BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN | Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2008 |
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 138 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 135/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 08 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 135/2007/NĐ-CP), liên bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng và lãi phát sinh của số tiền chưa đóng, chậm đóng đó vào quỹ bảo hiểm xã hội (sau đây gọi tắt là biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội) như sau:
1. Người sử dụng lao động gồm các đối tượng được quy định tại Điều 3 của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tự nguyện chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 135/2007/NĐ-CP trong thời hạn quy định theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, có tài khoản tiền gửi mở tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ở Việt Nam.
2. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng, Kho bạc nhà nước, tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán (sau đây gọi tắt là ngân hàng) nơi người sử dụng lao động mở tài khoản tiền gửi thanh toán (sau đây gọi tắt là tài khoản).
3. Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Thủ trưởng tổ chức bảo hiểm xã hội các cấp gồm Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội các cấp.
II. THỦ TỤC BUỘC TRÍCH TIỀN TRUY NỘP VÀO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Đề xuất áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội
Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi tình hình thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động không tự nguyện truy nộp hoặc đã truy nộp nhưng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng và lãi phát sinh của số tiền chưa đóng, chậm đóng đó theo yêu cầu cụ thể tại quyết định vào quỹ bảo hiểm xã hội thì Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đề xuất với người có thẩm quyền có liên quan áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội:
a) Trong thời gian tối đa không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất bằng văn bản của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, người có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh và ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Người ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội có quyền yêu cầu ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản cung cấp các thông tin về tài khoản, số dư trên tài khoản của người sử dụng lao động
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định về ngân hàng nơi mở tài khoản, số tài khoản của mình tại ngân hàng khi có yêu cầu.
Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội có trách nhiệm bảo mật những thông tin về tài khoản của người sử dụng lao động khi được cung cấp.
b) Quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội phải nêu rõ ngày tháng năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; tên và những thông tin cơ bản về người sử dụng lao động; lý do buộc trích tiền từ tài khoản; số tiền cần phải trích; họ tên chủ tài khoản và số tài khoản của người sử dụng lao động; tên, địa chỉ của ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản; số tài khoản của quỹ bảo hiểm xã hội; tên, địa chỉ tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi quỹ bảo hiểm xã hội mở tài khoản; phương thức chuyển tiền; trách nhiệm thực hiện; thời hạn thi hành tối đa không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định và phải được người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội ký tên và đóng dấu
Quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội được lập theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này. Nếu quyết định có hơn 1 trang thì phải đóng dấu giáp lai giữa các trang.
c) Quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội có giá trị sử dụng thay cho lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản để trích tiền từ tài khoản của người sử dụng lao động nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội.
d) Quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội được gửi cho ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản, người sử dụng lao động, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi quỹ bảo hiểm xã hội mở tài khoản và Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 5 ngày trước khi tiến hành trích tiền từ tài khoản.
3. Thực hiện quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội:
a) Sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định buộc trích tiền, nếu chủ tài khoản không tự nguyện đến trích tiền chuyển trả quỹ bảo hiểm xã hội thì ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản của người sử dụng lao động vào tài khoản của quỹ bảo hiểm xã hội theo yêu cầu tại quyết định trước khi thực hiện các lệnh chuyển tiền khác của chủ tài khoản. Mọi chi phí liên quan đến việc chuyển tiền do chủ tài khoản của người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Trong trường hợp tài khoản của người sử dụng lao động có số dư đủ khả năng thanh toán toàn bộ số tiền theo yêu cầu tại quyết định nhưng ngân hàng cố tình trì hoãn thực hiện hoặc không thực hiện việc trích tiền thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
b) Trong trường hợp tài khoản của người sử dụng lao động không còn số dư hoặc còn số dư nhưng không đủ để thi hành quyết định thì ngân hàng sau khi chuyển số tiền hiện có vào tài khoản của quỹ bảo hiểm xã hội phải thông báo bằng văn bản cho người ra quyết định biết để xem xét áp dụng các biện pháp khác đảm bảo truy thu đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
4. Thông báo kết quả thực hiện quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội:
a) Ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản có trách nhiệm thông báo kịp thời cho người ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội về kết quả chuyển tiền theo yêu cầu tại quyết định, đồng thời thông báo cho người sử dụng lao động biết.
b) Ngân hàng nơi quỹ bảo hiểm xã hội mở tài khoản có trách nhiệm kịp thời thông báo kết quả nhận tiền cho Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kịp thời báo cáo kết quả thực hiện cho người ra quyết định.
1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan và người sử dụng lao động trên địa bàn triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện, giám sát kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện trên địa bàn.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để kịp thời nghiên cứu, giải quyết./.
