BỘ
NỘI VỤ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2266/BC-BNV |
Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2009 |
Bộ Nội vụ nhận được Công văn số 4594/BKH-KTĐP< ngày 25 tháng 6 năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về việc kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2009, thời kỳ 2003 - 2009 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đến năm 2010 để đạt được mục tiêu của Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg. Bộ Nội vụ xin báo cáo, cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao như sau:
Ngày 11 tháng 6 năm 2003 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2010; trong đó Bộ Nội vụ được giao:…. “Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và đội ngũ cán bộ cơ sở; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ) rà soát lại địa giới hành chính của thôn, xã, bản, huyện cho phù hợp với địa bàn và trình độ tổ chức quản lý của chính quyền các cấp, nhất là cơ sở ; từ năm 2003, mỗi xã biên giới được tăng thêm một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và 01 cán bộ chuyên trách làm công tác biên giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã và 5% biên chế cho cấp huyện biên giới so với định biên hiện nay…”
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương liên quan tiến hành triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương soạn thảo và trình Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện Quyết định 120/2003/QĐ-TTg, cụ thể như sau:
Để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg, Bộ Nội vụ đã từng bước cụ thể hóa từng nhiệm vụ thông qua việc tham mưu để Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở cơ sở, trong đó có những chính sách ưu tiên đối với các khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan rà soát, kiểm tra, phân định để công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; công nhận các xã, huyện miền núi, vùng cao khi có điều chỉnh địa giới hành chính. Tham gia xây dựng các văn bản nhằm thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo như: Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn đối với khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II): Đề án công tác định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010; Đề án đổi mới nội dung quản lý và phương thức công tác dân tộc; Đề án “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số”.
2. Kết quả 6 tháng đầu năm 2009 và 6 năm (2003 - 2009) thực hiện những nhiệm vụ được giao
a) Việc xây dựng Hệ thống chính trị cơ sở và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước và cán bộ chính quyền cơ sở
Chính quyền các cấp địa phương thuộc tuyến biên giới Việt - Trung đã xác định rõ: việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh, trước hết phải xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt được cấp ủy Đảng và Chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, phát động phong trào thi đua nhiều năm nay. Công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, với nhiều nội dung cụ thể khác nhau nhưng UBND các tỉnh thuộc tuyến biên giới Việt - Trung đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, bám sát Luật Tổ chức HĐND và UBND các văn bản của Nhà nước để triển khai và tổ chức thực hiện, góp phần thúc đẩy các địa phương phát triển bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, kinh tế - xã hội ngày một phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Song song với thực hiện chính sách dân tộc, công tác xây dựng chính quyền được Bộ Nội vụ rất coi trọng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có điều kiện thực hiện tốt công tác xây dựng Hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 03/2004/QĐ-TTg , ngày 07/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010”; trong đó: mục tiêu cụ thể là 100% cán bộ chủ chốt và các chức danh chuyên môn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, biên giới, hải đảo được đào tạo, bồi dưỡng về quản lý Nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ đạt trình độ sơ cấp; lựa chọn để quy hoạch đào tạo trình độ trung cấp cho 25% đội ngũ cán bộ, công chức này. Bộ Nội vụ đã lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nhất là cán bộ cơ sở, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc ít người tại chỗ. Coi trọng phát huy vai trò tích cực của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ dân tộc.
Trên cơ sở mục tiêu trên các tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các đề án đào tạo cán bộ, công chức, trong đó chú trọng đào tạo công chức xã, phường, thị trấn giai đoạn 2001 - 2005; Đề án đào tạo cán bộ nguồn là người dân tộc ít người giai đoạn 2002 - 2010, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc ít người tại chỗ các tỉnh đã đặc biệt ưu tiên kể cả trong đào tạo, bồi dưỡng và trong bố trí sử dụng con em các dân tộc ít người về học ở các trường dân tộc nội trú của tỉnh, của huyện, được lựa chọn cử đi học các lớp cử tuyển theo chính sách của Nhà nước; được ưu tiên trong thi tuyển và xét tuyển vào các cơ quan nhà nước.
Triển khai thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa IX), hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, cùng với việc ban hành Pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi (năm 2003), Luật Tổ chức HĐND và UBND. Bộ Nội vụ đã chủ trì phối hợp với các Bộ, Ban ngành liên quan tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hai nội dung trên và đã trình Chính phủ ban hành các văn bản sau: Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã; Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; - Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg ngày 07/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt định hướng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra Bộ Nội vụ còn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các Thông tư hướng dẫn các Nghị định trên và ban hành quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Thông qua các văn bản trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện công tác xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là việc chuyển từ chế độ sinh hoạt phí sang chế độ hưởng lương.
