BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/VBHN-BCT | Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2018 |
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 109/2010/NĐ-CP NGÀY 04 THÁNG 11 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH XUẤT KHẨU GẠO
Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2011, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 28/2017/TT-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (sau đây viết tắt là Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ);
Sau khi trao đổi với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ như sau[1]:
Thông tư này quy định về đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung (sau đây viết tắt là hợp đồng tập trung) và các vấn đề liên quan theo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Thông tư này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, giao dịch, ký kết, thực hiện hợp đồng tập trung và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG XUẤT KHẨU GẠO
Điều 3. Hồ sơ, thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo
1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo gồm:
a) Văn bản đề nghị đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo.
b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết.
c) Bản chính báo cáo lượng thóc, gạo có sẵn, trong đó nêu rõ tổng lượng thóc, gạo thương nhân có sẵn trong kho; địa chỉ cụ thể và lượng thóc gạo có trong mỗi kho chứa thóc, gạo của thương nhân.
d) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo còn hiệu lực (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận), khi đăng ký hợp đồng lần đầu.
đ) Trường hợp để được ưu tiên theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ, thương nhân nộp thêm văn bản đề nghị ưu tiên và báo cáo tổng hợp việc mua thóc, gạo trực tiếp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản ký với người sản xuất kèm theo các chứng từ liên quan để chứng minh.
2. Trình tự, thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Thương nhân nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng trực tiếp hoặc gửi theo đường bưu điện bảo đảm (hoặc chuyển phát nhanh) đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Hiệp hội Lương thực Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký, xác nhận trực tiếp vào từng trang của hợp đồng xuất khẩu gạo của thương nhân theo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Thông tư này.
3. Việc ưu tiên đăng ký trước theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện như sau:
a) Trường hợp hồ sơ đăng ký hợp đồng đáp ứng các tiêu chí theo quy định thì được đăng ký ngay trong ngày tiếp nhận hồ sơ.
b) Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông báo ngay cho thương nhân biết trong ngày tiếp nhận hồ sơ và đăng ký hợp đồng ngay trong ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung hợp lệ.
c) Trường hợp nhận được hồ sơ vào cuối ngày làm việc và không còn đủ thời gian để xử lý thì hồ sơ được ưu tiên phải được kiểm tra, xử lý trước các hồ sơ khác vào đầu ngày làm việc tiếp theo.
Điều 4. Quy định về áp dụng giá sàn gạo xuất khẩu và xác minh lượng gạo có sẵn của thương nhân
1. Về giá sàn gạo xuất khẩu
a) Thời điểm có hiệu lực áp dụng trong đăng ký hợp đồng của giá sàn gạo xuất khẩu là tối thiểu sau 03 (ba) ngày, kể từ ngày Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố theo quy định.
b) Trường hợp giá xuất khẩu trong hợp đồng không thấp hơn giá sàn gạo xuất khẩu do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố tại thời điểm hợp đồng được ký kết nhưng thấp hơn giá sàn tại thời điểm đăng ký hợp đồng thì áp dụng theo giá sàn tại thời điểm ký kết với điều kiện thời gian đăng ký hợp đồng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Về lượng gạo có sẵn của thương nhân
a) Thương nhân tự kê khai lượng gạo có sẵn trong báo cáo nêu tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của số liệu báo cáo.
b) Trường hợp phát hiện thương nhân báo cáo không đúng thực tế thì ngay sau khi đăng ký hợp đồng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có văn bản đề nghị Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, xác minh.
Điều 5. Nội dung hợp đồng xuất khẩu gạo
1. Hợp đồng xuất khẩu gạo phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế và phải có các thông tin sau đây:
a) Tên, địa chỉ của Bên mua và Bên bán.
b) Tên hàng, số lượng, chủng loại, chất lượng, qui cách đóng gói, bao bì đóng gói. Tỷ lệ dung sai về số lượng không vượt quá mức cộng trừ năm phần trăm (± 5%).
c) Phương thức giao hàng, thời hạn giao hàng, cảng xếp hàng, cảng dỡ hàng; cảng chuyển tải (nếu có).
d) Giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán.
2. Hợp đồng xuất khẩu gạo phải có điều khoản quy định về việc xuất khẩu gạo sang nước thứ 3 (điều khoản tái xuất) như sau:
a) Việc Bên mua tái xuất sang nước thứ 3 là nước hoặc vùng lãnh thổ có giao dịch hợp đồng tập trung với Việt Nam phải được sự đồng ý của Bên bán.
b) Bên bán chỉ được chấp thuận cho Bên mua tái xuất hoặc giao hàng sang nước thứ 3 là nước hoặc vùng lãnh thổ có giao dịch hợp đồng tập trung với Việt Nam trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này nếu được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản.
