UỶ
BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 238/BC-UBTVQH12 |
Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2009 |
BÁO CÁO
GIẢI TRÌNH TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ NỢ CÔNG
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Chiều ngày 29 tháng 5 năm 2009, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật quản lý nợ công.
Trên cơ sở ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh Dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
UBTVQH xin báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật quản lý nợ công như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật
(1) Có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng lại quy định về việc vay lại của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp được vay lại từ nguồn vay của Nhà nước như chính quyền địa phương thì phải bổ sung nợ của DNNN vào phạm vi điều chỉnh của luật và quy định thành một chương riêng như nợ của chính quyền địa phương.
UBTVQH xin giải trình như sau:
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật đã bao gồm phần nợ của DNNN liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ trả nợ của NSNN (Điều 1). Đó là nợ Chính phủ cho DNNN vay lại, nợ DNNN được Chính phủ bảo lãnh; theo đó, Điều 23 quy định đối tượng được vay lại là doanh nghiệp, Điều 24 quy định điều kiện để doanh nghiệp được vay lại, trong đó có DNNN... Việc DNNN vay lại nguồn vay của Chính phủ là khâu sử dụng vốn vay của nợ công.
Thứ hai, Dự thảo luật chỉ không điều chỉnh đối với các khoản nợ mà doanh nghiệp tự vay, tự trả với các lý do đã nêu cụ thể tại Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý số 218/BC-UBTVQH của UBTVQH(*). Nếu quy định mọi khoản nợ của DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của luật thì sẽ tạo hệ quả pháp lý bất lợi, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước trong trường hợp DNNN mất khả năng thanh toán. Mặt khác, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp thường xuyên biến động, nếu quy định trong luật sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý.
Vì vậy, việc bổ sung quy định tất cả các khoản nợ của DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của luật là chưa hợp lý.
Thứ ba, UBTVQH cho rằng, không nên bổ sung một chương riêng quy định về quản lý nợ đối với DNNN như quản lý nợ của chính quyền địa phương, vì: khác với nợ của doanh nghiệp, ngoài các khoản vay lại từ Chính phủ, chính quyền địa phương còn được vay và phát hành trái phiếu theo quy định của Luật NSNN. Các khoản nợ này là bộ phận của nợ công. Trong khi đó, Dự thảo luật không quy định việc quản lý mọi khoản nợ của doanh nghiệp mà chỉ điều chỉnh mối quan hệ cho vay lại giữa Chính phủ với người được vay lại, trong đó có DNNN. Nội dung này được quy định chung tại Chương III về “Quản lý nợ chính phủ”. Ngoài ra, nợ doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh đã được quy định thành một chương riêng (Chương IV) về quản lý bảo lãnh chính phủ, trong đó có bảo lãnh cho DNNN vay vốn. Do vậy, không cần thiết có chương riêng quy định về vấn đề này.
(2) Có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật không bao gồm nợ nước ngoài của quốc gia. Vì vậy, có thể ban hành Luật quản lý nợ nước ngoài trong tương lai.
UBTVQH xin giải trình như sau:
Dự thảo luật đã điều chỉnh phần nợ nước ngoài là nợ công. Theo quy định tại Điều 1 của Dự thảo luật thì Luật này điều chỉnh các khoản nợ công, mà trong nợ công có nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương và trong nợ chính phủ thì có khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, trong nợ được Chính phủ bảo lãnh có bảo lãnh nợ nước ngoài.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 3 của Dự thảo luật đã quy định rõ: “5. Nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của doanh nghiệp, các tổ chức khác được vay theo phương thức tự vay, tự trả theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Hiện nay, các khoản nợ nước ngoài được Chính phủ quản lý chiếm trên 80% tổng nợ nước ngoài của quốc gia. Như vậy, cần hiểu phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật có bao gồm một phần nợ nước ngoài. Việc có cần thiết ban hành một luật về quản lý nợ nước ngoài trong tương lai hay không cần được tiếp tục nghiên cứu.
2. Về nguyên tắc quản lý nợ
(1) Có ý kiến cho rằng, việc quản lý nợ công phải bảo đảm nguyên tắc an ninh tài chính, tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, Dự thảo luật chưa quy định nguyên tắc này.
