BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/VBHN-BCA |
Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2022 |
Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2020, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư số 15/2022/TT-BCA ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và sát hạch, cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; Thông tư số 45/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự đăng ký mẫu con dấu, thu hồi và hủy con dấu, hủy giá trị sử dụng con dấu, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu; Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 68/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy; Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan, có hiệu lực kể từ ngày 21 tháng 5 năm 2022.
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông,
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.[1]
Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và trình tự tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Cảnh sát giao thông) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm).
2. Công an các đơn vị, địa phương.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, xử lý vi phạm hành chính, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công theo quy định của pháp luật, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và Điều lệnh Công an nhân dân.
3. Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.
4. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.
5. Bảo đảm các yêu cầu, quy định khác của Bộ Công an.
1. Ban hành kèm theo Thông tư này: Phụ lục các tuyến giao thông đường bộ phân công, phân cấp cho Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh) tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
2. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu sau:
a) Thông báo công khai nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát (Mẫu số 01);
b)[2] (được bãi bỏ)
c)[3] (được bãi bỏ)
d) Sổ tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Mẫu số 04);
đ)[4] (được bãi bỏ)
Mục 1. PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TUYẾN, ĐỊA BÀN TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 5. Tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát của Cục Cảnh sát giao thông
1. Cục Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường cao tốc đi qua địa giới hành chính từ 02
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát được Bộ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phê duyệt trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.
Điều 6. Tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Phòng Cảnh sát giao thông) bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính của địa phương, gồm:
a) Các tuyến đường cao tốc chỉ nằm trong phạm vi địa giới hành chính của 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Các tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp (bao gồm cả các đoạn đường tránh quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thị trấn thuộc huyện); các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
Trường hợp các tuyến giao thông đường bộ được cải tạo, nâng cấp thành quốc lộ, tuyến quốc lộ được xây dựng mới hoặc do thay đổi địa giới hành chính địa phương, do yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải điều chỉnh phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát, thì Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Giám đốc Công an cấp tỉnh) báo cáo về Cục Cảnh sát giao thông để tổng hợp, báo cáo đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an quyết định phân công, phân cấp theo quy định;
c) Các tuyến đường đô thị thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Các tuyến đường chính, tuyến đường có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp;
d) Trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với Công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp huyện), các lực lượng liên quan thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông.
2. Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính, gồm:
a) Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông;
c) Các tuyến đường tỉnh; đường huyện; đường xã; đường chuyên dùng; đường đô thị không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông.
3. Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và tình hình thực tế các tuyến giao thông đường bộ của địa phương, Giám đốc Công an cấp tỉnh ban hành quyết định phân công, bố trí lực lượng của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công, phân cấp theo quy định. Quyết định gửi về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để theo dõi, chỉ đạo.
Mục 2. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG TRONG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 7. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát
1. Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.
3. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.
4. Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
5. Chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ và tham gia phòng chống khủng bố, chống biểu tình gây rối, phòng chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, cứu nạn, cứu hộ, giải quyết cháy nổ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
6. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Phát hiện những bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và giao thông đường bộ để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền, kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời;
b) Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát
1. Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
2. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
3. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
4. Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
5. Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
6. Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Mục 3. HÌNH THỨC, NỘI DUNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 9. Hình thức tuần tra, kiểm soát
1. Tuần tra, kiểm soát cơ động
Cảnh sát giao thông di chuyển trên tuyến, địa bàn được phân công bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ thực hiện tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trực tiếp giám sát hoặc thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
2. Kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông
a) Cảnh sát giao thông tổ chức lực lượng tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện: Tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát; kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề; kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện những nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Tại Trạm Cảnh sát giao thông, lắp đặt, sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi hình khu vực kiểm soát. Tại một điểm trên đường giao thông, lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của pháp luật. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.
3. Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp với kiểm soát tại một điểm hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động được kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông được tuần tra, kiểm soát cơ động nhưng phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 10. Nội dung tuần tra, kiểm soát
1. Nội dung tuần tra
a) Giám sát, nắm tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ, việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật;
b) Hướng dẫn, điều khiển, giải quyết ùn tắc giao thông hoặc phối hợp giải quyết ùn tắc, sự cố giao thông trên tuyến giao thông đường bộ khi tuần tra, kiểm soát;
c) Thực hiện các nội dung công tác khác được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật;
Nội dung tuần tra phải thể hiện trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nội dung kiểm soát
a) Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm: Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng hoặc Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
b) Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông
Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới;
Kiểm soát hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông theo quy định;
Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng;
c) Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.
