BỘ NÔNG NGHIỆP-TỔNG CỤC LƯƠNG THỰC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 03-TT/LB | Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 1967 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH VIỆC CUNG CẤP LƯƠNG THỰC CHO NHÂN DÂN ĐI XÂY DỰNG KINH TẾ MIỀN NÚI
Thực hiện chính sách vận động đồng bào miền xuôi đi xây dựng kinh tế miền núi trong mấy năm qua đã thu được nhiều kết quả tốt, đã có tác dụng khuyến khích hàng vạn gia đình đi xây dựng quê hương mới; đến nay 80% đã có nhà riêng, có nơi đồng bào đã tự túc hoàn toàn, nhiều nơi tự túc lương thực trên dưới 50%... Thành tích trên đây, như hội nghị tổng kết xây kinh tế miền núi cuối năm 1966 đã đánh giá, là một thắng lợi to lớn góp phần phát triển sản xuất và ổn định đời sống cho đồng bào miền xuôi đi tham gia xây dựng kinh tế miền núi. Tuy nhiên việc vận dụng chính sách và phương hướng sản xuất, ở một số địa phương có chỗ chưa đạt yêu cầu, có chỗ chưa tốt, do đó có gây khó khăn cho đồng bào khi mới đến, hoặc kéo dài thời hạn cung cấp lương thực không cần thiết, gây lãng phí lực lượng lương thực của nhà nước.
Để góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động đồng bào miền xuôi đi xây dựng kinh tế miền núi, Liên bộ Nông nghiệp và Tổng cục Lương thực thấy cần hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể về vấn đề cung cấp lương thực cho nhân dân đi xây dựng kinh tế miền núi như sau.
I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CUNG CẤP LƯƠNG THỰC
Đối tượng được cung cấp lương thực theo chính sách đối với nhân dân đi xây dựng kinh tế miền núi gồm những người có đủ 4 điều kiện sau đây:
1. Tự nguyện ở miền xuôi xin định cư ở miền núi, có giấy tờ di chuyển hợp lệ do Ủy ban hành chính khu phố, xã và huyện nhận thực.
2. Đi có tổ chức, theo hình thức xen ghép vào các hợp tác xã nông nghiệp sẵn có ở địa phương hoặc tập trung để thành lập hợp tác xã độc lập mới. Trường hợp có những người đi riêng lẻ mà làm ăn cá thể thì phải được Ủy ban hành chính huyện nơi đi và nơi đến công nhận.
Trường hợp lên miền núi làm một nghề gì khác trong hợp tác xã nông nghiệp thì cũng coi như xã viên nông nghiệp. Trường hợp lên làm một nghề gì khác không thuộc hợp tác xã nông nghiệp thì phải do ủy ban hành chính tỉnh nơi nhận có chứng nhận sau khi đã tham khảo ý kiến các ty lao động và ty lương thực…
3. Có kế hoạch sản xuất cụ thể theo sự chỉ đạo của địa phương, nhằm hướng chủ yếu là lâu dài, là sản xuất nông nghiệp.
4. Làm đầy đủ thủ tục về di chuyển lương thực (nếu là phi nông nghiệp, thì giấy thôi cấp lương thực; nếu là nông dân, phải có giấy chứng nhận đã bán phần lương thực còn lại cho Nhà nước và cắt nhân khẩu ở hợp tác xã nông nghiệp nơi cư trú cũ).
II. TIÊU CHUẨN VÀ THỜI GIAN CUNG CẤP LƯƠNG THỰC
1. Những người đi khai hoang xen ghép được Nhà nước cung cấp lương thực từ khi mới đến cho đến vụ thu hoạch đầu tiên theo tiêu chuẩn từ 16 đến 18kg lương thực (quy gạo) cho mỗi lao động; người già yếu và trẻ em không tham gia sản xuất được hưởng tiêu chuẩn chung của nhân dân phi nông nghiệp. Sau vụ thu hoạch đầu, nếu tính toán cân đối lương thực mà vẫn chưa tự túc được lương thực thì những tháng thiếu ăn vẫn được cung cấp theo tiêu chuẩn như lúc mới đến. Từ sau vụ thứ hai trở đi, nếu còn thiếu ăn, thì phải bán thêm phần lương thực cho những tháng thiếu như xã viên thiếu ăn khác trong hợp tác xã nông nghiệp, nhưng có phần chiếu cố hơn.
