BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 16-LB-TT | Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1963 |
VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐIỀU CHỈNH NHIỆM VỤ VÀ QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM VỀ CÔNG TÁC TIỀN LƯƠNG GIỮA CƠ QUAN LAO ĐỘNG VÀ BAN TỔ CHỨC DÂN CHÍNH
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG -BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Kính gửi: | - Các ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố, |
Căn cứ điều 1 của Quyết định số 31-CP ngày 20-3-1963 của Hội đồng Chính phủ về việc điều chỉnh một số nhiệm vụ giữa Bộ Lao động và Bộ Nội vụ, để giúp cho địa phương điều chỉnh những nhiệm vụ được đúng và mau chóng ổn định tổ chức, phù hợp với sự chỉ đạo về nghiệp vụ của hai bộ, thông tư liên bộ này hướng dẫn địa phương bàn giao công tác và nói rõ trách nhiệm về công tác tiền lương giữa, sở, ty (hoặc phòng) lao động và ban (hoặc phòng) tổ chức dân chính.
I. NỘI DUNG VÀ NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VIỆC BÀN GIAO
1. Sở, ty (hoặc phòng) lao động bàn giao cho ban (hoặc phòng) tổ chức dân chính những công tác sau đây:
a) Công tác cứu tế đột xuất về thiên tai như: hạn, lụt, bão, cháy, vv…
b) Công tác xét trợ cấp cho những người đói lưu niên như: già, yếu, tàn tật, mất sức lao động không nơi nương tựa (ngoài diện thi hành chế độ bảo hiểm xã hội).
c) Công tác trợ cấp tiếp sức và an dưỡng cho đồng bào miền Nam, trợ cấp cho những người mất sức lao động ở trại an dưỡng và ở trại có tính chất cứu tế.
d) Công tác trợ cấp lỡ độ đường, trợ cấp chôn cất cho những người quá túng thiếu ở thành phố, những người không ai thừa nhận và xét miễn viện phí cho những người gặp khó khăn.
e) Công tác hưu trí, tiền chôn cất, tiền tuất và trợ cấp cho những người không còn khả năng lao động hoặc mất sức lao động do tai nạn lao động gây nên (về chi tiết Bộ Nội vụ sẽ cùng với Tổng công đoàn hướng dẫn cụ thể sau).
2. Ban (hoặc phòng) tổ chức dân chính bàn giao cho sở, ty (hoặc phòng) lao động về tình hình và công tác tiền lương ở khu vực hành chính sự nghiệp (theo như quy định ở trách nhiệm phần dưới).
3. Nguyên tắc tổ chức việc bàn giao:
a) Nội dung bàn giao gồm những vấn đề sau đây:
- Tình hình công tác vừa qua và hiện nay;
- Phương hướng nhiệm vụ sắp tới;
- Biên chế cán bộ (số lượng và chất lượng, tình hình tư tưởng của cán bộ);
- Ngân sách, tài vụ;
- Hồ sơ, tài liệu hồ sơ cá nhân của an dưỡng viên (nếu có).
b) Trong khi bàn giao việc thì bàn giao luôn biên chế và cán bộ đang làm việc ấy. Nhưng tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, giữa cơ quan giao và nhận cần bàn bạc với nhau, rồi trình ủy ban xét và quyết định.
c) Mọi việc giao nhận đều phải có biên bản và bản liệt kê.