1. Trang phục của Cảnh sát giao thông
a) Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang;
b) Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận Cảnh sát giao thông mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;
Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện) trở lên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
2. Phương tiện giao thông: Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát, xe chuyên dùng, xe đạp
a) Xe ô tô, mô tô tuần tra, kiểm soát (màu sơn trắng), xe chuyên dùng, có dòng chữ Cảnh sát giao thông song ngữ (tiếng Việt và ti ếng Anh), lắp đặt đèn, cờ hiệu Công an, còi phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật ;
b) Hai bên thành xe ô tô tuần tra, kiểm soát có vạch sơn phản quang màu xanh nước biển, ở giữa có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” màu trắng (bằng chất liệu phản quang), có kích thước chữ 10cm x 10cm, nét chữ 03cm, cân đối hai bên thành xe; hai bên cánh cửa phía trước có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh (bằng chất liệu phản quang), kích thước khổ chữ tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” và hình phù hiệu Cảnh sát giao thông ở giữa hai chữ “TRAFFIC” và “POLICE”. Tùy từng loại xe được bố trí khoảng cách giữa các chữ, các từ cho cân đối và phù hợp;
c) Hai bên bình xăng hoặc hai bên sườn hoặc ở hai bên cốp xe mô tô tuần tra, kiểm soát, bên trên có dòng chữ “C.S.G.T” màu xanh (bằng chất liệu phản quang), bên dưới có dòng chữ “TRAFFIC POLICE” màu xanh (bằng chất liệu phản quang), kích thước khổ chữ tối đa bằng hai phần ba khổ chữ “C.S.G.T”. Tùy từng loại xe được bố trí kích thước chữ và khoảng cách giữa các chữ cho cân đối và phù hợp;
d) Còi phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng theo quy định của pháp luật. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp sau: Tuần tra, kiểm soát cơ động; tuần tra, kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn.
3. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, gồm: Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là hệ thống giám sát); cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới; máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; thiết bị ghi âm và ghi hình; phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; thiết bị đo, thử chất ma túy; thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả; thiết bị định vị vệ tinh; thiết bị ghi đo bức xạ; thiết bị đánh dấu hóa chất; thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình; thiết bị đo áp lực hơi của lốp xe cơ giới; thiết bị đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới; thiết bị đo hiệu quả phanh xe cơ giới; phương tiện đo độ ồn; phương tiện đo nồng độ khí thải xe cơ giới; thiết bị đo âm lượng; thiết bị đo cường độ ánh sáng; thiết bị đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới;
Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại Trạm Cảnh sát giao thông, trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, trang bị cho Tổ Cảnh sát giao thông, do cán bộ Cảnh sát giao thông trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
4. Vũ khí, công cụ hỗ trợ, gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8.
5. Phương tiện thông tin liên lạc, gồm: Bộ đàm, điện thoại, máy fax, máy tính lưu trữ, truyền nhận dữ liệu, máy in.
6. Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, rào chắn, cọc tiêu hình chóp nón, biển báo hiệu, dây căng, đèn chiếu sáng, valy khám nghiệm hiện trường đường bộ.
7. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ khác được trang bị theo quy định của pháp luật và Bộ Công an.
8. Việc trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
TRÌNH TỰ TUẦN TRA, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ VI PHẠM
Mục 1. BAN HÀNH KẾ HOẠCH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT VÀ THÔNG BÁO CÔNG KHAI KẾ HOẠCH
Điều 12. Thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục Cảnh sát giao thông
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông:
a) Tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong phạm vi toàn quốc;
b) Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an ban hành kế hoạch hoặc trực tiếp ban hành kế hoạch thực hiện trong phạm vi toàn quốc sau đây:
Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ;
Kế hoạch cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm;
Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề;
Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến đường cao tốc;
Kế hoạch phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
2. Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ:
a) Tham mưu với Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các kế hoạch quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên hoặc đột xuất trên tuyến, địa bàn được phân công;
d) Phê duyệt kế hoạch công tác tuần của các Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc trực thuộc.
3. Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc:
a) Tham mưu với Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;
b) Xây dựng kế hoạch công tác tuần (theo mẫu quy định của Bộ Công an) của đơn vị thực hiện các kế hoạch theo quy định, trình Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ phê duyệt;
c) Căn cứ kế hoạch công tác tuần đã được phê duyệt, lập kế hoạch cho Tổ Cảnh sát giao thông (theo mẫu quy định của Bộ Công an) của đơn vị và triển khai cho từng tổ trước khi thực hiện;
Chỉ được lập từng kế hoạch cho một Tổ Cảnh sát giao thông; khi thực hiện xong kế hoạch mới được lập kế hoạch thực hiện tiếp theo.
Điều 13. Thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Công an cấp tỉnh
1. Giám đốc Công an cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông của địa phương tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong phạm vi quản lý;
b) Chỉ đạo, phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát của Cục Cảnh sát giao thông khi có yêu cầu;
c) Ban hành các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư này trong phạm vi quản lý.
2. Trưởng phòng Cảnh sát giao thông:
a) Tham mưu với Giám đốc Công an cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm;
c) Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các kế hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên hoặc đột xuất trên tuyến, địa bàn được phân công;
đ) Phê duyệt kế hoạch công tác tuần của các Đội Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Đội Tuần tra, dẫn đoàn, Trạm Cảnh sát giao thông trực thuộc.
3. Trưởng Công an cấp huyện:
a) Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các kế hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên hoặc đột xuất trên tuyến, địa bàn được phân công;
c) Phê duyệt kế hoạch công tác tuần của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự trực thuộc.
4. Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Đội trưởng Đội Tuần tra, dẫn đoàn, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông:
a) Tham mưu với Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm d khoản 2 hoặc điểm b khoản 3 Điều này;
b) Xây dựng kế hoạch công tác tuần (theo mẫu quy định của Bộ Công an) của đơn vị thực hiện các kế hoạch theo quy định, trình Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt;
c) Căn cứ kế hoạch công tác tuần đã được phê duyệt, lập kế hoạch cho Tổ Cảnh sát giao thông (theo mẫu quy định của Bộ Công an) của đơn vị và triển khai cho từng tổ trước khi thực hiện;
Chỉ được lập từng kế hoạch cho một Tổ Cảnh sát giao thông; khi thực hiện xong kế hoạch mới được lập kế hoạch thực hiện tiếp theo.
Điều 14. Thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát
1. Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo công khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gồm:
a) Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ;
b) Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông;
c) Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.
2. Hình thức thông báo công khai
a) Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị;
b) Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông;
c) Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;
d) Áp dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.
3. Nội dung thông báo công khai (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này)
a) Đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm;
b) Tuyến đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm;
c) Loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý;
d) Thời gian thực hiện kế hoạch.
Điều 15. Tổ chức thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát
1. Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông: Trước khi tuần tra, kiểm soát, Tổ trưởng phải phổ biến, quán triệt cho các tổ viên trong tổ về nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát và những nội dung khác có liên quan; kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; điểm danh quân số; kiểm tra trang phục; số hiệu Công an nhân dân và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; điều lệnh nội vụ; phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ; các biểu mẫu có liên quan; nhắc lại vị trí công tác, nhiệm vụ của từng tổ viên; phát lệnh tiến hành tuần tra, kiểm soát khi các điều kiện đã bảo đảm đầy đủ theo yêu cầu và an toàn.
2. Tổ viên: Nắm vững nội dung kế hoạch, nhiệm vụ, vị trí, hình thức thông tin liên lạc; chủ động thực hiện công tác chuẩn bị theo sự phân công của Tổ trưởng.
3. Phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí công cụ hỗ trợ trang bị cho một Tổ Cảnh sát giao thông phải được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; được thống kê cụ thể trong Sổ giao nhận và sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ (theo mẫu quy định của Bộ Công an).