UBTVQH nhận thấy, tại Điều 5 của Dự thảo luật về nguyên tắc quản lý nợ đã quy định rõ:
“2. Bảo đảm an toàn nợ trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và cân đối vĩ mô nền kinh tế.
3. Bảo đảm hiệu quả trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay...”
Như vậy, nguyên tắc an toàn, hiệu quả đã được quy định trong Dự thảo luật.
(2) Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chức năng quản lý tiền mặt trong quản lý nợ công.
UBTVQH nhận thấy, chức năng quản lý tiền mặt đã được quy định trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, xin không bổ sung nội dung này.
3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội
(1) Có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ tại khoản 1 Điều 7 để phù hợp với Điều 1 về phạm vi điều chỉnh vì chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.
UBTVQH xin được giải trình như sau:
Thứ nhất, việc bảo đảm an toàn nợ của quốc gia là một trong những điều kiện cần thiết để bảo đảm an toàn về nợ công. Chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài của quốc gia là căn cứ quan trọng trong trong quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ công. Nếu Quốc hội chỉ quyết định chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài là nợ công mà không xem xét đến tổng mức nợ nước ngoài so với GDP thì sẽ không bảo đảm tính toàn diện, chính xác khi quyết định chỉ tiêu an toàn nợ. Thứ hai, theo thông lệ quốc tế, khi xem xét, quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ công đều phải xem xét trong mối quan hệ tổng thể với chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài của quốc gia. Việc tách rời các chỉ tiêu này là không hợp lý. Do vậy, UBTVQH xin được giữ như quy định của Dự thảo luật.
(2) Có ý kiến đề nghị bổ sung 3 chỉ tiêu: (1) giá trị hiện tại của nợ nước ngoài so với thu NSNN; (2) nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm so với thu NSNN; (3) dự trữ ngoại hối Nhà nước so với tổng số nợ nước ngoài ngắn hạn.
UBTVQH nhận thấy, 3 chỉ tiêu trên là những chỉ tiêu trong nhiều chỉ tiêu chỉ mang ý nghĩa phái sinh, góp phần bổ sung và làm rõ thêm trong quá trình xem xét chỉ tiêu an toàn nợ. Các nội dung này đều được xem xét trong quá trình quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ, trong đó có nợ công so với GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, trả nợ chính phủ so với tổng thu NSNN, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, xin được giữ như quy định của Dự thảo luật.
(3) Có ý kiến đề nghị sửa lại Khoản 5 Điều 7 như sau: “Giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công” (Dự thảo luật hiện đang quy định: “5. Giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công”).
UBTVQH nhận thấy, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội thì Quốc hội có chức năng giám sát việc thực hiện pháp luật, song nếu luật về nợ công chỉ quy định chung chung, nhắc lại quy định của các luật khác thì sẽ không có ý nghĩa điều chỉnh. Để bảo đảm tính cụ thể của việc xây dựng và ban hành luật trong quản lý nợ công, việc Dự thảo luật xác định rõ tính chất, nhiệm vụ, đối tượng mà Quốc hội giám sát là cần thiết và hợp lý. Do vậy, xin được giữ như quy định của Dự thảo luật.
(4) Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 8 nhiệm vụ của Chính phủ trình Quốc hội: việc trả nợ so với tổng thu NSNN, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài vì Chính phủ phải trình thì Quốc hội mới quyết định.
UBTVQH nhận thấy, tại khoản 1 Điều 8 của Dự thảo luật quy định: Chính phủ “Trình Quốc hội quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ”, trong các chỉ tiêu an toàn về nợ đã bao hàm việc trả nợ so với tổng thu NSNN, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài (khoản 1 Điều 7 đã quy định rõ). Vì vậy, không cần thiết phải bổ sung nội dung này vào Điều 8 của Dự thảo luật.
4. Về cơ quan quản lý nhà nước về nợ công
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân công thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công còn bị phân tán. Nếu quy định cả 3 cơ quan (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cùng có chức năng quản lý nhà nước về nợ công sẽ dẫn đến thiếu nhất quán, rủi ro, lãng phí trong quản lý vay và sử dụng vốn vay. Đề nghị giao chức năng quản lý nợ công thống nhất đầu mối về Bộ Tài chính.