II. PHÂN RÕ TRÁCH NHIỆM VỀ CÔNG TÁC TIỀN LƯƠNG GIỮA CƠ QUAN LAO ĐỘNG VÀ BAN TỔ CHỨC DÂN CHÍNH
Để phù hợp với sự chỉ đạo về nghiệp vụ từ trên xuống dưới và giúp các ủy ban hành chính, khu, thành, tỉnh quản lý thống nhất và chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách, chế độ về công tác tiền lương ở cả hai khu vực, liên bộ quy định rõ trách nhiệm của sở, ty (hoặc phòng) lao động và của ban (hoặc phòng) tổ chức dân chính trong công tác tiền lương như sau:
1. Sở, ty (hoặc phòng) lao động chịu trách nhiệm giúp ủy ban hành chính quản lý thống nhất chính sách, chế độ về tiền lương cả hai khu vực và căn cứ vào chủ trương, chính sách, chế độ về tiền lương, giúp ủy ban phổ biến, hướng dẫn và chỉ đạo các ngành thực hiện. Trong quá trình thực hiện các chính sách, chế độ về tiền lương, sở, ty (hoặc phòng) lao động còn có trách nhiệm tổng hợp tình hình cả hai khu vực và giúp ủy ban hành chính làm báo cáo gửi về Bộ Lao động.
2. Sở, ty (hoặc phòng) lao động chịu trách nhiệm, và phối hợp với ban (hoặc phòng) tổ chức dân chính nghiên cứu dự kiến và trình ủy ban hành chính quyết định việc phân bổ quỹ lương và chỉ tiêu lương bình quân cho các cơ quan hành chính sự nghiệp (cả ngành công an ở địa phương).
3. Sở, ty (hoặc phòng) lao động nghiên cứu trình ủy ban hành chính quyết định việc phân bổ quỹ lương và chỉ tiêu lương bình quân thuộc khu vực sản xuất cho các ngành quản lý sản xuất ở địa phương và giúp các ngành quản lý sản xuất trong việc phân bổ quỹ lương và chỉ tiêu lương bình quân cho các cơ sở sản xuất: xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường thuộc địa phương quản lý.
4. Việc xếp lương cho cán bộ, công nhân, viên chức của các sở, ty, phòng; của các cơ quan huyện, thị xã, khu phố; của các cơ sở xí nghiệp và sự nghiệp vào các thang lương, bậc lương thì do các cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công nhân, viên chức, dựa vào chính sách, chế độ đã quy định, vào sự hướng dẫn của cơ quan lao động mà tiến hành. Ban tổ chức dân chính giúp ủy ban hành chính xét duyệt dự kiến xếp lương của cơ quan hành chính sự nghiệp của bộ máy tổ chức quản lý xí nghiệp. Ban tổ chức dân chính nghiên cứu dự kiến sắp xếp lương cho những cán bộ thuộc phần mình được phân công giúp ủy ban quản lý. Trong khi làm các việc trên cần trao đổi với cơ quan lao động để cân đối tương quan chung giữa các ngành về mặt chính sách, về quỹ lương và chi tiêu lương bình quân.
Sở, ty (hoặc phòng) lao động có trách nhiệm giúp ủy ban hành chính xét các dự kiến xếp lương của các ngành, các cơ sở thuộc khu vực sản xuất.
Bị chú: việc phân chia khu vực sản xuất và hành chính sự nghiệp tạm thời dựa theo Nghị định số 82-CP ngày 03-6-1963 của Hội đồng Chính phủ về phân ngành kinh tế quốc dân.
Quy định trên đây phân rõ ranh giới trách nhiệm của mỗi cơ quan về công tác tiền lương để khỏi có sự chồng chéo, để tránh có việc hai bên đều làm, hoặc có việc không rõ trách nhiệm về ai. Sở, ty (hoặc phòng) lao động và ban (hoặc phòng) tổ chức dân chính cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp ủy ban hành chính chỉ đạo thống nhất công tác tiền lương ở địa phương.
Nhận được thông tư này đề nghị ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh có kế hoạch cho sở, ty (hoặc phòng) lao động và ban (hoặc phòng) tổ chức dân chính tổ chức việc bàn giao kịp thời, từ nay đến cuối năm 1963, các địa phương cần bàn giao xong và báo cáo kết quả về Bộ Lao động và Bộ Nội vụ.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ | KT. BỘ TRƯỜNG BỘ LAO ĐỘNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.