Mục 2. TIẾN HÀNH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 16. Dừng phương tiện giao thông để kiểm soát
1. Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:
a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
d) Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
2. Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu sau:
a) An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;
b) Khi dừng, kiểm soát tại một điểm, tại Trạm Cảnh sát giao thông, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại điểm a Khoản này và yêu cầu sau đây:
Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc, 50m đối với quốc lộ và 30m đối với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị, đường xã và đường chuyên dùng;
Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông vi phạm; bố trí Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông. Trường hợp kiểm soát trên đường cao tốc, phải đặt biển báo số 245a “Đi chậm” hoặc biển báo số 245b (đối với tuyến đường đối ngoại) về phía trước Tổ Cảnh sát giao thông theo hướng phương tiện giao thông cần kiểm soát đi tới theo quy định của pháp luật báo hiệu đường bộ;
c) Khi dừng, kiểm soát phương tiện giao thông trên đường cao tốc, phải bảo đảm yêu cầu quy định tại điểm a, điểm b Khoản này và yêu cầu sau đây:
Khi kiểm soát tại một điểm chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí: Khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc;
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.
Điều 17. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông
1. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông của Cảnh sát giao thông được thực hiện thông qua một trong các tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời các tín hiệu sau đây:
a) Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát;
b) Các tín hiệu khác theo quy định của pháp luật, gồm: Biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn.
2. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông:
a) Cảnh sát giao thông lựa chọn vị trí phù hợp, đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát;
Phát hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông ở khoảng cách bảo đảm an toàn; tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện giao thông cần kiểm soát, đồng thời thổi hồi còi dứt khoát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp để kiểm soát;
b) Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của Cảnh sát giao thông.
3. Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi đang ngồi trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát cơ động
a) Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát
Cảnh sát giao thông cầm gậy chỉ huy giao thông đưa sang ngang phía bên phải hoặc bên trái phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát (tùy theo phần đường, làn đường phương tiện giao thông cần kiểm soát đang lưu thông), sau đó đưa lên theo phương thẳng đứng, vuông góc với mặt đất; sử dụng loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp để kiểm soát;
Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của Cảnh sát giao thông;
b) Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía sau phương tiện giao thông cần kiểm soát
Cảnh sát giao thông sử dụng loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát; hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp để kiểm soát;
Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của Cảnh sát giao thông.
Khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí theo hướng dẫn, Cảnh sát giao thông được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn, thực hiện như sau:
1. Thông báo và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định.
2. Thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị…” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã), sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.
3. Khi tiếp nhận được các giấy tờ (nếu có), thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông và những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
4. Sau khi kiểm soát xong, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có), biện pháp xử lý và nói lời: “Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”. Đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.
5. Khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
6. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Điều 19. Kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
1. Cảnh sát giao thông vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tổ chức kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát giao thông.
2. Kết quả ghi thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công tác hồ sơ.
3.[5] Khi kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nếu phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện:
a) Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm thì cho xem nếu đã có thông tin, hình ảnh, kết quả tại đó; nếu chưa có thì hướng dẫn người vi phạm xem thông tin, hình ảnh, kết quả khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị;
b) Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính thì thực hiện theo quy định tại Điều 19a Thông tư này.
Điều 19a. Trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính[6]
1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện:
a) Xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
b) Trường hợp chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính, nếu xác định vi phạm hành chính đó thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an cấp xã nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 01/65/68) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm (khi được trang bị hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử);
Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã nhưng Công an cấp xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến Công an cấp huyện nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở (theo mẫu số 01/65/68) để giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm;
c) Gửi thông báo (theo mẫu số 02/65/68) yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an cấp xã, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (sau đây viết gọn là Nghị định số 135/2021/NĐ-CP).
2. Khi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến cơ quan Công an để giải quyết vụ việc vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hoặc Trưởng Công an cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP .
3. Trường hợp vụ việc vi phạm do Công an cấp xã, Công an cấp huyện giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay kết quả giải quyết, xử lý vụ việc cho cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính (nếu đã có thông tin cảnh báo từ cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm đối với vụ việc quy định tại khoản 4 Điều này).
