BỘ NGOẠI GIAO-BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 178-LBNG/NV | Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1977 |
Ngày 25 tháng 4 năm 1977 Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 122-CP về chính sách đối với người nước ngoài cư trú và làm ăn sinh sống ở Việt Nam, Quyết định này thể hiện đường lối đối ngoại hữu nghị của Nhà nước ta trên cơ sở bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia; đồng thời bảo hộ quyền lợi chính đáng của người nước ngoài cư trú, làm ăn sinh sống ở Việt Nam .
Đối tượng được áp dụng theo quyết định này là những người nước ngoài cư trú, làm ăn sinh sống ở Việt Nam gọi tắt là ngoại kiều, có quốc tịch nước khác hoặc không có quốc tịch. Người nước ngoài là chuyên gia, sinh viên, thực tập sinh .v.v… đến Việt Nam theo những hiệp định riêng và những người hoạt động kinh doanh theo Điều lệ đầu tư của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không thuộc phạm vi qui định của quyết định này.
Để thực hiện quyết định trên, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ ra Thông tư liên bộ hướng dẫn cụ thể như sau.
1. Người nước ngoài muốn xin vào Việt Nam để cư trú, làm ăn sinh sống phải làm đơn xin cư trú gửi đến cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền ở trong nước chấp nhận, đương sự phải làm thủ tục xin nhập cảnh Việt Nam .
2. Ngoại kiều cư trú, làm ăn sinh sống ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân Việt Nam; ngoại kiều không được làm điều gì có phương hại đến sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hoặc tuyên truyền gây hận thù chia rẽ dân tộc, phá hoại tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước khác.
3. Ngoại kiều cư trú ở Việt Nam không được quyền bầu cử và ứng cử như công dân Việt Nam .
4. Đối với những Ngoại kiều mà nước họ có ký các hiệp định có liên quan đến kiều dân với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng theo các hiệp định đó.
5. Ngoại kiều cư trú ở Việt Nam được Nhà nước Việt Nam bảo hộ tính mạng, tài sản và quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam.
II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CƯ TRÚ, ĐI LẠI VÀ HÀNH NGHỀ
1. Đăng ký cư trú.
Điều 5 của Quyết định số 122-CP có ghi “Ngoại kiều phải đăng ký cư trú tại cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và được cấp thẻ cư trú. Từng thời gian quy định họ phải đăng ký lại" cụ thể là :
a) Ngoại kiều được phép nhập cảnh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục đích để làm ăn sinh sống, sau khi đến địa điểm, trong vòng 48 tiếng đồng hồ phải làm đầy đủ thủ tục đăng ký tại các Sở, Ty công an nơi xin đến cư trú.
b) Ngoại kiều từ 15 tuổi trở lên hiện đang làm ăn sinh sống ở Việt Nam, đều phải đến Sở, Ty công an nơi cư trú để làm thủ tục đăng ký, thời gian do chính quyền địa phương ấn định. Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có trách nhiệm đăng ký cư trú cho những người dưới 15 tuổi.
c) Sau khi ngoại kiều làm đầy đủ thủ tục đăng ký và được phép cư trú, họ sẽ được sở, Ty công an cấp thẻ cư trú, trong đó nói rõ nơi cư trú nhất định.
d) Thời hạn của thẻ cư trú là 3 năm. Hàng năm ngoại kiều phải đến Sở, Ty công an nơi cư trú để trình diện. Khi thẻ cư trú hết hạn, ngoại kiều phải làm thủ tục xin gia hạn cư trú và có thể được gia hạn nhiều lần. Trường hợp không được gia hạn cư trú thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết phép cư trú, ngoại kiều phải rời khỏi Việt Nam.
đ) Khi muốn di chuyển chỗ ở, ngoại kiều phải đến Sở, Ty công an nơi cư trú để nộp đơn xin phép, nói rõ lý do chuyển chỗ ở, nếu được phép chuyển đi thì sau khi đến chỗ ở mới, trong vòng 24 giờ, đương sự phải đến cơ quan công an nơi mới đến để trình giấy di chuyển và xin chứng nhận vào thẻ cư trú.
e) Ngoại kiều phải trả tiền lệ phí về thủ tục đăng ký cư trú.
