BỘ GIÁO DỤC-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19-TT/LB | Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 1984 |
CỦA BỘ GIÁO DỤC - TÀI CHÍNH SỐ 19-TT/LB NGÀY 23-7-1984HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ QUỸ BẢO TRỢ NHÀ TRƯỜNG
Quyết định số 15-CP ngày 14-1-1981 của Hội đồng Chính phủ đã cho phép ngành giáo dục lập quỹ bảo trợ nhà trường trên cơ sở huy động sự đóng góp của nhân dân, quỹ phúc lợi tập thể của các cơ sở sản xuất.
Liên Bộ Giáo dục - Tài chính hướng dẫn như việc quản lý quỹ bảo trợ nhà trường như sau:
1. Quỹ bảo trợ nhà trường được thành lập trên cơ sở huy động sự đóng góp bằng tiền và hiện vật của cha mẹ học sinh, sự đóng góp tự nguyện của các đơn vị kinh tế của Trung ương và địa phương (bao gồm của các hợp tác xã) đóng trên lãnh thổ để sử dụng vào việc duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Số thu của quỹ bảo trợ nhà trường không tổng hợp vào ngân sách Nhà nước mà do nhà trường trực tiếp quản lý.
2. Việc quản lý quỹ bảo trợ nhà trường phải theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành và theo sự hướng dẫn của liên Bộ.
3. Quỹ bảo trợ nhà trường không thay thế quỹ xây dựng trường sở quy định tại Quyết định số 248-TTg ngày 22-11-1973 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng có thể sử dụng một phần quỹ bảo trợ nhà trường để hỗ trợ cho việc xây dựng trường sở; mức sử dụng cụ thể do hội đồng nhà trường đề nghị và trình Uỷ ban nhân dân quận, huyện duyệt.
4. Ngoài quỹ bảo trợ nhà trường, các trường phổ thông không được tự động đặt thêm các khoản quyên góp nào khác để chi tiêu.
5. Quỹ bảo trợ nhà trường được quản lý theo năm học, lập dự toán và thanh toán, quyết toán thu chi theo năm học.
II. NỘI DUNG THU, CHI CỦA QUỸ BẢO TRỢ NHÀ TRƯỜNG
1. Về thu. Quỹ bảo trợ nhà trường có các nguồn thu sau đây:
a) Đóng góp của cha mẹ học sinh; mức đóng góp cả năm học (9 tháng) đối với một học sinh:
Cấp I: | 36đ/năm | (4đ/tháng) |
Cấp II: | 45đ/năm | (5đ/tháng) |
Cấp III: | 54đ/năm | (6đ/tháng). |
Trường hợp cần điều chỉnh lại mức thu đối với học sinh các cấp cao hơn mức đã quy định trên đây cho phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương thì phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quyết định và báo cáo với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục.
b) Đóng góp của các hợp tác xã và các xí nghiệp quốc doanh đóng tại địa phương, mức đóng góp cụ thể trích từ quỹ công ích hay quỹ phúc lợi bằng tiền, hiện vật hay ngày công lao động cho quỹ bảo trợ nhà trường là do đai hội xã viên hay đại hội công nhân viên chức của xí nghiệp quyết định.
c) Sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước bằng tiền hoặc hiện vật.
Khi các tổ chức kinh tế và nhân dân đóng góp xây dựn quỹ bảo trợ nhà trường bằng hiện vật thì nhà trường phải căn cứ vào giá quy định của địa phương để tính thành tiền và phải mở sổ ghi chép, theo dõi, quản lý cả số lượng và giá trị hiện vật này.
