BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI- | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2005/TTLT-BTM-BTNMT-BGTVT | Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2005 |
LIÊN TỊCH BỘ THƯƠNG MẠI - BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG - BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 12/2005/TTLT/BTM-BTNMT-BGTVT NGÀY 08 THÁNG 07 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN ĐIỀU KIỆN AN TOÀN MÔI TRƯỜNG BIỂN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DẦU CHO TÀU BIỂN
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Căn cứ Nghị định số 160/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu;
Liên Bộ: Thương mại - Tài nguyên và Môi trường - Giao thông Vận tải hướng dẫn về quy định điều kiện an toàn môi trường biển đối với hoạt động cung ứng dầu cho tàu biển như sau:
1. Thông tư liên tịch này hướng dẫn điều kiện an toàn môi trường biển đối với hoạt động cung ứng dầu cho tàu biển và áp dụng đối với các doanh nghiệp cung ứng dầu cho tàu biển và các phương tiện chuyên dùng cung ứng dầu.
2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư liên tịch này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a. Dầu bao gồm các sản phẩm hóa dầu dùng làm nhiên liệu và các loại dầu nhờn được sử dụng trên tàu biển.
b. Tàu cung ứng dầu là phương tiện chuyên dùng chở dầu để cung cấp dầu cho tàu biển.
c. Doanh nghiệp cung ứng dầu cho tàu biển là tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có đăng ký ngành nghề dịch vụ cung ứng tàu biển do cơ quan có thẩm quyền cấp.
d. Hoạt động cung ứng dầu cho tàu biển là hoạt động cung cấp dầu từ tàu cung ứng dầu cho tàu biển.
đ. Sự cố tràn dầu là hiện tượng dầu tràn ra biển, sông, vũng, vịnh từ hoạt động cung ứng dầu gây ra ô nhiễm môi trường biển.
II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁC DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DẦU CHO TÀU BIỂN
1. Đối với doanh nghiệp cung ứng dầu cho tàu biển:
a. Bố trí đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng và có quy trình khai thác phù hợp để sẵn sàng phòng chống cháy, nổ, khắc phục sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Những người làm nhiệm vụ cung ứng dầu phải được huấn luyện thành thạo nghiệp vụ phòng, chống cháy nổ.
b. Xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó sự cố tràn dầu, đầu tư các trang thiết bị và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu theo quy định của cấp cơ sở tại Quyết định số 129/2001/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
c. Xây dựng các quy định về kiểm tra, sử dụng, vận hành tàu cung ứng và các thiết bị đảm bảo yêu cầu an toàn khi hoạt động cung ứng dầu cho tàu biển
d. Thường xuyên giữ liên lạc chặt chẽ với cơ quan phòng; chống cháy nổ, Sở Tài nguyên và Môi trường và Cảng vụ Hàng hải trong khu vực để sẵn sàng phối hợp ứng cứu sự cố tràn dầu, phòng, chống cháy nổ.
đ. Trong trường hợp có sự cố tràn dầu, doanh nghiệp cung ứng dầu phải huy động kịp thời mọi nguồn lực, chủ động tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hạn chế ô nhiễm môi trường và báo cáo kịp thời tình hình và diễn biến sự cố tràn dầu cho Sở Tài nguyên và môi trường, Cảng vụ Hàng hải. Đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra theo quy định của pháp luật.
2. Đối với tàu cung ứng dầu:
a. Các trang thiết bị hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường được đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền cấp các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật Việt Nam.
b. Có bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu.
c. Trang thiết bị phòng, chống cháy nổ và ứng phó sự cố tràn dầu, theo quy định của pháp luật và các Điều ước quốc tế có liên quan.
d. Thuyển trưởng xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó sự cố tràn dầu, định kỳ tổ chức huấn luyện và diễn tập nâng cao nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống cháy nổ.
đ. Thuyền viên làm việc trên tàu cung ứng dầu phải có giấy huấn luyện đặc biệt được cơ quan có thẩm quyền cấp.
e. Thực hiện chế độ ghi chép nhật ký rõ ràng và đầy đủ.
3. Khi tiếp nhận dầu doanh nghiệp cung ứng dầu và tàu cung ứng dầu phải:
a. Chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị dập cháy, ngăn ngừa nổ, ứng phó sự cố tràn dầu và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
b. Đóng kín các cửa mạn ở phía có tàu cung ứng dầu.
c. Chấp hành các quy trình, quy tắc an toàn kỹ thuật khi tiếp nhận dầu.
d. Bố trí người thường trực ở nơi tiếp nhận dầu.
đ. Không cho tàu biển khác, phương tiện thủy khác cặp mạn tàu cung ứng và không bơm dầu qua các loại ống, vòi hoặc khớp nối không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
Ngoài các quy định trên, khi hoạt động tàu cung ứng dầu phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan
III. KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
1. Cảng vụ Hàng hải chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thương mại kiểm tra, giám sát theo chuyên ngành của mình việc thực hiện quy định trong Thông tư liên tịch này đối với hoạt động cung ứng dầu cho tàu biển.
2. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Thông tư này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Phạm Khôi Nguyên (Đã ký) | Phạm Thế Minh (Đã ký) | Phan Thế Ruệ (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.