Thực hiện Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực; trong đó đã quy định mức phụ cấp khu vực cho từng địa bàn thuộc miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2004 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên UBND các cấp.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng và trình Chính phủ: Đề án tổng thể về chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở, Nghị định thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và Nghị định thay thế Nghị định số 114/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; trong đó đã quy định một số chính sách dân tộc đối với cán bộ, công chức cấp xã ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực biên giới, hải đảo.
b) Tăng cường cán bộ cho các xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới
Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 9/11/2004 về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi; Quyết định số 31/QĐ-TTg ngày 06/02/2006 về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg ngày 08/02/2006 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 28/2007/QĐ-TTg ngày 28/2/2007 về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2007 - 2010; Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg ngày 12/3/2006 về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 1006/2007/QĐ-TTg ngày 13/7/2007 phê duyệt Đề án” Một số giải pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc giai đoạn 2006 - 2010”
c) Mỗi xã biên giới được bầu 02 Phó Chủ tịch UBND xã; 01 cán bộ chuyên trách làm công tác biên giới cho UBND xã; tăng 5% biên chế QLNN cho cấp huyện biên giới
Thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ, quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân các cấp; Chính quyền các tỉnh biên giới Việt - Trung đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn biên giới bầu thêm 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định.
Ngày 21 tháng 10 năm 2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn nhưng chưa có quy định cụ thể về chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách làm công tác biên giới ở cấp xã tại các xã biên giới Việt - Trung; Song xuất phát từ yêu cầu thực tế ở cơ sở một số tỉnh như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… đã chủ động hướng dẫn cơ sở bố trí, sử dụng đối tượng cán bộ này.
Việc tăng 5% biên chế cho cấp huyện biên giới so với định biên hiện hành, kể từ năm 2003 đến nay hàng năm Bộ Nội vụ đã giao 5% biên chế này vào tổng biên chế QLNN cho các tỉnh.
d) Về tổ chức địa giới hành chính
Từ năm 2003 đến hết tháng 6 năm 2009, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị định về điều chỉnh địa giới hành chính đối với các địa phương thuộc tuyến biên giới Việt - Trung như sau:
- Tỉnh Điện Biên: điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Lay và thị xã Lai Châu, mở rộng và đổi tên thị xã Lai Châu (tỉnh Điện Biên) thành thị xã Mường Lay, đổi tên huyện Mường Lay và thị trấn Mường Lay thành huyện Mường Chà và thị trấn Mường Chà; thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Trong năm 2006 điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 5 xã thuộc huyện Mường Nhé; điều chỉnh địa giới hành chính xã, huyện và thành lập xã, mở rộng và đổi tên thị trấn Mường Ẩng thuộc huyện Tuần Giáo, huyện Mường Trà; thành lập huyện Mường Ảng.
- Tỉnh Lai Châu điều chỉnh ĐGHC để thành lập các xã thuộc các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên và giải thể phường Lê Lợi để thành lập xã nhằm ổn định các đơn vị hành chính để phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 8/4/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Than Uyên, Tam Đường, Mường Tè. Tách huyện Than Uyên thành 02 huyện Tân Uyên và huyện Than Uyên, nhằm tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trên.
- Tỉnh Cao Bằng: trong năm 2006 điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Hạ Lang. Ngày 13/12/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 183/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã để thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Bảo Lạc, Thông Nông, Trùng Khánh, Phục Hòa.
- Tỉnh Quảng Ninh: điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường, huyện, thành lập xã, mở rộng thị trấn thuộc các huyện Yên Hưng, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, thị xã Uông Bí và thành phố Hạ Long. Ngày 6/4/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2007/NĐ-CP về việc thành lập phường Hải Hòa, phường Hải Yên thuộc thị xã Móng Cái (nay thuộc thành phố Móng Cái).
- Tỉnh Sơn La: Ngày 03 tháng 01 năm 2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, để thành lập xã, thị trấn thuộc huyện Mường La, huyện Mộc Châu.
- Tỉnh Hà Giang: điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường của thị xã Hà Giang và huyện Vị Xuyên.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; trong năm 2005 Bộ Nội vụ đã chủ động hướng dẫn 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng đề án quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến năm 2020, với mục tiêu: xây dựng một hệ thống đơn vị hành chính các cấp của Việt Nam ổn định lâu dài, phù hợp với khả năng quản lý của chính quyền và thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của nhân dân, có đủ khả năng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các điều kiện an ninh, quốc phòng. Đến nay, Bộ Nội vụ đã trình Ban cán sự Đảng, Chính phủ xem xét.