2. Người đi khai hoang tập trung, thành lập những hợp tác xã độc lập cần được phân chia thành hai loại:
a) Nếu xây dựng cơ sở ở những vùng thưa dân, còn có nhiều ruộng thuộc chưa tận dụng hết, không tốn công khai phá mà sớm được thu hoạch thì tiêu chuẩn và thời gian cung cấp lương thực cũng vận dụng như đối với người đi xen ghép đã nói ở phần trên;
b) Đối với những hợp tác xã thành lập ở các vùng hoang, ít ruộng thuộc, phải khai phá mất nhiều sức lao động và sau một thời gian dài mới ổn định được sản xuất thì:
- Trong thời gian khai phá, số người phải làm lao động nặng nhọc, tuỳ theo mức độ khác nhau mà cung cấp thêm mỗi tháng 3 kg lương thực cho đến khi xong công việc khai phá ban đầu.
Ngoài thời gian khai phá, những người này cũng như mọi người lao động khác đều hưởng theo tiêu chuẩn từ 16 đến 18kg. Người già và trẻ em được cung cấp theo chế độ phi nông nghiệp.
- Sau mỗi vụ thu hoạch, phòng lương thực huyện và Ủy ban hành chính xã cần giúp đỡ hợp tác xã cân đối phần lương thựuc đã sản xuất được, đặt kế hoạch và phương hướng sản xuất vụ sau, những tháng thiếu ăn Nhà nước tiếp tục cung cấp theo tiêu chuẩn lúc đầu. Các hợp tác xã độc lập trong điều kiện này (loại b) cần có kế hoạch từng bước tự giải quyết vấn đề lương thực, phải phấn đấu để ít nhất là sau 2 vụ tự túc được 50%, sau 3 vụ tự túc được 70% và sau 4 vụ (2 năm) hợp tác xã tự túc được hoàn toàn về lương thực. Sau thời gian này, nếu còn thiếu ăn, Nhà nước sẽ bán lương thực như đối với những nông nghiệp thiếu ăn khác ở địa phương. Trừ trường hợp bị thiên tai, địch họa nặng, thì tuỳ tình hình cụ thể mà giải quyết như chính sách chung hiện nay.
3. Những hợp tác xã đi khai hoang có điều kiện trồng cây công nghiệp, trồng rau, chăn nuôi, làm nghề rừng (do ty lâm nghiệp chỉ đạo) được ủy ban hành chính tỉnh, huyện giao kế hoạch sản suất và chỉ tiêu bán sản phẩm cho Nhà nước, thì trong thời gian đầu cũng được cung cấp lương thực như các hợp tác xã trồng lương thực đã nói ở trên. sau khi sản xuất đã ổn định, sản phẩm đã có thu hoạch, nếu chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, thì được cung cấp lương thực như các hợp tác xã có trồng cây công nghiệp hoặc chăn nuôi khác ở địa phương. Tuy vậy, bất cứ trong trường hợp nào cũng phải khắc phục khó khăn tạo điều kiện trồng cây lương thực để tự túc một phần.
4. Những người làm nghề thủ công, đã được cung cấp lương thực theo định lượng thường xuyên, tự nguyện đi miền núi làm nghề cũ, nếu được ủy ban hành chính tỉnh nơi nhận người cung cấp đăng ký kinh doanh chính thức, thì tuỳ ngành nghề mà cấp lương thực như các loại phi nông nghiệp khác.
5. Nhân dân thành thị, tự liên hệ đi tìm lấy địa điểm, tình nguyện chuyển sang sản xuất nông nghiệp ở miền núi hoặc gia nhập hợp tác xã với hình thức xen ghép, hay tạm thời còn làm ăn riêng lẻ thì được cung cấp như người đi xen ghép khác với điều kiện đã làm đầy đủ thủ tục di chuyển và được chính quyền nơi đến chấp nhận (trừ dân của 2 thành phố Hà Nội, Hải Phòng thì giải quyết theo thông tư 178 của Nhà nước).
