BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/VBHN-BCA | Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2015 |
QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU LỆNH NỘI VỤ CÔNG AN NHÂN DÂN
Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012 được sửa đổi bởi:
Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015.
Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Để xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quyết định, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân.[1]
Thông tư này quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, bao gồm: Quy định chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác; chế độ làm việc, công tác, chiến đấu, hội họp, huấn luyện, học tập, bảo mật, nghỉ ngơi; quản lý tài liệu, vũ khí, công vụ hỗ trợ, vật chứng, phương tiện nghiệp vụ, tài chính, tài sản; quy định về sử dụng trang phục; tư thế, lễ tiết, tác phong; nội vụ, vệ sinh công sở của các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Thông tư này áp dụng đối với đơn vị công an; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn, học sinh, sinh viên các học viện, nhà trường, công nhân, viên chức Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân).
CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 3. Chức trách, nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp
1. Lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tình hình mọi mặt của đơn vị, địa phương do mình phụ trách; chủ động làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an trong sạch, vững mạnh; chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an để đề ra chương trình, kế hoạch, biện pháp công tác, chiến đấu phù hợp; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và động viên cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền thực hiện.
2. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chế độ một người chỉ huy và quy chế hoạt động của cấp ủy đảng; duy trì thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc của lãnh đạo, chỉ huy và đơn vị.
3. Thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy; quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý cán bộ; chăm lo xây dựng, củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ; động viên, khen thưởng kịp thời và xử lý kỷ luật nghiêm theo đúng quy định của Nhà nước và của Bộ Công Thương nhằm xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị.
4. Quản lý tài chính, tài sản, vật tư, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của đơn vị đúng quy định của pháp luật và Bộ Công an, bảo đảm yêu cầu công tác, chiến đấu.
5. Gương mẫu trong công tác, chiến đấu, học tập và sinh hoạt, nghiêm túc tự phê bình và phê bình; thực hiện chế độ thông tin báo cáo, chế độ kiểm tra công tác đối với cấp dưới.
Điều 4. Chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
1. Thực hiện nghiêm túc 5 lời thề danh dự, 10 điều kỷ luật Công an nhân dân Việt Nam; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của lực lượng Công an nhân dân và của địa phương nơi cư trú.
2. Chấp hành nghiêm chỉnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, chương trình, kế hoạch công tác; thực hiện đúng quy chế, quy trình làm việc, điều lệnh Công an nhân dân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
3. Tích cực học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tin học; rèn luyện thể lực, tác phong công tác, kỹ năng sử dụng các loại phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ và kỹ thuật, chiến thuật quân sự, võ thuật.
4. Giữ gìn đoàn kết nội bộ, nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, trung thực, thẳng thắn, thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
5. Đề cao cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn tội phạm; bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước và của ngành Công an.
6. Nêu cao ý thức trách nhiệm vì nhân dân phục vụ, tôn trọng, lễ phép với nhân dân, bảo vệ, giúp đỡ và lắng nghe ý kiến của nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
7. Nêu cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị trong quan hệ hợp tác quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Điều 5. Các mối quan hệ trong Công an nhân dân
1. Quan hệ giữa cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân là quan hệ đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, tôn trọng, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.
2. Quan hệ giữa cấp ủy đảng với thủ trưởng công an cùng cấp là mối quan hệ lãnh đạo và phục tùng. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thực hiện đúng quy chế hoạt động của cấp ủy đảng cùng cấp.
3. Quan hệ giữa thủ thủ trưởng với các phó thủ trưởng là quan hệ giữa người chỉ huy cao nhất của đơn vị với cấp phó giúp việc. Khi thủ trưởng đi vắng, thì chỉ định một phó thủ trưởng thay mình. Phó thủ trưởng được chỉ định phải chấp hành nghiêm túc phân công, báo cáo kết quả công tác và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng.
4. Quan hệ giữa các phó thủ trưởng là quan hệ bình đẳng, ngang chức, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ để hoàn thành nhiệm vụ. Khi giải quyết công việc có liên quan đến phạm vi phụ trách của phó thủ trưởng khác, thì phải chủ động trao đổi ý kiến với phó thủ trưởng phụ trách việc có liên quan, trường hợp không thống nhất ý kiến thì báo cáo thủ trưởng quyết định.
5. Quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền là quan hệ chỉ huy và phục tùng. Cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp trên trong khi thi hành nhiệm vụ. Cấp trên phải tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cấp dưới; phải gương mẫu trong công tác và tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống để cấp dưới học tập.
6. Do yêu cầu công tác, chiến đấu cùng thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo cấp trên phải chỉ định người chỉ huy; trường hợp cấp trên chưa chỉ định người chỉ huy, thì người có chức vụ cao hơn là cấp trên; nếu cùng chức vụ hoặc không giữ chức vụ, thì người có cấp bậc cao hơn là cấp trên.
7.[2] Quan hệ của thủ trưởng đơn vị, chính ủy, chính trị viên với cấp ủy, thủ trưởng, chính ủy, chính trị viên và các cấp phó của cấp trên là quan hệ giữa cấp dưới với cấp trên. Quan hệ của thủ trưởng đơn vị, chính ủy, chính trị viên với cấp ủy cùng cấp là quan hệ giữa phục tùng sự lãnh đạo và lãnh đạo. Quan hệ giữa thủ trưởng đơn vị với chính ủy, chính trị viên cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác. Quan hệ của thủ trưởng đơn vị, chính ủy, chính trị viên với cấp phó cùng cấp là quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới; phó thủ trưởng, phó chính ủy, phó chính trị viên đảm nhiệm một số mặt công tác do thủ trưởng đơn vị và chính ủy, chính trị viên phân công.
