NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM- BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 14-LB/TT | Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 1977 |
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG CẢI TIẾN VÀ MỞ RỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã động viên những nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế và nhiều nguồn khác để cho vay, góp phần bảo đảm cho các xí nghiệp quốc doanh có vốn cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; giúp khu vực kinh tế tập thể bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, đưa được một số tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giữ vững sản xuất và củng cố quan hệ sản xuất mới, trong hoàn cảnh có thiên tai, dịch họa và nguồn thu nhập, tích luỹ của các hợp tác xã còn hạn chế. Ở các tỉnh phía Nam sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tín dụng ngân hàng đã góp phần phục hồi và cải tạo nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và các ngành khác. Thông qua hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng thực hiện việc kiểm soát bằng đồng tiền đối vối hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các ngành, các xí nghiệp và tổ chức kinh tế cơ sở từng bước tăng cường quản lý kinh tế tài chánh, xác lập và củng cố chế độ hạch toán kinh tế.
Tuy nhiên, công tác tín dụng chưa bao quát được các lĩnh vực và các đối tượng cần đầu tư, nhiều xí nghiệp quốc doanh không vay vốn hoặc vay vốn ngân hàng không thường xuyên, tín dụng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản phát triển chậm; căn cứ kinh tế và kỹ thuật để thực hiện cho vay và quản lý vốn chưa được tôn trọng, nhiều trường hợp vốn cho vay còn mang tính chất bao cấp, việc theo dõi và kiểm tra các xí nghiệp và tổ chức kinh tế về quản lý, sử dụng vốn thiếu chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn thấp, nhiều trường hợp không thu được nợ, vật tư hàng hóa ứ đọng còn nhiều, tình trạng các xí nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau gây ra nợ nần dây dưa phổ biến và nghiêm trọng; trách nhiệm của tài chính, ngân hàng, xí nghiệp về mặt bảo đảm vốn và quản lý vốn chưa rõ, nhiều trường hợp giữa ngân hàng và tài chính khi giải quyết khó khăn cho xí nghiệp còn đùn đẩy cho nhau, dẫm đạp vào công tác của nhau, đồng thời bỏ trống trận địa, tạo sơ hở trong công tác quản lý.
Những khuyết, nhược điểm trên, một phần do bước đầu xây dựng nền kinh tế từ sản xuất nhỏ đi lên, bản thân ngân hàng còn thiếu kinh nghiệm ; trong điều kiện chiến tranh, yêu cầu hàng đầu là duy trì và bảo đảm sản xuất và chiến đấu cho nên việc thực hiện các nguyên tắc chế độ còn cần phải châm chước, tính chất bao cấp của tín dụng do đó càng trở nên phổ biến.
Bước vào giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, việc khắc phục những khuyết điểm và nhược điểm về quản lý vốn và cải tiến quản lý vốn có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ công tác cải tiến quản lý kinh tế. Thi hành quyết định số 32-CP ngày 11-02-1977 về cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng của Hội đồng Chính phủ, liên bộ Ngân hàng Nhà nước – Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện chủ trương trên như sau.
I. CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ CHO VAY, CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG
1. Yêu cầu của việc cho vay, cấp phát và quản lý vốn lưu động là nhằm bảo đảm đủ vốn cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp và các tổ chức kinh tế khác, không để xí nghiệp và các tổ chức kinh tế gặp khó khăn vì thiếu vốn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; đồng thời đòi hỏi xí nghiệp phải huy động và sử dụng mọi nguồn vốn tự có để đưa vào sản xuất, kinh doanh, không để thừa vốn, ứ đọng và lãng phí vốn, thông qua việc cho vay, cấp phát và quản lý vốn, mà thúc đẩy việc luân chuyển vốn, hàng hóa vật tư và không ngừng tăng cường quản lý xí nghiệp.
