BỘ QUỐC PHÒNG |
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/VBHN-BQP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2024 |
NGHỊ ĐỊNH
NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 8 năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định số 22/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2024 cửa Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam và Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 02 năm 2024.
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Cảnh sát biển Việt Nam ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam[1].
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về tổ chức; trang phục; cờ hiệu, màu sắc, dấu hiệu nhận biết tàu thuyền, xuồng, máy bay; chế độ, chính sách của Cảnh sát biển Việt Nam và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phối hợp hoạt động đối với Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Thực hiện biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam
Cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ thuộc Cảnh sát biển Việt Nam khi thi hành nhiệm vụ, được thực hiện các biện pháp công tác theo quy định tại Điều 12 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp trên, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về hoạt động của mình.
Điều 4. Chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Cảnh sát viên, Trinh sát viên và Cán bộ điều tra là chức danh pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam, có nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
2. Cảnh sát viên, Trinh sát viên Cảnh sát biển gồm:
a) Cảnh sát viên, Trinh sát viên sơ cấp;
b) Cảnh sát viên, Trinh sát viên trung cấp;
c) Cảnh sát viên, Trinh sát viên cao cấp.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và Mẫu giấy chứng nhận Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Cảnh sát viên, Trinh sát viên; cấp, thu hồi và quy định việc quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận Cảnh sát viên, Trinh sát viên của Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Cán bộ điều tra thuộc Cảnh sát biển Việt Nam khi được phân công điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng đã ra quyết định phân công về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 5. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được hưởng lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chế độ trợ cấp; được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại nguy hiểm, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp phục vụ quốc phòng an ninh, phụ cấp công tác lâu năm ở trên tàu, biển, đảo, phụ cấp ngày đi biển, phụ cấp đặc thù đi biển phù hợp với khu vực địa bàn vùng biển, đảo công tác, yêu cầu nhiệm vụ và chế độ, chính sách khác như cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức có cùng điều kiện, môi trường làm việc, khu vực địa bàn, biển đảo công tác theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Kinh phí bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam
1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có tài khoản được mở tại Kho bạc Nhà nước; kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam do ngân sách nhà nước cấp, được ghi thành mục riêng trong tổng kinh phí của Bộ Quốc phòng.
2. Hằng năm, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập dự toán ngân sách để bảo đảm kinh phí hoạt động cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Chương II
TỔ CHỨC CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 7. Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam
Hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Việt Nam gồm:
1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam:
a) Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4;
b) Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 2; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 3; Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 4;
c) Đoàn Trinh sát số 1; Đoàn Trinh sát số 2;
d) Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển.
3. Các cơ quan, đơn vị đầu mối và cấp cơ sở trực thuộc các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 8. Cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam
Cơ quan Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam gồm Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật, các cơ quan trực thuộc Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 9. Phạm vi hoạt động, địa bàn quản lý
1. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 quản lý vùng biển từ cửa sông Bắc Luân tỉnh Quảng Ninh đến đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 quản lý vùng biển từ đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị đến Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh tỉnh Bình Định đến bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý vùng biển từ bờ Bắc cửa Định An tỉnh Trà Vinh đến Hà Tiên tỉnh Kiên Giang.
2. Phạm vi hoạt động, địa bàn quản lý của các đơn vị quy định tại các điểm b, c, d khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định này do Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quy định.
Điều 10. Thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, giải thể cơ quan, đơn vị thuộc Cảnh sát biển Việt Nam
1. Việc thành lập, tổ chức lại, chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, giải thể Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam do cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Việc thành lập, tổ chức lại, chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, giải thể các đơn vị quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định này, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Việc thành lập, tổ chức lại, chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, giải thể các cơ quan, đơn vị còn lại của Cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
4. Tư lệnh, Chính ủy, Phó Chính ủy và các Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
TRANG PHỤC CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Mục 1. CẢNH HIỆU, CẤP HIỆU, PHÙ HIỆU CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 11. Cảnh hiệu
1. Cảnh hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao năm cánh nổi màu vàng đặt trên nền đỏ tươi, xung quanh có hai bông lúa màu vàng đặt trên nền màu xanh dương, phía dưới hai bông lúa có hình nửa bánh xe răng lịch sử màu vàng, vành ngoài cảnh hiệu màu vàng, hai bên cảnh hiệu có cành tùng màu vàng.
2[2]. Cảnh hiệu có ba loại: Đường kính 41 mm, đường kính 36 mm, đường kính 33 mm. Cảnh hiệu đường kính 41 mm và 36 mm dập liền với cành tùng kép màu vàng; ở phần dưới, chính giữa nơ cành tùng kép có chữ CSB màu đỏ. Cảnh hiệu đường kính 33 mm có chữ CSB màu đỏ nằm trên nửa bánh xe răng lịch sử màu vàng.
Điều 12. Cấp hiệu
Cấp hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam là biểu trưng thể hiện cấp bậc của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên, hạ sĩ quan - binh sĩ thuộc Cảnh sát biển Việt Nam mang trên vai áo. Cấu tạo cơ bản của cấp hiệu gồm: Nền, đường viền, cúc cấp hiệu, sao và gạch (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp), vạch (đối với hạ sĩ quan - binh sĩ).
1. Cấp hiệu của sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam
a) Hình dáng: Hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc;
b) Nền cấp hiệu màu xanh dương; nền cấp hiệu của sĩ quan cấp tướng có in chìm hoa văn mặt trống đồng, tâm mặt trống đồng ở vị trí gắn cúc cấp hiệu;
c) Đường viền cấp hiệu màu vàng;
d) Trên nền cấp hiệu gắn: Cúc cấp hiệu, gạch, sao màu vàng. Cúc cấp hiệu hình tròn, dập nổi hoa văn (cấp tướng hình Quốc huy; cấp tá, cấp úy hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao năm cánh màu vàng ở giữa), cấp hiệu của cấp tướng không có gạch ngang, cấp tá có hai gạch ngang, cấp úy có một gạch ngang, số lượng sao:
Thiếu úy, Thiếu tá, Thiếu tướng: 01 sao;
Trung úy, Trung tá, Trung tướng: 02 sao;
Thượng úy, Thượng tá: 03 sao;
Đại úy, Đại tá: 04 sao.
