BỘ
NỘI VỤ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/ĐA-BNV |
Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2003 |
ĐỀ ÁN
MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VÙNG TÂY NGUYÊN (GIAI ĐOẠN 2002 – 2010)
Bốn tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng thuộc Tây Nguyên (gọi chung là vùng Tây Nguyên) có tổng diện tích tự nhiên 54.474 km2, có gần 600 km đường biên giới với Lào và Campuchia, có khoảng 4,7 triệu dân của 44 dân tộc sinh sống trong đó 1,57 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 33,5% dân số toàn vùng. Toàn vùng có 51 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó: 3 thành phố và 2 thị xã), có 605 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó: 510 xã, 47 phường và 48 thị trấn).
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, là vùng có tiềm năng lớn về tài nguyên đất đai, khoáng sản để phát triển nông – lâm nghiệp, thủy điện và một số ngành công nghiệp. Trong những năm vừa qua, bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, tình hình trong vùng cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới phức tạp, bức xúc, qua đó bộc lộ nhiều điểm yếu kém trong tổ chức và hoạt động của chính quyền xã, phường, thị trấn. Trình độ kiến thức về các mặt và năng lực điều hành, quản lý, thuyết phục, tập hợp quần chúng của đội ngũ cán bộ cơ sở nói chung còn yếu, khi có vụ việc phức tạp xảy ra thì không nắm và tập hợp được dân, không chủ động tìm giải pháp hợp lý để giải quyết tình hình, mất phương hướng, trông chờ cấp trên.
Sau sự kiện tháng 2/2001, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã quyết định tăng cường cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện về cơ sở nhằm cùng chính quyền cơ sở bám sát dân, nắm chắc tình hình, giải quyết sự việc tại chỗ, tuyên truyền vận động nhân dân giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, an tâm lao động sản xuất. Giải pháp này tuy đạt được một số kết quả nhưng mới chỉ bước đầu, chưa vững chắc, chủ trương và chính sách của các tỉnh đối với cán bộ tăng cường cũng khác nhau và chưa thống nhất. Vì vậy cần kết hợp thêm với một số giải pháp khác.
Căn cứ nhiệm vụ Thủ tướng giao cho Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) tại Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 – 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án này.
I. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, CÁN BỘ CƠ SỞ VÀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CƠ SỞ VÙNG TÂY NGUYÊN
1. Về tổ chức và chất lượng cán bộ cơ sở
Thực hiện Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên có đa số các xã dân số dưới 10.000 người, nên hầu hết mỗi xã được bố trí 19 cán bộ. Toàn vùng có 12.846 cán bộ xã, phường, thị trấn hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ; trong đó có: 3.170 cán bộ chủ chốt của Đảng và chính quyền (không tính chức vụ kiêm nhiệm); 3.001 Chủ tịch Mặt trận và các đoàn thể; 2.261 cán bộ 4 chức danh chuyên môn và 1.346 cán bộ các chức danh khác. Số cán bộ là người dân tộc ít người có 3.992 (chiếm 31,07%), cán bộ là nữ có 1.086 (chiếm 8,45%).
Ngoài định mức của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì mỗi xã còn được bố trí 5 cán bộ phó các đoàn thể, với tổng số toàn vùng là 3.025 cán bộ. Do đặc điểm địa hình miền núi phức tạp, nhiều xã thuộc địa bàn xung yếu, vùng biên giới có yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh – trật tự nên đã bố trí Trưởng Công an chuyên trách và thêm chức danh Phó Trưởng Công an và Phó Xã đội trưởng (trước khi có Nghị định số 40/1999/NĐ-CP về Công an xã và Nghị định số 46/2000/NĐ-CP về thi hành Pháp lệnh dân quân tự vệ).
Về cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân, các tỉnh thực hiện đúng với quy định theo Nghị định số 174/CP của Chính phủ và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP , nhưng khi Nghị định số 40/1999/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, phát sinh thêm chức danh Trưởng Công an chuyên trách, không thực hiện theo quy định Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm nhiệm như Nghị định số 174/CP; đồng thời, Trưởng Công an được cơ cấu ủy viên Ủy ban nhân dân.
Thôn, buôn ở Tây Nguyên có vị trí rất quan trọng, là cộng đồng dân cư tự quản trong việc bảo đảm an ninh, trật tự nông thôn, phát huy bản sắc văn hóa tiên tiến của các dân tộc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đồng thời giúp chính quyền các cấp một số nội dung về quản lý. Nếu thôn, buôn ổn định, đoàn kết giúp đỡ nhau sẽ tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó vai trò, vị trí của trưởng thôn, buôn rất quan trọng trong tình hình hiện nay.
Theo số liệu thống kê của các tỉnh, vùng Tây Nguyên có 6.387 Trưởng thôn, buôn, làng, tổ dân phố (gọi chung là Trưởng thôn). Trưởng thôn là người đại diện cho thôn do nhân dân thôn bầu ra với nhiệm kỳ thường từ 2 đến 2,5 năm và được chỉ định ở những nơi tình hình an ninh chính trị có vấn đề nổi cộm.