2. Về chi. Quỹ bảo trợ nhà trường được chi các khoản sau đây:
a) 65% số thu cả năm học dùng để hỗ trợ cho ngân sách Nhà nước chi thêm về sửa chữa trường lớp và sửa chữa tài sản, bổ sung kinh phí mua sắm dụng cụ, đồ dùng dạy học, sách báo thư viện, để bảo đảm cho nhà trường thực hiện đầy đủ các định mức bằng hiện vật đã quy định tại Quyết định số 1126-TT/LB ngày 13-11-1973 và Thông tư số 19-TT/LB ngày 23 tháng 07 năm 1983 của liên Bộ Giáo dục - Tài chính.
b) 20% số thu cả năm học dùng để chi về phúc lợi và khen thưởng cho giáo viên và học sinh, như chi về mua sắm dụng cụ nhà ăn tập thể, nhà trẻ tập thể (nếu có), khen thưởng giáo viên dạy tốt và học sinh học giỏi, giúp đỡ giáo viên gặp khó khăn đột xuất (kể cả trường hợp giáo viên được cử đi học bồi dưỡng tập trung mà gia đình gặp khó khăn).
c) 5% số thu cả năm học dùng để chi về quản lý quỹ bảo trợ nhà trường như mua sổ sách, văn phòng phẩm, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng quỹ bảo trợ nhà trường.
d). 10% số thu cả năm học nộp cho Phòng Giáo dục quận, huyện (đối với các trường phổ thông cơ sở), nộp cho Sở Giáo dục (đối với các trường phổ thông trung học còn do Sở quản lý). Phòng giáo dục quận, huyện (hoặc Sở Giáo dục) được sử dụng 80% số tiền này để bổ sung kinh phí cho các trường khác của quận, huyện có khó khăn về cơ sở vật chất; 20% chi cho những việc chung của Sở và quận, huyện như hội nghị tập huấn, bồi dưỡng thi học sinh giỏi, hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao.
Các Sở giáo dục, Phòng Giáo dục và các trường phổ thông các cấp không được sử dụng quỹ bảo trợ nhà trường để chi tiêu liên hoan, quà biếu... trái với mục đích của quỹ bảo trợ nhà trường.
e) Miễn, giảm đóng góp quỹ bảo trợ nhà trường. Việc đóng góp quỹ bảo trợ nhà trường là trách nhiệm của cha mẹ học sinh, nhưng nhà trường có thể miễn; giảm đóng góp cho một số đối tượng theo hướng sau đây:
- Đối tượng được miễn là con liệt sĩ, con thương binh nặng (hạng 1, 2 chống Pháp; hạng 6, 7, 8 chống Mỹ và chống giặc bành trướng Trung Quốc), học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, học sinh dân tộc ít người ở vùng cao hẻo lánh, học sinh là con của những gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới đang được Nhà nước trợ cấp.
- Đối tượng được giảm là học sinh có cả cha lẫn mẹ là cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước và có ít nhất hai con đang đi học phổ thông được giảm 1/3 (một phần ba) mức đóng góp.
Học sinh được miễn hay giảm đóng quỹ bảo trợ nhà trường phải được nhà trường và hội đồng nhà trường xét duyệt trên cơ sở đơn xin miễn, giảm của cha mẹ học sinh. Nhà trừơng phải lập danh sách học sinh được miễn hay giảm đóng góp quỹ bảo trợ nhà trường gửi kèm theo dự toán thu chi quỹ bảo trợ nhà trường trình Phòng Giáo dục (hay Sở Giáo dục) duyệt. Nhà trường chỉ đựơc công bố danh sách học sinh được miễn, giảm sau khi Phòng Giáo dục quận, huyện (hay Sở Giáo dục) thông qua.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quy định cụ thể chế độ miễn, giảm đóng góp của cha mẹ học sinh cho phù hợp với tình hình của địa phương.
III. CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUỸ BẢO TRỢ NHÀ TRƯỜNG
1. Lập dự toán quỹ bảo trợ nhà trường. Đầu năm học, căn cứ theo nội dung thu chi đã quy định ở mục II, các trường phổ thông lập kế hoạch thu chi quỹ bảo trợ nhà trường trong toàn quận, huyện để báo cáo Uỷ ban nhân dân quận, huyện và báo cáo Sở Giáo dục, đồng thời gửi Phòng Tài chính - giá cả quận, huyện.
Phòng Giáo dục giúp đỡ Uỷ ban nhân dân quận, huyện duyệt dự toán thu chi quỹ bảo trợ nhà trường của từng trường và thông báo kế hoạch thu chi bảo trợ nhà trường để các trường thực hiện.