2. Cần phải tính toán và xét duyệt định mức vốn lưu động cho xí nghiệp, tổ chức kinh tế.
Phải căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và các điều kiện cung cấp, sản xuất tiêu thụ sản phẩm của từng xí nghiệp mà tiến hành tính toán và xét duyệt định mức vốn lưu động một cách hợp lý, có căn cứ kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở cho việc xác định mức vốn lưu động năm 1977 và các năm tiếp theo cho đến năm 1980. Định mức vốn lưu động của xí nghiệp do giám đốc xí nghiệp hoặc chủ nhiệm công ty, tổng công ty, liên hiệp xí nghiệp tính toán, với sự tham gia của cơ quan tài chính và ngân hàng phục vụ mình, sau đó trình lên cấp có thẩm quyền xét duyệt. Đối với những xí nghiệp, tổ chức kinh tế trực thuộc trung ương do bộ chủ quản, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trung ương xét duyệt; đối với các xí nghiệp, tổ chức kinh tế địa phương do Sở, Ty, chủ quản, Sở, Ty tài chính, ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố xét duyệt.
Kể từ năm 1978 cho đến năm 1980, hàng năm, các xí nghiệp căn cứ vào định mức vốn lưu động nói trên và sự thay đổi giá trị tổng sản lượng hoặc doanh số hoạt động để tính toán kế hoạch vốn lưu động ăn khớp với kế hoạch sản xuất - kỹ thuật – tài chính của xí nghiệp, theo nguyên tắc chung là tốc độ tăng vốn lưu động phải thấp hơn tốc độ tăng giá trị tổng sản lượng hoặc doanh số hoạt động. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng với ngành chủ quản quy định cụ thể hệ số tăng, giảm vốn lưu động so với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh để các xí nghiệp tính mức vốn lưu động được đơn giản và kịp thời. Khi nào giá trị tổng sản lượng, hoặc doanh số hoạt động tăng thêm 30% trở lên đối với nông trường quốc doanh và các xí nghiệp đã sử dụng trên 70% công suất thiết bị, 50% trở lên đối với các xí nghiệp khác, so với lần định mức trước, thì tính toán và xét duyệt lại định mức vốn lưu động.
3. Vốn lưu động định mức của xí nghiệp quốc doanh được hình thành bằng hai nguồn vốn: vốn lưu động tự có và coi như tự có, vốn lưu động vay của Ngân hàng Nhà nước .
Vốn lưu động tự có và coi như tự có gồm:
- Vốn ngân sách Nhà nước cấp;
- Vốn được bổ sung bằng lợi nhuận xí nghiệp;
- Vốn coi như tự có gồm: tiền lương phải trả nhưng chưa đến kỳ trả, chi phí về tiền nhà, điện, nước phải trả nhưng chưa đến kỳ trả, các khoản phải nộp ngân sách nhưng chưa đến hạn nộp, chi phí trước trước và các khoản khác (nếu có).
4. Tỷ lệ vốn lưu động tự có và coi như tự có tham gia cấu tạo vốn lưu động định mức hàng năm quy định như sau :
- 10% (mười phần trăm) đối với các xí nghiệp dịch vụ, vốn lưu động hàng hóa của xí nghiệp ăn uống công cộng;
- 20% (hai mươi phần trăm) đối với các nghiệp vận tải, nghiệp vụ bưu điện;
- 30% (ba mươi phần trăm) đối với vốn lưu động hàng hóa của các tổ chức thương nghiệp;
- 50% (năm mươi phần trăm) đối với các xí nghiệp, công nghiệp của tất cả các ngành; xí nghiệp nông nghiệp, khai thác lâm sản, thủy hải sản, muối; các tổ chức cung tiêu kể cả thiết bị lẻ, và các loại xí nghiệp khác.
Vốn lưu động định mức không phải là hàng hóa của các tổ chức thương nghiệp và cung tiêu được ngân sách Nhà nước cấp 100% (một trăm phần trăm).
Các xí nghiệp xây lắp; bao thầu phải hạch toán kinh tế và xác định mức vốn lưu động như các xí nghiệp sản xuất khác; Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ quy định tỷ lệ vốn tự có và vốn đi vay thích hợp.
5. Mức vốn lưu động tự có và coi như tự có kế hoạch tăng thêm hàng năm quy định như sau :
- Trước hết các xí nghiệp phải tận dụng các khoản nợ định mức tăng thêm;
- Số còn thiếu, xí nghiệp được trích từ lợi nhuận năm kế hoạch để bổ sung theo chế độ phân phối lợi nhuận hiện hành. Nếu lợi nhuận kế hoạch không đủ (hoặc không có lợi nhuận kế hoạch) thì ngân sách Nhà nước cấp thêm vốn lưu động cho xí nghiệp.