Trưởng thôn có hai chức năng chủ yếu:
- Thực hiện một số nhiệm vụ do UBND xã giao như: quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, theo dõi biến động đất đai, thu thuế nhà đất, lệ phí, …
- Tổ chức, vận động và hướng dẫn các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức có trên địa bàn, thực hiện các công việc mang tính tự quản tại cộng đồng như: trật tự trị an xã hội, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng trong thôn (đường, trường, hệ thống thủy lợi nội đồng, điện …), vận động nhân dân thực hiện các phong trào do chính quyền và đoàn thể phát động, …
Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế của Trưởng thôn như một số nơi Trưởng thôn lạm quyền, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, có những quyết định gây thiệt hại tới tài sản của nhân dân, gây bất bình trong nhân dân, nhất là ở những nơi chính quyền quan liêu, không sát dân hoặc quản lý điều hành yếu.
Về chế độ đối với trưởng thôn, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã quyết định mức phụ cấp Trưởng thôn, trung bình từ 70.000 đ/tháng đến 90.000 đ/tháng. Tỉnh Đắk Lắk phụ cấp cho Trưởng thôn ở các xã vùng biên giới 100.000đ/tháng. Ngoài chế độ phụ cấp hoạt động, Trưởng thôn còn được hưởng chế độ khi đi lập huấn, bồi dưỡng.
Khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên trước đây chỉ tồn tại duy nhất có làng (tiếng địa phương gọi là Plêi). Trong đó người có vai trò lãnh đạo cao nhất được suy tôn là Chủ làng (hay còn gọi là Già làng) có độ tuổi từ 50 trở lên (cá biệt có nơi dưới 50 tuổi), có nhiều hiểu biết phong tục, tập quán, lễ nghi, luật tục của dòng họ và của các dân tộc cùng sinh sống trong làng, gương mẫu trong sinh hoạt và sản xuất, có uy tín được nhân dân trong làng kính trọng, tôn sùng một cách tự nhiên và là người điều khiển chung công việc của dòng tộc hoặc dân làng.
Hoạt động của già làng được tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện, không đòi hỏi thù lao. Các nội dung hoạt động của già làng tập trung chủ yếu vào việc hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc, nội bộ các dân tộc cùng sinh sống trong một làng; nhắc nhở dân làng giữ gìn tập tục, lễ nghi, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; già làng trực tiếp xét xử đối với người dân trong làng khi vi phạm theo luật tục, tranh chấp nương rẫy, vợ chồng không hòa thuận, hàng xóm, láng giềng đánh, cãi nhau, con cháu hư hỏng; chủ trì các lễ hội, đám cưới, đám ma, cúng bái cầu mưa; đại diện cho dòng tộc, cho dân làng trong quan hệ giao dịch, ứng xử với bên ngoài; vận động dân làng đoàn kết thực hiện các phong trào do chính quyền và đoàn thể phát động …
Tuy nhiên vai trò của già làng ở vùng ven đô thị lớn và ven các trục giao thông không được rõ nét như đối với những buôn, làng ở vùng sâu, vùng xa. Qua sự kiện tháng 2/2001 ở một số thôn, buôn vai trò của già làng bị mất hẳn, không nắm được dân, hoặc sợ, không điều khiển được con cháu trong buôn, làng; bị khống chế và bị lôi kéo …
d. Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở
Trong những năm gần đây các tỉnh vùng Tây Nguyên đã có sự quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ thì còn nhiều cán bộ chưa đáp ứng được. Đội ngũ cán bộ hiện nay ở cơ sở chủ yếu là cán bộ về hưu và bộ đội phục viên, trình độ, năng lực không đồng đều. Chính sách đãi ngộ, sử dụng chưa phù hợp, chưa tạo được động lực để thu hút cán bộ, hướng phát triển cán bộ chưa rõ, … dẫn đến thiếu nguồn cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng.
Hiện nay, trình độ văn hóa của cán bộ cơ sở ở các tỉnh trong vùng: Cấp I: 15,79 %, Cấp II: 36,91%, Cấp III: 47,30%. Trình độ quản lý Nhà nước từ sơ cấp trở lên 14,26%. Trình độ lý luận chính trị: Sơ cấp 17,20%, Trung cấp 22,31%. Trình độ chuyên môn của 4 chức danh chuyên môn: Sơ cấp 6,50%, Trung cấp 43,56%, Đại học 1,86%, Chưa đào tạo 48,08%. So với các tỉnh trong khu vực, tỉnh Đắk Lắk có đội ngũ cán bộ cơ sở có trình độ ở các mặt cao hơn các tỉnh khác.
2. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở
Thực hiện Quyết định số 874/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 79/TTLT của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở. Chỉ tính từ năm 1998 đến nay, kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở các tỉnh Tây Nguyên đạt được như sau:
- Tổng số cán bộ đã được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ từ sơ cấp trở lên: 3.758/12.846 người (29,25%).
- Tổng số cán bộ đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước từ trình độ sơ cấp trở lên: 1.832 người (14,26%).
- Đối với cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND đã được đào tạo, bồi dưỡng trình độ trung cấp về quản lý nhà nước và lý luận chính trị:
+ Trung cấp QLNN: 158/2.079 người (7,60%).
+ Trung cấp LLCT: 938/2.079 người (45,12%).
- Đối với cán bộ chuyên môn trình độ trung cấp đã được đào tạo:
+ Trung cấp Văn phòng: 184/527 người (34,91%).
+ Trung cấp Pháp lý: 210/603 người (34,83%).
+ Trung cấp Tài chính: 347/605 người (57,35%).
+ Trung cấp Địa chính: 244/526 người (46,39%).