Sở Giáo dục có trách nhiệm tổng hợp dự toán thu chi quỹ bảo trợ nhà trường của các quận, huyện và của các trường do Sở trực tiếp quản lý, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt và gửi báo cáo lên Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính, đồng gửi Sở Tài chính.
2. Quản lý thu chi quỹ bảo trợ nhà trường.
Hiệu trưởng trường phổ thông các cấp có trách nhiệm quản lý quỹ bảo trợ nhà trường. Tuỳ tình hình cụ thể, các trường có thể lập ban quản lý quỹ bảo trợ nhà trường theo chế độ kiêm nhiệm hoặc giao cho bộ phận kế toán của trường quản lý quỹ này.
Khi thu tiền của học sinh, nhà trường phải cấp giấy biên nhận cho người nộp, mở sổ sách theo dõi thu chi của toàn trường và của từng lớp. Phòng Giáo dục bàn với Phòng Tài chính - giá cả để phát hành và quản lý biên lai thu tiền và phiếu chi.
Số thu tiền mặt vượt định mức tồn quỹ quy định của ngân hàng cần được gửi vào tài khoản ngân hàng hay hợp tác xã tín dụng xã, do hiệu trưởng làm chủ tài khoản. Nếu trường không có tài khoản thì Phòng Giáo dục làm nhiệm vụ này. Cuối năm số thu về quỹ bảo trợ nhà trường chưa chi hết được phép chuyển sang năm sau chi tiếp. Đối với hiện vật thu được, nếu trong năm chưa sử dụng hết, nhà trường phải mở sổ sách theo dõi và quản lý để sử dụng tiếp. Việc thực hiện thu chi quỹ bảo trợ nhà trường phải đúng đối tượng, đúng mục đích và trong phạm vi dự toán chi được duyệt.
3. Quyết toán quỹ bảo trợ nhà trường.
Cuối học kỳ và cuối năm học, các trường phải lập quyết toán thu chi quỹ bảo trợ nhà trường, thông qua hội đồng giáo dục của trường rồi gửi lên cơ quan quản lý cấp trên.
Trong vòng 30 ngày, sau ki kết thúc học kỳ I (và kết thúc năm học), các Phòng Giáo dục quận, huyện phải tổng hợp quyết toán quỹ bảo trợ nhà trường của các trường trực thuộc, gửi đến Phòng Tài chính - giá cả và Sở Giáo dục. Chậm nhất là 45 ngày sau khi kết thúc học kỳ I (và kết thục năm học). Sở Giáo dục phải tổng hợp quyết toán quỹ bảo trợ nhà trường thuộc tỉnh, thành phố quản lý gửi Sở Tài chính và Bộ Giáo dục.
Căn cứ vào thời gian quy định trên, các Sở Giáo dục và các Phòng Giáo dục sẽ quy định cụ thể thời hạn để các trường gửi báo cáo quyết toán cấp trên.
4. Trách nhiệm quản lý.
Hiệu trưởng các trường phổ thông có trách nhiệm tổ chức quản lý trực tiếp quỹ bảo trợ nhà trường. Phòng giáo dục quận, huyện hướng dẫn kiểm tra các trường trong việc quản lý quỹ bảo trợ nhà trường. Phòng Tài chính - giá cả thực hiện việc giám sát, kiểm tra quỹ bảo trợ nhà trường trong quận, huyện (kể cả phần quỹ bảo trợ nhà trường được trích lập tập trung lên Phòng Giáo dục).
Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Sở Giáo dục hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý quỹ bảo trợ nhà trường trong phạm vi lãnh thổ (và trực tiếp giám sát, kiểm tra phần quỹ bảo trợ nhà trường trong phạm vi lãnh thổ (và trực tiếp giám sát, kiểm tra phần quỹ bảo trợ nhà trường trích từ các trường phổ thông trung học tập trung lên Sở) theo các nội dung và yêu cầu quản lý nêu trong mục II và III của Thông tư này.
Hàng năm Bộ Giáo dục tổng hợp đánh giá tình hình quỹ bảo trợ nhà trường gửi Hội đồng Bộ trưởng và Bộ Tài chính.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 10-TT ngày 19-5-1982 của Bộ Giáo dục.
Ngô Thiết Thạch (Đã ký) | Trần Xuân Nhĩ (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.