Trường hợp xí nghiệp chưa trích kịp hoặc không thực hiện được kế hoạch lợi nhuận cho nên không có đủ tiền để bổ sung vốn lưu động theo kế hoạch, thì xí nghiệp vay Ngân hàng Nhà nước .
6. Các nhu cầu vốn lưu động vượt quá mức vốn lưu động tự có và coi như tự có, xí nghiệp được vay ở Ngân hàng Nhà nước:
a) Loại cho vay vốn lưu động trong kế hoạch, gắn liền với kế hoạch vốn lưu động của xí nghiệp và được dự trù trong kế hoạch tín dụng.
Đối với các xí nghiệp quốc doanh có đủ điều kiện (ổn định sản xuất, công tác quản lý tương đối có nề nếp, xí nghiệp tự nguyện) được Ngân hàng Nhà nước cho vay vốn lưu động trong kế hoạch theo phương thức cho vay luân chuyển vật tư và chi phí bằng một tài khoản, bao quát mọi khoản chi trả và thanh toán của xí nghiệp.Chuyển việc cho vay theo theo từng lần, từng việc qua cho vay theo kế hoạch và hạn mức cho vay chung. Xí nghiệp được chủ động chi trả và thanh toán trong phạm vi hạn mức cho vay chung đã quy định; chịu trách nhiệm về tính chất hợp lý, hợp pháp của từng khoản chi, có nghĩa vụ nộp các khoản thu nhập bằng tiền vào tài khoản này để trả nợ và tạo ra nguồn vốn để tiếp tục chi trả và thanh toán.
b) Loại cho vay vốn lưu động ngoài kế hoạch để bổ sung các nhu cầu vốn cần thiết cho xí nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và giải quyết những khó khăn tài chính tạm thời.
Các trường hợp vay ngoài kế hoạch vì lợi ích kinh tế quốc dân, như dự trữ nguyên vật liệu, hàng hóa theo thời vụ, sản xuất kinh doanh vượt mức theo phương hướng kế hoạch Nhà nước …được trả mức lợi suất như vay vốn trong kế hoạch. Các trường hợp vay ngoài kế hoạch do khuyết điểm chủ quan của xí nghiệp phải trả mức lợi suất cao hơn.
7. Cơ quan tài chính cấp phát vốn lưu động theo kế hoạch đã duyệt và dựa vào bản phân phối của cơ quan chủ quản mà chuyển thẳng vào tài khoản của tổ chức kinh doanh hay xí nghiệp hạch toán kinh tế độc lập (không cấp vốn qua cơ quan chủ quản như trước)
Cơ quan chủ quản được điều hòa trong phạm vi từ 1% đến 3% tổng số vốn lưu động tự có giữa các xí nghiệp và tổ chức kinh tế thuộc quyền quản lý của mình.
8. Từ nay, bỏ chế độ cho vay đặc biệt không tính lãi. Trường hợp đặc biệt ở các tổ chức cung tiêu, thương nghiệp và một số ít xí nghiệp quốc doanh trung ương cần dự trữ vật tư nhập của nước ngoài, vượt quá phạm vi cấp phát và cho vay thông thường, thì được vay Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất thấp.
Các xí nghiệp có những vật tư, hàng hóa đã được ngân hàng cho vay đặc biệt không tính lãi, hoặc ngân sách cấp vốn dự trữ 100%, phải phân loại và đưa vào luân chuyển để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng hoặc nộp ngân sách Nhà nước.
9. Hàng năm, đi đôi với việc lập kế hoạch sản xuất kỹ thuật – tài chính, xí nghiệp phải lập kế hoạch vay vốn lưu động, kèm theo các tài liệu chứng minh hiệu quả kinh tế của tiền vốn, gửi cơ quan chủ quản và ngân hàng phục vụ mình. Bộ, Tổng cục, Sở, Ty chủ quản tổng hợp kế hoạch vốn lưu động của các xí nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc phạm vi quản lý của mình gửi Ngân hàng Nhà nước trung ương và Bộ Tài chính.
Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào kế hoạch của các xí nghiệp, tổ chức kinh tế cơ sở, của các Bộ, Tổng cục, Sở, Ty chủ quản tính toán nhu cầu cho vay vốn, lập kế hoạch tín dụng trình Hội đồng chính phủ xét duyệt. Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo kế hoạch cho vay vốn đối với từng Bộ, Tổng cục, Sở, Ty chủ quản và từng đơn vị kinh tế cơ sở, sau kế hoạch tín dụng được Hội đồng chính phủ phê chuẩn.
10. Các xí nghiệp và tổ chức kinh tế phải tăng cường quản lý kế hoạch vốn lưu động, kể cả vốn vay và vốn tự có, nâng cao hiệu quả kinh tế của đồng vốn. Trước mắt, cần tiến hành việc thanh lý vật tư, hàng hóa ứ đọng, kém phẩm chất, mất phẩm chất; giải quyết dứt điểm công nợ dây dưa và thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hợp đồng kinh tế, kỷ luật thanh toán và kỷ luật trả tiền, không để nợ nần dây dưa, gây nên ứ đọng vốn và trở ngại cho việc thực hiện kế hoạch vốn lưu động đã được xác định. Cơ quan tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện việc kiểm soát bằng đồng tiền, giúp đỡ xí nghiệp củng cố và tăng cường công tác quản lý và sử dụng vốn, thúc đẩy luân chuyển vốn nhanh, làm tròn nghĩa vụ đối với ngân sách và trả nợ ngân hàng đúng hạn.
11. Yêu cầu đối với việc cấp phát và cho vay xây dựng cơ bản là nhằm tạo điều kiện cho xí nghiệp và các tổ chức kinh tế không ngừng tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh; huy động và sử dụng hợp lý tài sản, tiền vốn và lao động sẵn có kết hợp với xây dựng mới, xây dựng bổ sung, không ngừng nâng cao công suất của máy móc thiết bị và tài sản của xí nghiệp, tăng năng suất lao động và hiệu quả vốn đầu tư; góp phần phát huy tính tự chủ, tăng cường trách nhiệm của các Bộ, Tổng cục, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các đơn vị kinh tế cơ sở trong việc quản lý và sử dụng vốn xây dựng cơ bản. Trách nhiệm của ngành tài chính và ngân hàng là kết hợp chặt chẽ hai phương pháp cấp phát ngân sách và tín dụng bảo đảm cung cấp vốn cho nhu cầu xây dựng cơ bản và đòi hỏi xí nghiệp, tổ chức kinh tế phải sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả kinh tế cao và đưa nhanh công trình vào sản xuất kinh doanh.
12. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của xí nghiệp, tổ chức kinh tế bao gồm: nguồn vốn tự có của xí nghiệp, tổ chức kinh tế; nguồn vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước, nguồn vốn vay của Ngân hàng Nhà nước.
13. Ngân sách Nhà nước cấp phát:
a) Những công trình xây dựng cơ bản sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, thi công lâu năm, có tác dụng làm biến đổi và cải thiện tình hình kinh tế trong phạm vi cả nước, trong từng vùng lớn vượt quá khả năng của từng ngành, từng đơn vị và tổ chức kinh tế cơ sở.
b) Những công trình xây dựng cơ bản có tính chất hành chính, sự nghiệp như các công trình văn hóa, xã hội, phúc lợi công cộng…
Ngân sách Nhà nước không bố trí vốn để cấp phát đối với các công trình và chi phí đầu tư xây dựng cơ bản thuộc đối tượng vay vốn ngân hàng.
14. Ngân hàng Nhà nước cho vay :
Những công trình xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đã được ghi vào kế hoạch Nhà nước, nhưng không thuộc phạm vi cấp phát của ngân sách; kể cả xây dựng mới, khôi phục và mở rộng, thuộc khu vực kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh trung ương hay địa phương; có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế, có thể tính toán trực tiếp trong từng đơn vị kinh tế và bảo đảm trả nợ cho ngân hàng trong thời hạn quy định.
Những công trình đầu tư xây dựng cơ bản của các xí nghiệp đang sản xuất kinh doanh nhằm sử dụng hợp lý khả năng về máy móc, thiết bị lao động, đất đai, phế liệu, phế phẩm… hoặc áp dụng những biện pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất…có khả năng đưa lại hiệu quả kinh tế, thu hồi vốn nhanh nhưng kế hoạch chung của Nhà nước không thể dự kiến hết được.