3. Thời hạn giao lô hàng đầu tiên của hợp đồng xuất khẩu gạo không quá 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết.
4. Trường hợp có sự điều chỉnh nội dung hợp đồng đã đăng ký, thương nhân phải ký phụ lục hợp đồng và đăng ký phụ lục đó tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày phụ lục hợp đồng được ký kết.
Điều 6. Xử lý vi phạm trong đăng ký hợp đồng xuất khẩu
1. Trong quá trình đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, nếu phát hiện hành vi gian lận giá hoặc vi phạm qui định, chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thị trường có hợp đồng tập trung, Hiệp hội Lương thực Việt Nam hoặc thương nhân báo cáo bằng văn bản với Bộ Công Thương và đề xuất biện pháp xử lý.
Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Bộ Công Thương kiểm tra, xử lý theo quy định.
2. Thương nhân có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, kịp thời các chứng từ, tài liệu liên quan để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh những vấn đề theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 7. Cập nhật thông tin về thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo
1. Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm thông báo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam về tình hình thực hiện hợp đồng đã được đăng ký theo yêu cầu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
2. Thương nhân không thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc không thực hiện giao hàng theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam xem xét hủy đăng ký hợp đồng xuất khẩu đó của thương nhân hoặc đề nghị thương nhân đàm phán lại với đối tác để xác định khả năng thực hiện hợp đồng và đăng ký lại với Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Điều 8. Chỉ định thương nhân đầu mối giao dịch
1. Sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức liên quan, Bộ Công Thương chỉ định thương nhân đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung theo các tiêu chí sau:
a) Thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 02 (hai) năm gần nhất vào thị trường dự kiến giao dịch hợp đồng tập trung.
b) Thành tích xuất khẩu gạo của thương nhân trong 02 (hai) năm gần nhất.
c) Giao dịch với đối tác nước ngoài được chỉ định hoặc dự kiến được chỉ định làm đầu mối nhập khẩu gạo.
2. Thương nhân đã được chỉ định làm đầu mối giao dịch trước khi Thông tư này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến khi kết thúc hợp đồng đã ký.
Điều 9. Trách nhiệm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam
1. Hiệp hội Lương thực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi tình hình, cân đối nguồn gạo hàng hóa để hướng dẫn và hỗ trợ thương nhân trong việc chuẩn bị giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng tập trung.
2. Hiệp hội Lương thực Việt Nam đăng ký hợp đồng tập trung cho thương nhân đầu mối khi nhận được hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư này.
Điều 10. Trách nhiệm của thương nhân đầu mối
1. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam:
a) Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc giao dịch; phương án dự thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng tập trung đảm bảo có hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về hợp đồng ký kết.
b) Kết quả ký kết hợp đồng và phương án triển khai thực hiện hợp đồng, ngay sau khi ký hợp đồng tập trung.
2. Thương nhân đầu mối phải căn cứ cân đối nguồn gạo hàng hóa để đàm phán số lượng và tiến độ giao hàng phù hợp với tình hình mùa vụ thu hoạch trong nước, không gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá cả thị trường gạo trong nước; giá gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung phải không thấp hơn giá xuất khẩu theo hợp đồng thương mại trên thị trường cùng thời điểm để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
3. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm đăng ký hợp đồng tập trung tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng được ký kết. Hồ sơ đăng ký hợp đồng tập trung bao gồm các giấy tờ quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
4. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện hợp đồng tập trung đã ký kết; thực hiện chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu được trả lại hoặc không thực hiện hoặc không có thương nhân nào nhận ủy thác xuất khẩu.
Điều 11. Tiêu chí phân bổ chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu
1. Việc phân bổ chỉ tiêu thực hiện hợp đồng tập trung cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để uỷ thác xuất khẩu căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Hiệp hội Lương thực Việt Nam lập phương án phân bổ chỉ tiêu theo các tiêu chí quy định tại Điều 16 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ và gửi Bộ Công Thương xem xét trước khi giao chỉ tiêu cho các thương nhân triển khai thực hiện; tổ chức phân bổ chỉ tiêu theo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư này; theo dõi, đôn đốc việc ký kết, thực hiện hợp đồng ủy thác xuất khẩu và báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Công Thương.