Trường hợp vụ việc vi phạm do cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm giải quyết, xử lý thì phải thông báo ngay kết quả giải quyết vụ việc cho Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Đồng thời, cập nhật trạng thái đã giải quyết, xử lý vụ việc trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và gửi ngay thông báo kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm, gỡ bỏ trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính đối với vụ việc quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của Công an cấp xã, Công an cấp huyện đã nhận kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm thực hiện:
a) Cập nhật thông tin của phương tiện giao thông vi phạm (loại phương tiện; biển số, màu biển số; thời gian, địa điểm vi phạm, hành vi vi phạm; đơn vị phát hiện vi phạm; đơn vị giải quyết vụ việc, số điện thoại liên hệ) lên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, liên hệ giải quyết theo quy định;
b) Gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông vi phạm là xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng); đồng thời, cập nhật trạng thái đã gửi thông báo cảnh báo cho cơ quan đăng kiểm trên hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính.
5. Việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông báo kết quả giải quyết vụ việc vi phạm được thực hiện bằng phương thức điện tử.
Điều 20. Giải quyết, xử lý vi phạm hành chính
Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:
1. Xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát
a) Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: Thực hiện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ theo quy định. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thực hiện ngay quyết định xử phạt thì tạm giữ giấy tờ có liên quan theo quy định để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
b) Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản: Thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính thì hướng dẫn và đề nghị người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm (sau đây gọi chung là người vi phạm) cung cấp số điện thoại liên hệ để nhận thông tin, xử phạt thông qua Cổng dịch vụ Công quốc gia, ký vào biên bản và giao cho họ 01 bản; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc 02 người chứng kiến ký vào biên bản;
Trường hợp người vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt.
2. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính
a) Trường hợp cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hoặc để bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt, thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông phải quyết định hoặc báo cáo người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật;
b) Khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp phải tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì thông báo cho người vi phạm và những người có mặt tại đó biết, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; ra quyết định tạm giữ hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật; lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong thì tiến hành niêm phong theo quy định của pháp luật;
Trường hợp có căn cứ để cho rằng, nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì thủ trưởng trực tiếp của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xem xét ra quyết định tạm giữ; đối với tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng thì phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý. Trong trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ;
Trường hợp, khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện giao thông không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành thì lập biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của 02 người làm chứng, ra quyết định tạm giữ theo quy định; sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (máy ảnh, camera) ghi lại hình ảnh tang vật, phương tiện; sử dụng các biện pháp (trực tiếp điều khiển, cẩu, kéo) hoặc thuê tổ chức, cá nhân điều khiển, cẩu, kéo đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ; xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến giải quyết (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này); người vi phạm phải chịu mọi chi phí cho việc thuê đưa tang vật, phương tiện đó về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật;
Trường hợp giao phương tiện giao thông bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm quản lý, bảo quản thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;
c) Tạm giữ giấy tờ có liên quan đến người, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự (trừ khi các giấy tờ đó có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan): Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định); các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt. Khi tạm giữ giấy tờ phải lập biên bản theo quy định.
3. Giải quyết, xử lý vi phạm hành chính tại trụ sở đơn vị
a) Tổ chức công tác xử lý vi phạm:
Công an các đơn vị, địa phương có thẩm quyền xử lý vi phạm bố trí cán bộ Cảnh sát giao thông và địa điểm giải quyết, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an;
Địa điểm giải quyết vụ việc vi phạm bố trí ở vị trí thuận lợi, có diện tích phù hợp, trang nghiêm, có chỗ ngồi cho người đến liên hệ giải quyết; niêm yết sơ đồ chỉ dẫn nơi làm việc, lịch tiếp dân; biển chức danh của cán bộ làm nhiệm vụ; số điện thoại; nội quy tiếp dân; hòm thư góp ý và nội dung một số văn bản có liên quan đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ;
b) Khi người vi phạm đến giải quyết vi phạm, thực hiện như sau:
Tiếp nhận biên bản vi phạm hành chính từ người vi phạm và đối chiếu với hồ sơ vi phạm (trường hợp làm mất biên bản vi phạm hành chính, phải đối chiếu kỹ thông tin về nhân thân của người vi phạm với hồ sơ vi phạm); không giải quyết vụ việc đối với người trung gian (trừ trường hợp được ủy quyền theo quy định của pháp luật) hoặc ngoài vị trí quy định giải quyết vi phạm hành chính của đơn vị;
Thông báo hình thức, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác, kết quả ghi thu được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định;
Giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt hoặc người đại diện hợp pháp, người được ủy quyền;
Tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt (hoặc chứng từ thu, nộp tiền phạt khác theo quy định của pháp luật) với hồ sơ vi phạm hành chính và lưu hồ sơ.
