 hàng tháng tổng hợp danh sách cắt giảm thẻ BHYT đối với đối tượng chết, chuyển đi nơi khác, cấp trùng; danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng mới bổ sung chuyển Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.
1.2. Trợ cấp mai táng phí:
- Lập hồ sơ theo quy định (02 bộ) kèm danh sách đề nghị trợ cấp mai táng phí gửi về Phòng Lao động - Thương binh Xã hội cấp huyện. Định kỳ một năm duyệt 4 đợt trợ cấp mai táng phí vào tháng 1, tháng 4, tháng 6 và tháng 10 (nhận hồ sơ từ ngày 01- ngày 10) gửi về Phòng Lao Động - Thương binh & Xã hội.
- Tiếp nhận kinh phí, tổ chức chi trả, thanh quyết toán kinh phí khi được duyệt theo quy định hiện hành.
2. Cấp huyện, thị xã, thành phố:
Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức xét duyệt đối tượng được hưởng BHYT và mai táng phí theo qui định, lập danh danh kèm hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc huyện làm tốt các nội dung cụ thể như sau:
2.1. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:
* Cấp thẻ BHYT:
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Cựu chiến binh, Phòng Tài chính - Kế hoạch thống nhất số liệu và lập danh sách đối tượng Cựu chiến binh theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP và đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg trình ủy ban nhân dân huyện phê duyệt số lượng vào đầu tháng 10 năm trước để đưa vào dự toán chi ngân sách của huyện và chuyển dự toán chi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để trình UBND tỉnh, Sở Tài chính đưa vào dự toán chi ngân sách địa phương hàng năm.
- Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn ký hợp đồng cấp phát thẻ BHYT và quyết toán nguồn kinh phí với cơ quan BHXH huyện, thị xã, thành phố. Định kỳ vào trước ngày 10 tháng thứ 3 của quý đối chiếu danh sách tăng, giảm thẻ BHYT với Bảo hiểm xã hội làm căn cứ ký phụ lục hợp đồng và thanh quyết toán kinh phí.
- Nhận hồ sơ kèm danh sách đề nghị cấp mới thẻ BHYT từ các xã, phường, thị trấn thống nhất số liệu với Cựu chiến binh cấp huyện tổng hợp danh sách trình UBND huyện phê duyệt, chuyển 01 bộ hồ sơ, danh sách đã được phê duyệt kèm đĩa mềm và công văn đề nghị cấp thẻ BHYT cho đối tượng theo quy định chuyển về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Nhận Quyết định kèm danh sách đã được phê duyệt cấp mới thẻ BHYT cho đối tượng của Uỷ ban nhân dân tỉnh kèm đĩa mềm chuyển Bảo hiểm Xã hội cấp huyện để tiến hành in thẻ.
- Nhận thẻ BHYT theo danh sách bàn giao từ Bảo hiểm xã hội huyện để giao cho xã, phường, thị trấn.
- Trước ngày 10 hàng tháng tổng hợp danh sách cắt giảm thẻ BHYT đối với đối tượng chết, chuyển đi nơi khác, cấp trùng; danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng mới bổ sung chuyển Bảo hiểm Xã hội cấp huyện.
* Trợ cấp mai táng phí:
Tiếp nhận hồ sơ kèm danh sách đề nghị trợ cấp mai táng phí từ các xã, phường, thị trấn chuyển đến kiểm tra xác nhận, lập danh sách những trường hợp đủ điều kiện kèm công văn trình UBND huyện phê duyệt chuyển về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Định kỳ một năm duyệt 4 đợt trợ cấp mai táng phí vào tháng 1, tháng 4, tháng 6 và tháng 11 (nhận hồ sơ từ ngày 01- ngày 10) gửi về Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội.
2.2. Hội Cựu chiến binh:
Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện việc cấp phát thẻ BHYT và trợ cấp mai táng phí cho đối tượng Cựu chiến binh theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, người hưởng chính sách theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg.
2.3. Phòng Tài chính - Kế hoạch:
- Phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn ký hợp đồng cấp phát thẻ BHYT và quyết toán nguồn kinh phí với cơ quan BHXH huyện, thị xã, thành phố;
- Căn cứ Quyết định kèm danh sách phê duyệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc trợ cấp mai táng phí cho đối tượng Cựu chiến binh theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, người hưởng chính sách theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, chuyển cấp nguồn kinh phí cho UBND xã, phường, thị trấn để thực hiện chi trả trợ cấp mai táng phí cho đối tượng.