15. Thời hạn cho vay đối với mỗi loại công trình phải căn cứ vào thời gian mà tài sản cố định được tạo ra với vốn vay của ngân hàng có thể đưa lại hiệu quả kinh tế để trả nợ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ hoặc ngành chủ quản, dựa trên những căn cứ về kinh tế kỹ thuật đã kết luận để ấn định cụ thể thời hạn cho vay. Thời hạn cho vay tính từ khi phát khoản cho vay đầu tiên; thời gian bắt đầu thu nợ đối với từng loại công trình là thời hạn công trình hoặc bộ phận công trình phải dựa vào sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch quy định.
Thời hạn tối đa đối với các công trình cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sử dụng phế liệu, phế phẩm…là 5 năm, cá biệt 7 năm.
Thời hạn tối đa đối với các công trình xây dựng cơ bản về công nghiệp, vận tải, các ngành kinh tế khác là 10 năm. Riêng đối với một số đối tượng cụ thể về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp có thể trên 20 năm.
16. Ngân hàng cho vay vốn xây dựng cơ bản bao gồm các loại chi phí xây lắp, thiết bị, kiến thiết cơ bản khác theo đề án thiết kế và dự toán được duyệt cho một công trình.
Những công trình đầu tư cơ bản vay bằng vốn ngoại tệ, phải có kế hoạch trực tiếp sản xuất hoặc góp phần sản xuất hàng xuất khẩu và tạo ra khả năng khác để thu ngoại tệ bù lại vốn đã vay. Ngoại tệ vay thuộc khu vực nào (xã hội chủ nghĩa, ngoài xã hội chủ nghĩa) phải trả bằng ngoại tệ thuộc khu vực ấy.
17. Để vay vốn Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị có công trình xây dựng cơ bản phải có các điều kiện sau đây:
a) Có kế hoạch vay vốn hàng năm và cho cơ quan Ngân hàng Nhà nước phục vụ mình biết rõ kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch vốn và mức vốn phải vay, hiệu quả tiền vốn và nguồn vốn trả nợ; gửi cho ngân hàng các tài liệu cần thiết như: nhiệm vụ thiết kế, khái toán công trình, giấy phép cấp đất xây dựng, thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật (nếu có), dự toán chi phí của công trình và bàn tính hiệu quả kinh tế dựa trên những định mức kinh tế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền quy định.
b) Được ghi vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước, được bảo đảm cung cấp về vật tư, thiết bị và lực lượng thi công. Nếu là công trình phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà kế hoạch đầu năm chưa dự kiến được, nhưng có hiệu quả kinh tế, có khả năng thu hồi vốn nhanh, có nguồn cung cấp vật tư, lao động và các điều kiện thực hiện khác cũng được xét bổ sung vào kế hoạch tín dụng và được vay vốn. Xí nghiệp vay vốn phải cung cấp cho ngân hàng đầy đủ căn cứ và tài liệu chứng minh.
c) Người đứng ra vay vốn là giám đốc xí nghiệp, chủ nhiệm công ty, tổng công ty, liên hiệp xí nghiệp…có đủ tư cách pháp nhân. Nếu là công trình xây dựng mới chưa bổ nhiệm giám đốc, chủ nhiệm thì thủ trưởng cơ quan sản xuất, kinh doanh chủ quản cấp trên phải cử người có đủ tư cách pháp nhân đứng ra vay vốn và chịu trách nhiệm bàn giao cho giám đốc, chủ nhiệm của xí nghiệp, tổ chức kinh tế sau này để hoàn trả nợ vay ngân hàng đúng thời hạn.
d) Người đứng ra vay vốn phải làm đơn xin vay, trong đó ghi rõ mục đích, đối tượng, số vốn vay, thời hạn trả nợ…kèm theo các tài liệu chứng minh rõ ràng, có đủ các điều kiện được vay vốn, cam kết sử dụng vốn vay đúng đối tượng, đúng mục đích đã ghi rõ trong đơn xin vay và đã được chấp thuận; phải bảo đảm chấp hành đầy đủ các chế độ về quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản cũng như trong sản xuất, kinh doanh; bảo đảm trả nợ Ngân hàng Nhà nước đúng kỳ hạn quy định.