Trả lại tang vật, phương tiện, giấy tờ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (trừ trường hợp bị tước quyền sử dụng hoặc bị tịch thu) cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc đại diện tổ chức vi phạm hành chính đã được ghi trong quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nếu cá nhân, tổ chức nêu trên ủy quyền cho người khác đến nhận lại tang vật, phương tiện, giấy tờ thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật. Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải có quyết định và lập biên bản theo quy định; trường hợp trả lại giấy tờ bị tạm giữ phải lập biên bản theo quy định;
Trường hợp giải quyết vụ việc theo thông báo vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên giấy thông báo, giấy tờ tùy thân; cho người vi phạm xem kết quả ghi thu được hành vi vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện xử lý vi phạm theo quy định;
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện xử phạt vi phạm hành chính qua tài khoản, dịch vụ bưu chính công ích[7] thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và của Bộ Công an.
c)[8] Đối với Công an đơn vị, địa phương đã được trang bị hệ thống quản lý, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, phải nhập dữ liệu và in quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua hệ thống.
4.[9] Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Công an:
a) Người có thẩm quyền xử phạt gửi thông tin xử phạt lên Cổng dịch vụ công; cổng dịch vụ công tự động thông báo cho người vi phạm tra cứu thông tin Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thông qua số điện thoại người vi phạm đã đăng ký với cơ quan Công an tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính;
b) Người vi phạm truy cập vào cổng dịch vụ công thông qua số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được thông báo hoặc số biên bản vi phạm hành chính để tra cứu thông tin Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký nhận lại giấy tờ bị tạm giữ qua dịch vụ bưu chính công ích;
c) Người có thẩm quyền xử phạt tra cứu Biên lai điện tử thu tiền xử phạt vi phạm hành chính được hệ thống cổng dịch vụ công gửi về để in, lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và làm căn cứ trả lại giấy tờ bị tạm giữ;
d) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trả lại giấy tờ bị tạm giữ, hết thời hạn tước cho người vi phạm qua dịch vụ bưu chính công ích.
Điều 21. Ghi Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ
1. Khi giải quyết xong từng vụ việc vi phạm phải ghi ngay vào Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ.
2. Các vụ việc ghi ngắn gọn, rõ ràng và liên tục theo thứ tự thời gian, gồm: Thời gian (giờ, phút, ngày); địa điểm (km, địa danh, tuyến, địa bàn); kiểm tra phương tiện giao thông, biển số, người điều khiển phương tiện giao thông; hành vi vi phạm; biện pháp xử lý của Cảnh sát: Nhắc nhở, quyết định xử phạt cảnh cáo, phạt tiền (số thứ tự), biên bản đã lập (số thứ tự), việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khác; vụ việc tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, hoạt động tội phạm và các vụ việc khác.
Điều 22. Kết thúc tuần tra, kiểm soát
Khi kết thúc thời gian tuần tra, kiểm soát, Tổ Cảnh sát giao thông phải thực hiện những công việc sau:
1. Tổ trưởng phải họp tổ để rút kinh nghiệm, nhận xét, đánh giá những ưu điểm, tồn tại, đề xuất ý kiến, ghi vào nhật ký trong Sổ kế hoạch và nhật ký tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ về tình hình trật tự, an toàn giao thông, kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, những vấn đề khác có liên quan, ký xác nhận.
2. Báo cáo tình hình, kết quả của tổ.
3. Bàn giao cho cán bộ quản lý của đơn vị: Hồ sơ các vụ việc vi phạm hành chính, các giấy tờ, phương tiện, tang vật bị tạm giữ, tiền phạt tại chỗ, các tài liệu, hình ảnh thu thập được bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc các phương tiện khác; phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và các trang bị khác. Việc bàn giao phải ghi vào sổ theo quy định, được người giao và người nhận ký, ghi rõ họ tên và phải chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị về việc bàn giao.