2. Cấp hiệu của quân nhân chuyên nghiệp Cảnh sát biển Việt Nam
Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng trên nền cấp hiệu có một đường màu hồng rộng 5 mm ở chính giữa theo chiều dọc.
3. Cấp hiệu của hạ sĩ quan - binh sĩ Cảnh sát biển Việt Nam
a) Hình dáng: Hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc;
b) Nền cấp hiệu màu xanh dương;
c) Đường viền cấp hiệu màu vàng;
d) Trên nền cấp hiệu gắn: Cúc cấp hiệu, vạch ngang hoặc vạch hình chữ V màu vàng. Cúc cấp hiệu dập nổi hoa văn hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao năm cánh màu vàng ở giữa, số vạch ngang hoặc vạch hình chữ V:
Binh nhì: 01 vạch hình chữ V;
Binh nhất: 02 vạch hình chữ V;
Hạ sĩ: 01 vạch ngang;
Trung sĩ: 02 vạch ngang;
Thượng sĩ: 03 vạch ngang.
4. Cấp hiệu của học viên đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật Cảnh sát biển Việt Nam
a) Hình dáng: Hai cạnh đầu nhỏ và hai cạnh dọc;
b) Nền cấp hiệu màu xanh dương;
c) Đường viền cấp hiệu màu vàng. Học viên đào tạo sĩ quan đường viền cấp hiệu rộng 5 mm; học viên đào tạo hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật đường viền cấp hiệu rộng 3 mm;
d) Trên nền cấp hiệu gắn cúc cấp hiệu. Cúc cấp hiệu dập nổi hoa văn hình hai bông lúa xung quanh và ngôi sao năm cánh màu vàng ở giữa.
Điều 13. Phù hiệu
1. Nền, hình phù hiệu được mang trên ve cổ áo
a) Nền phù hiệu hình bình hành, màu xanh dương, trên nền phù hiệu có hình phù hiệu Cảnh sát biển Việt Nam màu vàng; nền phù hiệu cấp tướng có viền màu vàng rộng 5 mm ở ba cạnh;
b) Hình phù hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam màu vàng, hình khiên, có hai thanh kiếm vắt chéo phía sau, bên trong có hình mỏ neo, phía dưới có hình bông lúa màu vàng, phía trên có hình ngôi sao năm cánh màu vàng.
2[3]. Cành tùng đơn màu vàng.
Điều 14. Biểu tượng
Biểu tượng Cảnh sát biển Việt Nam được đeo trên ngực, có hình cánh sóng, ở giữa có hình khiên, nền xanh nước biển viền vàng, có hai thanh kiếm vắt chéo phía sau, bên trong có hình mỏ neo màu vàng, hai bên hình cánh sóng màu xanh tím than.
Điều 15. Biển tên
Biển tên của Cảnh sát biển Việt Nam được đeo trên ngực, có hình chữ nhật, kích thước 2x8 cm, nền xanh đậm, viền vàng, góc phía trên bên phải có hình lá cờ đỏ sao vàng, chính giữa biển tên là họ và tên được in chìm màu trắng.
Điều 16. Lô gô
Lô gô Cảnh sát biển Việt Nam có hình khiên trên nền xanh đậm, ngoài viền đỏ, trong viền vàng; ở giữa có hình khiên nhỏ viền đỏ, hai thanh kiếm vắt chéo phía sau, bên trong có hình mỏ neo; phía dưới phù hiệu có hình bông lúa màu vàng; phía trên có hình ngôi sao năm cánh màu vàng, ngay dưới ngôi sao là dòng chữ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM, kế liền phía dưới là dòng chữ VIETNAM COAST GUARD; phía dưới hai bông lúa có hình nửa bánh xe răng lịch sử màu vàng.
Điều 17. Phù hiệu kết hợp cấp hiệu
Phù hiệu kết hợp cấp hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam mang trên ve cổ áo cảnh phục dã chiến có cấu tạo cơ bản gồm: Nền phù hiệu, hình phù hiệu, sao, gạch (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên), vạch (đối với hạ sĩ quan); riêng cấp tướng không có gạch và binh sĩ không có vạch.
1. Cấp tướng: Nền phù hiệu hình bình hành, màu xanh dương có viền màu vàng rộng 5 mm ở ba cạnh, gắn hình phù hiệu, sao năm cánh màu vàng, số lượng sao:
Thiếu tướng: 01 sao;
Trung tướng: 02 sao.
2. Sĩ quan: Nền phù hiệu hình bình hành, màu xanh dương, gắn hình phù hiệu, sao năm cánh, gạch dọc màu vàng, số lượng sao như trên cấp hiệu của sĩ quan quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị định này; số lượng gạch: Cấp tá có hai gạch dọc, cấp úy có một gạch dọc.
3. Quân nhân chuyên nghiệp: Phù hiệu kết hợp cấp hiệu của Quân nhân chuyên nghiệp như phù hiệu kết hợp cấp hiệu của sĩ quan quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Hạ sĩ quan, binh sĩ
a) Hạ sĩ quan: Nền phù hiệu hình bình hành, màu xanh dương, gắn phù hiệu, sao năm cánh màu vàng và một vạch dọc bằng tơ màu vàng tươi rộng 3 mm. số lượng sao:
Hạ sĩ: 01 sao;
Trung sĩ: 02 sao;
Thượng sĩ: 03 sao.
b) Binh sĩ: Nền hình phù hiệu hình bình hành, màu xanh dương, gắn hình phù hiệu và sao năm cánh màu vàng, số lượng sao:
Binh nhì: 01 sao;
Binh nhất: 02 sao.