Điều 6. Quan hệ với các tổ chức, công dân ngoài lực lượng Công an nhân dân
1. Khi quan hệ với các tổ chức, công dân ngoài lực lượng Công an nhân dân, cán bộ, chiến sĩ công an phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, của cơ quan, đơn vị nơi mình đến quan hệ công tác; giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; không làm điều gì ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của lực lượng Công an nhân dân.
2. Khi làm nhiệm vụ, quan hệ tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ Công an và quy chế ngoại giao; phải tôn trọng pháp luật, phong tục, tập quán của nước sở tại; không làm điều gì tổn hại đến danh dự của Tổ quốc và lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, CÔNG TÁC, CHIẾN ĐẤU, HỘI HỌP, HUẤN LUYỆN, HỌC TẬP, BẢO MẬT, NGHỈ NGƠI
Cấp trên ra chỉ thị, mệnh lệnh phải qua từng cấp, từ trên xuống dưới theo hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân; khi cần thiết có thể ra chỉ thị, mệnh lệnh trực tiếp không qua thủ trưởng quản lý cán bộ, chiến sĩ; chỉ thị, mệnh lệnh phải rõ ràng, cụ thể và phải được đôn đốc, kiểm tra thi hành. Khi người thi hành chỉ thị, mệnh lệnh có ý kiến đề đạt, thì người ra chỉ thị, mệnh lệnh phải nghiên cứu xem xét; nếu thấy chưa đúng, thì phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Điều 8. Thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh
1. Cấp dưới phải thực hiện nghiêm túc chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, chủ động, sáng tạo; nếu chưa rõ chỉ thị, mệnh lệnh, thì phải hỏi lại; nếu thấy không phù hợp, thì đề đạt ý kiến với người ra chỉ thị, mệnh lệnh; nếu người ra chỉ thị, mệnh lệnh chưa thay đổi ý kiến, thì vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Người nhận chỉ thị, mệnh lệnh trực tiếp của cấp trên phải thi hành ngay, đồng thời phải báo cáo với thủ trưởng trực tiếp của mình biết nội dung công việc cấp trên giao (trừ trường hợp cấp trên ra chỉ thị, mệnh lệnh yêu cầu không báo cáo nội dung với thủ trưởng trực tiếp).
3. Cấp dưới thực hiện xong chỉ thị, mệnh lệnh phải báo cáo chính xác, đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện với người ra chỉ thị, mệnh lệnh.
Điều 9. Chương trình, kế hoạch công tác
1. Các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tuần, tháng, quý, sáu tháng, một năm do thủ trưởng trực tiếp phụ trách duyệt. Chương trình, kế hoạch công tác phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện. Các công tác lớn, các chuyên đề, những công tác dài hạn của đơn vị thì sáu tháng, một năm phải được tổ chức sơ kết và tổng kết rút kinh nghiệm.
2. Cán bộ, chiến sĩ khi đi công tác hoặc thực hiện yêu cầu nghiệp vụ phải xây dựng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phải xin ý kiến chỉ đạo; sau khi thực hiện xong phải báo cáo kết quả.
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải có mặt tại nơi làm việc trước năm phút và nghỉ đúng giờ quy định; nếu vắng mặt, phải báo cáo rõ lý do cho thủ trưởng đơn vị hoặc người phụ trách biết; trong khi làm việc phải chấp hành nghiêm túc nội quy của đơn vị, không gây mất trật tự ảnh hưởng đến công việc của người khác.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành đúng quy trình, chế độ công tác theo quy định của Nhà nước và của Bộ Công an.
Trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải kiên quyết bảo vệ đồng đội, vũ khí, phương tiện chiến đấu, phương tiện nghiệp vụ, hồ sơ, tài liệu; giữ vững khí tiết của người Công an cách mạng.
Điều 12. Kỷ luật trong tình huống đột xuất, bất ngờ
Khi gặp tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ có nguy hại đến an ninh, trật tự, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải tham gia giải quyết và tìm mọi cách ngăn chặn hậu quả xảy ra, đồng thời báo ngay cho đơn vị Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để giải quyết.
Điều 13. Kỷ luật khi công tác biệt phái, xã hội hóa
Khi công tác biệt phái, xã hội hóa, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ công tác do Bộ Công an quy định; luôn giữ gìn phẩm chất, tư cách người công an cách mạng.
Điều 14. Kỷ luật khi huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, thể thao
1. Người chỉ huy huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, thể thao trong Công an nhân dân phải kiểm tra quân số, tư thế, lễ tiết, tác phong, vũ khí, trang bị, phương tiện của cán bộ, chiến sĩ; phổ biến nội quy kỷ luật nơi luyện tập và nội dung tập luyện; huấn luyện theo chương trình, giáo án đã được duyệt; nhận xét, đánh giá kết quả luyện tập khi kết thúc buổi tập.
2. Cán bộ, chiến sĩ tham gia huấn luyện phải chấp hành nghiêm nội quy kỷ luật nơi luyện tập, thao trường và mệnh lệnh của người chỉ huy.
Điều 15. Kỷ luật khi hội họp, buổi lễ, học tập
1. Các đơn vị Công an nhân dân khi tổ chức họp, buổi lễ, học tập phải phân công người chủ trì; cử người ghi biên bản trong các cuộc họp; tùy theo tính chất, nội dung của cuộc họp, buổi lễ, học tập, ban tổ chức hoặc người chủ trì quyết định việc phân công cán bộ trực ban.
2. Người chủ trì phải chuẩn bị nội dung và thông báo trước để người dự họp chuẩn bị tài liệu và ý kiến phát biểu (trừ trường hợp đột xuất hoặc để đảm bảo yêu cầu bí mật); phải lắng nghe các ý kiến phát biểu và có kết luận rõ ràng, cụ thể.