2. Nơi cư trú:
Điều 4 của quyết định có ghi “Ngoại kiều được phép cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Nơi cư trú của ngoại kiều do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam qui định”, cụ thể là nơi cư trú của ngoại kiều do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định theo yêu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng ở địa phương.
Ngoại kiều không được cư trú những khu vực sau đây :
- Khu vực biên giới, bờ biển;
- Khu vực có liên quan đến việc bảo vệ an ninh, quốc phòng như chung quanh sân bay, bến cảng và các khu vực bố phòng;
- Những khu vực kinh tế quan trọng; nơi tập trung tiềm lực về tài nguyên, kinh tế, các trung tâm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cần giữ bí mật;
- Các đầu mối giao thông quan trọng có tính chất chiến lược …
3. Đi lại.
Ngoại kiều sau khi đã làm đầy đủ thủ tục cư trú được đi lại trong phạm vi sau đây không phải xin giấy phép.
- Trong nội thành, nếu cư trú ở thành phố;
- Trong nội và ngoại thị, nếu cư trú ở thị xã;
- Trong huyện, nếu cư trú ở nông thôn.
Giấy tờ hợp lệ để đi lại trong phạm vi này là thẻ cư trú của ngoại kiều.
Khi đi lại trong phạm vi không phải xin giấy phép nói trên, ngoại kiều không được đi vào khu vực đặt biển cấm mang ký hiệu chữ “C“ và những nơi có lực lượng vũ trang gác.
Ngoại kiều muốn đi lại những nơi khác trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải xin giấp phép đi lại của Sở, Ty công an nơi cư trú.
4. Thôi cư trú.
Ngoại kiều khi được phép thôi cư trú ở Việt Nam hoặc vì lý do gì đó mà không được phép cư trú ở Việt Nam, khi xuất cảnh được mang theo những tài sản hợp pháp theo luật lệ hiện hành của Việt Nam, cụ thể là :
a) Về thủ tục : Ngoại kiều xin thôi cư trú hoặc xin về thăm quê hương đều phải đến Sở, Ty công an nơi cư trú xuất trình hộ chiếu hoặc giấy chứng minh, thẻ cư trú và phải kê khai vào hai đơn xin xuất cảnh và nộp 3 ảnh cỡ 4cm x 6cm.
Khi được giấy thị thực xuất cảnh, ngoại kiều phải nộp lại cho Sở, Ty công an các loại giấy tờ do các cơ quan Việt Nam cấp.
b) Khi xuất cảnh : Ngoại kiều phải đi theo đúng cửa khẩu và thời gian qui định được ghi trong thị thực xuất cảnh.
Họ được mang theo những tư liệu sinh hoạt do lao động cá nhân mà có, tư trang bằng vàng, bạc, kim cương, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Họ không được mang theo các loại vật phẩm và hàng hoá mà luật lệ hiện hành của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấm xuất khẩu.
c) Đối với những ngoại kiều chưa thanh toán xong các khoản nợ, thuế của Nhà nước và nợ của tư nhân ở Việt Nam, những ngoại kiều đang bị truy cứu trách nhiệm về dân sự, hình sự và hành chính thì chưa được phép xuất cảnh.
5. Hành nghề.
a) Điều 6 của quyết định nói về những ngành, nghề mà ngoại kiều không được làm bao gồm:
- Về ngư nghiệp : không được làm nghề khai thác các loại hải súc sản ở biển như cá, tôm, bào ngư, ngọc trai… và những hải sản khác như rong biển, san hô, v.v…
- Về lâm nghiệp : không được làm nghề khai thác các loại lâm thổ sản như gỗ, tre, nứa, song, mây, cánh kiến, mật ong và các loại dược liệu; không được làm nghề trồng rừng; không được săn bắn các loại động vật ở trong rừng…
- Không được làm nghề sửa chữa các loại máy thông tin, các loại máy phát, thu thanh, phát, thu hình.
Không được làm nghề lái xe, kể cả lái xe chở khách, lái ca nô và lái các loại phương tiện chở khách, vận chuyển hàng hoá.
Không được làm nghề in, khắc, đúc chữ, đúc dấu.
Không được làm nghề đánh máy chữ, in rônêô, photocopy.
