BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/TTLT | Hà Nội , ngày 20 tháng 11 năm 1990 |
CỦA BỘ XÂY DỰNG - BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 31/TTLT NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 132-HĐBT NGÀY 5-5-1990 VỀ PHÂN LOẠI ĐÔ THỊ VÀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐÔ THỊ
Ngày 5-5-1990 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 132-HĐBT về phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các công tác:
- Phân cấp, phân loại đô thị.
- Đề ra chính sách huy động các nguồn vốn, đầu tư xây dựng cho các đối tượng đô thị khác nhau.
- Kiện toàn bộ máy tổ chức hành chính quản lý đô thị.
- Ban hành quy trình, quy phạm tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng đô thị.
- Phân cấp xét duyệt các đồ án quy hoạch đô thị v.v...
Nay Liên Bộ hướng dẫn việc thực hiện như sau:
I. ĐÔ THỊ VÀ NHỮNG YẾU TỐ CẤU THÀNH ĐÔ THỊ
1. Quy định về "Điểm dân cư đô thị" ở điểm 1- Điều 1 được giải thích cụ thể như sau:
Đô thị là điểm tập trung dân cư với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, có hạ tầng cơ sở thích hợp, là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của cả nước, của một miền lãnh thổ, của một tỉnh, của một huyện hoặc một vùng trong tỉnh, trong huyện.
- Trung tâm tổng hợp: Những đô thị là trung tâm tổng hợp, khi chúng có vai trò và chức năng nhiều mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội .v.v...
- Trung tâm chuyên ngành: Những đô thị là trung tâm chuyên ngành, khi chúng có vai trò và chức năng chủ yếu về một mặt nào đó như: Công nghiệp cảng, du lịch- nghỉ dưỡng, đầu mối giao thông v.v...
- Một đô thị là trung tâm tổng hợp của một vùng tỉnh có thể cũng là trung tâm chuyên ngành của một vùng liên tỉnh hoặc toàn quốc. Do đó, việc xác định một trung tâm tổng hợp hay chuyên ngành còn phải căn cứ vào vị trí của đô thị đó trong một vùng lãnh thổ nhất định.
- Lãnh thổ đô thị gồm: Nội thành hoặc nội thị (gọi chung là nội thị) và ngoại ô. Các đơn vị hành chính của nội thị gồm: Quận và Phường, còn các đơn vị hành chính của ngoại ô gồm: Huyện và Xã.
2. Quy mô dân số.
Điểm 2. Điều 1 quy định chung quy mô dân số tối thiểu của một đô thị không nhỏ hơn 4.000 người. Riêng ở miền núi, quy mô dân số tối thiểu của một đô thị không nhỏ hơn 2.000 người. Quy mô này chỉ tính trong nội thị.
3. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Điểm 3. Điều 1 quy định tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của một đô thị không nhỏ hơn 60%. Tỷ lệ này chỉ tính trong nội thị.
Lao động phi nông nghiệp bao gồm:
- Lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Lao động xây dựng cơ bản.
- Lao động giao thông vận tải, bưu điện, tín dụng, ngân hàng.
- Lao động thương nghiệp, dịch vụ, du lịch.
- Lao động trong các cơ quan hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, phục vụ nghiên cứu Khoa học kỹ thuật.
- Các lao động khác... Ngoài khu vực sản xuất nông nghiệp.
4. Cơ sở hạ tầng đô thị.
Cơ sở hạ tầng đô thị gồm hạ tầng kỹ thuật ( giao thông, thông tin - liên lạc, cấp nước, cấp năng lượng, thoát nước, xử lý phân rác, vệ sinh môi trường) và hạ tầng xã hội (nhà ở, các công trình thương nghiệp, dịch vụ công cộng, ăn uống, nghỉ dưỡng, y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, công viên, cây xanh và các công trình phục vụ lợi ích công cộng khác).
Yếu tố này phản ánh trình độ phát triển, mức tiện nghi sinh hoạt của người đô thị và được xác định theo các chỉ tiêu cơ bản sau:
- Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt: Lít/người - ngày.
- Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt:KWh/người.
- Mật độ đường phố: Km/km2 và đặc điểm hệ thống giao thông.
- Tỷ lệ tầng cao trung bình.
5. Mật độ dân cư.
Mật độ dân cư là chỉ tiêu phản ánh mức tập trung dân cư của đô thị được xác định trên cơ sở quy mô dân số nội thị và diện tích xây dựng trong giới hạn nội thị của đô thị,
Đơn vị đo: Người/km2.