1. Sau khi nhận được báo cáo của thương nhân đầu mối về kết quả ký kết hợp đồng tập trung, Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông báo bằng văn bản để các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo biết để đăng ký chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu.
2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân gửi hồ sơ đăng ký chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hồ sơ gồm:
a) Văn bản đề nghị được phân bổ chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu của thương nhân, trong đó nêu rõ số lượng, chủng loại gạo nhận xuất khẩu ủy thác.
b) Báo cáo thành tích xuất khẩu gạo trực tiếp 06 (sáu) tháng trước đó và tình hình tồn kho thóc, gạo của thương nhân, trong đó nêu rõ lượng gạo tồn kho do mua tạm trữ theo chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (nếu có).
3. Căn cứ hồ sơ đăng ký của thương nhân, cân đối nguồn gạo hàng hóa và tình hình mùa vụ thu hoạch trong nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam lập phương án phân bổ chỉ tiêu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.
Ban lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam quyết định việc phân bổ chỉ tiêu, thông báo bằng văn bản để các thương nhân đã đăng ký biết, thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Công Thương kèm theo danh sách các thương nhân đăng ký.
Điều 13. Trả lại chỉ tiêu ủy thác xuất khẩu
1. Trong trường hợp bất khả kháng mà thương nhân không thể thực hiện được chỉ tiêu ủy thác đã được phân bổ thì thương nhân phải có văn bản trả lại chỉ tiêu đó gửi cho thương nhân đầu mối và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
2. Thương nhân không thực hiện đúng chỉ tiêu đã được phân bổ mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không được phân bổ chỉ tiêu thực hiện hợp đồng tập trung sau đó trong thời hạn 06 (sáu) tháng, kể từ ngày vi phạm.
Điều 14. Ký kết và thực hiện hợp đồng ủy thác xuất khẩu
1. Hợp đồng ủy thác xuất khẩu gạo theo chỉ tiêu được phân bổ từ hợp đồng tập trung phải có quy định xử lý trách nhiệm của các bên nếu vi phạm hợp đồng ủy thác đã ký, trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng tập trung đã ký.
2. Thương nhân không thực hiện đúng hợp đồng ủy thác đã ký thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của hợp đồng ủy thác và không được phân bổ chỉ tiêu theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này.
Điều 15. Quy định về xuất khẩu và tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung
1. Thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để Bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều này, trừ trường hợp được Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Bộ Công Thương thông báo bằng văn bản về thời gian và thị trường đang có giao dịch hợp đồng tập trung với Việt Nam gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam để phổ biến cho thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo biết và thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Việc chấp thuận cho thương nhân giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung được quy định như sau:
a) Thương nhân có đề nghị bằng văn bản kèm theo các tài liệu liên quan gửi Bộ Công Thương và sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
b) Sau khi nhận được đề nghị bằng văn bản của thương nhân, Bộ Công Thương xem xét và có văn bản trả lời.
4. Khi đăng ký hợp đồng, nếu phát hiện thương nhân có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam chưa đăng ký hợp đồng xuất khẩu và báo cáo, kiến nghị biện pháp xử lý bằng văn bản gửi Bộ Công Thương để xem xét, xử lý theo quy định.
Trường hợp không đồng ý với việc xử lý của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương để xem xét, xử lý theo quy định.
Điều 19. Trách nhiệm thực hiện
1. Hiệp hội Lương thực Việt Nam có trách nhiệm:
a) Xây dựng và công khai quy trình tác nghiệp, biểu mẫu đăng ký xuất khẩu, thống kê, báo cáo để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ, báo cáo Bộ Công Thương trước khi ban hành.
b) Thông báo địa chỉ tiếp nhận hồ sơ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (email) để thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo biết và giao dịch; công bố quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, kết quả xử lý hồ sơ tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trên trang thông tin điện tử (website) của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
c) Thông báo bằng văn bản họ, tên, chức danh và chữ ký của người có thẩm quyền ký xác nhận đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và ký các văn bản do Hiệp hội Lương thực Việt Nam ban hành theo quy định của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư này đến Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, cơ quan Hải quan và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
2. Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 02 năm 2011.
2. Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được đăng ký, hợp đồng tập trung đã được phân bổ thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện mà không phải đăng ký, phân bổ lại.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh vướng mắc, cơ quan, tổ chức và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh bằng văn bản về Bộ Công Thương để xử lý./.
Nơi nhận: | XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT BỘ TRƯỞNG |
[1] Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,”
[2] Chương này bao gồm các Điều 16, 17, 18 được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
[3] Điều 8 Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 quy định như sau:
“Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết.”
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.