BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52-TT/LB | Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 1991 |
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ BƯU ĐIỆN SỐ 52-TT/LB NGÀY 19 - 9 - 1991 BỔ SUNG, SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỂM VỀ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THU PHÍ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SÔNG
Thi hành Quyết định số 211-HĐBT ngày 09-11-1987 của Hội đồng bộ trưởng về thu phí giao thông đường bộ, đường sông và các Thông tư số 66-TT/LB ngày 04-12-1987, Thông tư số 56-TT/LB ngày 26-12-1988, Thông tư số 58-TT/LB ngày 14-12-1989 của Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện chế độ thu phí giao thông bước đầu đã đạt được kết quả tốt, tăng nguồn thu để chi cho công tác sửa chữa đường bộ, đường sông.
Để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thu và sử dụng có hiệu quả tốt hơn, khuyến khích các chủ phương tiện thực hiện đóng phí giao thông. Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải và bưu điện điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điểm như sau:
1. Tất cả các phương tiện vận tải hàng hóa trên đường bộ, đường sông lệ phí giao thông thu theo đầu phương tiện đăng ký lưu hành; Các phương tiện vận tải hành khách trên đường bộ, đường sônglệ phí giao thông thu theo ghế/tháng thiết kế (hoặc ghế đăng ký kinh doanh). Đối tượng và mức thu cụ thể theo biểu phụ lục đính kèm thông tư này.
2. Phí giao thông đường bộ, đường sông Liên Bộ giao cho Sở GTVT tiếp tục tổ chức thu để chi cho công tác quản lý, sửa chữa hệ thống đường bộ, đường sông do địa phương quản lý. Để số tiền phí thu nhanh chóng phục vụ công tác quản lý, sửa chữa, Liên Bộ đồng ý : cho các Sở GTVT được mở tài khoản tiền gửi về thu phí giao thông ở các Chi cục KBNN tại địa phương và chấp hành đầy đủ các thủ tục quy định của Kho bạc Nhà nước về việc mở và sử dụng tài khoản. Toàn bộ số tiền phí thu được hàng ngày đều phải gửi vào Kho bạc Nhà nước. Đồng thời, Sở GTVT được quyền rút chi ứng thanh toán các khối lượng công tác quản lý, sửa chữa đường bộ, đường sông theo kế hoạch đã được duyệt. Để quản lý chặt chẽ số tiền thu, chi phí giao thông, yêu cầu các Sở GTVT có trách nhiệm:
- Lập kế hoạch thu, chi phí giao thông và kế hoạch chi quản lý sửa chữa đường bộ, đường sông trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ thực hiện. Kế hoạch được duyệt phải gửi các Chi cục kho bạc để theo dõi và quản lý.
- Hàng quý, năm Sở GTVT phải quyết toán với Sở Tài chính số thu, chi về tiền thu phí giao thông. Đồng thời, Sở GTVT gửi quyết toán số thu, chi phí giao thông cho Bộ Giao thông vận tải và bưu điện (qua Vụ Tài chính kế toán) để theo dõi.
3. Đối tượng được xét giảm phí giao thông, gồm có:
- Phương tiện vận tải của những xí nghiệp công, nông, lâm trường vừa hoạt động chạy trên đường chuyên dùng, vừa hoạt động chạy trên đường giao thông công cộng.
- Phương tiện vận tải của những xí nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh theo thời vụ.
- Phương tiện vận tải đưa vào sửa chữa định kỳ, phương tiện tạm ngừng hoạt động do không có hàng hóa vận chuyển.
Liên Bộ giao cho Sở GTVT và Sở Tài chính kiểm tra, xem xét các đối tượng giảm thu trình UBND tỉnh, thành phố xét và quyết định (mức giảm cụ thể cần căn cứ vào tình hình hoạt động cụ thể của từng đối tượng để xem xét).
4. Phương tiện vận tải đăng ký lưu hành ở địa phương nào, địa phương đó thu phí giao thông. Trên thực tế phương tiện vận tải đăng ký tập trung, nhiều nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, còn các tỉnh miền núi và Tây nguyên đường xá nhiều nhưng số lượng phương tiện đăng ký tại địa phương ít. Để hỗ trợ một phần kinh phí cho các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh ở Tây nguyên, Liên Bộ thống nhất điều tiết số tiền thu phí theo kế hoạch hàng năm của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tối đa là 15% để hỗ trợ các tỉnh nói trên thêm kinh phí sửa chữa cầu đường. Việc điều tiết tiền thu phí và kế hoạch hỗ trợ cho các địa phương giao cho Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện.
5. Chi phí để tổ chức thu phí giao thông như: tiền in ấn chỉ, mẫu biểu, biên lai, sổ sách, bộ máy tổ chức thu, tổ chức tuyên truyền, tổ chức kiểm tra... Liên Bộ quy định tỷ lệ được trích như sau:
- Đối với những địa phương có số thu hàng năm từ 2 tỷ đồng trở lên được trích 3% tổng số thu.
- Những địa phương có số thu hàng năm dưới 2 tỷ đồng được trích 4% tổng số thu.
Các Sở GTVT hàng năm lập dự toán chi cụ thể gửi Sở Tài chính duyệt để làm căn cứ thực hiện.
6. Để khuyến khíh những chủ phương tiện thực hiện tốt nộp phí giao thông trước kỳ hạn, Liên Bộ quy định:
- Giảm 10% số phí phải nộp cho những chủ phương tiện nộp phí giao thông cả năm một lần (ngay từ tháng đầu năm).
- Giảm 5% số phí phải đóng cho nhưng chủ phương tiện nộp phí giao thông sớm trước 6 tháng 1 lần.
Các quy định trên đây được áp dụng từ ngày 1-10-1991 những quy định khác về chế độ thu phí giao thông không đề cập trong thông tư này vẫn thực hiện theo Quyết định số 211-HĐBT ngày 9 tháng 11 năm 1987 của Hội đồng bộ trưởng và các Thông tư Liên Bộ số 66 - TT/LB ngày 04 tháng 12 năm 1988 và Thông tư số 58-TT/LB ngày 14-12-1989 của Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện thu phí giao thông đường bộ, đường sông.
Lê Khả (Đã ký) | Phạm Văn Trọng (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.