VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 993/BC-VPCP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2020 |
Kính gửi: |
- Thủ tướng Chính phủ, |
Chuẩn bị cho Hội nghị của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xin báo cáo một số kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019 như sau:
Trong năm 2019, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt xây dựng thể chế, thiết lập, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước.
Công tác xây dựng, rà soát thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã đạt được những kết quả thiết thực. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã đi vào nền nếp, cả nước đến nay đã có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt tỷ lệ 95.8%. Các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã được rà soát, đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Tổ công tác, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có những đóng góp thiết thực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc tổ chức họp, hội nghị đối thoại để cùng các bộ, ngành tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 06 cuộc kiểm tra việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; 04 cuộc kiểm tra 22 bộ, cơ quan, 17 địa phương về thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và việc triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.
Đối với các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ cùng với các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và đã được những kết quả tích cực trong thiết lập, triển khai các hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước, Hệ thống họp của Chính phủ. Các hệ thống này đều được bình chọn là những sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu trong năm 2019 và trong thời gian ngắn đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Cụ thể:
Từ đầu nhiệm kỳ, với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật và có các chỉ đạo điều hành sát sao để thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần cải thiện mối quan hệ giữa chính phủ và người dân, doanh nghiệp. Trong đó có thể kể đến như Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia và quy hoạch lại các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng mỗi bộ, mỗi địa phương chỉ có 1 cổng dịch vụ công.
Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia trở thành đầu mối kết nối với công dịch vụ công của bộ, địa phương để cung cấp thông tin và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống này cũng được tích hợp chức năng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị để kịp thời nắm bắt những vấn đề nảy sinh, tồn tại trong quá trình phục vụ.
Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến ngày 09/02/2020, đã có hơn 44.200 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13.4 triệu lượt truy cập; hơn 854.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 6.900 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công; tiếp nhận, xử lý 4.150 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ 3.900 cuộc gọi qua Tổng đài hỗ trợ (18001096). Những con số này cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng một cổng tập trung để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ.
100% Bộ, ngành, địa phương cũng đã cam kết đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ trong quá trình triển khai, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến thời điểm này, đã có 09/22 Bộ, cơ quan1 và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ tích hợp, cung cấp hầu hết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của bộ, cơ quan trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Bộ Tài chính cũng đã tích hợp, cung cấp dịch vụ cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách, hủy tờ khai hải quan và khai bổ sung hồ sơ hải quan theo đúng tiến độ.
Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 08 nhóm dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công thương, Công an, Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế ... để tiếp tục tích hợp các dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong quá trình này, cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để rà soát, nâng cấp, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa việc thực hiện trước khi tích hợp lên Cổng. Đây là một trong những điểm khác biệt lớn để tạo ra hiệu quả so với các dịch vụ công đang vận hành, nâng cao hiệu quả, khả năng tiếp cận của người dân doanh nghiệp với các dịch vụ công trực tuyến và nâng số lượng hồ sơ làm trực tuyến.
Không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, Cổng dịch vụ công quốc gia còn là công cụ giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch trong quá trình thực hiện, từ đó giảm các vấn đề tiêu cực, tình trạng tham nhũng vặt nảy sinh trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Sau 2 tháng vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã có 4 văn bản chỉ đạo điều hành, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức 29 cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương, có 07 văn bản đôn đốc việc kết nối, tích hợp và 02 văn bản đề nghị một số địa phương kiểm tra, xử lý đối với tình trạng không thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến hoặc tiếp nhận, xử lý còn chậm hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ, văn bản giấy khi cá nhân, tổ chức đã nộp văn bản ký số hay yêu cầu, bổ sung hồ sơ không đúng quy định.
Cổng dịch vụ công quốc gia với một số các nền tảng dùng chung như hệ thống định danh, xác thực thông qua nhiều giải pháp bảo đảm mức độ an toàn; nền tảng thanh toán trực tuyến tập trung để chia sẻ với các Bộ, ngành sử dụng, từ đó tiết kiệm rất lớn cho đầu tư công nghệ thông tin trong giai đoạn tới.
a) Thúc đẩy việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia (khai trương ngày 12/3/2019)
- Triển khai gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là bước đi quan trọng để thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường mạng, góp phần giảm đáng kể chi phí, thời gian gửi, nhận văn bản, thời gian xử lý công việc (ước tính sơ bộ tiết kiệm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian...), nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Do vậy, việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi nhận văn bản điện tử được đánh giá là một trong những sự kiện tiêu biểu trong xây dựng Chính phủ điện tử năm 2019.
Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông với 95/952 bộ, ngành, địa phương (100%) và Văn phòng Trung ương Đảng phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền. Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương Hệ thống đến ngày 10/02/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận3 qua Trục liên thông văn bản quốc gia, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp 02 lần.
Văn phòng Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và ban hành 02 văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo4 đẩy mạnh việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý văn bản trên môi trường mạng và 07 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai; tổ chức 02 Hội nghị (sơ kết 6 tháng và 01 năm) và 35 buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá quá trình triển khai, thu thập ý kiến góp ý và hướng dẫn, thúc đẩy việc triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg. Văn phòng Chính phủ đã đề xuất tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 05 Bộ, cơ quan5 và 10 địa phương6 triển khai tốt công tác này.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang triển khai kết nối với Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định7.