3. Người dự hội họp, buổi lễ, học tập phải đi đúng thành phần và đến trước giờ quy định năm phút; người đi dự thay phải được cấp triệu tập đồng ý, đến chậm phải báo cáo người chủ trì; nếu đi thành đoàn phải cử trưởng đoàn; phải chấp hành đúng nội quy và các quy định của ban tổ chức hoặc người chủ trì; ghi chép đầy đủ nội dung cuộc họp (trừ trường hợp người chủ trì yêu cầu không ghi chép); chú ý nghe các ý kiến phát biểu; không làm việc riêng, không làm mất trật tự hoặc tự ý ra ngoài; muốn phát biểu hoặc cần thiết ra ngoài phải được sự đồng ý của người chủ trì; nắm vững nội dung và kết luận của người chủ trì; rời khỏi nơi hội họp, buổi lễ, học tập sau khi người chủ trì tuyên bố kết thúc, lãnh đạo cấp trên ra về.
Các đơn vị Công an nhân dân phải tổ chức ban định kỳ để đánh giá kết quả những việc đã làm được, những việc còn tồn tại, đồng thời đề ra chương trình, kế hoạch công tác trong thời gian tới và biện pháp thực hiện; nội dung phải ngắn gọn, thiết thực, cụ thể.
1. Công an phường, thị trấn, đồn, đội, trạm và đơn vị tương đương tổ chức giao ban hằng ngày.
2. Công an quận, huyện, phòng, ban và đơn vị tương đương tổ chức giao ban hằng tuần.
3. Bộ Công an, các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Viện, Học viện, trường Công an nhân dân và đơn vị tương đương; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hộ tổ chức giao ban hằng tháng.
4. Căn cứ tình hình và tính chất công tác, thủ trưởng đơn vị quyết định tổ chức giao ban đột xuất, giao ban chuyên đề, giao ban theo cụm công tác, rút ngắn hoặc kéo dài định kỳ các buổi giao ban.
Điều 17. Trực chỉ huy, trực ban, thường trực chiến đấu
1. Các đơn vị Công an nhân dân phải tổ chức nghiêm túc chế độ trực chỉ huy, trực ban, đảm bảo quân số thường trực chiến đấu theo quy định của Bộ Công an.
2. Cán bộ trực chỉ huy phải nắm vững tình hình mọi mặt của đơn vị để xử lý và giải quyết các công việc theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
3. Cán bộ trực ban khi làm nhiệm vụ phải giúp thủ trưởng đơn vị nắm vững quân số, vũ khí, trang bị phương tiện; đề xuất xử lý và giải quyết các yêu cầu công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng, hậu cần kỹ thuật; phải đeo băng trực ban; có sổ ghi chép và phương tiện cần thiết phục vụ công tác.
4. Cán bộ, chiến sĩ thường trực chiến đấu phải có mặt tại đơn vị, sẵn sàng giải quyết công việc khi có yêu cầu.
Điều 18. Chế độ thông tin báo cáo
Công an các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo theo quy định của Bộ. Nội dung thông tin báo cáo phải trung thực, khách quan, đầy đủ, chính xác và kịp thời.
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an; khi phát hiện có dấu hiệu lộ, lọt bí mật phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
2. Cán bộ, chiến sĩ không được tự ý tìm hiểu công việc của người khác; không tự tiện xem tài liệu hoặc vào nơi mà mình không có phân sự; không được cung cấp, phát ngôn, sử dụng trái phép thông tin bí mật.
Các đơn vị Công an nhân dân phải đảm bảo chế độ nghỉ ngơi cho cán bộ, chiến sĩ theo quy định. Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ để quyết định nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ. Cán bộ, chiến sĩ khi nghỉ ngơi phải thực hiện đúng thời gian và nơi nghỉ đã đăng ký với đơn vị; khi lãnh đạo đơn vị yêu cầu nhiệm vụ phải có mặt kịp thời.
QUẢN LÝ TÀI LIỆU, VŨ KHÍ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ, VẬT CHỨNG, PHƯƠNG TIỆN NGHIỆP VỤ, TÀI CHÍNH, TÀI SẢN
1. Tài liệu phải được phân loại, quản lý, sử dụng theo đúng quy định bảo mật.
2. Hết giờ làm việc, hồ sơ, tài liệu phải sắp xếp gọn gàng và bảo quản theo chế độ quy định.
3. Cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân làm việc ngoài giờ tại cơ quan, đơn vị hoặc mang theo tài liệu nghiệp vụ khi đi công tác phải được sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị và có trách nhiệm bảo vệ an toàn.
Điều 22. Quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được giao quản lý và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
2. Vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ khác phải được quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn; có giấy phép sử dụng và sổ theo dõi; phân công cán bộ quản lý, ghi chép giao nhận và được tổ chức bảo dưỡng theo quy định, đảm bảo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.
Điều 23. Thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ và các giấy tờ công tác
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trước khi nghỉ hưu, chuyển sang lực lượng khác trong Công an nhân dân phải trả cho đơn vị: Vũ khí, công vụ hỗ trợ và các phương tiện nghiệp vụ, hồ sơ, tài liệu, giấy tờ về điều tra hình sự, thanh tra, kiểm tra đặc biệt, kiểm tra điều lệnh, tuần tra kiểm soát giao thông … do lực lượng Công an cấp.
2. Đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ khi chuyển Ngành, xuất ngũ hoặc bị tước danh hiệu Công an nhân dân có trách nhiệm thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ, các phương tiện nghiệp vụ, hồ sơ, tài liệu, giấy chứng minh Công an nhân dân và các loại giấy tờ khác được cấp.