UBTVQH xin báo cáo như sau:
Để bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong quản lý nợ, việc xác định rõ một cơ quan giữ vai trò đầu mối thực hiện chức năng trực tiếp quản lý nợ công là cần thiết. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành thì việc giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng này là hợp lý. Đây cũng là đề nghị của Cơ quan thẩm tra. Với tinh thần đó, khoản 1 Điều 10 của Dự thảo luật đã quy định rõ: Bộ Tài chính “Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công”.
Tuy nhiên, nếu chuyển giao toàn bộ chức năng quản lý nhà nước về nợ công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước VN sang cho Bộ Tài chính ngay tại thời điểm hiện nay thì có thể sẽ phát sinh khó khăn trong tổ chức thực hiện. Theo đề nghị của Chính phủ, trước mắt, trong giai đoạn quá độ để đi đến thống nhất một đầu mối quản lý là Bộ Tài chính thì cho phép duy trì việc một số cơ quan tham gia quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Thủ tướng Chính phủ để kế thừa những kinh nghiệm và mối quan hệ hợp tác quốc tế đã hình thành trong thời gian qua, song về lâu dài, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng phương án hình thành bộ máy quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm nhất quán trong quản lý và tổ chức thực hiện. Trong giai đoạn hiện nay, để tạo thuận lợi cho Chính phủ có điều kiện chuẩn bị, xin Quốc hội cho giữ như quy định của Dự thảo luật.
5. Về trình tự ký kết và phê duyệt các thỏa thuận vay nợ
(1) Có ý kiến cho rằng, việc ký kết các thoả thuận vay phải tuân thủ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Vì vậy, nên bỏ quy định: “Chính phủ quy định trình tự, thủ tục ký kết và phê duyệt đối với thỏa thuận vay cụ thể từ cấp Bộ trở xuống” tại điểm d khoản 3 Điều 21 vì cho rằng, không thể có các thỏa thuận vay ở cấp Bộ trở xuống và không nên giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục rút gọn. Trong trường hợp cần thiết phải quy định trình tự, thủ tục rút gọn thì cần quy định ngay trong Dự thảo luật.
UBTVQH nhận thấy, Thứ nhất, tại điểm d khoản 3 Điều 21 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội quy định rõ: “Việc ký kết và phê duyệt thoả thuận khung về vay ODA, thoả thuận vay ký kết ở cấp Nhà nước, cấp Chính phủ thực hiện theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế”. Như vậy, đối với các thỏa thuận ký kết ở cấp Nhà nước, cấp Chính phủ, kể cả thỏa thuận vay được ký kết ở cấp Bộ trở xuống thì chủ trương ký kết đều đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nguyên tắc ký kết, nội dung ký kết, quy trình ký kết, vai trò của người đại diện ký kết đều phải tuân thủ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Tuy nhiên, xét riêng dưới góc độ thủ tục hành chính trong quá trình ký kết, đối với một số thỏa thuận vay cụ thể, nếu bắt buộc phải tuân thủ mọi thủ tục hành chính thì sẽ dẫn đến sự phức tạp không cần thiết.
Thứ hai, ngoài những thỏa thuận vay nợ do Nhà nước, Chính phủ trực tiếp ký kết thì trên thực tế vẫn có một số thỏa thuận vay của Nhà nước, của Chính phủ nhưng khi tiến hành thủ tục ký kết thì người được uỷ quyền trực tiếp ký kết là cấp Bộ, dưới Bộ. Về bản chất, đó vẫn là thỏa thuận vay của Nhà nước, của Chính phủ.
Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm rằng có những thỏa thuận vay của cấp Bộ trở xuống, đồng thời để làm rõ về quy trình, thủ tục rút gọn ngay trong luật, xin tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh sửa lại điểm d khoản 3 Điều 21 của Dự thảo luật đã trình Quốc hội thành một khoản mới (là khoản 4 Điều 21), cụ thể như sau:
“4. Việc ký kết và phê duyệt thoả thuận khung về vay ODA, thoả thuận vay cụ thể nhân danh Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Đối với thoả thuận vay cụ thể khác thực hiện theo quy định sau:
a, Căn cứ kế hoạch vay, trả nợ chi tiết hàng năm và thoả thuận khung về vay ODA đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ trì đàm phán tổ chức đàm phán nội dung thoả thuận vay với bên cho vay nước ngoài;
b, Cơ quan chủ trì đàm phán đồng thời xin ý kiến các cơ quan liên quan, trong đó có ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết thoả thuận vay.
