BỘ GIÁO DỤC-CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM | VIỆT |
Số: 27-TT | Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1964 |
HƯỚNG DẪN VIỆC HỘI HỌP, HỌC TẬP CỦA GIÁO VIÊN
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC-BAN THƯỜNG VỤ CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Kính gửi: | - Các khu, sở, ty giáo dục |
Căn cứ quy định số 76-CP ngày 24-5-1961 của Hội đồng Chính phủ về chế độ hội họp, học tập trong các tổ chức, cơ quan, Bộ Giáo dục đã có quy định số 847-QĐ ngày 06-12-1961 quy định chế độ hội họp, học tập trong các trường phổ thông. Từ đó đến nay, trong nhà trường đã có nhiều tiến bộ, số lượng các buổi họp đã giảm bớt, chất lượng các buổi họp đã được nâng cao. Tình hình hội họp quá tràn lan đã một phần nào được khắc phục và dần dần đưa việc hội họp trong nhà trường phổ thông vào nề nếp, hiện tượng đóng cửa trường để hội họp không hợp lý đã được chấm dứt ở nhiều địa phương. Nhiều trường đã xây dựng và thực hiện được đều đặn kế hoạch hội họp hàng tuần, hàng tháng. Gần đây, nhiều địa phương, các Sở, Ty Giáo dục và các Phòng Giáo dục huyện đã phối hợp chặt chẽ với Công đoàn Giáo dục để quản lý kế hoạch hội họp, học tập ở các trường, có nhiều biện pháp cải tiến nội dung và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện trong trường học.
Những kết quả bước đầu về việc cải tiến chế độ hội họp trong nhà trường phần nào đã có tác dụng tốt đến việc thực hiện nhiệm vụ năm học, đến sức khỏe của giáo viên.
Tuy vậy, nhìn chung tình hình hội họp quá nhiều vẫn còn phổ biến trong trường học, việc học tập của giáo viên vẫn chưa được coi trọng. Thì giờ của giáo viên để làm công tác chuyên môn và thì giờ nghỉ ngơi vẫn còn bị vi phạm, đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng chuyên môn, đến sức khỏe của giáo viên. Tình hình hội họp, học tập của giáo viên nhiều nơi, nhiều lúc đã gây không khí căng thẳng, xâm phạm đến thời gian nghỉ hè mà Bộ đã quy định, xâm phạm đến ngày nghỉ và ngày lễ, xâm phạm đến thì giờ chuẩn bị cho việc giảng dạy, chấm bài, soạn bài và thì giờ lên lớp của giáo viên. Tình trạng này nếu không được kiên quyết khắc phục thì nhất định ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục, đến khả năng phục vụ lâu dài của giáo viên.
Sở dĩ tình hình hội họp còn quá nhiều trong nhà trường là vì:
a) Các cơ quan chỉ đạo giáo dục và Công đoàn Giáo dục các cấp, các giáo viên và đoàn viên chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc cải tiến chế độ hội họp trong trường học; chưa thấy việc cải tiến chế độ hội họp, học tập gắn liền với việc thực hiện mọi nhiệm vụ của ngành, gắn liền với sinh hoạt vật chất và văn hóa của quần chúng, và trong quá trình thực hiện là một quá trình đấu tranh gay go về nhận thức, tư tưởng và tập quán.
b) Về tổ chức, trong nội bộ trường học còn cồng kềnh, có nhiều tổ, nhiều ban không cần thiết.
- Viêc phân công giáo viên phụ trách các tổ chức trong nhà trường chưa hợp lý; việc sắp xếp thì giờ làm việc của giáo viên còn luộm thuộm.
- Việc phối hợp công tác giữa các tổ chức trong nhà trường còn lỏng lẻo, chế độ quản lý về hội họp, học tập chưa chặt chẽ.