5. Học viên
a) Học viên là sĩ quan: Phù hiệu kết hợp cấp hiệu của học viên là sĩ quan như phù hiệu kết hợp cấp hiệu của sĩ quan quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Học viên đào tạo sĩ quan: Nền phù hiệu hình bình hành, màu xanh dương, gắn hình phù hiệu, có một vạch dọc bằng tơ màu vàng tươi rộng 5 mm, không có sao;
c) Học viên đào tạo hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật: Nền phù hiệu hình bình hành, màu xanh dương, gắn hình phù hiệu, có một vạch dọc bằng tơ màu vàng tươi rộng 3 mm, không có sao.
Mục 2. CẢNH PHỤC, LỄ PHỤC CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Điều 18. Cảnh phục, lễ phục
1. Cảnh phục của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm:
a) Cảnh phục thường dùng;
b) Cảnh phục dã chiến;
c) Cảnh phục nghiệp vụ;
d) Cảnh phục công tác.
2[4]. Lễ phục của Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm:
a) Lễ phục của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan.
b) Lễ phục của công nhân và viên chức quốc phòng.
c) Lễ phục của đội danh dự và tiêu binh.
Điều 19. Cảnh phục thường dùng, cảnh phục dã chiến, cảnh phục nghiệp vụ, cảnh phục công tác; mũ và áo chống rét của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Cảnh phục thường dùng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan, nữ hạ sĩ quan - binh sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng gồm cảnh phục thường dùng mùa đông và cảnh phục thường dùng mùa hè:
a) Cảnh phục thường dùng mùa đông bao gồm mũ, quần, áo khoác, áo sơ mi mặc trong, caravat, dây lưng, giầy, bít tất;
b) Cảnh phục thường dùng mùa hè bao gồm mũ, quần, áo, dây lưng, giầy, bít tất.
2. Cảnh phục thường dùng của nam hạ sĩ quan - binh sĩ; nam học viên chưa phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; nam học viên đào tạo hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật: Sử dụng một kiểu cảnh phục dùng chung cho mùa đông và mùa hè, bao gồm mũ, quần, áo, dây lưng, giầy, bít tất.
3. Cảnh phục dã chiến của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên đào tạo sĩ quan và hạ sĩ quan - binh sĩ bao gồm mũ huấn luyện, chiến đấu, mũ mềm dã chiến, quần áo dã chiến, ghệt dã chiến, dây lưng dã chiến.
4. Cảnh phục nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ nghi lễ, tuần tra song phương, đối ngoại, thông tin đường dây, công tác tàu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và làm nhiệm vụ đặc thù gồm hai loại cảnh phục nghiệp vụ mùa đông và mùa hè, bao gồm mũ, quần áo, giầy hoặc ghệt, găng tay, dây lưng, dây chiến thắng.
5. Cảnh phục công tác các ngành, nghề chuyên môn trong Cảnh sát biển Việt Nam, khi thực hiện nhiệm vụ đặc thù, bao gồm mũ, quần, áo, giầy hoặc ghệt.
6. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được cấp mũ, áo chống rét; sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thêm áo khoác quân dụng; hạ sĩ quan - binh sĩ nam làm nhiệm vụ canh gác thêm áo khoác gác.
7. Kiểu mẫu, màu sắc các loại cảnh phục quy định tại Điều này thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 20. Lễ phục của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam[5]
1. Mũ kê pi
a) Kiểu mẫu: Mũ có đỉnh hình ô van; cúc chốt mũ của cấp tướng dập nổi hình Quốc huy, của cấp tá, cấp úy dập nổi hình ngôi sao năm cánh; ở giữa thành trán mũ phía trước có tán ô dê để đeo quân hiệu; phía trước trên lưỡi trai có dây coóc đông, phía dưới lưỡi trai có hình hai bông lúa.
b) Màu sắc: Đỉnh mũ màu xanh tím than, thành mũ màu xanh dương.
2. Quần, áo khoác
a) Kiểu mẫu
Áo khoác: Kiểu dài tay, ve chữ V; thân trước có 04 túi chìm, nắp túi cài cúc; thân sau có sống sau xẻ dưới; vai áo có dây vai đeo cấp hiệu; phía trên tay áo bên trái gắn lô gô Cảnh sát biển Việt Nam; phía dưới hai bên tay áo có viền bác tay (cấp tướng hình cành tùng; cấp tá, cấp úy hình bông lúa).
Quần: Kiểu quần âu dài, có 02 túi chéo, cửa quần mở suốt kéo khóa phéc-mơ-tuya.
b) Màu sắc: Màu xanh tím than.
3. Áo sơ mi mặc trong: Kiểu áo buông, dài tay, cổ đứng, màu trắng.
4. Caravat: Kiểu thắt sẵn; màu xanh tím than.
5. Dây lưng: Cốt dây bằng da, màu đen; cấp tướng may ốp hai lớp da; cấp tá, cấp úy bằng da một mặt nhẵn. Khóa dây lưng bằng kim loại màu vàng có dập nổi ngôi sao năm cánh nội tiếp trong vòng tròn.
6. Giày da: Cấp tướng kiểu giày mũi trơn, cột dây cố định; cấp tá kiểu mũi có vân ngang, cột dây cố định; cấp úy kiểu mũi có vân ngang, buộc dây; màu đen.
7. Bít tất: Kiểu dệt ống, màu tím than.
Điều 21. Lễ phục của nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam[6]
1. Mũ kê pi
a) Kiểu mẫu: Mũ có đỉnh hình ô van; cúc chốt mũ nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cấp tá, cấp úy đập nổi hình ngôi sao năm cánh; ở giữa thành trán mũ phía trước có tán ô dê để đeo quân hiệu; phía trước trên lưỡi trai có dây coóc đông, phía dưới lưỡi trai có hình hai bông lúa.
b) Màu sắc: Đỉnh mũ màu xanh tím than, thành mũ màu xanh dương.