Chính phủ quy định trình tự, thủ tục ký kết và phê duyệt thoả thuận vay cụ thể.
(2) Có ý kiến cho rằng, quy định tại điểm d khoản 3 Điều 21 của Dự thảo luật chỉ đúng trong trường hợp ký kết các thỏa thuận vay với các quốc gia và tổ chức quốc tế, không áp dụng trong trường hợp ký kết các thỏa thuận vay với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, cần có quy định riêng về ký kết các thỏa thuận vay với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.
UBTVQH nhận thấy, (1) Theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, trong trường hợp Nhà nước, Chính phủ ký kết các thỏa thuận vay, kể cả thỏa thuận vay với các tập đoàn quốc tế thì vẫn là điều ước quốc tế và phải tuân thủ việc ký kết các điều ước quốc tế. (2) Với tính chất là luật nội địa, Luật quản lý nợ công chỉ điều chỉnh và quy định chủ thể đi vay của Việt Nam là Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, không phụ thuộc vào việc vay của ai (của nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài). (3) Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật là quản lý nợ công. Do vậy, các quy định của luật chỉ đề cập đến ký kết các thỏa thuận vay liên quan đến nợ công; việc vay nợ giữa các tổ chức kinh tế Việt Nam với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật. Do vậy, không cần thiết phải bổ sung quy định về thoả thuận vây với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài vào Dự thảo luật.
6. Về bảo lãnh chính phủ
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện để các chương trình, dự án được cấp bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, cần mở rộng đối tượng được bảo lãnh.
UBTVQH nhận thấy: So với Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 thì Dự thảo luật lần này đã được bổ sung nhiều nội dung (từ Điều 34 đến Điều 36) để cụ thể hóa các điều kiện được cấp bảo lãnh, thu hẹp đối tượng được cấp bảo lãnh nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ, tránh rủi ro cho cho NSNN. Trong điều kiện khả năng quản lý kinh tế còn nhiều hạn chế, nếu mở rộng đối tượng bảo lãnh có thể sẽ phát sinh thêm nhiều rủi ro. Vì vậy, xin được giữ như Dự thảo luật.
7 . Về trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn áp dụng điều kiện vay vốn, điều kiện bảo lãnh
Có ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho miễn áp dụng điều kiện về vốn chủ sở hữu trong vay vốn, bảo lãnh.
UBTVQH tán thành quan điểm, mọi tổ chức, mọi địa phương chỉ được vay vốn khi đáp ứng đủ các điều kiện và tuân thủ các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Tuy nhiên, hiện nay, so với các tập đoàn kinh tế nước ngoài thì năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các tập đoàn kinh tế lớn còn rất hạn chế. Đối với một số dự án lớn, doanh nghiệp cần vay vốn hoặc cần có sự bảo lãnh vay vốn như Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án Thủy điện Sơn La... nếu bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu thì sẽ gây khó khăn cho một số doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, trên thực tế, có những dự án mang tầm quan trọng chiến lược mà bản thân doanh nghiệp nhà nước không đề xuất thực hiện nhưng Chính phủ giao nhiệm vụ phải thực hiện. Trong trường hợp này, nếu DNNN không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu thì cũng nên miễn điều kiện đó.
Mặt khác, để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong quản lý, Dự thảo luật đã quy định rõ tiêu chí để xác định thế nào là trường hợp đặc biệt. Cụ thể là, tại Điều 24 quy định rõ: chỉ đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm có tính cấp bách và có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì mới được xem xét cho miễn hay không cho miễn áp dụng điều kiện này. Như vậy, chỉ trong trường hợp thật cấp bách và hãn hữu thì mới được miễn áp dụng điều kiện cho vay vốn. Do đó, xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật.
8. Về việc vay nợ của chính quyền địa phương
(1) Có ý kiến đề nghị xác định rõ trách nhiệm đối với khoản nợ vay trong nước của địa phương. Trường hợp dự án không khả thi dẫn đến không thu hồi được nợ thì trách nhiệm thuộc về ai?