- Về xử lý công việc trên môi trường mạng, một số cơ quan đã triển khai từ rất sớm, áp dụng đối với tất cả đơn vị trực thuộc và có hiệu quả như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... Hiện nay, 100% các cơ quan cấp Bộ và 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tuy nhiên các hệ thống chỉ tập trung giải quyết phần gửi, nhận văn bản điện tử, hầu hết chưa hỗ trợ quy trình nghiệp vụ cũng như giải quyết công việc trên môi trường mạng.
b) Đưa Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) vào khai thác, sử dụng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống e-Cabinet đã được đưa vào vận hành, giúp việc tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả trên môi trường mạng và góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp tài liệu giấy các cuộc họp của Chính phủ.
Từ ngày khai trương (24/6/2019) đến ngày 09/02/2020, Hệ thống e-Cabinet đã phục vụ 12 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử thay thế việc in ấn, sao chụp 42.276 tài liệu giấy) và thực hiện xử lý 229 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành 6.183 phiếu giấy và 28.161 hồ sơ, tài liệu giấy kèm theo.
Hệ thống đã được tích hợp chức năng hỗ trợ các Thành viên Chính phủ theo dõi tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống e-Cabinet. Hiện nay, hệ thống đang được tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên môi trường mạng.
c) Triển khai Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia
Triển khai Nghị định 09/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, Văn phòng chính phủ đang xây dựng, chuẩn hóa các quy trình tổng thể của hệ thống, quy trình liên thông các chế độ báo cáo; quy trình chia sẻ dữ liệu báo cáo...; xây dựng phần mềm Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và phối hợp với Sáng kiến Việt Nam xây dựng, hoàn thiện các tính năng nâng cao của Bảng hiển thị trực quan tình hình biến động các chỉ số kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nghiên cứu các mô hình hệ thống báo cáo, mô hình trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành để bổ sung, hoàn thiện các tính năng của hệ thống, đang thử nghiệm kết nối, liên thông với các Hệ thống thông tin báo cáo của các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông,...
Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và có văn bản hướng dẫn xây dựng, kết nối Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ (Công văn số 589/VPCP-KSTT ngày 22/01/2020).
Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết với cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực.
Các hệ thống có ý nghĩa lớn trong triển khai Chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thời gian ngắn triển khai đã có những thành quả khích lệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Những kết quả này thể hiện bước đi đúng trong việc “nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, kết quả lớn và bắt đầu từ những việc nhỏ” và triển khai hết sức bài bản với đầy đủ các căn cứ pháp lý, phân tích, đánh giá thực trạng triển khai, học tập kinh nghiệm quốc tế, quyết tâm triển khai và phát huy được đồng hành của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh những kết quả như trên, trong triển khai các nhiệm vụ Chính phủ điện tử vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai Chính phủ điện tử; một số nơi chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến chữ ký số trong văn bản điện tử, vướng mắc trong việc lập hồ sơ lưu trữ văn bản điện tử, tình trạng cấp phát chữ ký số chuyên dùng chưa đầy đủ; tình trạng từ chối hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, không đồng bộ được trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia... Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có ý thức thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện theo các phương thức truyền thống, Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương vẫn đang trong quá trình hoàn thiện; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả...; một số bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng trong thiết lập hệ thống báo cáo điện tử và triển khai chậm so với dự kiến.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Để thúc đẩy cải cách hành chính gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương:
1. Bộ trưởng, Thủ tướng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc.
2. Các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm khả năng đồng bộ trạng thái hồ sơ; tích hợp các nền tảng dùng chung với Cổng dịch vụ công quốc gia bao gồm định danh xác thực, thanh toán trực tuyến và khẩn trương hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng, kết nối, tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; rà soát, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành danh mục dịch vụ công tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020 và tổ chức triển khai thực hiện.
3. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia bảo đảm đầy đủ nội dung, thẩm quyền, thể thức, được ký số và xác thực theo quy định.
4. Căn cứ các chế độ báo cáo đã được chuẩn hóa, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện việc số hóa các báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, địa phương và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
5. Các Bộ, cơ quan: Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các Nghị định làm nền tảng triển khai Chính phủ điện tử trình Chính phủ ban hành.
6. Các bộ, ngành, địa phương có dịch vụ công dự kiến tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong Quý I/2020 chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa TTHC, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống và tích hợp đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, cụ thể:
+ Nhóm dịch vụ công chưa hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo tiến độ của tháng 12/2019, gồm: Nộp thuế điện tử đối với cá nhân (thuế thu nhập cá nhân, cá nhân kinh doanh); nhóm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm.
+ Nhóm dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong Quý I/2020, gồm: Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân; Thu phí, lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy; Đăng ký khai sinh; cấp phiếu lý lịch tư pháp; Đăng ký doanh nghiệp; Dịch vụ công khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; Đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp mức độ 4, Cấp mới giấy phép lái xe; Nhóm thủ tục về trang thiết bị y tế.
7. Đối với bộ, cơ quan, địa phương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) được lựa chọn triển khai thí điểm kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối thí điểm với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Thời hạn hoàn thành trước tháng 03/2020
Văn phòng Chính phủ kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
1 Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
2 65 cơ quan kết nối thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh và 30 cơ quan kết nối trực tiếp phần mềm Quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia
3 Khoảng 302.801 văn bản điện tử gửi và 959.365 văn bản điện tử nhận
4 Văn bản số 8363/VPCP-KSTT ngày 17/9/2019 và Văn bản số 11796/VPCPkSTT ngày 26/12/2019
5 Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ.
6 Quảng Ninh, Sơn La, Long An, An Giang, Kon Tum, Cần Thơ, Hà Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Quảng Ngãi.
7 VNPT, Viettel, Tổng Công ty điện lực Việt Nam - EVN, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - VNPost, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank...
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.