ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 184/BC-UBND |
Hải Phòng, ngày 15 tháng 9 năm 2016 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13/CT-TTG NGÀY 09/5/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Thực hiện Công văn số 7499/VPCP-KGVX ngày 08/9/2016 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng báo cáo kết quả thực hiện như sau:
Hiện nay, an toàn thực phẩm đang là vấn đề cấp bách cả xã hội quan tâm, đây là công việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương và cả cộng đồng. Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trong thời gian qua, tuy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực của các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan; song tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và diễn biến phức tạp.
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị, đã đạt được những kết quả bước đầu, có những chuyển biến rõ nét, cụ thể trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
1. Công tác tham mưu chỉ đạo:
- Ngay sau khi có Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 09/6/2016 Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố đã tổ chức Hội thảo liên ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương bàn các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, ra Thông báo kết luận liên ngành số 111/TBKL-YT- NNPTNT-CT ngày 20/6/2016 đề ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tiếp theo trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
- Ngày 10/6/2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
- Ngày 25/7/2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban, giao Giám đốc các Sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách theo phân công, phân cấp.
+ Ngày 29/8/2016, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 70/KH-SYT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
+ Ngày 06/9/2016, Giám đốc Sở Y tế họp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố; ra Thông báo kết luận số 197/TB-SYT yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
+ Ngày 08/9/2016, Sở Y tế tổ chức họp giao ban trực tuyến với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm.
+ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng xây dựng Kế hoạch số 126/KH-ATTP ngày 05/9/2016 triển khai thực hiện Kế hoạch số 70/KH-SYT của Sở Y tế Hải Phòng.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
+ Ngày 07/9/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch số 198/KH-SNN về việc thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND và Chỉ thị số 10/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
+ Chỉ đạo các đơn vị thành viên theo ngành, lĩnh vực được phân công tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo nội dung của Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 19/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
- Sở Công Thương: Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 19/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Công tác truyền thông, phòng chống ngộ độc thực phẩm:
- Các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao đã xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể theo từng nhóm đối tượng:
+ Đối tượng là nhà quản lý.
+ Chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
+ Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
+ Người sử dụng thực phẩm.
- Sở Y tế xây dựng Kế hoạch số 1324/PA-SYT ngày 11/8/2016 về Phương án sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tình huống ngộ độc thực phẩm hàng loạt.
- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn về an toàn thực phẩm, không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm, chủ động xử lý hiệu quả khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
3. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính:
- Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm theo nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg.
- Kết quả thanh tra, kiểm tra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016: Toàn thành phố kiểm tra được 5.823 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tỷ lệ các cơ sở thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đạt 73,7%.
Trong số 5.823 cơ sở được kiểm tra có 1.529 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 26,3%. Các đoàn kiểm tra đã xử lý vi phạm 145 cơ sở, trong đó phạt cảnh cáo 32 cơ sở, phạt tiền 107 cơ sở, tổng tiền phạt là 271,33 triệu đồng. Các quận, huyện đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính là: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, An Dương, Thủy Nguyên. Chi cục Quản lý thị trường thành phố xử phạt 56 cơ sở với số tiền 188,58 triệu đồng, tiêu hủy 9.750 kg thịt lợn không có hồ sơ nguồn gốc, đang trong trạng thái phân hủy (ước tính trị giá 420 triệu đồng); Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Hồng Bàng tiêu hủy 700 kg sò không rõ nguồn gốc và 1,8 kg giò, chả; Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm huyện Thủy Nguyên tiêu hủy 300 kg cá dưa, 130 hộp ngô Trung Quốc, 04 lít tương ớt... Các cơ sở không bị xử lý vi phạm chiếm tỷ lệ còn khá cao, chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, lần đầu vi phạm, sau khi được kiểm tra, nhắc nhở đã có khắc phục kịp thời.