1. Việc phân loại đô thị phải xuất phát từ những căn cứ sau:
- Các yếu tố cấu thành đô thị đã được quy định tại Điều 1 và Điều 2 trong Quyết định 132-HĐBT.
- Điều tra hiện trạng và dự báo tương lai phát triển của đô thị, chủ yếu trong giới hạn 5 năm đầu.
Các chỉ tiêu phát triển tương lai của đô thị được xác định trên cơ sở các đồ án quy hoạch tổng thể đã được cấp có thẩm quyền xem xét, thỏa thuận hoặc phê duyệt.
- Thực tiễn tình hình kinh tế, xã hội và các đặc thù riêng biệt của từng đô thị.
2. Khi tiến hành phân loại đô thị, phải xác lập các căn cứ phân loại và đối chiếu với những chỉ tiêu đã được quy định cụ thể trong Điều 2 của Quyết định 132-HĐBT.
3. Khi đối chiếu phân loại, cần lưu ý một số điểm sau đây:
a) Việc xác định vai trò và chức năng của đô thị cần dựa vào tình hình hiện trạng đô thị và các kết qủa nghiên cứu phân bố phát triển lực lượng sản xuất, sơ đồ quy hoạch vùng hoặc sơ đồ liên hệ kinh tế vùng.
Trường hợp những cứ liệu trên chưa có hoặc còn thiếu, thì nhất thiết phải lập quy hoạch tổng thể phát triển đô thị trong đó cần luận chứng rõ tính chất, vai trò, chức năng của đô thị trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
b) Việc xác định quy mô dân số và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của đô thị chỉ tiến hành trong giới hạn nội thị và phải bảo đảm mức quy định tối thiểu như đã ghi trong Điều 2 của Quyết định 132-HĐBT.
Riêng miền núi, quy mô dân số đô thị loại 3 có thể quy định tối thiểu từ 8 vạn người, đô thị loại 4 từ 2 vạn người là đô thị loại 5 từ 2.000 người.
c) Các chỉ tiêu chính về trình độ phát triển hạ tầng kỹ thuật có thể tham khảo để phân loại đô thị được quy định cụ thể ở phụ lục.
d) Đối với các đô thị loại 1, 2, 3, 4 mật độ dân số được tính trên cơ sở mật độ dân số trung bình của các quận, phường trong nội thị.
Riêng đối với đô thị loại 5, mật độ dân số được tính trên cơ sở dân số của đô thị và diện tích thổ cư (trừ diện tích canh tác nông, lâm nghiệp).
Mật độ dân cư các đô thị miền núi có thể thấp hơn, đô thị loại 3 là: 8000 người/km2, đô thị loại 4 là: 6000 người /km2 và loại 5 là: 3.000 người /km2.
4. Khi đối chiếu các chỉ tiêu cụ thể của một đô thị với các chỉ tiêu phân loại được quy định tại Điều 2 của Quyết định 132-HĐBT và trong Thông tư hướng dẫn này, cần lưu ý hai trường hợp sau:
a. Trường hợp chỉ có một số chỉ tiêu đạt đúng tiêu chuẩn như quy định ở Điều 2 của Quyết định 132-HĐBT, thì việc xếp loại đô thị có thể căn cứ ưu tiên vào ba chỉ tiêu cơ bản là: Vai trò chức năng, quy mô dân số và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của đô thị đó.
b. Trường hợp chỉ tiêu quy mô dân số và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơi thấp so với chỉ tiêu quy định, thì việc xếp loại đô thị có thể căn cứ chủ yếu vào chỉ tiêu chức năng của đô thị, nhưng phải xem xét triển vọng của đô thị có điều kiện cần thiết để đạt được chỉ tiêu còn thấp.
5. Chức năng và ranh giới ngoại ô:
a. Chức năng của vùng ngoại ô các đô thị được quy định tại Điều 3 của Quyết định 132-HĐBT.
Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào loại đô thị và các đặc điểm tự nhiên vùng kế cận của chúng, các vùng ngoại ô không nhất thiết phải có đầy đủ cả bốn chức năng đã nêu.
b. Ngoại ô là vành đai chịu tác động ảnh hưởng trực tiếp của nội thị và nằm trong giới hạn ngoại thành, ngoại thị.
Riêng đô thị loại 5, không có ngoại ô.
c. Việc xác định ranh giới ngoại ô phải căn cứ vào đặc điểm hiện trạng và tương lai phát triển của từng đô thị theo dự kiến quy hoạch và phải được Ban tổ chức và cán bộ cuả Chính phủ xem xét chuẩn bị chu đáo trước khi trình Nhà nước phê chuẩn.