Những nghề trên đây, ngoại kiều không được làm dưới bất cứ hình thức nào dù làm cá thể, làm trong các hợp tác xã hay trong các cơ quan Nhà nước .
b) Ngoại kiều nào đang làm các ngành, nghề đã cấm nói trên, phải đến Sở, Ty lao động nơi mình cư trú để trình báo và phải chấm dứt hoạt động trong thời gian do Uỷ ban nhân dân địa phương ấn định.
c) Ngoài những ngành, nghề đã quy định trên, ngoại kiều muốn làm những ngành nghề khác hoặc xin vào làm việc trong các cơ quan , xí nghiệp phải được cơ quan công an nơi cứ trú cho phép và cơ quan quản lý lao động hoặc cơ quan quản lý các ngành nghề đó chấp nhận.
III. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGOẠI KIỀU
1. Nghĩa vụ của ngoại kiều.
Xuất phát từ nguyên tắc: Ngoại kiều phải tuân theo pháp luật Việt Nam như đã nói ở điểm 2 phần I, ngoại kiều ở bất cứ địa phương nào cũng phải làm các nghĩa vụ như thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa, đóng thuế, lao động phục vụ lợi ích công cộng, v.v… như công dân Việt Nam .
Lao dộng phục vụ lợi ích công cộng bao gồm lao động xã hội chủ nghĩa, xây dựng các công trình công cộng, các công trình vì lợi ích của nền kinh tế quốc dân (nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông …), lao động phục vụ các nhiệm vụ đột xuất của địa phương (chống lụt bão, thu hoạch khẩn trương về nông nghiệp, dân công phục vụ chiến đấu…). Ngoại kiều phải tuân theo kế hoạch điều động của chính quyền địa phương về lao động phục vụ lợi ích công cộng.
2. Quyền lợi của ngoại kiều.
“Ngoại kiều được hưởng quyền sở hữu cá nhân về thu nhập hợp pháp về tư liệu sinh hoạt và các tư liệu sản xuất theo pháp luật Việt Nam“ (điều 7 trong quyết định). Thu nhập hợp pháp là khoản thu nhập do lao động sản xuất và làm những nghề nghiệp được phép làm, các khoản trợ cấp hưu trí và trợ cấp do công sức lao động chính đáng của bản thân mà có.
Tư liệu sinh hoạt là những vật dùng trong sinh hoạt của cá nhân và người trong gia đình của ngoại kiều bao gồm các tiện nghi trong nhà như giường, tủ, bàn ghế, máy thu thanh, xe đạp, máy khâu, quạt điện, đồng hồ…
Quyền sở hữu về tư liệu sản xuất theo qui định của pháp luật Việt Nam, tư liệu sản xuất đó là những công cụ sản xuất do cá nhân hoặc gia đình mua sắm mà có, để phục vụ nghề nghiệp mà ngoại kiều được phép làm.
Ngoại kiều không có quyền sở hữu về bất động sản; ruộng đất thuộc bất cứ hình thức nào (đất để ở, để canh tác, vườn tược, ao hồ…) cũng như nhà kho, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ,v.v…đều do Nhà nước Việt Nam thống nhất quản lý theo qui hoạch chung.
3. Thừa kế tài sản.
Quyền thừa kế tài sản hợp pháp của ngoại kiều được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Tất cả những vấn đề thừa kế giữa vợ, chồng, cha, mẹ, con, cũng như giải quyết phân chia tài sản khi ly hôn hoặc được hưởng quyền thừa kế của chồng goá, vợ goá và các con đã thành niên…đều được giải quyết theo pháp luật về thừa kế của Việt Nam. Trừ trường hợp có hiệp định về hợp tác pháp lý giữa Việt Nam và nước có Ngoại kiều thì thi hành theo hiệp định.
4. Học tập.
Ngoại kiều và con em họ được vào học tại các trường học Việt Nam từ mẫu giáo đến đại học, trừ một số trường đại học, trường chuyên nghiệp hoặc một số ngành học trong các trường đại học và trường chuyên nghiệp có liên quan đến an ninh quốc phòng. Việc xét cho ngoại kiều và con em họ vào học các trường theo quy chế tuyển sinh như đối với công dân Việt Nam, nhưng họ phải trả học phí và lệ phí quy định của Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp.