Điều 24. Quản lý vật chứng, phương tiện và đồ vật tạm giữ
Vật chứng, phương tiện và đồ vật tạm giữ khi vi phạm hành chính về an ninh, trật tự phải được quản lý theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Điều 25. Quản lý tài chính, tài sản, phương tiện
Các đơn vị Công an nhân dân phải có kế hoạch, biện pháp quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và tiết kiệm tài chính, tài sản, phương tiện theo quy định của Nhà nước và Bộ Công an. Nghiêm cấm các đơn vị lập quỹ trái phép, chỉ tiêu lãng phí, sử dụng tiền công quỹ, nhà đất hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức để thu lợi bất chính.
SỬ DỤNG TRANG PHỤC CÔNG AN NHÂN DÂN
Điều 26. Trang phục Công an nhân dân
1. Trang phục Công an nhân dân gồm:
a) Lễ phục xuân hè, lễ phục thu đông;
b) Trang phục thường dùng xuân hè, trang phục thường dùng thu đông;
c) Trang phục chuyên dùng.
2.[3] Trang phục Công an nhân dân phải sử dụng đúng mục đích theo quy định. Cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân phải đồng bộ, thống nhất, gọn gàng, sạch sẽ, là phẳng, cài đủ cúc, khóa; đeo cành tùng đơn, cấp hiệu, phù hiệu, ký hiệu, dây lưng, cravát (đối với trang phục thu đông), đi giầy, tất do Bộ Công an cấp. Số hiệu Công an nhân dân đeo chính giữa phía trên nắp túi áo ngực bên phải, cạnh dưới của số hiệu cách gáy mép túi áo ngực phải 3mm (đối với áo thu đông, xuân hè nam); đeo chính giữa áo ngực bên phải, lấy ngang bằng cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với áo thu đông, xuân hè nữ). Cán bộ, chiến sĩ nam mặc trang phục xuân hè áo kiểu sơ mi để áo trong quần, áo kiểu bludông để áo ngoài quần; khi mặc trang phục không đeo khăn che mặt, găng tay, khẩu trang (trừ trường hợp được trang cấp để làm nhiệm vụ), không đeo đồ trang sức gây phản cảm hoặc trái với với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
3. Nghiêm cấm các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ sản xuất, tàng trữ, mua bán và sử dụng trang phục Công an nhân dân trái phép; cấm viết, vẽ lên trang phục; sửa chữa, thay đổi quy cách, kiểu dáng, màu sắc và chất liệu của trang phục; sử dụng trang phục sai mục đích.
Điều 27. Mặc lễ phục Công an nhân dân
1. Cán bộ, chiến sĩ mặc lễ phục Công an nhân dân (sau đây gọi tắt là lễ phục) trong các trường hợp sau:
a) Dự Đại hội Đảng các cấp; dự Đại hội các tổ chức chính trị, xã hội;
b) Dự buổi khai mạc và bế mạc các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp;
c) Dự lễ đón tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và khách quốc tế;
d)[4] Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hoặc cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, nhận Huy hiệu Đảng mặc lễ phục thu đông Công an nhân dân tại buổi lễ đón nhận;
đ) Cán bộ, chiến sĩ được thăng cấp bậc hàm, vinh danh học hàm, học vị khoa học tại buổi lễ đón nhận;
e) Dự lễ mít tinh kỷ niệm do các đơn vị, địa phương trong và ngoài lực lượng Công an tổ chức;
g) Dự Đại hội thi đua toàn quốc, Đại hội thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân và Hội nghị điển hình tiên tiến Công an các đơn vị, địa phương;
h) Dự lễ tang cấp Nhà nước.
2. Mặc lễ phục trong các trường hợp khác do trưởng ban tổ chức hoặc thủ trưởng đơn vị quyết định.
3.[5] Cán bộ, chiến sĩ khi mặc lễ phục Công an nhân dân phải đeo huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự nhà nước (nếu có); huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự nhà nước đeo ở ngực áo bên trái, theo thứ tự từ phải qua trái, hạng bậc cao bên trên, hạng bậc thấp bên dưới; đeo đầy đủ cuống, dải và thân huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự nhà nước khi dự lễ do Nhà nước tổ chức, dự Đại hội thi đua, hội nghị điển hình tiên tiến, gặp mặt truyền thống; đeo cuống huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, danh hiệu vinh dự nhà nước khi mặc lễ phục trong các trường hợp khác; đeo Huy hiệu Đảng (nếu có) khi tham gia Đại hội Đảng các cấp; phải đeo số hiệu Công an nhân dân.
Điều 28. Mặc trang phục thường dùng
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ, hội họp, học tập phải mặc trang phục thường dùng do Bộ Công an cấp phát.
2. Cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục thường dùng được đeo phù hiệu kết hợp với cấp hiệu, đội mũ cứng hoặc đội mũ mềm, đi dép có quai sau hoặc đi giày vải trong các trường hợp:
a) Trên đường đi công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng sông nước và trong mưa, bão;
b) Khi canh gác, dẫn giải và hướng dẫn phạm nhân, trại viên, học sinh ở các trường giáo dưỡng đi lao động sản xuất;
c) Các trường hợp khác theo quy định của Bộ Công an.
Điều 29. Mặc trang phục chuyên dùng
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mặc trang phục chuyên dùng trong các trường hợp sau:
1. Khi chiến đấu, luyện tập, diễn tập, phòng chống thiên tai: Mặc trang phục theo quy định của từng lực lượng, đeo phù hiệu kết hợp với cấp hiệu, đội mũ cứng, mũ mềm, mũ sắt, mũ bảo hiểm, mũ hoặc mặt nạ phòng độc do Bộ Công an trang bị, phù hợp với yêu cầu chiến đấu, luyện tập.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ của đội danh dự, nhạc lễ, tiêu binh, hộ tống danh dự Nhà nước: Mặc trang phục chuyên dùng, đeo dây chéo, dây chiến thắng … khác theo quy định của Bộ Công an.