Đã tiến hành bồi dưỡng kiến thức cho các loại đối tượng cán bộ sau:
- Kiến thức quản lý Nhà nước: 3.917 người
- Kiến thức quản lý Nhà nước và kỹ năng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân: 11.213 đại biểu
- Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho 4 chức danh chuyên môn: 1.060 người.
- Bồi dưỡng cán bộ mặt trận và các đoàn thể: 1.987 người.
- Bồi dưỡng cán bộ thôn, buôn: 4.966 người.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở của các tỉnh vùng Tây Nguyên đã có nhiều cố gắng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về mọi mặt. Số cán bộ sau khi đào tạo, bồi dưỡng đã có chuyển biến nhận thức và hiệu quả công việc. Ngoài ra ở một số địa phương đã tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng địa phương cho cán bộ người kinh và cán bộ người dân tộc thiểu số nhưng không biết tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cơ sở còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng với yêu cầu, đặc biệt là tình hình mới hiện nay.
- Nhìn chung công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở vùng Tây Nguyên còn nhiều tồn tại, yếu kém như: công tác quy hoạch cán bộ không đồng bộ, chưa có cơ cấu cán bộ hợp lý, chất lượng đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cấp xã, thôn quá yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ.
- Cán bộ cơ sở vùng Tây Nguyên trong những năm qua đã được bồi dưỡng về kiến thức quản lý Nhà nước, lý luận chính trị chiếm khoảng 2/5 tổng số nhưng mang tính chắp vá, chưa được quy hoạch theo kế hoạch mang tính bài bản. Một số được bồi dưỡng xong lại nghỉ việc do không được tái cử.
- Thiếu nguồn đào tạo vì cán bộ cơ sở của các tỉnh có trình độ văn hóa thấp, không đủ khả năng để tiếp thu kiến thức được đào tạo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Do vậy, việc tìm kiếm cán bộ theo tiêu chuẩn đầu vào còn nhiều bất cập.
- Do thiếu nguồn, một số nơi cử cán bộ đi học không đủ tiêu chuẩn, cán bộ người dân tộc thiểu số có người chưa đọc thông, nói thạo tiếng Việt cũng được nhập học và cùng học một chương trình với số cán bộ đủ tiêu chuẩn, nên tạo sự khập khiễng về trình độ nhận thức, ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập chung.
- Đội ngũ giáo viên chưa am hiểu nhiều về phong tục, tập quán và ngôn ngữ dân tộc thiểu số nên giữa việc truyền đạt của giáo viên và tiếp thu của học viên bị hạn chế. Giáo trình còn khuôn mẫu áp dụng chung cho các đối tượng, không sát với đặc điểm, yêu cầu thực tế của cán bộ vùng Tây Nguyên.
- Chưa chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức là người Kinh công tác ở các vùng có đồng bào thiểu số nên bị hạn chế rất nhiều trong quá trình hoạt động công tác, thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong tình hình chính trị, an ninh ở những vùng có diễn biến phức tạp.
- Theo quy định về chế độ kinh phí đào tạo cán bộ cơ sở hiện nay là thấp, không còn phù hợp với thực tế vùng Tây Nguyên.
b) Một số nguyên nhân chủ yếu:
Sự tồn tại yếu kém về tổ chức, cán bộ cơ sở và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở vùng Tây Nguyên trong thời gian qua là do một số nguyên nhân cơ bản và chủ yếu sau đây:
- Trước hết là do nhận thức của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, thành phố ở Tây Nguyên về vai trò, vị trí của đội ngũ chính quyền cấp cơ sở đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở Tây Nguyên chưa đầy đủ. Do đó, chưa thật sự quan tâm đầu tư chỉ đạo đúng mức về xây dựng, củng cố, kiện toàn và đào tạo bồi dưỡng cũng như xây dựng và ban hành thực hiện chính sách một cách thỏa đáng đối với đội ngũ chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên.
- Các địa phương chưa làm tốt công tác quy hoạch cán bộ và gắn quy hoạch cán bộ với bố trí sử dụng, đào tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ tại chỗ, do đó cán bộ người dân tộc thiểu số nắm giữ các cương vị chủ chốt, cán bộ nữ còn chiếm tỷ lệ thấp. Một số chế độ chính sách ưu đãi còn nhiều bất cập chưa động viên được đội ngũ cán bộ yên tâm công tác.
1. Thực hiện đề án “Một số giải pháp góp phần củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên” (giai đoạn 2002 – 2010) nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ cơ sở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực trong việc quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh – trật tự xã hội, phục vụ nhân dân tốt hơn. Phát huy được quyền chủ động của từng cụm dân cư, thiết lập được mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền cơ sở với trưởng thôn, già làng trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo thế trận quốc phòng – an ninh nhân dân vững chắc làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù chống phá chính quyền, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa.
2. Thống nhất nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của hệ thống tổ chức, cán bộ chính quyền xã, phường, thị trấn, trưởng thôn, già làng. Từ đó có kế hoạch (quy hoạch) chủ động; triển khai đồng bộ cả về công tác xây dựng và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp với tình hình thực tế, góp phần kiện toàn và xây dựng chính quyền cơ sở các tỉnh vùng Tây Nguyên trong giai đoạn đang chuyển đổi từ mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ hưởng sinh hoạt phí sang mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở thời kỳ mới.