2. Quần, áo khoác
a) Kiểu mẫu
Áo khoác: Kiểu dài tay, ve chữ V; phía dưới thân trước có 02 túi chìm, nắp túi cài cúc; thân sau có sống sau xẻ dưới; vai áo có dây vai đeo cấp hiệu; phía trên tay áo bên trái gắn lô gô; phía dưới hai bên tay áo nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cấp tá, cấp úy có viền bác tay hình bông lúa.
Quần: Kiểu quần âu dài, có 02 túi dọc, cửa quần mở suốt kéo khóa phéc-mơ-tuya.
b) Màu sắc: Màu xanh tím than.
3. Áo sơ mi mặc trong: Kiểu áo buông, dài tay, chiết eo, cổ đứng, màu trắng.
4. Caravat: Kiểu thắt sẵn; màu xanh tím than.
5. Giày da: Kiểu mũi vuông trơn, gót cao, nẹp ô dê luồn dây trang trí; màu đen.
6. Bít tất: Kiểu dệt ống, màu tím than.
Điều 22[7]. (được bãi bỏ).
Điều 23[8]. (được bãi bỏ).
Lễ phục mùa hè của nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, học viên là sĩ quan và học viên đào tạo sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam
1. Mũ mềm: Kiểu mẫu, màu sắc thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định này.
2. Váy, áo
a) Kiểu mẫu:
Áo: Kiểu áo ký giả ngắn tay, ve chữ V, phía dưới thân trước có hai túi ốp nổi, có chiết vai và eo, thân sau có sống sau xẻ dưới, vai có dây vai đeo cấp hiệu, trên tay áo bên trái có gắn lô gô Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định tại Điều 16 Nghị định này;
Váy: Kiểu ôm sát người, dài dưới gối, có lớp vải lót trong, phía dưới thân sau có xẻ;
b) Màu sắc: Xanh tím than.
3. Ghệt da: Ghệt cao cổ có khóa kéo, cổ ghệt cao ngang bắp chân, mũi trơn, mặt đế có hoa văn chống trơn; màu đen.
4. Quần tất: Màu da chân.
Điều 24. Lễ phục của công nhân và viên chức quốc phòng
1. Nam mặc com-lê, nữ mặc áo dài truyền thống phụ nữ Việt Nam, đi giầy da, bít tất.
2. Chi tiết về kiểu mẫu, màu sắc trang phục dự lễ của công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 25. Lễ phục của đội danh dự và tiêu binh
1. Lễ phục của đội danh dự và tiêu binh Cảnh sát biển Việt Nam ở cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy, Đoàn Trinh sát gồm hai loại, sử dụng vào mùa đông và mùa hè.
2. Kiểu mẫu
a) Mũ kê pi: Có đỉnh hình ô van, cạnh lồng dây thép lò xo tròn, xung quanh đỉnh mũ có viền lé 1,5 mm. Phía trước trán và vành cầu có dựng bằng nhựa. Lưỡi trai mặt trên bọc vải giả da màu đen, có gắn riềm lưỡi trai. Riềm lưỡi trai dập nổi hình hai bông lúa liền nhau, ở giữa có thắt nơ. Phía trước, trên lưỡi trai có dây coóc đông sợi kim tuyến, hai đầu dây được gắn với mũ bằng cúc mũ. Cúc mũ có hình ngôi sao năm cánh. Ở giữa cầu mũ phía trước có ô dê để đeo cảnh hiệu đường kính 36 mm, liền cành tùng kép; hai bên thành trán có hai ô dê thoát khí. Dây quai mũ ở phía trong cầu mũ có điều chỉnh tăng giảm. Băng dệt bọc ngoài cầu mũ có các đường kẻ ngang;
Màu sắc: Đỉnh mũ màu xanh tím than; thành mũ lót màu xanh dương; lót thành cầu, bọc lưỡi trai, dây quai mũ màu đen; dây coóc đông, bông lúa màu vàng;
b) Áo
Áo ngoài: Kiểu áo khoác ngoài có lót; cổ áo có viền lé 3 mm màu xanh dương, ve chữ V. cổ áo thùa khuyết đeo cành tùng. Thân trước có bốn túi ốp nổi, giữa túi có xúy, đáy túi vát góc, nắp túi có sòi nhọn cài cúc, cúc túi trên có đường kính 18 mm, cúc túi dưới có đường kính 22 mm, nép áo cài bốn cúc đường kính 22 mm. Thân sau có sống sau xẻ dưới. Hai bên sườn áo, giữa đường chắp sườn với chiết sườn có cá sườn để giữ dây lưng to. Vai áo có dây vai đeo cấp hiệu. Vai thân sau (bên trái người mặc) có dây nhôi để cài giữ dây chiến thắng. Tay dài hai mang có bác tay lật ra ngoài, phía trên bác tay có hai đường viền song song bên trong màu xanh dương, bên ngoài viền vàng, được may chếch lên phía sống sau. Tay áo bên trái gắn lô gô Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định tại Điều 16 Nghị định này. Cúc áo được khâu liền thân áo. Thân trước (bên phải người mặc) thùa khuyết đeo biểu tượng Cảnh sát biển Việt Nam quy định tại Điều 14 Nghị định này;
Áo sơ mi mặc trong: Kiểu áo buông, mặc bỏ trong quần, dài tay, cổ đứng, màu trắng;
Áo gi-lê mặc trong: Nẹp cài bốn cúc nhựa đường kính 15 mm. Ngang eo thân sau có chun bản to 2 cm. Áo trần bông hình quả trám;
Màu sắc: Xanh tím than;