3. Khi làm nhiệm vụ có tính đặc thù (khám chữa bệnh có phòng chống dịch bệnh, giám định, khám nghiệm hiện trường, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn …): Mặc trang phục chuyên dùng (áo bơlu, trang phục bảo hộ …), đeo khẩu trang, găng tay … phù hợp với tính chất công tác.
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đội mũ kê pi khi mặc trang phục trong các trường hợp:
a) Làm việc, học tập, huấn luyện hoặc dự lễ ở ngoài trời;
b) Trao và nhận huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng khác;
c) Trực ban hội nghị, hội thi, hội thao, buổi lễ; dự lễ tang.
2. Đội ngũ cứng khi mặc trang phục trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 28 và Khoản 1, Điều 29 Thông tư này.
3. Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy theo quy định của Chính phủ và Bộ Công an.
4. Cán bộ, chiến sĩ khi mặc trang phục, nếu đội mũ phải đội ngay ngắn, cài quai khi có yêu cầu.
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mặc trang phục đeo dây chéo trong các trường hợp sau (trừ trường hợp mặc áo xuân hè kiểu bludong):
a) Trực tiếp làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng;
b) Tuần tra, kiểm soát, canh gác, bảo vệ mục tiêu;
c) Dẫn giải phạm nhân, trại viên, bị can, bị cáo;
d) Mặc trang phục chuyên dùng khi làm nhiệm vụ trong đội danh dự, nhạc lễ, tiêu binh, hộ tống danh dự và trong các trường hợp khác theo quy định của Bộ Công an.
2. Dây chéo được đeo từ sườn sau bên phải vòng qua vai phải sang sườn trước bên trái.
Điều 32. Sử dụng băng công tác
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân sử dụng băng trực ban, băng kiểm tra điều lệnh, băng công tác khác đeo ở cánh tay trên của tay trái; mặt chữ hướng ra ngoài.
2. Băng tang chỉ đeo trên trang phục khi dự lễ tang.
Điều 33. Thời gian mặc trang phục
1. Thời gian mặc lễ phục và trang phục thường dùng:
a) Cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương: Từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra mặc lễ phục và trang phục thường dùng theo mùa, mặc trang phục xuân hè từ ngày 01 tháng 4 đến hết ngày 31 tháng 10 hàng năm, mặc trang phục thu đông từ ngày 01 tháng 11 năm trước đến hết ngày 31 tháng 3 năm sau; từ thành phố Đà Nẵng trở vào mặc lễ phục và trang phục thường dùng xuân hè.
b) Trong thời gian giao mùa giữa mùa hè và mùa đông hoặc những địa phương có thời tiết trong ngày khác nhau, căn cứ vào dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng thủy văn, nếu nhiệt độ trong ngày dưới 200C thì cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục thu đông, nếu nhiệt độ từ 200C trở lên thì mặc trang phục xuân hè; khi sinh hoạt tập trung phải mặc trang phục thống nhất do thủ trưởng đơn vị quyết định.
c) Việc mặc lễ phục thu đông không theo mùa và không theo nhiệt độ ngoài trời do ban tổ chức hoặc thủ trưởng đơn vị tổ chức buổi lễ quyết định.
2. Thời gian mặc trang phục chuyên dùng: Theo yêu cầu công tác và do thủ trưởng đơn vị quyết định.
Điều 34. Thay đổi trang phục, thu hồi trang phục
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi chuyển sang lực lượng khác trong Công an nhân dân được đổi trang phục cho phù hợp.
2.[6] Cán bộ, chiến sĩ nghỉ hưu, chuyển ngành, xuất ngũ được giữ lại trang phục Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an và có thể sử dụng trong các trường hợp: khi dự gặp mặt, lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống Công an nhân dân, ngày truyền thống hoặc ngày thành lập của Công an đơn vị, địa phương; gặp mặt nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.
3.[7] Đơn vị quản lý trực tiếp có trách nhiệm thu hồi các loại trang phục, Công an hiệu, cấp hiệu, số hiệu, phù hiệu, cành tùng đơn, mũ kê pi đã cấp đối với cán bộ, chiến sĩ khi bị tước danh hiệu Công an nhân dân.
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân sau đây khi làm nhiệm vụ được mặc thường phục:
a) Do yêu cầu công tác hoặc cần xã hội hóa phải được thủ trưởng cấp Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quyết định;
b) Cán bộ, chiến sĩ tạm tuyển;
c) Công nhân, viên chức Công an;
d) Cán bộ, chiến sĩ nữ khi mang thai từ tháng thứ 3 đến khi sinh con được 6 tháng tuổi;
đ) Cán bộ, chiến sĩ chưa được cấp trang phục Công an.
2. Mặc thường phục phải lịch sự, gọn gàng theo quy định của Chính phủ về trang phục đối với công chức, viên chức Nhà nước.
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi gặp nhau phải chào; cấp dưới phải chào cấp trên trước; cùng chức vụ thì người nào có cấp bậc thấp hơn phải chào trước; ngang chức, ngang cấp thì người nào tuổi đời thấp hơn hoặc nhìn thấy trước phải chào trước; người được chào phải chào lại; khi mặc trang phục có đội mũ hoặc không đội mũ phải chào bằng động tác theo điều lệnh đội ngũ hoặc chào bằng lời, hoặc kết hợp chào bằng động tác và bằng lời; thường xuyên gặp nhau trong ngày thì lần đầu chào bằng động tác, lần sau chào bằng lời; mặc thường phục chỉ chào bằng lời.