2.4. Bảo hiểm xã hội huyện:
Tiếp nhận danh sách đối tượng cấp thẻ BHYT đầu năm, danh sách đối tượng cấp bổ sung, danh sách đối tượng báo giảm thẻ BHYT từ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã được UBND huyện phê duyệt để thực hiện ký hợp đồng cấp phát thẻ BHYTvà thanh quyết toán nguồn kinh phí với UBND các xã, phường, thị trấn.
3. Cấp tỉnh:
3.1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
- Tháng 10 hàng năm lập dự toán kinh phí cấp thẻ BHYT, mai táng phí trình UBND tỉnh duyệt. Đồng thời gửi Sở Tài chính tổng hợp vào dự toán cho ngân sách năm sau trình UBND tỉnh.
- Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố hàng quý tổng hợp việc cấp phát thẻ BHYT, trợ cấp mai táng phí để báo cáo UBND tỉnh, HĐND và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Tổ chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp mới thẻ bảo hiểm y tế và hồ sơ đề nghị hỗ trợ mai táng phí của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp thống nhất số liệu với Hội Cựu chiến binh tỉnh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
- Định kỳ một năm duyệt 4 lần cấp mới thẻ BHYT, trợ cấp mai táng phí vào tháng 1, tháng 4, tháng 6 và tháng 10 (nhận hồ sơ từ ngày 01- ngày 10).
- Riêng năm 2009 nếu có đối tượng hưởng chế độ BHYT tăng, giảm so với năm 2008 thì tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định để bổ sung kinh phí cho đối tượng.
- Phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh lập các biểu mẫu cần thiết để hướng dẫn Ủy ban nhân dân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo đúng qui định.
3.2. Bảo hiểm Xã hội tỉnh:
- Chỉ đạo và hướng dẫn Bảo hiểm xã hội cấp huyện trên cơ sở số đối tượng do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cung cấp để ký hợp đồng mua thẻ BHYT cho đối tượng và thực hiện thanh toán kinh phí BHYT với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
- Định kỳ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội huyện, thị xã, thành phố đối chiếu số tăng, giảm đối tượng để thực hiện điều chỉnh hợp đồng với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để có cơ sở in thẻ và thanh toán kinh phí.
- Đảm bảo chế độ khám chữa bệnh cho đối tượng có thẻ BHYT theo đúng qui định của nhà nước.
3.3. Hội cựu chiến binh tỉnh:
- Chỉ đạo Hội Cựu chiến binh huyện, thị xã, thành phố thực hiện nhiệm vụ theo quyết định.
- Phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh cùng tổng hợp, lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT và chế độ mai táng phí. Đôn đốc và giám sát việc thực hiện mua, cấp thẻ BHYT, chi trả mai táng phí đối với Cựu chiến binh đúng qui định.
3.4. Sở Tài chính:
- Đối với chế độ bảo hiểm y tế: Căn cứ vào danh sách hưởng chế độ bảo hiểm y tế đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Sở Tài chính lập dự toán kinh phí báo cáo Ủy ban nhân dân trình HĐND tỉnh tại kỳ họp HĐND cuối năm để đưa vào dự toán ngân sách năm sau.
- Đối với chế độ mai táng phí: Căn cứ quyết định cấp hỗ trợ kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính sẽ thông báo bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố để cấp về các xã, phường, thị trấn chi hỗ trợ cho đối tượng được hưởng.
- Chế độ BHYT năm 2009 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quyết định trong dự toán thu - chi ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố. Khi có quyết định điều chỉnh tăng đối tượng hưởng chế độ BHYT của Ủy ban nhân dân tỉnh (nếu có) Sở Tài chính thực hiện thông báo bổ sung dự toán có mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Hàng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội cựu chiến binh, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Bảo hiểm xã hội huyện, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện việc cấp thẻ BHYT, trợ cấp mai táng phí cho Cựu chiến binh theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP và đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg. Tổ chức kiểm tra, soát xét đối tượng tăng, giảm kịp thời, chính xác làm căn cứ đối chiếu, ký phụ lục bổ sung hợp đồng và thanh quyết toán kinh phí đúng chế độ.
2. Định kỳ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cấp thẻ BHYT, chi trả chế độ mai táng phí cho đối tượng được hưởng để báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh bằng văn bản về Bảo hiểm xã hội, Sở lao động – Thương binh và Xã hội, Hội cựu chiến binh tỉnh, Sở Tài chính để xem xét, sửa đổi phù hợp./.
BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH |
SỞ LAO ĐỘNG
- TB VÀ XH |
HỘI CỰU
CHIẾN BINH TỈNH |
SỞ TÀI CHÍNH |
Nơi nhận: |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.