Phù hợp với Nghị quyết số 10 NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 – 2010; Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001 – 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX, Hội nghị lần thứ 5 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN, CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VÙNG TÂY NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2002 – 2010
a) Mục tiêu đào tạo cán bộ cơ sở
- Đến năm 2005, đạt 70 – 80% cán bộ chuyên trách giữ các chức vụ qua bầu cử của 4 tỉnh Tây Nguyên được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn quy định.
- Đến năm 2005, đạt 80% số cán bộ giữ các chức danh chuyên môn như: Văn phòng, Tài chính – Kế toán, Địa chính, Tư pháp, Văn hóa – Xã hội được đào tạo trình độ sơ cấp trở lên.
Chương trình, nội dung đào tạo phải cụ thể, sát với đặc điểm thực tiễn các tỉnh vùng Tây Nguyên và được soạn thảo theo những định hướng lớn đã nêu trong Nghị quyết TW5 và kế hoạch thực hiện Nghị quyết TW5 của Chính phủ.
Từng bước tạo ra chuyển biến trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở của 4 tỉnh Tây Nguyên.
Trên cơ sở Quy hoạch đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở do tỉnh lập, tiến hành chọn cử người đi đào tạo cơ bản. Tập trung trước hết vào việc đào tạo để chuẩn bị cho các chức danh sau:
- Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy (chi bộ) cấp xã.
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND – UBND.
- Trưởng các đoàn thể.
- Ủy viên Ủy ban nhân dân xã.
- Các chức danh chuyên môn của Ủy ban nhân dân xã.
- Trưởng, Phó thôn, buôn (ở những nơi có Phó Trưởng thôn, buôn) thuộc Ủy ban nhân dân xã.
+ Đối với cán bộ chính quyền giữ các chức vụ qua bầu cử (Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân):
Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị (đối với phường ở thành phố thị xã); sơ cấp lý luận chính trị (đối với các xã).
Đào tạo Trung cấp quản lý nhà nước (đối với phường ở thành phố, thị xã); Sơ cấp quản lý nhà nước (đối với xã).
Xây dựng chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị kết hợp với trung cấp quản lý Nhà nước trong thời gian 2 năm đối với các đối tượng nêu trên.
+ Đối với cán bộ Đảng, đoàn thể giữ các chức vụ qua bầu cử (Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh)
Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị (đối với phường ở thành phố, thị xã); sơ cấp lý luận chính trị (đối với xã).
Đào tạo trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ và pháp luật chức vụ đang đảm nhận (đối với phường ở thành phố, thị xã); sơ cấp chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và pháp luật (đối với xã) và Trưởng thôn, buôn thuộc xã.
+ Đối với 7 chức danh chuyên môn (Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Quân sự, Địa chính, Tài chính, Tư pháp, Văn phòng, Văn hóa – Xã hội).
Đào tạo chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và pháp luật hệ trung cấp (đối với phường ở thành phố, thị xã); sơ cấp chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật (đối với các xã) và Trưởng thôn, buôn thuộc xã).
Đối với các xã vùng núi, dân tộc văn hóa cán bộ xã trưởng thôn, buôn còn thấp có thể đào tạo văn hóa phổ cập Phổ thông cơ sở để có thể đặc cách kết hợp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và pháp luật hệ sơ cấp.
Kiện toàn, củng cố các trường Chính trị các tỉnh Tây Nguyên đào tạo các chức danh dân cử và là cơ sở cho các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học của các Bộ, ngành mở các lớp tại chức tại địa phương cho các chức danh chuyên môn.
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo cán bộ công chức cơ sở. Các nội dung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phải phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và yêu cầu nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 17/NQTW hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa IX.
Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên lập quy hoạch và kế hoạch đào tạo cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn bao gồm cả Trưởng thôn, buôn thuộc xã, phường, thị trấn và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Những người được quy hoạch cử đi đào tạo vào các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy (chi bộ), Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, ngoài các quy định hiện hành của Bộ Tài chính còn được hưởng tiền tiêu vặt 100.000 đ/người/tháng. Đối với cán bộ nữ: 150.000 đ/người/tháng.
Căn cứ quy hoạch đào tạo cán bộ chính quyền cơ sở, những người được cử đi đào tạo tập trung vào các chức danh chuyên môn ở các trường trung cấp chuyên ngành, ngoài các quy định hiện hành của Bộ Tài chính còn được hưởng tiền tiêu vặt 100.000 đ/người/tháng. Đối với cán bộ nữ: 150.000 đ/người/tháng.
- Tổng số cán bộ cơ sở (thời điểm tháng 6/2002) vùng Tây Nguyên:
- Bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND xã: 1.479 người.
- Phó Bí thư đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND, HĐND: 1.691 người.
- Ủy viên Ủy ban nhân dân xã: 1.934 người.
- 4 chức danh chuyên môn: 2.261 người.
- Trưởng Công an xã: 560 người.
- Xã Đội trưởng: 574 người.
- Trưởng các đoàn thể: 3.001 người.
- Các chức danh khác: 1.346 người.
- Trưởng (và Phó nơi nào có) thôn, buôn thuộc xã: 6.387 người.
19.233 người.
Trong đó:
- Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND, UBND: 1.701 lượt người.
- Phó Bí thư Đảng ủy, Phó CT UBND, HĐND: 1.624 lượt người.
- Ủy viên Ủy ban nhân dân xã: 997 lượt người.
- Các chức danh chuyên môn: 2.272 lượt người.
- Trưởng Công an xã: 337 lượt người.
- Xã Đội trưởng: 285 lượt người.