2. Cán bộ, chiến sĩ khi mặc trang phục phải chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời trong các trường hợp sau:
a)[8] Chào bằng động tác:
- Khi gặp Quốc kỳ, Công an kỳ hoặc Quân kỳ trong đội ngũ (trừ trường hợp đang chỉ huy, hướng dẫn giao thông hoặc không thể chào bằng động tác). Trường hợp khi có Quốc kỳ, Công an kỳ, Quân kỳ, kể cả Quốc kỳ của nước bạn và các khối duyệt đội ngũ, duyệt binh, diễu binh, diễu hành đi qua lễ đài chào thì tất cả đại biểu dự trên lễ đài đứng nghiêm, cán bộ, chiến sĩ mặc trang phục Công an nhân dân đứng ở hàng ngang thứ nhất thực hiện động tác chào; thời gian thực hiện động tác chào từ khi Quốc kỳ, Công an kỳ, Quân kỳ, các khối đi đến trước lễ đài và khi đi qua lễ đài thì thôi chào;
- Trước khi nhận phần thưởng cấp trên trao;
- Khi gặp linh cữu có đơn vị công an, quân đội đi đưa;
- Mặc niệm khi dự lễ tang, tưởng niệm khi dự lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các lãnh tụ, các liệt sĩ;
- Trước và sau khi thực hiện việc tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; trước và sau khi phát biểu lần đầu trong hội nghị, hội thi, hội thao, buổi lễ; trước và sau khi dẫn chương trình các buổi sinh hoạt, hoạt động văn hóa, văn nghệ; vị trí chào tại nơi đứng phát biểu;
- Khi được giới thiệu là đại biểu đến dự trong các hội nghị, hội thi, hội thao, buổi lễ, sinh hoạt, học tập:
+ Người được giới thiệu ngồi ở vị trí trên lễ đài đứng dậy hướng về các đại biểu thực hiện động tác chào;
+ Người được giới thiệu ngồi ở vị trí phía trước dưới lễ đài đứng dậy thực hiện động tác chào đại biểu trên lễ đài (nếu có) và quay đằng sau thực hiện động tác chào các đại biểu phía dưới lễ đài. Trường hợp không thể thực hiện động tác quay sau thì quay về phía có số đông đại biểu thực hiện động tác chào.
b) Chào bằng động tác hoặc kết hợp chào bằng lời:
- Gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội;
- Gặp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, các đồng chí trong lực lượng Quân đội nhân dân đến thăm, làm việc;
- Gặp để giải quyết công việc với nhân dân, với người nước ngoài.
c) Chào trong các trường hợp khác theo quy định khi thực hiện nghi lễ Công an nhân dân.
3.[9] Cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ tại các mục tiêu bảo vệ phải thực hiện động tác chào lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và khách đến thăm, làm việc với đơn vị khi đi qua mục tiêu bảo vệ; chào bằng động tác hoặc đứng nghiêm treo súng tiểu liên được trang bị chào.
4. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, nếu chào bằng động tác theo quy định của điều lệnh đội ngũ ảnh hưởng đến công việc hoặc không thể chào được bằng động tác thì chào bằng lời; nếu cần giữ bí mật thì không phải chào.
1. Chào báo cáo là hình thức kết hợp động tác chào với nội dung báo cáo; trong khi báo cáo vẫn giữ nguyên động tác chào.
2. Chào báo cáo trong các trường hợp:
a) Trực ban làm nhiệm vụ trong các hội nghị, hội thi, hội thao, buổi lễ, hội họp, học tập;
b) Đội trưởng đội danh dự chào báo cáo trưởng đoàn khách trong nước hoặc khách quốc tế trong lễ đón tiếp;
c) Chào báo cáo khi có đoàn kiểm tra hoặc cấp trên đến thăm, làm việc với đơn vị;
- Khi đơn vị đang đứng thành hàng ngũ, đồng chí chỉ huy hoặc trực ban đơn vị chỉnh đốn đội hình, chào báo cáo cấp trên hoặc trưởng đoàn theo điều lệnh đội ngũ;
- Nếu đơn vị không đứng thành hàng ngũ, đồng chí chỉ huy hoặc trực ban đơn vị hô “nghiêm”, chào báo cáo cấp trên. Trường hợp chỉ huy hoặc trực ban đơn vị chưa nhìn thấy cấp trên, thì đồng chí nào thấy cấp trên trước phải báo cáo cho chỉ huy đơn vị biết;
- Khi đơn vị đang làm việc, hội họp, học tập hoặc sinh hoạt tập trung thì chỉ huy hay trực ban đơn vị hô “nghiêm” (nếu cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang đứng) hoặc hô “đơn vị chú ý”, “đứng dậy” (nếu cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang ngồi), “nghiêm”, sau đó chào báo cáo cấp trên theo điều lệnh đội ngũ;
- Trước khi cấp trên ra về, chỉ huy hay trực ban đơn vị hô “nghiêm” (nếu cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang đứng) ) hoặc hô “đơn vị đứng dậy” (nếu cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang ngồi), “nghiêm”, chờ cấp trên ra về rồi mới cho đơn vị tiếp tục làm việc hoặc giải tán.
3. Người chào và người nhận báo cáo
a) Người chào báo cáo, tùy từng trường hợp cụ thể có thể là lãnh đạo, người chủ trì, trực ban đơn vị hoặc đội trưởng đội danh dự;
b) Người nhận báo cáo là người chủ trì hội nghị, buổi lễ; trưởng đoàn khách đến thăm, kiểm tra đơn vị;
c) Trường hợp trong hội nghị, buổi lễ nếu có lãnh đạo cấp trên đến dự, thì người chủ trì hoặc thủ trưởng đơn vị xin ý kiến quyết định của các đồng chí lãnh đạo đến dự về người nhận báo cáo.