c) Quần: Kiểu quần dài, hai túi chéo, cửa quần mở suốt kéo khóa fecmơtuya. Thân trước mỗi bên xếp một ly lật về phía sườn. Thân sau mỗi bên chiết một ly, có hai túi hậu. Cạp quần có đáy sâu để luồn dây lưng. Hai bên dọc quần có viền dọc quần;
Màu sắc: Xanh tím than;
d) Caravat: Kiểu thắt sẵn, cùng màu áo khoác;
đ) Cúc áo: Cúc áo có hình tròn hơi vồng cầu, bề mặt trước dập nổi hoa văn hình hai bông lúa và ngôi sao năm cánh ở giữa. Giữa mặt sau cúc áo có chân được dập liền;
e) Viền bác tay và dọc quần: Băng diệt nổi hoa văn, rộng 2 cm;
Màu sắc: Nền màu xanh dương, hai bên cạnh viền màu vàng;
g) Giầy da màu đen hoặc trắng (sử dụng trong phục vụ các lễ của bộ, ngành): Được thiết kế kiểu mũi tròn, có vân ngang. Nẹp ô dê có bốn cặp lỗ luồn dây trang trí, dưới nẹp có chun co giãn. Mũi giầy bằng da bò. Lót thành hậu, lót suốt bằng da màu vàng nhạt, mũi giầy lót vải bạt chuyên dùng. Đế và mũi giầy được liên kết bằng keo tổng hợp chuyên dụng, khâu hút phần mũi, đóng đinh phần gót. Đế giầy được đúc định hình liền diễu gót, mặt đế có hoa văn chống trơn, trượt; da lót phía trong màu vàng sáng;
Ủng da màu đen (sử dụng trong lễ đón đoàn khách quốc tế): Kiểu giầy cao cổ, mũi trơn, toàn bộ phần cổ và mũi được may liền; mặt đế có hoa văn chống trơn trượt, dưới phần gót để có cá bằng thép để chống mài mòn; phía bên trong phần ngang cổ chân có vòng đệm bằng mút xốp dày để bó êm cổ chân khi đi đội ngũ;
h) Dây lưng
Dây lưng to choàng vai: cốt dây chính bản rộng 5 cm, xung quanh mép ngoài có đường may diễu. Trên bề mặt cốt dây có may trần các hình thoi trang trí. Dây lưng có bốn vòng nhôi (hai vòng để nối dây choàng vai, một vòng điều chỉnh tăng giảm chiều dài và một vòng giữ đầu dây thừa); dây choàng vai bản rộng 2 cm, có bộ phận điều chỉnh chiều dài dây choàng. Dây choàng vai nối với cốt dây chính bằng các vòng thép không gỉ. Khóa dây bằng đồng mạ màu vàng, bề mặt dập nổi hình ngôi sao năm cánh nội tiếp trong vòng tròn. Hai đầu có hai vòng để nối hai đầu cốt dây chính. Đi kèm dây lưng to có choàng vai là một bao súng ngắn K59 và một bao đạn mang ở bên phải cốt dây chính;
Dây lưng to không có choàng vai: Quy cách như dây lưng to choàng vai, chỉ không có bao súng ngắn K59, bao đạn;
Dây lưng nhỏ: Gồm hai bộ phận chính cốt dây và khóa; cốt dây lưng bản rộng 3,3 cm, khi sử dụng phần đuôi dây thừa được luồn ra ngoài, cốt dây lưng được làm bằng da thuộc, một mặt nhẵn; khóa dây kiểu hãm vô cấp, phía trên mặt khóa ở giữa có dập nổi ngôi sao năm cánh nội tiếp trong vòng tròn;
Màu sắc: Dây lưng to choàng vai, dây lưng to không có choàng vai, bao súng K59, bao đạn, màu trắng, khóa dây màu vàng. Dây lưng nhỏ màu đen, mặt khóa màu vàng;
i) Dây chiến thắng
Dây đeo trên vai gồm một sợi dây đơn đường kính 5 mm đính song song với một dây tết. Dây tết được tết từ ba sợi chập đôi (theo kiểu tết đuôi sam);
Dây đeo trước ngực là một đoạn dây tết từ ba sợi đơn theo kiểu tết đuôi sam, một đầu dây đính với đầu dây tết của vòng dây đeo vai, một đầu nối với hai sợi dây đeo quả trùy;
Dây đeo quả trùy: Gồm hai dây trên mỗi dây có nút thắt, một đầu dây nối với đây đeo trước ngực và một đầu dây nối với quả trùy;
Hai quả trùy dây chiến thắng được đúc bằng hợp kim kẽm, bên ngoài mạ màu vàng, thân quả trùy rỗng để đính sợi dây đeo, mũ quả trùy hình cầu, trên có hai hình bông lúa bao quanh ngôi sao năm cánh;
Màu sắc: Dây chiến thắng, quả trùy màu vàng;
k) Găng tay màu trắng: ống tay và bàn tay được dệt liền, cổ tay có chun, mặt trên mu bàn tay có may ba đường gân tạo dáng cho bao tay. Bàn tay có năm ngón, phần cổ tay dệt rib 1:1, phần ống tay dệt rib 2:2, phần lòng bàn tay dệt trơ;
l) Bít tất màu xanh tím than: Kiểu dệt ống, phần ống và mu bàn chân dệt kiểu rib 2:1. Phần mũi, gót và bàn chân dệt trơn một mặt phải. Mũi và gót dệt bằng sợi 100% polyamit tăng cường độ bền mài mòn. Cổ tất dệt kiểu rib 1:1 có cài chun.
3. Đối tượng, trường hợp sử dụng
a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng lễ phục đội danh dự và tiêu binh theo mùa. Riêng áo khoác lễ phục mùa hè không có lớp lót thân và tay, không có áo gi-lê;
b) Hạ sĩ quan - binh sĩ thuộc Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng lễ phục đội danh dự và tiêu binh theo mùa. Riêng áo khoác lễ phục không có hai túi dưới. Áo khoác lễ phục mùa hè không có lớp lót thân và tay, không có áo gi-lê.