- Trưởng các đoàn thể: 1.672 lượt người.
- Trưởng thôn, buôn: 6.387 lượt người.
Kinh phí cho đào tạo và đào tạo lại cán bộ cơ sở của 4 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2003 – 2005 như sau:
- Bí thư Đảng ủy xã: 484 người.
- Chủ tịch UBND: 395 người.
- Phó Chủ tịch UBND: 465 người.
- Chủ tịch HĐND: 450 người.
- Phó Chủ tịch HĐND: 484 người.
- Ủy viên UBND cấp xã: 1.518 người.
- Các chức danh chuyên môn: 1.035 người.
- Văn hóa – Xã hội: 480 người.
- Trưởng Công an: 340 người.
- Xã đội trưởng: 323 người.
- Trưởng thôn, buôn (thuộc xã, phường, thị trấn): 6.387 người.
Tổng cộng: 12.361 người
Nhu cầu kinh phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ cơ sở thời gian 3 năm của 4 tỉnh Tây Nguyên là:
- Tổng số kinh phí năm 2003 là: 18.255.000.000 đ
- Tổng số kinh phí năm 2004 là: 19.155.000.000 đ
- Tổng số kinh phí năm 2005 là: 19.140.000.000 đ
Tổng số: 56.550.000.000 đ
(Năm mươi sáu tỷ, năm trăm năm mươi triệu đồng)
Trong đó có: 43.012.800.000 đ theo chế độ quy định hiện hành
13.537.200.000 đ chế độ bổ sung ưu tiên vùng Tây Nguyên
3. Đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức ở vùng dân tộc.
a) Đối tượng cần đào tạo tiếng dân tộc.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của từng tỉnh để xác định đối tượng cán bộ, công chức phải được đào tạo tiếng dân tộc thiểu số.
Cán bộ cơ sở (ở độ tuổi dưới 40) các xã, phường, thị trấn ở vùng có đồng bào dân tộc nhưng chưa biết tiếng dân tộc (kể cả cán bộ người dân tộc tại chỗ nhưng không biết tiếng mẹ đẻ).
- Thời gian và phương thức đào tạo:
Mỗi khóa học thời gian là 6 tháng với phương thức học tập trung.
Mỗi khóa học thực hiện trong 3 đợt, giữa 3 đợt tập trung học có thời gian học viên thâm nhập thực tế ở các vùng đồng bào dân tộc (thực tập).
- Phấn đấu thời hạn 4 năm 2002 – 2005 đào tạo, bồi dưỡng xong tiếng dân tộc cho toàn bộ các đối tượng nêu ở điểm 3.a. (không tính những cán bộ được điều động đến công tác vào giai đoạn cuối của năm 2005).
- Các tiếng dân tộc cơ bản, chương trình, giáo trình và cơ sở đào tạo:
- Các tiếng dân tộc cơ bản được chọn dùng để đào tạo cho cán bộ công tác ở vùng có đồng bào dân tộc thuộc vùng Tây Nguyên: Tiếng Êđê, M’nông, Bana, Xơđăng, Giarai, K’Ho.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc:
+ Xác định cán bộ công tác ở vùng dân tộc nào nhất thiết phải biết tiếng của dân tộc vùng đó, coi đây là yêu cầu và tiêu chuẩn của cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số.
+ Quyết định đào tạo và ưu tiên đào tạo trước những tiếng dân tộc nào? Nội dung chương trình, giáo trình đào tạo.
+ Quyết định cơ sở đào tạo và các chế độ cần thiết khác phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.
+ Quyết định hình thức, nội dung, phương pháp kiểm tra kết quả, chất lượng đào tạo tiếng dân tộc ở địa phương mình.
d) Dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc từ năm 2002 – 2005:
Dành 8 (tám) tỷ đồng chi cho chương trình đào tạo tiếng dân tộc kế hoạch giai đoạn 2002 – 2005. Bình quân 4 tỉnh sử dụng 2 tỷ đồng/năm phân bổ theo số lượng học viên của từng tỉnh. Các khoản chi phí chi cho mỗi học viên căn cứ theo hướng dẫn hiện hành của cơ quan Trung ương.
- Bồi dưỡng kiến thức về chính sách đối với Tôn giáo, chính sách đối với đạo Tin lành của Đảng và Nhà nước ta hiện nay cho cán bộ, trưởng buôn, làng; già làng đang công tác, làm việc, hoạt động ở vùng có đồng bào theo tôn giáo.
- Việc bồi dưỡng kiến thức về chính sách đối với Tôn giáo, chính sách đối với đạo Tin lành của Đảng và nhà nước ta hiện nay được kết hợp với việc đào tạo kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, tiếng dân tộc và các chương trình bồi dưỡng khác.
(Đính kèm phụ lục chi tiết về kế hoạch đào tạo kiến thức về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, tiếng dân tộc cho cán bộ vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002 – 2005).
5. Tạo nguồn nhân lực và biên chế cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở
- Nguồn nhân lực đã được tiêu chuẩn hóa:
Cán bộ tại chỗ đã được tiêu chuẩn hóa và 4 chức danh chuyên môn đã được đào tạo chính quy.
Số học sinh của đồng bào Tây Nguyên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học sinh đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp từ nơi khác tình nguyện về công tác lâu dài tại xã thì được miễn thi tuyển và sau 6 tháng sẽ được bổ nhiệm vào ngạch công chức cơ sở nếu được nhận xét, đánh giá tốt.