Điều 38. Xưng hô khi giao tiếp
1. Xưng hô khi giao tiếp trong lực lượng Công an nhân dân
a) Khi làm việc, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể, cán bộ, chiến sĩ xưng hô với nhau bằng “đồng chí” và “tôi”, sau tiếng “đồng chí” có thể gọi cấp bậc, họ tên, chức vụ của người mình tiếp xúc; đối với cấp trên có thể gọi là “thủ trưởng”. Trong các học viện, nhà trường Công an nhân dân, ngoài việc xưng hô như trên, giáo viên, học sinh, sinh viên có thể xưng hô bằng “thầy”, “cô” và “em”;
b) Ngoài giờ làm việc, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể, cán bộ, chiến sĩ xưng hô với nhau sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam;
c) Khi nghe gọi tên mình thì trả lời “có”, nhận lệnh hoặc trao đổi xong công việc thì trả lời “rõ”, chưa rõ phải hỏi lại.
2. Xưng hô khi giao tiếp với người ngoài lực lượng Công an nhân dân
a) Khi làm việc và quan hệ công tác với cán bộ và nhân dân:
Tùy từng trường hợp cụ thể để gọi bằng “đồng chí” và xưng “tôi”; hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
b) Khi giao tiếp với người nước ngoài:
Tùy theo quan hệ ngoại giao của Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế khách đến thăm để gọi là “đồng chí” hoặc “ngài”, “ông”, “bà”, “vương hiệu”, “tước hiệu” và xưng “tôi” cho phù hợp.
c) Khi giao tiếp với người vi phạm pháp luật:
- Đối với phạm nhân, trại viên gọi là “anh”, “chị” và xưng “tôi”;
- Các trường hợp khác, tùy theo lứa tuổi, xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Điều 39. Ứng xử khi giao tiếp trong lực lượng Công an nhân dân
1. Khi giao tiếp, ứng xử phải thể hiện văn minh, lịch sự, xưng hô theo quy định của điều lệnh, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong.
2. Trước khi vào phòng làm việc của người khác phải gõ cửa, được sự đồng ý mới vào. Cấp dưới xin gặp cấp trên phải nêu rõ lý do, cấp trên đồng ý mới được gặp; khi gặp không mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ; khi tiếp xúc với cấp trên, cấp dưới không tự động bắt tay trước hoặc tự ý kéo ghế ngồi; phải chào cấp trên trước khi ra về.
3. Khi gặp cấp dưới, cấp trên phải tỏ thái độ ân cần, lắng nghe để xem xét, giải quyết những đề nghị chính đáng của cấp dưới.
Điều 40. Ứng xử khi giao tiếp với nhân dân
1. Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của Ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân.
2. Khi ăn ở, sinh hoạt tại nhà dân, phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; tôn trọng nếp sống của gia đình, phong tục tập quán của địa phương và làm tốt công tác dân vận.
3. Khi sinh hoạt ở gia đình, nơi cư trú và những nơi khác, phải gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; đoàn kết với nhân dân nơi cư trú; trong quan hệ gia đình phải hiếu thảo, bình đẳng, hòa thuận, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Điều 41. Ứng xử khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật
Khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.
Điều 42. Ứng xử khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin
1. Khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giới thiệu tên và đơn vị của mình; ngôn ngữ giao tiếp phải đúng mực, lịch sự, rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, không dùng từ “lóng”.
2. Nội dung trao đổi ngắn gọn, tập trung vào công việc; không tiện trả lời thì nói lời xin lỗi, không đột ngột ngắt cuộc trao đổi; phải giữ bí mật khi trao đổi với người không có trách nhiệm; kết thúc cuộc trao đổi bằng lời chào hoặc cảm ơn.
Điều 43. Những điều cấm đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân
1. Không đeo kính màu đen khi trực tiếp giải quyết công việc với người khác; không đút tay vào túi quần hoặc túi áo khi làm nhiệm vụ.
2. Không nhuộm tóc khác màu đen; móng tay, móng chân không để dài và không sơn màu. Cán bộ, chiến sĩ nam không để tóc dài trùm tai, trùm gáy hay cắt tóc quá ngắn; không để râu, ria ở cằm, ở cổ và trên mặt. Cán bộ, chiến sĩ nữ tóc phải gọn gàng.
3. Không ăn, uống ở hàng quán vỉa hè; không uống rượu, bia và và các chất có cồn trong giờ làm việc và tại trụ sở cơ quan (trừ trường hợp được phép của thủ trưởng cấp Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trở lên); không sử dụng chất gây nghiện trái phép; không uống rượu, bia say trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi; không hút thuốc khi làm nhiệm vụ và ở những nơi có quy định cấm.
4. Nghiêm cấm đánh bạc dưới mọi hình thức; không mê tín, bói toán, lập bàn thờ, để bát hương, thắp hương trong hội trường, phòng làm việc, phòng ở, nhà kho, nhà ăn tập thể, nơi để hồ sơ tài liệu thuộc phạm vi trụ sở đơn vị Công an (trừ khi tổ chức lễ tang).