Điều 26. Quy định về quản lý, sử dụng cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và cảnh phục của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và cảnh phục của Cảnh sát biển Việt Nam được sử dụng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc biên chế Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và cảnh phục của Cảnh sát biển Việt Nam được cấp phát, sử dụng đồng bộ, chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng, thu hồi cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và cảnh phục đối với từng đối tượng đang phục vụ, thôi phục vụ trong Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, làm nhái, tàng trữ, thuê, mượn, trao đổi, mua bán, cho, tặng và sử dụng trái phép cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và cảnh phục của Cảnh sát biển Việt Nam. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
4. Thời gian và loại cảnh phục được sử dụng của các cơ quan, đơn vị thuộc Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện thống nhất theo quy định của Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Khi thực hiện nhiệm vụ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam phải mang cảnh hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và cảnh phục đúng quy định. Các trường hợp làm nhiệm vụ trinh sát, hóa trang, đấu tranh chuyên án, vụ án hình sự được mặc thường phục theo quy định của Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
6. Khi thực hiện nhiệm vụ của đội danh dự, nhạc lễ, tiêu binh, đón tiếp theo nghi lễ Nhà nước, hoạt động đối ngoại, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam mang mặc trang phục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chương IV
CỜ HIỆU, MÀU SẮC VÀ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TÀU THUYỀN, XUỒNG, MÁY BAY CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
1. Cờ hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam hình tam giác cân, nền xanh nước biển, chiều cao 1,5 m, cạnh đáy 1,0 m, có Quốc huy ở giữa và mũi tên màu vàng chạy ngang phía sau; treo trên cột cao 2,5 m ở đuôi tàu, riêng tàu tìm kiếm cứu nạn treo ở boong thượng phía sau.
2. Tàu thuyền, xuồng và phương tiện khác của Cảnh sát biển Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ phải treo cờ hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam. Tàu thuyền dân sự được huy động hoặc tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phải cắm cờ hiệu của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 28. Màu sắc của tàu thuyền, xuồng Cảnh sát biển Việt Nam
1. Tàu tìm kiếm cứu nạn
Thân tàu sơn màu da cam, mặt boong sơn màu xanh lá cây, phía trước vạch ký hiệu là số phiên hiệu của tàu sơn màu trắng, phía sau vạch ký hiệu là dòng chữ VIETNAM COAST GUARD kiểu chữ in hoa, màu trắng.
Cabin sơn màu trắng, đường viền phía trên cabin sơn màu da cam, trên hai mạn cabin là dòng chữ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM kiểu chữ in hoa, màu xanh dương.
Trên ống khói sơn hình cờ đỏ, sao vàng,
2. Tàu tuần tra và các loại tàu khác
Thân tàu sơn màu trắng, mặt boong sơn màu xanh lá cây, phía trước vạch ký hiệu là số phiên hiệu của tàu, sơn màu xanh dương, phía sau vạch ký hiệu là dòng chữ VIETNAM COAST GUARD kiểu chữ in hoa, màu xanh dương.
Cabin sơn màu trắng, trên hai mạn cabin là dòng chữ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM kiểu chữ in hoa, màu xanh dương.
Trên ống khói sơn hình cờ đỏ, sao vàng.
Ụ pháo sơn màu ghi.
3. Xuồng tuần tra
Thân xuồng sơn màu trắng, phía trước vạch ký hiệu là số phiên hiệu của xuồng, sơn màu xanh dương, phía sau vạch ký hiệu, hàng trên là dòng chữ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM, hàng dưới là dòng chữ VIETNAM COAST GUARD kiểu chữ in hoa, màu xanh dương.
Cabin sơn màu trắng.
4. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quy định cụ thể kích thước vạch số 1, phù hiệu Cảnh sát biển Việt Nam, dòng chữ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM, VIETNAM COAST GUARD, hình cờ đỏ, sao vàng trên ống khói phù hợp với từng chủng loại tàu thuyền, xuồng tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 29. Màu sắc máy bay Cảnh sát biển Việt Nam
1. Thân máy bay
Thân máy bay phía dưới sơn màu xanh nước biển (tính từ vạch dưới cửa sổ lồi của máy bay trở xuống phần bụng máy bay cho tới sát cửa kính cabin khoang lái).
Thân máy bay phía trên sơn màu trắng (tính từ vạch dưới cửa sổ lồi của máy bay trở lên phần lưng máy bay cho tới sát cửa kính cabin khoang lái và phần cánh máy bay).
2. Đầu máy bay
Đầu máy bay có hai vạch ký hiệu màu vàng da cam và màu trắng được sơn trên nền sơn màu xanh nước biển của thân máy bay phía dưới. Vạch số 1 sơn màu vàng da cam từ mép dưới cabin lái xuống sát mép bụng dưới thân máy bay, chếch 15° đến 20°, chiều rộng 0,5 m - 1,0 m (tùy theo kích thước máy bay), ở giữa sơn phù hiệu Cảnh sát biển Việt Nam. Tiếp đến vạch số 2 sơn màu trắng, song song và rộng bằng 1/4 vạch số 1.
Phần trước hai vạch ký hiệu viết số máy bay màu trắng.
Phần sau hai vạch ký hiệu viết chữ in hoa màu trắng trên thân máy bay màu xanh nước biển:
Hàng trên: CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
Hàng dưới. VIETNAM COAST GUARD
Phần mũi máy bay sơn màu xanh nước biển.
3. Cánh máy bay
Cánh chính và cánh đuôi ngang: Phần trên cánh và dưới cánh sơn màu trắng.
Cánh đuôi đứng: Phía trên hai bên chóp đuôi đứng sơn hình Quốc kỳ Việt Nam, phía dưới sơn phù hiệu Cảnh sát biển Việt Nam, phần còn lại hai bên của đuôi đứng sơn màu trắng.
4. Động cơ máy bay
Vỏ ngoài hai động cơ sơn màu trắng.