Cán bộ hiện đang công tác tại Sở, ban, ngành của tỉnh và phòng, ban huyện được tăng cường cho cơ sở.
- Nguồn nhân lực chưa được tiêu chuẩn hóa:
Cán bộ cơ sở hiện đang làm việc theo chức danh tại hệ thống chính trị cơ sở chưa được đào tạo theo tiêu chuẩn quy định.
Thanh niên dân tộc địa phương thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ kết hợp với đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch tuyển chọn thanh niên dân tộc địa phương làm nghĩa vụ quân sự kết hợp với đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ tăng cường cho khoảng 100 xã.
- Biên chế:
Bổ sung tăng thêm 10% tổng biên chế hành chính (so với năm 2002) của các tỉnh vùng Tây Nguyên để dự bị, phục vụ cho mục đích:
+ Thay đổi chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở và bố trí cán bộ cho cấp tỉnh, cấp huyện tăng cường cho cơ sở.
+ Cán bộ cơ sở là con em đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt nhiệm vụ được giao ở cơ sở, được xét tuyển vào công chức cơ sở hoặc công chức Nhà nước.
+ Tuyển dụng số học sinh vùng Tây Nguyên đã tốt nghiệp đại học và trung học chuyên nghiệp vào công tác ở các cơ quan cấp tỉnh, huyện và cơ sở.
6. Tăng cường cán bộ về cơ sở và chính sách đối với cán bộ tăng cường.
- Tình hình tăng cường cán bộ về cơ sở
Sau sự kiện tháng 2/2001 xảy ra tại Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập 3 Tổ công tác cấp tỉnh để kiện toàn 13/15 chi bộ Đảng cơ sở yếu kém; Thành lập “Ban chỉ đạo phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào dân tộc” ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Đã thành lập 43 “Tổ công tác” tại 10/11 đơn vị cấp huyện với 202 cán bộ xuống kiện toàn 43 xã và 8 thôn, buôn. Về chế độ, cán bộ ở tỉnh được trợ cấp 1.000.000 đ/tháng, cán bộ ở huyện được trợ cấp 800.000đ/tháng. Hiện nay chỉ còn tăng cường 6 cán bộ cấp huyện xuống cơ sở giữ chức vụ Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo nhiệm kỳ, được giữ nguyên lương, không có phụ cấp thêm ngoài lương.
Tỉnh Kon Tum đã tăng cường 130 cán bộ cấp tỉnh biên chế theo tổ công tác từ 2-3 người, trong mỗi tổ có từ 1-2 đảng viên xuống 50 xã và trên 120 cán bộ cấp huyện được cử về tất cả các xã. Thời gian tăng cường đến hết tháng 5-2001, thời gian làm việc của mỗi tổ công tác 15-20 ngày theo hình thức luân phiên nhau. Từ tháng 6-2001 đến nay, các cơ quan đơn vị kết nghĩa với cơ sở cử cán bộ về xã trung bình 7-10 ngày trong 1 tháng để nắm bắt tình hình và giúp xã xây dựng kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Cán bộ tăng cường được giữ nguyên lương và hưởng công tác phí sau mỗi chuyến công tác.
Tỉnh Đắk Lắk đợt đầu của năm 2001 đã tăng cường 80 cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện về cơ sở để vận động quần chúng, thời gian là 9 tháng được trợ cấp trong thời gian tăng cường 1.000.000đ/tháng, sau khi hoàn thành đã rút về. Sau khi sơ kết đợt 1, tỉnh đã chuyển hướng không tăng cường cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện đi cơ sở. Từ tháng 10/2001, tỉnh đã trưng tập thêm 841 cán bộ ở cơ sở không thuộc cán bộ xã tham gia đoàn công tác (841 người được chia thành 142 tổ) để vận động quần chúng trên diện rộng toàn tỉnh. Chế độ đối với người trưng tập được hưởng 400.000đ/tháng. Hiện nay toàn tỉnh còn 79 cán bộ là công chức cấp huyện được tăng cường xuống xã giữ các chức vụ chủ chốt (Bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND) và hưởng nguyên lương công chức.
Tỉnh Gia Lai từ tháng 3/2001 – 11/2001, đã tiến hành 2 đợt tăng cường 483 cán bộ (cấp tỉnh: 255, cấp huyện: 228) biên chế theo tổ công tác xuống các địa bàn trọng điểm cùng với chính quyền cơ sở làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của kẻ thù, củng cố ổn định tình hình ở cơ sở để phát triển sản xuất. Những cán bộ được tăng cường trong năm 2001, ngoài lương còn được trợ cấp 150.000 đ/đợt để mua sắm trang bị ban đầu và 300.000 đ/tháng/người. Năm 2002 tỉnh Gia Lai đã quyết định 33 cán bộ trong diện quy hoạch thuộc các Sở, ban, ngành và các cơ quan Đảng, đoàn thể của tỉnh và 52 cán bộ thuộc các phòng, ban cấp huyện tăng cường xuống 25 xã thời gian từ 2 năm trở lên. Về chính sách, ngoài tiền lương, mỗi cán bộ tăng cường được trợ cấp 1.000.000đ mua trang bị ban đầu và hỗ trợ 400.000đ/tháng.