Điều 44. Nội vụ, vệ sinh trụ sở cơ quan, doanh trại
1. Trụ sở cơ quan, đơn vị Công an phải treo Quốc kỳ theo quy định của Chính phủ, có biển hiệu theo quy định của Bộ Công an; có nội quy bảo vệ cơ quan; tổ chức trực ban, bảo vệ, canh gác thường xuyên, đảm bảo an toàn trong mọi trường hợp. Xe ôtô, xe máy, xe đạp và các phương tiện khác phải để đúng nơi quy định. Ra vào cổng trụ sở cơ quan, doanh trại phải xuất trình giấy tờ khi có yêu cầu; khi đi xe máy, xe đạp phải xuống xe. Cấm đưa người không có phận sự vào trụ sở, doanh trại, nơi làm việc khi chưa được phép của thủ trưởng đơn vị.
2. Hội trường, phòng họp phải được trang bị các phương tiện và trang trí khánh tiến; bàn ghế, tủ tài liệu phải được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, thống nhất, vệ sinh sạch sẽ; phòng làm việc của các đơn vị phải treo biển hiệu; bàn làm việc của lãnh đạo chỉ huy và cán bộ trực ban, trực giải quyết công việc với nhân dân phải có biển chức danh; nơi trực ban, tiếp dân phải được trang bị, trang trí theo quy định của Bộ Công an.
3. Nơi làm việc với các đối tượng vi phạm pháp luật và những người có liên quan phải bố trí riêng.
Điều 45. Nội vụ, vệ sinh nơi ăn, ngủ, nghỉ của cán bộ, chiến sĩ
1. Nơi ngủ, nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ.
2. Nhà ăn, nhà bếp phải có nội quy và thực hiện công khai tài chính; thường xuyên đảm bảo trật tự, ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát; phải bảo quản tốt lương thực, thực phẩm, có tủ lưu nghiệm thức ăn hàng ngày. Thủ trưởng đơn vị, y tế cơ quan phải thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chế độ, tiêu chuẩn, định mức ăn của cán bộ, chiến sĩ. Cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành đúng nội quy nhà ăn, khi ăn phải mặc quần dài, áo có tay, đi giày hoặc dép.
3. Cán bộ, chiến sĩ trong các doanh trại tập trung, học sinh, sinh viên các học viện, trường Công an nhân dân phải ăn, nghỉ, sinh hoạt tại nhà tập thể của đơn vị theo quy định; trường hợp đặc biệt, muốn ăn, nghỉ ngoài doanh trại, đơn vị phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
Điều 46. Nội vụ, vệ sinh nơi sinh hoạt văn hóa, tập luyện quân sự, võ thuật, thể dục thể thao
1. Nơi sinh hoạt văn hóa, tập luyện quân sự, võ thuật, thể dục thể thao gồm: Nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc, bảo tàng, phòng truyền thống, cơ sở tập luyện, thi đấu quân sự, võ thuật, thể dục thể thao; có quy chế hoạt động, biển hiệu, được trang bị những phương tiện cần thiết, đảm bảo an toàn, sắp xếp trật tự nội vụ thống nhất, vệ sinh sạch sẽ.
2. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi tham gia hoạt động tại các cơ sở văn hóa, nơi tập luyện quân sự, võ thuật, thể dục thể thao phải chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế của đơn vị, nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ phương tiện, tài sản, thể hiện văn minh, lịch sự.
Điều 47. Nội vụ, vệ sinh nơi tiếp khách
1. Phòng tiếp khách của Công an các đơn vị, địa phương phải được trang bị, trang trí trang trọng.
2. Khách đến thăm, làm việc, phải được đón tiếp chu đáo
a) Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào thành phần, nội dung công việc để tổ chức đón tiếp khách cho phù hợp;
b) Đơn vị phải tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ đón tiếp chu đáo khách là thân nhân, bạn bè;
c) Khi tổ chức đón tiếp khách nước ngoài phải đảm bảo quy chế ngoại giao, phù hợp với phong tục, tập quán của khách và Việt Nam.
3. Việc bố trí ăn, ngủ, nghỉ cho khách phải thể hiện văn minh, lịch sự, chu đáo phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.
Điều 48. Công tác phòng, chống cháy nổ, thiên tai và bảo vệ môi trường
1. Các đơn vị Công an nhân dân phải có kế hoạch, phương án và định kỳ thực tập phòng, chống cháy nổ, thiên tai, Thủ trưởng các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra để bảo vệ an toàn người, tài sản vũ khí, phương tiện công tác và hồ sơ, tài liệu.
2. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trong Công an nhân dân phải đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.
2. Thông tư này thay thế Quyết định số 236/2004/QĐ-BCA (C11), ngày 18 tháng 3 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành kèm theo Quy định về Điều lệnh nội vụ của lực lượng Công an nhân dân.
1. Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư này.
2. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) để được hướng dẫn kịp thời.
Nơi nhận: | XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT BỘ TRƯỞNG |
[1] Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA ngày 10 tháng 4 năm 2012 quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân và Thông tư số 19/2012/TT-BCA ngày 10 tháng 4 năm 2012 quy định về Nghi lễ Công an nhân dân.”
[2] Khoản này được bổ sung theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015
[3] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015
[4] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015
[5] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015
[6] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015
[7] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015
[8] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015
[9] Khoản này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015
[10] Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 37/2015/TT-BCA ngày 28 tháng 7 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA quy định về điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân, Thông tư số 19/2012/TT-BCA quy định về nghi lễ Công an nhân dân, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015 quy định như sau:
“Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 9 năm 2015; thay thế những quy định của Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10-4-2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân, Thông tư số 18/2012/TT-BCA , ngày 10-4-2012 quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân và Thông tư số 19/2012/TT-BCA , ngày 10-4-2012 quy định về Nghi lễ Công an nhân dân trái với quy định của Thông tư này.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Giám đốc các học viện, hiệu trưởng các trường Công an nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục Chính trị Công an nhân dân có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Chính trị Công an nhân dân) để có hướng dẫn kịp thời.”
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.