5. Màu sắc, cờ hiệu và dấu hiệu nhận biết trên các bộ phận khác của từng loại máy bay Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 30. Ký hiệu
Ký hiệu tàu thuyền, xuồng tuần tra cảnh sát biển Việt Nam được thể hiện như sau:
Ba vạch liền kề nhau ở trên hai mạn khô thân tàu thuyền, xuồng. Vạch số 1 màu da cam đặt ở điểm cuối của mũi tàu thuyền, xuồng giáp với điểm đầu của thân tàu, xuồng chếch 30° - 40°, tâm của vạch số 1 gắn phù hiệu Cảnh sát biển Việt Nam. Tiếp đến vạch số 2 màu trắng, vạch số 3 màu xanh dương. Chiều rộng của vạch số 1 tùy theo kích thước tàu thuyền, xuồng của từng chủng loại tàu thuyền, xuồng; chiều rộng của vạch số 2 và số 3 bằng 1/4 vạch số 1. Chiều dài của các vạch bằng chiều cao mạn khô của thân tàu thuyền, xuồng.
Chương V
PHỐI HỢP
Điều 31. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
1. Phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 22, Điều 23, Điều 24 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp đối với hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc quyền phối hợp hoạt động với Cảnh sát biển Việt Nam.
3. Chỉ đạo Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc quyền phối hợp với cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tạo điều kiện cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 32. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công an
Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Thông báo cho Cảnh sát biển Việt Nam các thông tin liên quan, cần thiết về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; các thông tin cần thiết để công bố cấp độ hoặc thay đổi cấp độ an ninh hàng hải đối với cơ sở cảng và các thông tin khác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam; tiếp nhận hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an.
3. Chủ trì điều tra, bắt giữ người vi phạm pháp luật trên biển và có liên quan đến vi phạm pháp luật trên biển đang lẩn trốn trên đất liền theo quy định của pháp luật.
4. Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia.
6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
7. Thực hiện các nội dung phối hợp khác theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan và theo quy chế, kế hoạch phối hợp giữa hai bên.
Điều 33. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Trao đổi thông tin, tài liệu cần thiết về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong hoạt động ngoại giao có liên quan đến hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; thông tin về quyền và nghĩa vụ của Việt Nam có liên quan đến hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam giải quyết các trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên các vùng biển Việt Nam.
3. Hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong việc thực hiện các nội dung hợp tác quốc tế.
4. Thực hiện các nội dung phối hợp khác theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan và theo quy chế, kế hoạch phối hợp giữa hai bên.
Điều 34. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Thông báo kịp thời các thông tin về an ninh, an toàn hàng hải; những thay đổi về hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu cho phép các loại tàu ra, vào các luồng và cảng biển, xây dựng mới hoặc phá dỡ các công trình trên biển và các chướng ngại vật khác trên vùng biển Việt Nam để đảm bảo an toàn hàng hải.
Thông báo về việc ban hành mới, đình chỉ, gia hạn, sửa đổi, thu hồi hoặc hủy bỏ các giấy tờ, tài liệu; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan tới hoạt động của các tàu thuyền trên biển.
Thông báo tên, ký hiệu, nhận dạng, hành trình, thời gian, phạm vi, khu vực hoạt động và việc cấp phép cho tàu thuyền của nước ngoài trước khi vào hoạt động tại cảng biển và các khu vực hàng hải của Việt Nam.
2. Phối hợp diễn tập các tình huống sự cố an ninh hàng hải trên các vùng biển Việt Nam; tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
3. Đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về hàng hải; bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của lực lượng chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải; tiếp nhận hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Hướng dẫn, hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam về công tác chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành để xác định hành vi vi phạm, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về hàng hải gây ra; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện nơi neo đậu tàu vi phạm, nơi lên xuống hàng hóa vi phạm do Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ, xử lý trong vùng nước cảng biển.
5. Hoạt động hợp tác quốc tế về hàng hải.
6. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
7. Thực hiện các nội dung phối hợp khác theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan và theo quy chế, kế hoạch phối hợp giữa hai bên.
Điều 35. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Trao đổi thông tin, tài liệu cần thiết về lĩnh vực thuế, hải quan; các loại mẫu hóa đơn, chứng từ và giấy tờ cần thiết khác khi vận chuyển hàng hóa trên các vùng biển Việt Nam.
2. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam; tiếp nhận hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của lực lượng chức năng thuộc Bộ Tài chính.
3. Hướng dẫn, hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam về công tác chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hải quan; lập dự toán và bảo đảm ngân sách thực hiện các nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực thuế, hải quan.
5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực thuế, hải quan cho tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
6. Thực hiện các nội dung phối hợp khác theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan và theo quy chế, kế hoạch phối hợp giữa hai bên.
Điều 36. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Tổng hợp kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm của Cảnh sát biển Việt Nam theo các quy định của Luật Đầu tư công.
2. Theo dõi, kiểm tra hoạt động đầu tư, đề xuất hướng xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, triển khai thực hiện dự án đầu tư; kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động đầu tư.
3. Thực hiện các nội dung phối hợp khác theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan và theo quy chế, kế hoạch phối hợp giữa hai bên.
Điều 37. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết về hoạt động thủy sản và liên quan trên biển; các loại mẫu giấy phép, giấy tờ và chứng chỉ chuyên môn có liên quan đến hoạt động thủy sản trên biển.
Thông báo tên, ký hiệu, sổ đăng ký, đặc điểm nhận dạng, tuyến hành trình, phạm vi khu vực hoạt động của các phương tiện, tàu thuyền nước ngoài; các phương tiện, tàu thuyền thuê của nước ngoài vào hoạt động thủy sản và liên quan tại các vùng biển Việt Nam trước khi phương tiện, tàu thuyền này vào vùng biển Việt Nam.
Thông báo tình hình các loại phương tiện, tàu thuyền hoạt động nghề cá có hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ; tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép thủy sản.
2. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn trên biển; đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
3. Bảo vệ an ninh, an toàn các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên biển.
4. Bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam; tiếp nhận hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của lực lượng chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Hướng dẫn, hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam về công tác chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản trên biển.
6. Bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên ngành thủy sản cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.
7. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
8. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thủy sản cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
9. Thực hiện các nội dung phối hợp khác theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan và theo quy chế, kế hoạch phối hợp giữa hai bên.
Điều 38. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Thông báo tình hình sự cố môi trường biển; vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; các thông tin liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; cung cấp thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn trên biển.
Thông báo về việc ban hành mới, thay đổi các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc các nội dung cần thiết khác có liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
2. Bảo vệ an toàn, an ninh các hoạt động điều tra cơ bản nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường trên biển.
3. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, các hệ sinh thái biển và hải đảo; giám sát, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.
4. Bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý của Cảnh sát biển Việt Nam; tiếp nhận hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của lực lượng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Hỗ trợ về công tác chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để xác định các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, khắc phục sự cố môi trường biển và hải đảo; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho Cảnh sát biển Việt Nam việc nhận chìm chất nạo vét các cảng Cảnh sát biển.
6. Bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.
7. Hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
8. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên, môi trường biển cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
9. Thực hiện các nội dung phối hợp khác theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan và theo quy chế, kế hoạch phối hợp giữa hai bên.
Điều 39. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Trao đổi thông tin, tài liệu cần thiết về việc sử dụng tần số vô tuyến điện; tuyến cáp viễn thông trên biển và trạm cập bờ của tuyến cáp viễn thông trên các vùng biển Việt Nam.
2. Bảo vệ an toàn, an ninh thông tin; an toàn hệ thống tuyến cáp viễn thông trên biển, trạm cập bờ của tuyến cáp viễn thông và các công trình thông tin và viễn thông trên biển; an toàn các giải tần số vô tuyến điện giữa các mạng thông tin phục vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh.
3. Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh các hoạt động thông tin và truyền thông vi phạm pháp luật.
4. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về sử dụng máy phát tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Thông tin báo chí, phát thanh, truyền hình và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
6. Thực hiện các nội dung phối hợp khác theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan và theo quy chế, kế hoạch phối hợp giữa hai bên.
Điều 40. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương
Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Trao đổi thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, hoạt động dầu khí và quản lý thị trường có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
2. Bảo vệ an toàn, an ninh hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò, khai thác dầu khí; tuyến ống dầu khí, công trình dầu khí trên biển.
3. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; bàn giao hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam; tiếp nhận hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật trong vụ việc thuộc thẩm quyền của lực lượng chức năng thuộc Bộ Công Thương.
4. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
5. Thực hiện các nội dung phối hợp khác theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các quy định pháp luật có liên quan và theo quy chế, kế hoạch phối hợp giữa hai bên.
Điều 41. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Cảnh sát biển Việt Nam trong các hoạt động sau:
1. Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố môi trường biển.
2. Bàn giao, tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Quản lý địa bàn có liên quan đến hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, nhà ở và công trình nơi đóng quân, trú đậu sửa chữa tàu thuyền, máy bay, kho tàng, bến bãi và các điều kiện khác cho Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ.
4. Công tác xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến công dân địa phương; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân ở địa phương; tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
Điều 42. Trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Nghị định này.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[9]
Điều 43, Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 8 năm 2019.
2. Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 96/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 13/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Nghị định số 66/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Điều 44. Điều khoản chuyển tiếp
Quyết định số 25/2012/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ ưu đãi đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi được bãi bỏ, thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật.
Điều 45. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT KT. BỘ
TRƯỞNG |
PHỤ LỤC[10]
HÌNH ẢNH
MINH HỌA TRANG PHỤC CỦA CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
(Kèm
theo Nghị định số 22/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ)
THỨ TỰ |
TÊN LOẠI TRANG PHỤC |
Mẫu số 01 |
Cảnh hiệu |
Mẫu số 02 |
Cấp hiệu cấp tướng |
Mẫu số 03 |
Cấp hiệu sĩ quan |
Mẫu số 04 |
Cấp hiệu quân nhân chuyên nghiệp |
Mẫu số 05 |
Cấp hiệu học viên, hạ sĩ quan, binh sĩ |
Mẫu số 06 |
Nền, hình phù hiệu cấp tướng |
Mẫu số 07 |
Nền, hình phù hiệu cấp tá, cấp úy |
Mẫu số 08 |
Cành tùng đơn |
Mẫu số 09 |
Biểu tượng Cảnh sát biển Việt Nam |
Mẫu số 10 |
Lô gô Cảnh sát biển Việt Nam |
Mẫu số 11 |
Biển tên |
Mẫu số 12 |
Lễ phục của sĩ quan cấp tướng |
Mẫu số 13 |
Lễ phục của nam sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cấp tá, cấp úy |
Mẫu số 14 |
Lễ phục của nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cấp tá, cấp úy |
Mẫu số 15 |
Lễ phục đội Danh dự và Tiêu binh |
MẪU SỐ 01. CẢNH HIỆU
MẪU SỐ 02. CẤP HIỆU CẤP TƯỚNG
MẪU SỐ 03. CẤP HIỆU SĨ QUAN
MẪU SỐ 04. CẤP HIỆU QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP
MẪU SỐ 05. CẤP HIỆU HỌC VIÊN, HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ
MẪU SỐ 6. NỀN, HÌNH PHÙ HIỆU CẤP TƯỚNG |
MẪU SỐ 07. NỀN, HÌNH PHÙ HIỆU CẤP TÁ, CẤP ÚY |
|
|
MẪU SỐ 8. CÀNH TÙNG ĐƠN
MẪU SỐ 9. BIỂU TƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
MẪU SỐ 10. LÔ GÔ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM
MẪU SỐ 11. BIỂN TÊN
MẪU SỐ 12. LỄ PHỤC CỦA SĨ QUAN CẤP TƯỚNG
MẪU SỐ 13. LỄ PHỤC CỦA NAM SĨ QUAN, QNCN CẤP TÁ, CẤP ÚY
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.