- Một số chính sách đối với cán bộ tăng cường
Đối với vùng Tây Nguyên do yêu cầu của tình hình thực tế cần nhanh chóng củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, việc tăng cường cán bộ cho cơ sở phù hợp chủ trương luân chuyển cán bộ, nhưng có chế độ, chính sách thích hợp để cán bộ tăng cường yên tâm công tác, đảm bảo sự hài hòa giữa cán bộ được cử đi, cán bộ ở lại và cán bộ tại chỗ.
Trước mắt, đối với vùng Tây Nguyên cần tập trung giải quyết một số công việc chủ yếu sau:
+ Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét, quyết định những huyện, xã, lĩnh vực nào cần cán bộ tăng cường, loại cán bộ tăng cường (kể cả chức danh chủ chốt), số lượng cán bộ, thời gian tăng cường cụ thể cho từng xã.
+ Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng kế hoạch tăng cường cụ thể, ban hành quy chế làm việc đối với cán bộ tăng cường, quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ báo cáo, mối quan hệ với cơ sở, cử cơ quan quản lý và chỉ đạo cán bộ tăng cường. Hàng năm, có nhận xét, đánh giá cụ thể đối với từng cán bộ.
+ Cán bộ tăng cường được hưởng một số chế độ, chính sách hỗ trợ sau (đối với thời gian tăng cường trên 2 năm):
Được hỗ trợ ban đầu 1.000.000 đồng/người để mua sắm vật dụng cần thiết.
Được trợ cấp thêm 400.000 đồng/người/tháng ngoài lương.
Được hưởng phụ cấp khu vực nơi công tác.
Được nâng lương sớm hơn thời gian theo quy định, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Được xem xét đề bạt chức vụ cao hơn, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cán bộ tăng cường là người Kinh biết (nói và hiểu được) một tiếng dân tộc thiểu số nơi đang công tác sẽ được cộng thêm điểm ưu tiên khi thi nâng ngạch.
+ Cán bộ tăng cường phải được tập huấn những kiến thức cần thiết, phương pháp công tác, nhất là phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng, phải được đào tạo tiếng dân tộc thiểu số nơi đến tăng cường. Đối tượng, nội dung tập huấn, giáo trình giảng dạy tiếng, thời gian đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, … do UBND tỉnh xem xét, quyết định.
+ Cán bộ tăng cường có trách nhiệm thực hiện các quy định nêu tại Quy chế làm việc đối với cán bộ tăng cường do Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành.
Chủ trương cán bộ tăng cường là biện pháp trước mắt, lâu dài các tỉnh phải đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc tại chỗ.
7. Chế độ đối với trưởng thôn và già làng vùng Tây Nguyên.
- Đối với trưởng thôn:
Từ phân tích nêu tại III.1.b. đòi hỏi cần quy định chế độ, mức phụ cấp hoạt động của trưởng thôn phù hợp hơn để động viên, khuyến khích trưởng thôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình tại cộng đồng dân cư tự quản.
Một số chế độ mới:
+ Phụ cấp hoạt động đối với trưởng thôn trong tình hình hiện nay xét trên phạm vi cả nước tối thiểu bằng một phần ba (1/3) mức phụ cấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Mức phụ cấp cụ thể của trưởng thôn sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tùy thuộc vị trí địa lý, đặc thù của thôn và khả năng ngân sách từng địa phương.
+ Theo tinh thần Nghị quyết TW5 khóa IX, trưởng thôn được xác định như cán bộ không chuyên trách ở cơ sở. Chế độ của trưởng thôn sẽ được UBND các tỉnh điều chỉnh cho phù hợp theo quyết định mới của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
+ Trưởng thôn được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
+ Trưởng thôn được tham gia bảo hiểm y tế khi đang công tác.
+ Trưởng thôn được miễn lao động công ích trong thời gian đương nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.
+ Trưởng thôn được tham dự và hưởng chế độ học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước và những kiến thức cần thiết khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
+ Trưởng thôn được khen thưởng khi có thành tích và bị kỷ luật khi có khuyết điểm theo quy định của pháp luật.
Cần nghiên cứu để cơ cấu một số trưởng thôn, buôn là thành viên của Ủy ban nhân dân xã hoặc ủy viên ban chấp hành của đoàn thể cấp xã.
- Đối với giá làng:
Theo báo cáo sơ bộ của 4 tỉnh vùng Tây Nguyên có 3.160 già làng. Chưa có tỉnh nào chính thức quy định chế độ đối với già làng. Căn cứ vào yêu cầu quản lý và hoạt động thực tế của già làng, một số địa phương thực hiện việc thăm hỏi, tặng quà, động viên vào dịp lễ, tết. Gần đây nhiều tỉnh đã tổ chức cho già làng về tham quan thủ đô, vào lăng viếng Bác Hồ, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp đón, thăm hỏi. Sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của các địa phương đã có tác dụng rất lớn trong việc động viên các già làng.
Trên cơ sở những đặc điểm cơ bản của già làng nêu trên, đồng thời tránh xu hướng hành chính hóa các hoạt động tự quản tại cộng đồng dân cư, hạn chế sự quan liêu của chính quyền cơ sở, thống nhất quy định chế độ đối với già làng như sau:
+ Tổ chức cho già làng có thành tích tiêu biểu tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, công trình lớn về phát triển kinh tế - xã hội.
+ Tặng quà già làng nhân ngày lễ, ngày tết, ngày hội của buôn, làng; thăm hỏi khi đau ốm, cứu trợ khi gặp khó khăn.