5. Khám bệnh và chữa bệnh
Ngoại kiều và những người trong gia đình họ khi đau ốm được đến khám bệnh và chữa bệnh tại các cơ sở y tế nơi họ cư trú. Trường hợp cấp cứu họ được đưa đến cơ sở y tế nơi gần nhất. Nếu vì tình hình bệnh tật họ cần phải chữa bệnh tại bệnh viện tỉnh, thành phố hoặc các trung tâm về chuyên khoa thì cũng được cơ sở y tế nơi học cư trú giới thiệu đi. Ngoại kiều phải trả mọi chi phí về khám bệnh và chữa bệnh theo thể lệ quy định của Bộ Y tế.
6. Quyền được hưởng phúc lợi xã hội.
Điều 11 của quyết định có ghi “Ngoại kiều phải làm nghĩa vụ lao động phục vụ lợi ích công cộng và được hưởng những phúc lợi xã hội theo pháp luật Việt Nam”. Phúc lợi xã hội bao gồm những vấn đề cứu tế, trợ cấp đối với những người già cả, tàn tật không nơi nương tựa, trẻ mồ côi không người nuôi dưỡng, giải quyết công ăn việc làm cho người thất nghiệp…
Ngoại kiều làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước trợ cấp khi ốm đau, sinh đẻ, tai nạn lao động, được trợ cấp hưu trí, mất sức lao động, trợ cấp khi chết và những phúc lợi xã hội khác như đối với công nhân, viên chức Việt Nam được quy định trong luật lệ hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoại kiều là xã viên hợp tác sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã mua bán, đều hưởng phúc lợi xã hội theo điều lệ hợp tác xã như đối với xã viên là công dân Việt Nam.
1. Khen thưởng ngoại kiều có công
“Nhà nước Việt Nam khen thưởng thích đáng đối với ngoại kiều có những đóng góp xứng đáng và công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam” (điều 14 của quyết định). Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ đất nước Việt Nam hoặc trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của Việt Nam như có những phát minh, sáng chế, cải tiến công cụ lao động, có năng suất lao động cao, hiệu suất công tác tốt…thì chính quyền địa phương nơi họ cư trú và cơ quan, xí nghiệp nơi họ làm việc có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên xét và khen thưởng.
2. Xử phạt những ngoại kiều vi phạm pháp luật.
Ngoại kiều nào có những vi phạm đến luật lệ Nhà nước Việt Nam, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản riêng của công dân Việt Nam và của ngoại kiều khác, có những hành động cấu kết, thông đồng với phần tử xấu để chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phá hoại quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và vi phạm bản quyết định này sẽ tùy theo sự vi phạm mà xử lý theo pháp luật hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để thực hiện Quyết định số 122-CP ngày 25-4-1977 của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với ngoại kiều:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm truyền đạt tinh thần, nội dung bản quyết định và thông tư liên bộ này cho các cấp chính quyền các ngành ở địa phương biết và tổ chức thực hiện.
2. Các ngành các cơ quan hữu quan căn cứ vào bản quyết định và thông tư liên bộ này nghiên cứu quyết định thể lệ, chế độ cụ thể thuộc ngành mình phụ trách để hướng dẫn thực hiện.
3. Các Sở, Ty công an, Sở, phòng ngoại vụ có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố theo dõi việc thi hành quyết định và thông tư này, đề xuất những ý kiến trong việc quy định nơi cư trú, thời gian đăng ký cư trú, xin phép hành nghề, phạm vi đi lại của ngoại kiều và tham gia ý kiến với Sở, Ty lao động, các ngành hữu quan trong việc quản lý các ngành nghề của ngoại kiều, nhằm bảo đảm thực hiện đúng chính sách đối ngoại với ngoại kiều ở địa phương.
4. Bản quyết định và thông tư liên bộ này (trừ phần V: Tổ chức thực hiện) có thể đăng ở báo chí địa phương, phổ biến rộng rãi cho nhân dân và ngoại kiều biết để nghiêm chỉnh chấp hành.
Trong khi thực hiện, có gì khó khăn, trở ngại, đề nghị các Ủy ban nhân dân, thành phố trực thuộc trung ương phản ánh kịp thời về hai bộ.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.