1. Phân cấp quản lý đô thị về mặt hành chính Nhà nước được cụ thể hoá như sau:
- Thành phố trực thuộc Trung ương tương đương cấp tỉnh phải là đô thị loại 1 hoặc loại 2 và chủ yếu do Trung ương quản lý.
- Các thành phố thuộc tỉnh, các thị xã tương đương với cấp huyện đa số thuộc đô thị loại 3 và loại 4, một số ít có thể thuộc loại 5 và do tỉnh quản lý.
2. Quan hệ giữa phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị:
Nguyên tắc chung là dựa vào kết quả phân loại đô thị để phân cấp quản lý đô thị. Tuy nhiên, có trường hợp đặc biệt một số đô thị được phân cấp quản lý cao hơn hoặc thấp hơn một bậc so với quy định trên với lý do:
-Vai trò trung tâm chính trị đặc biệt của đô thị.
- Quá trình hình thành và phát triển đô thị ở nước ta trải qua rất nhiều thời kỳ khác nhau.
- Trình độ phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hoá ở từng vùng khác nhau dẫn đến vị trí, vai trò và tính chất đô thị đối với từng vùng lãnh thổ cũng khác nhau.
Ví dụ: Có đô thị loại 4 nhưng vẫn là thành phố tỉnh lỵ và có đô thị thuộc loại 5 nhưng vẫn là thị xã do tỉnh quản lý.
3. Thành lập đô thị mới:
Việc xin thành lập đô thị mới phải được tiến hành theo trình tự sau:
a. Lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật xin thành lập đô thị mới. Trong luận chứng cần nêu rõ:
- Lý do xin thành lập đô thị mới.
- Xác định tính chất vai trò chức năng, quy mô dân số, tỷ trọng lao động phi nông nghiệp mật độ dân số của đô thị... chủ yếu tương ứng với 5 năm đầu phát triển.
- Đối chiếu với các chỉ tiêu quy định trong Quyết định 132-HĐBT kiến nghị xin thành lập đô thị mới và phân loại, phân cấp.
b. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu lập tờ trình (có kèm theo luận chứng xin thành lập đô thị mới) trình Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt.
1. Uỷ ban nhân dân các cấp cần tổ chức nghiên cứu quán triệt Quyết định 132-HĐBT và thông tư hướng dẫn thi hành của Liên Bộ vào việc rà xét lại quy hoạch tổng thể và ngoại ô của đô thị để lập tờ trình (có các luận chứng và số liệu cụ thể theo quy định ở Điều 2 của Quyết định) xin xét công nhận loại đô thị.
2. Bộ Xây dựng phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu với sự tham gia của Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ xét duyệt việc phân loại đô thị ở từng địa phương theo Quyết định 132-HĐBT. Trình Hội đồng Bộ trưởng Quyết định công nhận đô thị loại 1 và 2 và Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận loại 3 và 4. Riêng đối với đô thị loại 5, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố, đặc khu xét công nhận có tham khảo ý kiến của Bộ Xây dựng và ban tổ chức cán bộ của Chính phủ.
Sau mỗi kỳ kế hoạch 5 năm, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành điều chỉnh xếp loại đô thị nếu có đề nghị của địa phương.
3. Trên cơ sở nghiên cứu Quyết định 132-HĐBT, Thông tư hướng dẫn Liên Bộ và sau khi đã có quyết định xếp loại đô thị, Uỷ ban nhân dân các địa phương phối hợp với Ban Tổ chức và cán bộ của Chính phủ lập tờ trình xin thay đổi cấp quản lý đô thị trong trường hợp cần thiết.
4. Theo Điều 3 Quyết định 132-HĐBT Uỷ ban nhân dân các địa phương cần phối hợp với bộ xây dựng tiến hành lập quy hoạch vùng ngoại ô các đô thị để làm cơ sở xác định ranh giới hành chính vùng ngoại ô thông qua Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ để trình Hội đồng Bộ trưởng.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc về nội dung và phương pháp, Uỷ ban nhân dân các địa phương phản ánh về Ban Tổ chức và cán bộ của Chính phủ và Bộ Xây dựng để nghiên cứu giải quyết.
6. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký, các địa phương cần tiến hành ngay công tác phân loại đô thị trong năm 1990 để phục vụ kịp thời việc lập kế hoạch xây dựng đô thị 1991 -1995.
Ngô Xuân Lộc (Đã ký) | Phan Ngọc Tường (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.