18. Cơ quan Ngân hàng trực tiếp cho vay vốn có trách nhiệm phải theo dõi và kiểm tra việc sử dụng vốn bao gồm vốn tự có của xí nghiệp và vốn vay, đòi hỏi xí nghiệp và tổ chức vay vốn tôn trọng kỷ luật tín dụng, kỹ luật tiền mặt, chế độ thanh toán và các nguyên tắc quản lý của Nhà nước, bảo đảm thu hồi nợ đúng thời hạn.
19. Lãi suất cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đối với khu vực kinh tế quốc doanh tạm quy định là 3% năm (ba phần trăm). Mỗi lần trả nợ, đơn vị vay phảo trả cả gốc và lãi trên số gốc trả. Tiền lãi vay trong kế hoạch được tính vào giá thành sản phẩm hoặc phí lưu thông.
Nếu trả xong nợ trước kỳ hạn thì số tiền lãi được giảm do trả nợ trước thời hạn, được đưa vào lợi nhuận của xí nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào thời gian trả nợ trước thời hạn, so với thời hạn phải trả đã quy định mà giảm lãi suất cho đơn vị vay vốn với tỷ lệ tương ứng; số tiền này xí nghiệp được quyền sử dụng để tăng lợi nhuận.
Trong trường hợp không trả nợ đúng hạn do những khuyết điểm chủ quan, đơn vị vay vốn chịu lãi phạt theo tỷ lệ tương ứng với thời gian quá hạn; tiền lãi phạt trích từ lợi nhuận xí nghiệp.
Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào mức lãi suất chung nói trên sẽ bàn với bộ, ngành chủ quản quy định mức lãi suất cụ thể, phù hợp với tính chất và đặc điểm của từng loại công trình thuộc ngành nghề khác nhau và theo phương hướng chủ trương đầu tư trong từng thời kỳ của Nhà nước.
20. Nguồn vốn để trả nợ về đầu tư xây dựng cơ bản của đơn vị kinh tế bao gồm:
a) Vốn khấu hao cơ bản của tài sản cố định do ngân hàng cho vay;
b) Lợi nhuận của xí nghiệp sau khi đã trích lập các quỹ theo chế độ.
Trong thời gian chưa trả hết nợ ngân hàng, xí nghiệp không phải nộp lợi nhuận cho ngân sách Nhà nước.
Đối với những công trình ngân hàng cho vay để mở rộng sản xuất, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất thì xí nghiệp dùng số lợi nhuận do hiệu quả sử dụng vốn vay đưa lại để trả nợ ngân hàng.
Những công trình sau khi đã trả hết nợ ngân hàng mà vẫn còn tiếp tục trích khấu hao cơ bản, xí nghiệp được sử dụng tiền khấu hao để tăng quỹ phát triển sản xuất.
21. Ngân hàng Nhà nước cho vay đơn vị chủ công trình (bên A) thuộc đối tượng tín dụng của ngân hàng để:
- Mua vật tư, thiết bị của công trình xây dựng mà bên A có nhiệm vụ dự trữ để cung cấp cho bên B, các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản khác do bên A trực tiếp chỉ cho công trình.
- Thanh toán cho xí nghiệp xây lắp bao thầu theo từng phần hay toàn bộ công trình được nghiệm thu và đưa vào sản xuất kinh doanh theo kế hoạch.
22. Việc cho các xí nghiệp xây lắp bao thầu vay vốn để thi công những công trình xây dựng cơ bản thuộc phạm vi cho vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ điều kiện cụ thể và tính chất từng loại công trình để tựa vào ngân hàng kiến thiết thuộc Bộ Tài chính để cho vay, hoặc tự mình trực tiếp cho xí nghiệp xây lắp vay.
Trong quá trình thi công, nếu đơn vị chủ công trình vay vốn cần sửa đổi đồ án thiết kế, điều chỉnh dự toán công trình, phải có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước trước khi trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.
23. Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ kiểm tra và thúc đẩy các đơn vị chủ công trình, tổ chức xây lắp bao thầu thực hiện đúng tiến độ thi công, đồ án thiết kế và giá thành kế hoạch. Trường hợp phát hiện thiếu sót có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả vốn đầu tư và khó khăn cho việc thu hồi vốn sau này, Ngân hàng Nhà nước phải đình chỉ cho việc thu hồi vốn sau này, Ngân hàng Nhà nước phải đình chỉ việc cho vay và báo cáo, kiến nghị giải quyết lên cơ quan quản lý trực tiếp công trình và Ngân hàng Nhà nước cấp trên.
24. Đối với các công trình thi công theo phương pháp tự làm, Ngân hàng Nhà nước cho đơn vị chủ công trình mà ban kiến thiết là đại diện, vay vốn lưu động như đối với một tổ chức xây lắp bao thầu (xem như bên B), để dự trữ vật tư, thiết bị và thực hiện các chi phí cần thiết cho việc xây dựng công trình. Khi từng phần hay toàn bộ công trình xây dựng được hoàn thành đưa vào sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước dựa trên kết quả xây dựng đó mà cho đơn vị chủ công trình (xem như bên A) vay vốn dài hạn để thanh toán số tiền đã vay ngắn hạn.
25. Kế hoạch cho vay đầu tư xây dựng cơ bản là một bộ phận gắn liền với kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước, được xây dựng cùng một lúc với các kế hoạch khác của nền kinh tế quốc dân.
Cơ quan ngân hàng Nhà nước và tài chính các cấp có trách nhiệm cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản ngay từ khâu giao số kiểm tra cũng như trong quá trình lập và tổng hợp kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước.
26. Việc tính toán và xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và kế hoạch tín dụng phải được hướng dẫn và chỉ đạo chặt chẽ từ trung ương, phù hợp với đường lối, phương hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước và phải được tính toán cụ thể từ đơn vị sản xuất kinh doanh cơ sở. Khi xí nghiệp, tổ chức kinh tế bảo vệ kế hoạch sản xuất, kinh doanh trước cấp ủy và chính quyền địa phương, cơ quan tài chính và ngân hàng có trách nhiệm phát biểu ý kiến của mình về mặt cân đối và hiệu quả tiền vốn của từng xí nghiệp, tổ chức kinh tế.
27. Các Bộ, Tổng cục, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp và lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của ngành, địa phương mình, có phân chia vốn tự có, vốn đầu tư ngân sách, vốn vay của ngân hàng, gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch thu chi ngân sách Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp kế hoạch tín dụng trình Hội đồng Chính phủ cùng một lúc với việc xét duyệt kế hoạch kinh tế quốc dân.
Sau khi Hội đồng chính phủ xét duyệt và giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản cho các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố, thì Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thông báo cho đơn vị được sử dụng vốn và các đơn vị trong hệ thống của mình để tiến hành cho vay hoặc cấp phát vốn. Kế hoạch cấp phát vốn và kế hoạch tín dụng là căn cứ để Nhà nước và từng ngành chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng cơ bản.
Như quyết định của Hội đồng chính phủ đã nêu rõ, cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng là một khâu quan trọng trong cải tiến quản lý kinh tế. Đây là một công tác có liên quan mật thiết các ngành, các cấp. Để thực hiện có kết quả, phải chuẩn bị và tạo ra những tiền đề cần thiết. Vì vậy, phải thực hiện việc cải tiến quản lý tuơng đối có hệ thống, đồng bộ, nhưng không cầu toàn, phải làm có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ, bổ sung và nâng cao từng bước.
A. Đối với vốn lưu động
Phải phấn đấu bắt đầu từ quý II năm 1977 áp dụng một cách rộng rãi những nguyên tắc và nội dung cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng theo quyết định của Hội đồng Chính phủ. Các cơ quan ngân hàng, tài chính và ngành chủ quản phải tập trung sức giúp xí nghiệp giải quyết những khó khăn về vốn đi liền với việc cải tiến quản lý vốn, quản lý sản xuất, kinh doanh:
1. Tính toán và xác định lại mức vốn lưu động cho từng xí nghiệp, trước hết đối với các xí nghiệp trọng điểm, đi đôi với việc tiến hành thanh lý, xử lý những vật tư , hàng hoá ứ đọng, kém phẩm chất, mất phẩm chất; giải quyết dứt điểm công nợ dây dưa, không để thừa vốn, thiếu vốn một cách giả tạo, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của xí nghiệp.