+ Khen thưởng về vật chất và tinh thần khi già làng có thành tích trong dịp tổng kết cuối năm hoặc sơ, tổng kết các phong trào.
+ Định kỳ cấp xã, cấp huyện cần họp với già làng để thông tin các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
+ Kinh phí thực hiện chế độ đối với già làng được cân đối vào ngân sách xã.
Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên có trách nhiệm chỉ đạo chính quyền cơ sở hằng năm tổng kết đánh giá kết quả tham gia hoạt động của các già làng và đề nghị lên Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định các hình thức chế độ nêu trên.
8. Xây dựng trụ sở làm việc cho hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn.
- Phấn đấu đến năm 2005 đạt 100% trụ sở làm việc cho hệ thống chính trị cơ sở (kể cả Hội trường) được xây dựng kiên cố từ nhà cấp 4 trở lên.
- Phấn đấu đến năm 2005 đảm bảo 100% liên lạc thông tin từ cấp xã đến cấp huyện.
- Trên cơ sở phát triển mạng lưới điện, đảm bảo các xã được trang bị máy vi tính, máy in.
- Cải tiến lề lối làm việc và nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ cơ sở.
9. Điều chỉnh địa giới hành chính.
Với đặc điểm của Tây Nguyên có diện tích rộng, dân cư phân tán, địa hình phức tạp, dân di cư tự do tăng nhanh, gây sức ép cơ học trong công tác quản lý nhân khẩu ở các tỉnh rất lớn. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội có nhiều phức tạp. Những đặc điểm trên đây, đã tạo ra nhiều bức xúc, khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền, nhất là cấp cơ sở. Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh thời kỳ 2001 - 2010, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã xây dựng kế hoạch xin điều chỉnh địa giới hành chính giai đoạn 2002 – 2005 để thành lập mới 1 tỉnh, 13 huyện, 3 thị xã; 104 xã, phường, thị trấn như sau:
- Tỉnh Lâm Đồng xin thành lập mới: 1 huyện; 6 xã, thị trấn.
- Tỉnh Đắk Lắk xin chia tỉnh và thành lập mới: 4 huyện, 1 thị xã; 34 xã, phường, thị trấn.
- Tỉnh Gia Lai xin thành lập mới: 5 huyện, 2 thị xã; 43 xã, phường, thị trấn.
- Tỉnh Kon Tum xin thành lập mới: 3 huyện, 21 xã, phường, thị trấn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số: 62-TB/TW ngày 10/4/2002 về việc thành lập, chia tách đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã; Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các địa phương nghiên cứu xem xét để điều chỉnh một số đơn vị hành chính cấp huyện – xã ở nơi thật sự bức xúc và cần thiết trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
10. Những công tác cấp bách ở địa bàn Tây Nguyên
- Thu nhận, giải quyết việc làm đối với tất cả con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã tốt nghiệp đại học, trung học chuyên nghiệp, không để con em đồng bào bị thất nghiệp.
- Xác định những địa bàn trọng điểm, đặc biệt khó khăn, tăng cường những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất xuống giữ các chức vụ chủ chốt như: Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch HĐND, UBND để tăng cường vai trò lãnh đạo, giữ vững ổn định chính trị tại cơ sở.
- Xây dựng, phát triển cán bộ người dân tộc ở các buôn làng người dân tộc. Lực lượng cán bộ này cùng với công an thôn, buôn và lực lượng dân quân tự vệ nhằm đối phó với hoạt động biểu tình, bạo loạn, đấu tranh trực diện với lực lượng phản động ngầm ở buôn, làng.
- Tập trung kiện toàn cán bộ buôn, làng trọng điểm, phức tạp, chọn người tốt, có năng lực làm trưởng, phó buôn, làng.
Toàn bộ ngân sách cho việc xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở 4 tỉnh Tây Nguyên sẽ được Chính phủ cân đối vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các tỉnh.
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên nghiên cứu các nội dung của các giải pháp nêu trong đề án này, chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai trong địa phương mình (chú ý sự biến động về cán bộ trong hệ thống chính trị sau bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2004 – 2009)
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các tỉnh Tây Nguyên phương pháp tiến hành xây dựng chương trình, giáo trình biên soạn tài liệu, đào tạo giáo viên và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức trong vùng.
3. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát ưu tiên các mục tiêu có tính cấp bách, cân đối và cấp ngân sách cho các tỉnh vùng Tây Nguyên kịp thời thực hiện các nội dung công việc thuộc phạm vi của Đề án ngay trong kế hoạch năm 2002. Nếu có vấn đề vượt quá thẩm quyền, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
4. Ban Tôn giáo của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ biên soạn nội dung và giáo trình bồi dưỡng kiến thức về chính sách đối với Tôn giáo, chính sách đối với đạo Tin lành của Đảng và nhà nước ta hiện nay cho cán bộ, trưởng buôn, làng; già làng đang công tác, làm việc, hoạt động ở vùng có đồng bào theo tôn giáo tại các tỉnh vùng Tây Nguyên và vùng phụ cận.
5. Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khi thực hiện các nội dung cụ thể về tạo nguồn, chương trình đào tạo, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở là người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
6. Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án này. Phối hợp với các địa phương và các cơ quan Trung ương có liên quan giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện và hằng năm tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án này theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
7. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nêu trong Đề án này, các tỉnh vùng Tây Nguyên chủ động điều chỉnh theo hướng dẫn của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số: 17-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX, Hội nghị lần thứ 5 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.