UBTVQH nhận thấy, Dự thảo luật đã quy định khá chặt chẽ về nghĩa vụ hoàn trả vốn vay, trong đó có nghĩa vụ của chính quyền địa phương. Theo quy định tại Điều 6 của Dự thảo luật thì trường hợp dự án không thu hồi được vốn vay do việc quyết định cho vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, thẩm định thiếu chính xác... thì cơ quan quyết định cho vay, cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm; nếu do sử dụng vốn vay trái phép, lãng phí thì người sử dụng vốn vay phải chịu trách nhiệm. Như vậy, nếu dự án đã được phê duyệt đúng mục đích mà địa phương được giao vốn sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, gây thất thoát, lãng phí dẫn đến không có khả năng thu hồi vốn thì trách nhiệm thuộc về địa phương. Ngoài ra, khoản 1 Điều 42 của Dự thảo luật quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh: “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan phát sinh từ việc vay của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh”.
Như vậy, Dự thảo luật đã tạo những công cụ quản lý khá đủ nhằm bảo toàn vốn cho địa phương vay. Do vậy, xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật.
(2) Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về hạn mức vay và trả nợ trong mỗi nhiệm kỳ ở địa phương.
UBTVQH nhận thấy, hạn mức vay và trả nợ của địa phương được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Hơn nữa, việc quy định cụ thể số tiền được vay, số tiền dành trả nợ trong mỗi nhiễm kỳ trong Dự thảo luật là không khả thi vì việc vay vốn dựa trên những nhiệm vụ chi cụ thể và mức trần dư nợ được phép; việc trả nợ phụ thuộc vào các khế ước vay; mỗi địa phương khác nhau có mức vay, trả khác nhau.
(3) Có ý kiến đề nghị hình thành quỹ tích lũy trả nợ của chính quyền địa phương.
UBTVQH cho rằng, việc hình thành một quỹ tích lũy để trả dần nợ của chính quyền địa phương là chưa hợp lý vì: quỹ tích lũy phải được hình thành trên cơ sở có nguồn thu. Việc Chính phủ thành lập Quỹ tích lũy trả nợ là do Chính phủ có các hoạt động cho vay lại, cấp bảo lãnh chính phủ nên có nguồn thu, còn ở địa phương không có hoạt động này. Do vậy, chưa thể hình thành quỹ tích lũy trả nợ của chính quyền địa phương.
(4) Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về quy trình, cách thức để chính quyền địa phương đàm phán, tìm các nguồn vốn vay ngoài nước.
Theo quy định tại Điều 38 của Dự thảo luật thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh không được trực tiếp vay nước ngoài mà chỉ được vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, nhưng Nhà nước cũng không cấm việc địa phương chủ động tìm kiếm nguồn vay. Vì vậy, việc tìm kiếm nguồn vay là quyền mà các địa phương có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Do đó, việc quy định cụ thể trong luật về quy trình, cách thức để chính quyền địa phương đàm phán, tìm nguồn vốn vay nước ngoài là không cần thiết.
(5) Về điều kiện vay, phát hành trái phiếu trong nước của UBND cấp tỉnh (Điều 39), có ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là hoàn thành thủ tục đầu tư.
UBTVQH nhận thấy, trên thực tế, hiện nay trước khi được vay, phát hành trái phiếu, việc hoàn tất các thủ tục đầu tư là điều kiện bắt buộc. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để làm rõ thủ tục đầu tư được quy định tại văn bản nào, tại Điều 21, 24, 34 và Điều 39 của Dự thảo luật đã bổ sung quy định: “hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan”.
(6) Có ý kiến cho rằng, điểm a khoản 1 Điều 39 của Dự thảo luật quy định điều kiện được vay vốn là “Dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư” là chưa hợp lý vì không phải khoản vay nào cũng thông qua dự án.