KT. THỐNG ĐỐC | KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- VPTW Đảng và các Ban của Đảng;
- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án NDTC;
- Viện Kiểm sát NDTC;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan TW các đoàn thể;
- UBND tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Đăng Công báo (2 bản), Website Chính phủ, Người phát ngôn của TTg;
- Các Cục, Vụ, Ban thuộc Bộ LĐTBXH, Bộ TC, NHNNVN;
- Các Sở LĐTBXH, Sở TC, NHNN tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VP (BLĐTBXH), PC (BLĐTBXH), PC (BTC), BTT (NHNNVN).
Phụ lục: Mẫu Quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/02/2008)
........................ 1 Số: .............../QĐ-........3 | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ..... 4, ngày.... tháng ..... năm ...... |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP BUỘC TRÍCH TIỀN TỪ TÀI KHOẢN TIỀN GỬI TRUY NỘP VÀO QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI
.......................... 5
- Căn cứ Điều 138 Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;
- Căn cứ Điều 66 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 07 năm 2002:
- Căn cứ Điều 45 Nghị định số 135/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 08 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội;
- Căn cứ Quyết định số ..../QĐ-.... ngày... tháng .... năm .... của ....... về việc xử phạt vi phạm hành chính....... 6,
- Để đảm bảo thi hành biện pháp khắc phục hậu quả về đóng bảo hiểm xã hội theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi truy nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động là:...........................................................................
............................................................................................................................................
Địa chỉ ................................................................................................................................
Số quyết định thành lập ................ngày cấp ......................... nơi cấp ...............................
Số đăng ký kinh doanh ..................ngày cấp ........................ nơi cấp................................
Mã số đăng ký bảo hiểm xã hội (nếu có) ...........................................................................
Họ và tên người đứng đầu: ................................................................................................
Chức danh: .........................................................................................................................
Lý do buộc trích tiền từ tài khoản: Không chấp hành quy định vệ thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả về đóng bảo hiểm xã hội thảo Quyết định số .../QĐ- ... nêu trên.
Điều 2. Yêu cầu .......................................................................................................... 7
thực hiện việc chuyển số tiền là: ......................................................... (số tiền viết bằng số)
............................................................................................................. (số tiền viết bằng chữ).
để truy nộp tiền bảo hiểm xã hội và tiền lãi phát sinh từ tài khoản tiền gửi số: .................................................................................................. 8
của người sử dụng lao động nêu tại Điều 1 của Quyết định này
do người có tên dưới đây là chủ tài khoản (hoặc đồng chủ tài khoản):
- Họ và tên chủ tài khoản: ................................................................................................
Giấy CMND/Hộ chiếu số ......... Ngày cấp .................... Nơi cấp.......................................
Chức danh: ........................................................................................................................
- Họ và tên chủ tài khoản: .................................................................................................
Giấy CMND/Hộ chiếu số ...................... Ngày cấp ...... Nơi cấp........................................
Chức danh: ........................................................................................................................
vào tài khoản tiền gửi số ................................................................................................ 9
của bảo hiểm xã hội ....................................................................................................... 10
sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định này.
Mọi chi phí chuyển tiền nêu trên do người sử dụng lao động nêu tại Điều 1 của Quyết định này thanh toán theo quy định của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có liên quan.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày ký Quyết định này.
Điều 4. Các ông/bà ......................... 12 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | ............ 13 |
1 Ghi rõ tên cơ quan, tổ chức cấp trên (nếu có);
2 Ghi rõ tên cơ quan của người có thẩm quyền ra Quyết định;
3 Ghi chữ viết tắt chức danh của người có thẩm quyền ra Quyết định;
4 Ghi địa danh hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
5 Ghi rõ chức danh của người có thẩm quyền ra Quyết định;
6 Ghi rõ số, ký hiệu, ngày tháng năm ban hành, chức danh người có thẩm quyền ban hành trích yếu của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được viện dẫn;
7 Ghi rõ tên, địa chỉ tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi người sử dụng lao động mở tài khoản tiền gửi;
8 Ghi rõ số tài khoản tiền gửi thanh toán của người sử dụng lao động mở tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
9 Ghi rõ số tài khoản tiền gửi của Bảo hiểm xã hội có liên quan;
10 Ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan Bảo hiểm xã hội có liên quan;
11 Ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi cơ quan Bảo hiểm xã hội mở tài khoản;
12 Ghi rõ chức danh người đứng đầu của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi người sử dụng lao động mở tài khoản tiền gửi, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi bảo hiểm xã hội mở tài khoản tiền gửi, người sử dụng lao động có liên quan;
13 Ghi rõ chức danh của người có thẩm quyền ra Quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.