- Ngày 06/6/2016, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra đột xuất về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người lao động tại Công ty TNHH Sunmax, địa chỉ khu công nghiệp Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thảo Lâm cung cấp cơm hộp; xử phạt Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thảo Lâm 6,0 triệu đồng.
- Tháng 9/2016, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra 153 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố; xử lý 06 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 15,25 triệu đồng.
- Ngày 23/8/2016, Thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Trung Anh và Cơ sở cơm hộp Tuyết Thoa, quận Dương Kinh; xử lý phạt Công ty TNHH Trung Anh 35,3 triệu đồng, đình chỉ hoạt động đối với xưởng cơm hộp chưa được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; xử lý phạt Cơ sở cơm hộp Tuyết Thoa 6,25 triệu đồng, tạm dừng hoạt động.
- Ngày 6/9/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm quận Kiến An kiểm tra cơ sở tái chế mỡ tại phường Văn Đẩu, quận Kiến An; phát hiện và tiêu hủy 2,0 tấn mỡ nước và 3,5 tấn tóp mỡ không rõ nguồn gốc, xử phạt 45,0 triệu đồng.
- Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tháng 7/2016, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tiến hành kiểm tra chuyên ngành 164 cơ sở sản xuất, chế biến hải, súc sản; test nhanh 322 mẫu thực phẩm, trong đó 01 mẫu Salbutamol, 01 mẫu Auramine O, còn lại là hàn the, kết quả phát hiện 15 mẫu giò, chả có hàn the; tiêu hủy 4,1 kg giò, chả; xử phạt 02 cơ sở với tổng số tiền 8,0 triệu đồng.
4. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
- Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành thành phố và các địa phương về an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tuyến cơ sở.
- Các Sở, ngành liên quan phối hợp hoàn thành bộ dữ liệu về cơ sở thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố.
- Ngành Y tế tổ chức giao ban định kỳ 01 tháng/lần trực tuyến với các quận, huyện, xã, phường, thị trấn; giao ban Ban Chỉ đạo 01 quý/lần; đôn đốc thực hiện các công việc đã giao.
- Trong tháng 9/2016, ngành Y tế tổ chức hội nghị đối thoại với các đơn vị có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên toàn địa bàn thành phố, tìm giải pháp tháo gỡ trực tiếp đối với các đơn vị có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn đối với vấn đề an toàn thực phẩm.
- Xây dựng đề án về xây dựng, triển khai mô hình điểm thức ăn đường phố, trong đó tập trung xây dựng về tiêu chí, đề xuất tuyến phố, trước mắt tập trung thí điểm tại 3 quận trung tâm thành phố; sau đó nhân rộng ra một số quận khác trên địa bàn thành phố.
- Tiếp tục tăng cường hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, định kỳ, đột xuất và hậu kiểm, đẩy mạnh áp dụng hình thức thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, công khai cơ sở vi phạm trên Website của các cơ quan quản lý và các phương tiện thông tin đại chúng; thiết lập và công khai đường dây nóng trên Website Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; thường xuyên cập nhật tin bài về hoạt động an toàn thực phẩm, văn bản quy phạm pháp luật liên quan lên Website; xử lý nghiêm những cá nhân buông lỏng quản lý bao che cho những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
- Thực hiện chặt chẽ việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công bố hợp quy/công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; rà soát, giám sát việc thực hiện sau cấp phép.
- Đánh giá thực trạng, nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng về an toàn thực phẩm.
- Triển khai các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các bếp ăn tập thể quy mô lớn, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc kiểm thực theo 3 bước và các biện pháp ngăn ngừa khác.
- Nắm chắc quy trình xử lý vụ ngộ độc, triển khai ứng phó kịp thời các tình huống khi ngộ độc xảy ra, tuyệt đối không để tử vong do ngộ độc thực phẩm.
- Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe thành phố phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông về an toàn thực phẩm; trong đó đặc biệt chú ý đến mục tiêu, phân công trách nhiệm cụ thể của từng ngành, đảm bảo sự kết nối giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng, hoàn thành trong tháng 9/2016./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH
PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.