BỘ CÔNG NGHIỆP NHẸ-BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 721-NT | Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 1961 |
HƯỚNG DẪN VIỆC PHÂN CÔNG QUẢN LÝ CẢI TẠO CÁC NGÀNH NGHỀ CÓ LIÊN QUAN GIỮA THƯƠNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP
Thi hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc phân công phân nhiệm quản lý, cải tạo các ngành nghề giữa nội thương và công nghiệp nhẹ.
Sau khi thỏa thuận với Bộ Công nghiệp nhẹ, ngày 15-11-1960, Bộ Nội thương đã có Chỉ thị số 755 quy định về việc phân công quản lý cải tạo các ngành nghề giữa thương nghiệp và công nghiệp nhẹ.
Tuy vậy đến nay ở nhiều địa phương việc chấp hành chỉ thị nói trên còn nhiều mắc mứu giữa thương nghiệp và công nghiệp như:
Việc phân công quản lý, cải tạo chưa được thống nhất, hợp lý và rõ ràng. Đối với các ngành nghề phục vụ, chế biến như làm đậu phụ, bún, bánh, cắt tóc, giặt là, sửa chữa xe đạp, đồng hồ, may mặc, v.v… có nơi vẫn do Ty Công nghiệp phụ trách; có nơi do Thương nghiệp phụ trách hay có nơi Ty Thương nghiệp và Công nghiệp cùng phụ trách, hoặc có nơi không có cơ quan nào phụ trách; có nơi Ban Liên hiệp hợp tác xã thủ công nghiệp phụ trách việc cải tạo và đã duyệt cho tổ viên một số tổ hợp tác xin rút vốn, xin ra tổ, ấn định mức thù lao lao động cho các tổ viên…
Tình hình trên đây, rõ ràng là không có lợi về nhiều mặt: việc quản lý và tiếp tục cải tạo các tổ hợp tác, việc thống nhất chính sách và chế độ, ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng quần chúng, đến việc phát triển sản xuất, cải tiến kinh doanh, phục vụ quần chúng tiêu dùng và còn ảnh hưởng đến thu nhập đời sống của những người kinh doanh ngành nghề nói trên.
Thi hành nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng và để chấm dứt tình trạng trên đây, Liên bộ quy định một số điểm cụ thể, hướng dẫn các địa phương thi hành:
1. Nguyên tắc và nội dung phân công quản lý:
Những ngành nghề chủ yếu là sản xuất thủ công nghiệp và tương lai có điều kiện mở rộng trang thiết bị, cơ khí hóa từng phần, quy mô sản xuất có tính chất xí nghiệp, phân xưởng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và ngày một nâng cao, do ngành Công nghiệp nhẹ phụ trách. Còn nói chung, các ngành nghề ăn uống, chế biến, phục vụ, đều do ngành Nội thương phụ trách cụ thể là:
- Ngành sản xuất chế biến kiêm bán thực phẩm như: làm bún, bánh phở, bánh đa (kể cả bánh đa mỳ) bánh gai, bánh dày, bánh chưng, bánh bao, bánh rán, mứt, kẹo, bỏng, kẹo nha, đậu phụ, giá độ, tương, dấm, sì dầu, ô-mai, giò chả, nem chua, v.v…
- Tất cả các ngành nghề phục vụ như:
Nghề cắt tóc, uốn tóc, giặt là, chứa trọ, phòng cưới, phòng tắm.
Nghề may đo, may gia công cho Mậu dịch quốc doanh và mạng, (trừ các cơ sở may gia công quy mô có tính chất xí nghiệp, phân xưởng do Công nghiệp nhẹ phụ trách).
Nghề ruộm, tẩy, hấp ở các cửa hiệu, vỉa hè, đi rong (trừ những cơ sở ruộm, tẩy, hấp, chuyên ruộm vải tấm, len sọi cho Mậu dịch quốc doanh, kỹ thuật đòi hỏi cao, tổ chức có tính chất xí nghiệp, phân xưởng do Công nghiệp nhẹ phụ trách).
Nghề sửa chữa đồng hồ, kính, bút máy.
Nghề sửa chữa, sơn, hàn, xe đạp, xích lô, mô-bi-lét, cho thuê xe đạp, xe mô-bi-lét (trừ những cơ sở vừa có tính chất sửa chữa phục vụ, vừa có tính chất sản xuất nhưng sản xuất là chủ yếu thì do Công nghiệp nhẹ phụ trách).
Nghề sửa chữa đồ gỗ chỉ có tính chất phục vụ, không có tính chất sản xuất (nếu chuyên sản xuất đồ gỗ có kiêm sửa chữa thì do Công nghiệp nhẹ phụ trách).
Những cơ sở Công tư hợp doanh và hợp tác tiểu thương buôn bán có kiêm sản xuất tiểu thủ công như: gạch hoa, phấn viết, bản lề, giấy ráp, mũ, nón lá, v.v… vẫn do Bộ Nội thương phụ trách và sẽ chuyển dần sang Bộ Công nghiệp nhẹ phụ trách khi nào các cơ sở đó đã cắt hẳn phần buôn bán và chuyên sống bằng nghề sản xuất thủ công.
2. Kế hoạch bàn giao:
Việc bàn giao giữa hai cơ quan công nghiệp – thương nghiệp phải đảm bảo không để ảnh hưởng tới sản xuất và phục vụ bình thường của quần chúng và công tác của cơ quan quản lý Nhà nước.
Cần phải làm tốt công tác tư tưởng, chú ý giải quyết cho quần chúng thấy rõ lý do chuyển giao giữa cơ quan công nghiệp và thương nghiệp, xác định vị trí tương lai, tiền đồ và giải quyết những thắc mắc của họ, để họ an tâm sản xuất, phục vụ.
Những vấn đề về tổ chức, điều lệ, nội quy và những chính sách áp dụng từ trước tới nay đối với những ngành nghề trên cần giữ nguyên như cũ. Qua quá trình quản lý, cơ quan mới sẽ nghiên cứu và giải quyết sau, nếu xét có vấn đề cần thiết phải sửa đổi.
Giữa hai cơ quan cần phải bàn giao cụ thể về tình hình những ngành nghề trên đây kèm theo những hồ sơ, sổ sách và những vấn đề tồn tại cần phải tiếp tục giải quyết cho cơ quan mới phụ trách.
Nhận được thông tư này, mong các địa phương nghiên cứu thi hành, nếu gặp gì khó khăn, chưa hợp lý thì báo cáo ngay về cơ quan ngành dọc để kịp thời nghiên cứu giải quyết.
K.T. BỘ TRƯỞNG | K.T. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.