Căn cứ vào thực tiễn, UBTVQH nhận thấy, mọi kế hoạch đầu tư đều phải được thể hiện và lập thành dự án đầu tư nhằm tạo căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, phê duyệt tính khả thi, khả năng thu hồi, hiệu quả sử dụng vốn vay... Kể cả trường hợp vay theo chương trình (không vay theo dự án) thì cũng phải hình thành đề án và hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan. Nội dung này đã được Dự thảo luật quy định tại Điều 24 và Điều 40. Vì vậy, xin được giữ như quy định của Dự thảo luật.
9. Về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
Có ý kiến cho rằng, trong Dự thảo luật không cần thiết có Chương VII về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm vì Chương này chỉ gồm 2 điều với nội dung đã được quy định ở một số luật khác.
UBTVQH nhận thấy, nội dung của Điều 48 đã được thể hiện ở khoản 8 Điều 4 và khoản 5 Điều 8; nội dung Điều 49 đã được thể hiện ở khoản 2 Điều 17 của Dự thảo luật. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không cần thiết quy định lại những nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, xin bỏ Chương VII về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đồng thời để khẳng định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công, xin bổ sung vào Điều 9 một khoản (là khoản 9) với nội dung như sau: “Chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công.”
10. Về giải thích từ ngữ
(1) Có ý kiến ĐBQH cho rằng, vay nước ngoài không chỉ bao gồm vay của quốc gia khác mà bao gồm cả vay của các tổ chức quốc tế nên phải sử dụng khái niệm vay “ngoài nước” mới chính xác.
UBTVQH đồng tình với ý kiến trên. Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm “nước ngoài” được sử dụng thuận và phổ biến hơn khái niệm “ngoài nước”. Chính vì vậy, để bảo đảm tính chính xác trong áp dụng luật, khoản 12 Điều 3 của Dự thảo luật đã quy định rõ: “Vay nước ngoài là các khoản vay ngắn hạn, trung, dài hạn phải trả lãi hoặc không phải trả lãi do Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam vay của chính phủ các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức và cá nhân nước ngoài”. Vì vậy, đề nghị các ĐBQH cho sử dụng khái niệm “vay nước ngoài”, “nợ nước ngoài” trong Dự thảo luật.
(2) Có ý kiến đề nghị giải thích khái niệm “người vay”, “người được bảo lãnh”, “người vay lại vốn vay của Chính phủ”, “trái phiếu chính quyền địa phương”.
Tiếp thu ý kiến trên, UBTVQH đã bổ sung vào Điều 3 các khoản 7, 8, 9 và 19 để giải thích các khái niệm trên.
10. Ngoài các vấn đề trên, Dự thảo luật đã tiếp thu nhiều ý kiến của các vị ĐBQH về từ ngữ, kỹ thuật văn bản để bảo đảm tính chính xác, thống nhất với quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành. Dự thảo luật cũng được bố cục lại từ 8 chương nay rút xuống còn 7 chương; từ 51 điều còn 49 điều do bỏ Chương VII về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm với 2 điều (Điều 48 và Điều 49).
* *
*
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật quản lý nợ công. Uỷ ban thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
|
TM.
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
(*) Thứ nhất, để bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong DNNN, Dự án “Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh” đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XII. Những vấn đề liên quan đến quản lý vốn nhà nước, trong đó có cả vay nợ của DNNN sẽ được điều chỉnh bởi Luật đó. Mặt khác, trong hệ thống pháp luật hiện hành, tại một số đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Dân sự, Luật Phá sản... đã có quy định về quản lý; quyền, nghĩa vụ vay, trả nợ đối với nợ doanh nghiệp tự vay, tự trả. Thứ hai, nếu quy định mọi khoản nợ của DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của luật thì đồng nghĩa với việc khẳng định trách nhiệm pháp lý của Nhà nước đối với cả những khoản nợ DNNN tự vay, tự trả. Điều này sẽ tạo hệ quả pháp lý bất lợi, dẫn đến nguy cơ phát sinh nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước trong trường hợp DNNN mất khả năng thanh toán. Mặt khác, do tính chất của hoạt động sản xuất, kinh doanh, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp thường xuyên biến động, nếu quy định trong luật sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý. Thứ ba, việc DNNN tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì phải thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Vì vậy, trong cơ chế thị trường, việc vay, trả nợ của DNNN sẽ do DNNN tự quản lý, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.Do vậy, xin cho giữ phạm vi điều chỉnh như quy định của Dự thảo luật.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.