Về công tác phân loại đơn vị hành chính các cấp: Bộ Nội vụ đã chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; Nghị định số 15/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2007 về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện nhằm góp phần bảo đảm sự ổn định của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ở địa phương; đồng thời làm căn cứ để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; làm cơ sở để xây dựng chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức phù hợp với từng đơn vị hành chính các cấp.
Với thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương thuộc tuyến biên giới Việt - Trung như hiện nay, trong công tác xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh cần xác định rõ một số vấn đề liên quan;
Thứ nhất: Nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đây là cái gốc, quyết định đến an ninh, chính trị, an toàn xã hội đối với vùng Tây Bắc. Do vậy cần phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả vùng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, vận động và đưa nhân dân trở lại biên giới để sinh sống.
- Ngoài việc hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, nhất là chính quyền cơ sở phải nỗ lực vươn lên bằng chính sức lực của mình trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như: đường, trường, trạm, nhà văn hóa … với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hướng dẫn đồng bào làm kinh tế, chuyển dần từ nền sản xuất tự cung, tự cấp sang nền sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi có giá trị thương phẩm cao. Nên xây dựng mô hình kinh tế điển hình sau đó nhân rộng ra toàn vùng, tận dụng các điều kiện lợi thế về tự nhiên để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho nhân dân trong vùng, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, mở rộng giao lưu với các cộng đồng trong cả nước và quốc tế… nhằm nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
- Quan tâm hơn nữa đến đầu tư cho giáo dục phổ thông như: Đầu tư xây dựng trường học, trang thiết bị dạy và học, có chính sách thu hút để có đủ giáo viên đứng lớp đảm bảo cho con em đồng bào các dân tộc được học liên thông từ Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ngay tại địa phương. Tăng cường củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đồng bào các dân tộc trong vùng.
Thứ hai: Về công tác tổ chức và cán bộ
Phải xác định rõ trong công tác xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh thì công tác cán bộ là nòng cốt trong đó đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch tạo nguồn, sử dụng cán bộ là không thể thiếu được.
Với đặc thù của tuyến biên giới Việt - Trung đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội, dân trí còn thấp, người dân tiếp thu cái mới còn hạn chế. Việc xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, mà trước hết là cán bộ chính quyền cơ sở. Cần xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, Chính quyền và các Đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị ở cơ sở, một cách đồng bộ.
Cần đổi mới phương thức hoạt động của HĐND và đổi mới phương thức điều hành của UBND cấp xã. Muốn làm được điều đó trước hết cần phải củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã: trước hết phải quan tâm đến phổ cập văn hóa phổ thông trung học cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng đến đào tạo huấn luyện, để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở thạo việc và có thể giải quyết được những vấn đề vướng mắc ngay tại cơ sở bằng chính sức lực của họ, không ỷ lại vào cấp trên.
Về công tác quy hoạch nguồn cán bộ: các địa phương cần tích cực, chủ động trong công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ, cần xây dựng cơ chế chính sách để tuyển chọn, cử tuyển con em là người địa phương đưa đi đào tạo, bổ sung vào nguồn cán bộ.
Thứ ba: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và cải cách hành chính
Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho nhân dân, chính quyền cơ sở phải công khai dân chủ những điều dân biết, dân bàn, dân kiểm tra theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tạo điều kiện cho nhân dân trong việc xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, xây dựng tủ sách pháp luật, tăng cường đoàn kết cộng đồng nơi cư trú. Tồn tại: Qua thực tiễn kiểm tra cho thấy: trong thực hiện ở một số tỉnh còn lúng túng, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chuyên môn và các địa phương ở cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định 120/2003/QĐ-TTg hoặc còn chậm triển khai, do đó thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn, việc phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan chưa nhịp nhàng và chưa thống nhất các nội dung triển khai. Đến nay, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành đã đi vào ổn định và chặt chẽ trong từng lĩnh vực đã giúp địa phương triển khai và thực hiện tốt các nội dung trong Quyết định. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề cần phải khắc phục như: công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức ở những xã biên giới chưa được thực hiện triệt để hoặc có thực hiện nhưng chưa cụ thể (chưa khuyến khích được con em đồng bào dân tộc tại chỗ đi học các trường chuyên nghiệp, các lớp văn hóa, bồi dưỡng nghiệp vụ…). Việc quy định 01 cán bộ chuyên trách làm công tác biên giới cho UBND xã, hiện tại vẫn còn chưa có hướng dẫn cụ thể về chế độ chính sách, tiêu chuẩn đối với cán bộ làm công tác biên giới, do vậy các địa phương chưa biết thực hiện công tác này như thế nào.
II. NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2009 VÀ KẾ HOẠCH NĂM 2010
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Quyết định 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ tiếp tục chủ động tập trung phối hợp với các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc tuyến biên giới Việt - Trung, thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
1. Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và UBND cấp xã trong việc đổi mới nội dung các kỳ họp, làm tốt chức năng quyết định và chức năng giám sát; thực hiện tốt công tác quản lý và điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
2. Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng, củng cố chính quyền với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, với công tác cải cách hành chính. Gắn việc củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở với việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Phát huy quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp của người dân, quyền giám sát của nhân dân đối với chính quyền và cán bộ, công chức.
3. Coi trọng củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở; đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào theo đạo; đảm bảo phát huy quyền chủ động của từng cụm dân cư, thiết lập được mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền cơ sở với trưởng thôn, già làng trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế trận quốc phòng - an ninh nhân dân vững chắc.
4. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, công chức đối với chính quyền cơ sở phù hợp với đặc điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường kiểm tra sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân để kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm những vướng mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư.
5. Chủ động xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định để thực hiện các nội dung của Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008. Trong đó sẽ phải chú trọng đến chính sách đối với cán bộ, công chức trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
1. Các Bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu để ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về yêu cầu, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với chức danh cán bộ theo dõi công tác biên giới. Tại Quyết định 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ, quy định việc mỗi xã biên giới được bố trí 01 cán bộ chuyên trách làm công tác biên giới là không phù hợp với Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Do vậy, Bộ Nội vụ đề nghị trước mắt hướng dẫn các địa phương bố trí Xã đội trưởng hoặc Xã đội Phó kiêm công tác biên giới.
2. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở và cán bộ thôn, làng, bản. Trong đó quan tâm chú ý đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ về kiến thức văn hóa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; lý luận chính trị; kiến thức quản lý nhà nước đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định. Coi trọng công tác đào tạo tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ người kinh công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã biên giới Việt - Trung.
3. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng và đầu tư mạnh mẽ nhằm củng cố và phát triển mạng lưới đô thị dọc tuyến biên giới Việt - Trung như: thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn), thị xã Lai Châu (tỉnh Lai Châu), tỉnh Hà Giang, Cao Bằng; xem xét, đề xuất phương án điều chỉnh ĐGHC đối với những huyện, xã biên giới có diện tích tự nhiên lớn hoặc cơ sở hạ tầng đặc biệt khó khăn.
4. Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 28/2007/QĐ-TTg ngày 28 tháng 2 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2007 - 2010 nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
5. Về bổ sung, tăng biên chế cán bộ cho cấp huyện, xã biên giới:
- Đối với các huyện biên giới: tại Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg đã quy định việc áp dụng tăng thêm 5% biên chế quản lý nhà nước cho huyện biên giới so với quy định, như vậy là chưa phù hợp và thiếu cơ sở khoa học. Vì trên thực tiễn có huyện chỉ có 01 xã biên giới nhưng có huyện lại có hàng chục xã biên giới, do vậy Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định từ năm 2008 các huyện biên giới được tăng thêm biên chế quản lý hành chính nhà nước trên cơ sở số lượng xã biên giới hiện có trên địa bàn, cụ thể là: 01 biên chế/1-2 xã biên giới nhằm đảm bảo có đủ nguồn cán bộ cho huyện, để thực hiện chính sách tăng cường cán bộ có trình độ về các xã trọng điểm, nhất là vùng biên giới (cơ chế này áp dụng điều chỉnh bổ sung cho cả tuyến biên giới Việt - Lào và Việt - Campuchia)
- Đối với các xã, phường, thị trấn biên giới:
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao: “Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu Đề án tổng thể về chế độ, chính sách cán bộ cơ sở; trong đó đề xuất giải quyết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2003/NĐ-CP về chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Đề án tổng thể về chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở và xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ; theo dự kiến thì số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với các xã loại I sẽ được bố trí tối đa không quá 25 người (theo quy định tại Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính cấp xã, đã quy định đối với các xã thuộc địa bàn biên giới, hải đảo là xã loại 1).
6. Tiếp tục đôn đốc, kiểm tra các địa phương thuộc 3 tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia để thực hiện tốt những nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ theo Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2010 và Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.
7. Tiếp tục hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt và ban hành: Đề án tổng thể về chế độ chính sách đối với cán bộ cơ sở, Nghị định thay thế Nghị định số 121/2003/NĐ-CP về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và Nghị định thay thế Nghị định số 114/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
Trên đây là kết quả 6 tháng đầu năm 2009 và 6 năm (2003 - 2009) thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 120/2003/QĐ-TTg, Bộ Nội vụ xin báo cáo để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo 120 Trung ương và Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.