2. Phối hợp chặt chẽ giữa tài chính, ngân hàng ngành chủ quản điều chỉnh lại vốn theo định mức và kế hoạch; thu hồi vốn đã cấp phát quá mức, cấp phát thêm cho những xí nghiệp còn thiếu. Ngân hàng tiến hành việc cho vay và làm chức năng thanh toán, quản lý của mình.
Trên cơ sở làm tốt những việc nói trên mà tạo điều kiện và giúp xí nghiệp tăng cường quản lý, nâng cao hạch toán, và phát huy vai trò kiểm soát bằng đồng tiền của tài chính và ngân hàng,
3. Giúp xí nghiệp cải tiến quản lý vốn, thông qua quản lý vốn mà tăng cường quản lý các mặt của xí nghiệp, khắc phục những thiếu sót và sơ hở trong việc sử dụng vốn, quản lý vốn, quản lý vật tư, lao động, hàng hoá…của xí nghiệp, từng buớc đưa việc quản lý xí nghiệp đi vào nền nếp, chế độ và nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa.
4. Đối với các xí nghiệp quốc doanh, nói chung cần có kế hoạch và biện pháp giúp xí nghiệp chấn chỉnh việc quản lý sử dụng vốn. Tuy nhiên, trong từng thời gian phải tập trung sức làm tốt một số xí nghiệp có tính tiêu biểu cho từng ngành và từng vùng. Chú trọng những xí nghiệp có tầm quan trọng lớn và khó khăn nhiều.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm để phổ biến cho nơi khác và chuẩn bị cho bước tiếp theo.
B. Đối với xây dựng cơ bản
Trong năm 1977, yêu cầu là phải bảo đảm thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản từ những tháng đầu năm không bị gián đoạn, đồng thời tập trung sức tiến hành có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu và nội dung mới :
1. Đối với các công trình xây dựng cơ bản thuộc phạm vi và đối tượng cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã được khởi công từ các năm trước còn phải chuyển sang năm 1977. Bộ Tài chính thông qua ngân hàng kiến thiết tiếp tục cấp phát vốn, đồng thời thông báo cho Ngân hàng Nhà nước theo dõi nắm tình hình để sau đó sẽ chuyển sang đầu tư bằng vốn tín dụng.
Riêng những công trình xây dựng dở dang nhưng thi công gọn, có hồ sơ tài liệu rõ ràng, có thể xét ngay việc chuyển từ cấp phát ngân sách sang vay vốn ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ cùng các ngành, các địa phương bàn bạc cụ thể việc chuyển phương thức đầu tư vốn đối với những công trình nói trên.
2. Đối với những công trình thuộc phạm vi, đối tượng cho vay ngân hàng khởi công trong năm 1977, nằm trong danh mục và kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản đã được Hội đồng Chính phủ xét duyệt thì các Bộ, Tổng cục, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố lập danh mục và kế hoạch vay vốn gửi Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tính toán, xem xét hiệu quả kinh tế của từng công trình và tiến hành cho vay theo trách nhiệm của mình.
3. Đối với những công trình xây dựng cơ bản mà kế hoạch đầu năm chưa dự kiến hết nay phải làm thêm thì các Bộ, Tổng cục, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải lập kế hoạch bổ sung gửi Ngân hàng Nhà nước, thuyết minh rõ về nhu cầu vốn, thời hạn trả nợ khả năng bảo đảm vật tư lao động, như đã qui định.
4. Cùng với việc cấp phát và cho vay vốn xây dựng cơ bản năm 1977, các cơ quan ngân hàng tài chính phải cùng các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị kinh tế cơ sở rút kinh nghiệm, tính toán kế hoạch vốn của các năm sau, có tách riêng phần đầu tư bằng vốn tự có, vốn cấp phát và vốn vay ngân hàng như đã nói ở các phần trên.
Trong quá trình thực hiện, ngành tài chính và ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ giúp đỡ nhau về cán bộ và kinh nghiệm để làm tốt công tác.
Về tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể và tín dụng trong lĩnh vực tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước sẽ bàn bạc với các ngành có liên quan và các địa phương để có các văn bản hướng dẫn riêng.
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.