- Giữa tập thể và cá nhân chưa được phân định rõ, chất lượng tập thể lãnh đạo chưa cao, cá nhân phụ trách thường ỷ lại, dựa dẫm vào tập thể.
c) Việc quản lý nội dung hội họp chưa được đề cao, nội dung các cuộc họp còn tràn lan, còn lẫn lộn giữa các tổ chức, thiếu các biện pháp cần thiết và các hình thức trong việc phổ biến chủ trương chính sách. Thời gian họp dành nhiều để báo cáo thuyết trình, phổ biến chủ trương, lấy tình hình, dành rất ít để thảo luận lấy ý kiến xây dựng. Tính chất dân chủ của hội nghị trở thành hình thức.
d) Các cấp chính quyền và đoàn thể của ngành ở trên thường dồn xuống nhiều việc, lại gấp; về phía chính quyền và đoàn thể địa phương huy động trường học tham gia nhiều công tác đột xuất chưa hợp lý, thường làm cho nhà trường bị động.
Để thực hiện quyết định số 118 ngày 17-12-1963 của Hội đồng Chính phủ quy định việc hội họp, học tập của cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, và quy định số 847-QĐ của Bộ về chế độ hội họp, học tập trong nhà trường phổ thông, dưới đây Bộ và Công đoàn Giáo dục Việt-nam hướng dẫn các địa phương một số biện pháp để khắc phục tình trạng trên và để thực hiện việc hội họp của giáo viên trong trường học được tốt.
1. Nhận thức đầy đủ chủ trương cải tiến hội họp, học tập
Các cơ quan chỉ đạo giáo dục và Công đoàn Giáo dục các cấp cần nghiên cứu kỹ quyết nghị số 118 của Hội đồng Chính phủ và quy định số 847-QĐ của Bộ Giáo dục, và dựa vào những nội dung ấy, kiểm điểm lại việc nhận thức, việc thi hành các quy định ấy trong phạm vi phụ trách của mình để nhận thức sâu sắc và toàn diện đối với vấn đề cải tiến hội họp.
2. Nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức trong nội bộ trường học
Hiện nay về tổ chức nội bộ nhà trường còn cồng kềnh, nhiều trường có những ban và tổ không cần thiết, ít tác dụng thiết thực cho công tác giáo dục và giảng dạy. Mặt khác từ tổ chức nội bộ không gọn nhẹ đã làm tăng thêm đầu mối cho hiệu trưởng, làm tăng thêm các buổi họp trong nhà trường, đẩy hoạt động của trường học đến chỗ phân tán, hội họp liên miên, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chính của giáo viên. Để giải quyết về tổ chức, các địa phương cần nghiên cứu thực hiện đúng quy định tạm thời của Bộ về tổ chức lãnh đạo và chế độ trong nhà trường phổ thông cấp I, II và III; có biện pháp tích cực xem xét về tổ chức của các trường, xác định lại nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, kiên quyết bỏ những tổ chức không cần thiết.
3. Bảo đảm thực hiện đúng các buổi họp trong quy định số 847-QĐ đối với các tổ chức trong trường học
Việc cải tiến chế độ hội họp trong trường học phải nhằm đẩy mạnh được nhiệm vụ giáo dục và giảng dạy của nhà trường và bảo đảm được thì giờ học tập và nghỉ ngơi của giáo viên; nên một mặt phải giảm bớt các hội nghị không cần thiết, đồng thời phải thực hiện đầy đủ những buổi họp thường kỳ đã quy định đối với các tổ chức trong trường học. Phải sắp xếp các buổi họp cho hợp lý, đặc biệt là những buổi họp quy định cho những tổ chức chuyên môn. Thực hiện quy định 847 của Bộ, chính là để đưa hội họp thường kỳ của các tổ chức trong trường học vào nề nếp, và trên cơ sở đó kiên quyết khắc phục các buổi họp bất thường, bảo đảm đúng kỷ luật lao động.
Trong trường học, ngoài công tác giảng dạy, người giáo viên còn phải phụ trách một số phần việc khác; việc phân công giáo viên không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung công việc vào một số đồng chí nhất định, làm cho một số đồng chí này quá bận trong khi các đồng chí khác thì rỗi rãi. Trong việc phân công cần chú ý như sau:
- Mỗi giáo viên ngoài công tác giảng dạy, làm chủ nhiệm lớp hoặc tổ trưởng chuyên môn thì chỉ nên phụ trách thêm một tổ chức trong nội bộ trường học.
- Những giáo viên đã phụ trách công tác đoàn thể thì miễn phụ trách các tổ chức của trường.