1. Trường hợp cần thiết huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an cấp xã phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan và các quy định sau:
a) Phải có quyết định hoặc kế hoạch huy động của cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định. Nội dung quyết định hoặc kế hoạch phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác và Công an cấp xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát;
b) Trước khi thực hiện, phải quán triệt cho các lực lượng tham gia nắm vững các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; quy định về tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; nội dung kế hoạch; phương án, kỹ năng giải quyết, xử lý các tình huống có thể xảy ra.
2.[10] Khi nhận được văn bản của cơ quan Cảnh sát giao thông, Công an cấp xã có trách nhiệm phối hợp thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 24 Thông tư này.
1. Thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là thông tin, hình ảnh) được tiếp nhận từ các nguồn sau:
a) Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ);
b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
2. Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
3. Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh, thì có thể cung cấp cho đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp. Tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.
4. Tiếp nhận và xử lý thông tin, hình ảnh
a) Tiếp nhận thông tin, hình ảnh
Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Phòng Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an cấp huyện có trách nhiệm:
Thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để Nhân dân biết cung cấp;
Tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh;
Bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh;
b) Xử lý thông tin, hình ảnh
Khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh, cán bộ Cảnh sát giao thông phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, thì ghi chép vào sổ (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này) và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thực hiện như sau:
Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định. Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật;
Trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì thông báo cho đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Xác minh, thu thập tài liệu, tình tiết xác định vi phạm hành chính và xử lý vi phạm
a)[11] Căn cứ yêu cầu cụ thể từng vụ việc, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện:
Xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện; gửi thông báo đến chủ phương tiện, mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an đã ra thông báo vi phạm để làm rõ vụ việc (theo mẫu số 03/65/68). Đồng thời, gửi thông báo đến Công an cấp xã nơi chủ phương tiện cư trú, đóng trụ sở; Công an cấp xã khi nhận được thông báo có trách nhiệm chuyển đến chủ phương tiện và đề nghị chủ phương tiện thực hiện theo thông báo và báo lại cho cơ quan Công an đã ra thông báo (theo mẫu số 04/65/68);
Thực hiện biện pháp xác minh theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP .
b) Khi làm việc với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông và cá nhân, tổ chức có liên quan, phải lập thành biên bản. Các tài liệu, tình tiết tiếp nhận, thu thập được để xác định vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được lưu trong hồ sơ vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an;
c) Căn cứ kết quả xác minh, tài liệu, tình tiết thu thập được, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau:
Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng, xác định có hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Thực hiện trình tự xử lý vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Thông tư này;
Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả thì chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;
Trường hợp thông tin, hình ảnh của tổ chức, cá nhân cung cấp mà qua xác minh, xác định không có hành vi vi phạm hoặc không đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm thì tiến hành kết thúc hồ sơ vụ việc và lưu theo quy định.
1. Đơn vị Cảnh sát giao thông được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, theo tuyến, địa bàn phụ trách, có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để thực hiện:
a) Phối hợp khai thác, sử dụng dữ liệu quản lý, điều hành giao thông của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh phòng chống tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông theo quy định của pháp luật;
b)[12] Tiếp nhận kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật quy định tại Điều 22 Nghị định số 135/2021/NĐ-CP để sử dụng làm căn cứ xác định hành vi vi phạm hành chính và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Sau khi tiếp nhận kết quả, thực hiện:
Trường hợp phương tiện giao thông vi phạm đang lưu thông trên tuyến, địa bàn phụ trách thì thủ trưởng đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền tổ chức lực lượng tiến hành dừng phương tiện giao thông, kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật;
Trường hợp phương tiện giao thông vi phạm đã di chuyển sang tuyến, địa bàn khác thì thủ trưởng đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điều 19a Thông tư này.
2. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông; Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
3. Khi tiếp nhận kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các đơn vị được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp (gồm bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ), phải được ghi chép vào sổ theo dõi, ký giao nhận và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 8 năm 2020 và thay thế Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04 tháng 01 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định tại Thông tư này.
3. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông) để hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: |
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.