- Trong việc phân công phụ trách, phải mạnh dạn giao việc cho giáo viên, phải khéo léo sắp xếp giữa công việc của các đoàn thể và công việc của các tổ chức chuyên môn trong trường học.
5. Vấn đề cải tiến nội dung hội nghị
Giảm bớt hội nghị là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, bởi vậy riêng việc giảm hội nghị không giải quyết được vấn đề mà cần phải kết hợp chặt chẽ giữa giảm hội nghị với cải tiến nội dung hội nghị. Qua kinh nghiệm ở các địa phương, việc cải tiến nâng cao chất lượng các hội nghị, nếu không được giải quyết tốt thì dù có quy định đầy đủ chăng nữa, nhưng việc hội họp nhiều và thời gian họp kéo dài vẫn không khắc phục được. Việc cải tiến nội dung hội nghị tốt hay không, phần chủ yếu phụ thuộc vào việc chuẩn bị hội nghị có chu đáo hay không. Trách nhiệm này là ở hiệu trưởng và các đồng chí có liên quan trong trường học và sự đóng góp xây dựng của đông đảo giáo viên. Phải khắc phục tình trạng chưa có nội dung đầy đủ đã triệu tập họp. Phải thông báo trước lịch hội họp trong từng thời kỳ và nội dung cần bàn để giáo viên, đoàn viên chuẩn bị ý kiến trước khi họp.
6. Vấn đề huy động giáo viên tham gia công tác xã hội.
Việc huy động giáo viên tham gia công tác xã hội là cần thiết, nhưng phải có kế hoạch để không làm trở ngại đến công tác chuyên môn và không xâm phạm đến thì giờ học tập, nghỉ ngơi của giáo viên. Trong việc hội họp với nhân dân và các đoàn thể ở địa phương, đối với giáo viên cần có mức độ, hết sức tránh việc triệu tập giáo viên đi họp ở địa phương cũng như nhân dân và cán bộ các ngành khác ở xã. Phải coi giáo viên là cán bộ thoát ly, nên tuy là một ngành của xã, nhưng trong hoạt động bình thường nó thoát ly khỏi khuôn khổ của xã và không giống hoạt động của các ngành khác ở xã. Phải làm cho mọi người, mọi đoàn thể, tổ chức thấy rằng giáo viên ngoài thì giờ lên lớp giảng dạy, còn cần có thì giờ để soạn bài, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng giảng dạy, tham khảo thêm tài liệu, đọc thêm sách báo v .v… đó là việc làm thường xuyên và rất cần thiết để bảo đảm chất lượng giáo dục.
7. Việc để quản lý việc hội họp, học tập của giáo viên
Quản lý việc hội họp, học tập của giáo viên trong trường học là trách nhiệm của hiệu trưởng. Để làm tốt, hiệu trưởng phải phối hợp chặt chẽ với công đoàn và đoàn thanh niên trong trường học, từ việc xây dựng lịch hội họp đến việc cải tiến nội dung. Các Sở, Ty Giáo dục, Phòng Giáo dục huyện và Công đoàn Giáo dục khu, tỉnh, thành, huyện ngoài việc giảm bớt việc triệu tập hiệu trưởng, giáo viên họp bất thường, giảm việc đưa về trường nhiều công tác đột xuất còn phải tăng cường đôn đốc kiểm tra việc thực hiện, cụ thể:
- Các Phòng Giáo dục và Công đoàn Giáo dục huyện phải quản lý lịch hội họp của các trường trong tháng và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện.
- Các Khu, Sở, Ty Giáo dục và Công đoàn Giáo dục khu, tỉnh, thành phải hướng dẫn, theo dõi kiểm tra rút kinh nghiệm để phổ biến chung trong địa phương.
Trên đây, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt-nam hướng dẫn các địa phương một số điểm cần thiết trong việc thực hiện chế độ hội họp trong nhà trường và đối với giáo viên. Bộ và Công đoàn Giáo dục Việt-nam đề nghị các Khu, Sở, Ty và các Công đoàn Giáo dục khu, tỉnh, thành cần phối hợp chặt chẽ, đặt kế hoạch và biện pháp thực hiện.
TM. BAN THƯỜNG VỤ | BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.