1. Trong thời gian đầu ra đi, nếu khẩu phần lương thực được phân phối ở hợp tác xã nông nghiệp địa phương không còn nữa (tính theo mức chi dùng hợp lý) hoặc còn mà bán cho Nhà nước thì người đi xây dựng kinh tế miền núi được Nhà nước cung cấp lương thực toàn phần như những người phi nông nghiệp khác.
Nếu sau khi thu hoạch nhưng hợp tác xã nông nghiệp địa phương chưa kịp phân phối lương thực cho công lao động của người đi xây dựng kinh tế miền núi thì:
a) Hợp tác xã nông nghiệp địa phương đảm nhiệm bán phần lương thực đó cho Nhà nước theo giá nghĩa vụ theo sự hướng dẫn của các sở, ty lương thực được cung cấp toàn phần.
b) Người đi xây dựng kinh tế miền núi có điều kiện hoặc tự nguyện mang phần lương thực theo thì sẽ tính trừ vào tiêu chuẩn cung cấp ở nơi mới đến.
2. Thời gian đi đường từ miền xuôi đến cư trú mới, người đi xây dựng kinh tế miền núi phải tự túc về lương thực ăn đường, trường hợp có những người thực thiếu ăn, được chính quyền địa phương chứng nhận, thì cơ quan lương thực nơi có người ra đi cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để xét cung cấp phần thiếu trong thời gian đi đường với mức ăn 0,500kg một ngày.
3. Ở các hợp tác xã khai hoang độc lập sản xuất chưa ổn định, nhưng có điều kiện phát triển, mà chỉ tiêu kế hoạch nhân lực chưa đủ phải lấy thêm những người thì số người tiếp tục lên sau được hưởng theo tiêu chẩn và thời gian như người đi lên lúc đầu của hợp tác xã.
Ở các cơ sở khai hoang cũ, sản xuất đã ổn định, đã tự túc về lương thực, nếu xét thấy cần xin bổ sung thêm nhân lực để phát triển sản xuất thì những người lên sau chỉ hưởng như người đi xen ghép (trong điểm 1 mục II).
4. Việc sử dụng hoa màu thay gạo được quy định như sau:
Trong thời gian còn được Nhà nước cung cấp lương thực theo tiêu chuẩn ban đầu thì tỷ lệ màu cũng áp dụng chung đối với người phi nông nghiệp khác (30%).
Sau khi đã chuyển sang thời kỳ tự túc lương thực, vì đặc điểm miền núi thường sản xuất được nhiều hoa màu hơn lúa, nên trong khẩu phần lương thực có thể sử dụng từ 40-50% hoa mầu. Trường hợp sản xuất hoa mầu nhiều, lúa ít thì, ở những nơi có điều kiện, ngành lương thực cố gắng trao đổi thóc gạo (dưới hình thức mua bán) lấy hoa mầu đã chế biến nhằm đảm bảo cho mức ăn của xã viên có 50% bằng gạo.
5. Ở những hợp tác xã có làm nghĩa vụ lương thực với Nhà nước, nay tuy nhận thêm người đến xen ghép, trong thời gian đầu, đã được Nhà nước cung cấp lương thực toàn phần cho người mới đến chỗ lao động và cung cấp theo tiêu chuẩn lứa tuổi cho người già và trẻ em, không có ảnh hưởng gì đến phần làm nghĩa vụ của hợp tác xã đối với Nhà nước , thì mức nghĩa vụ của hợp tác xã không thay đổi. Trường hợp cá biệt, có những cơ sở nhận thêm nhiều người, nay đã hết thời hạn Nhà nước cung cấp lương thực toàn phần, đồng thời sản xuất gặp khó khăn, thu nhập sút kém, nếu điều hòa lương thực thỏa đáng cho người mới đến xen ghép sẽ ảnh hưởng trực tiếp mức ăn chung, thì Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét duyệt cụ thể mà quyết định việc điều chỉnh nghĩa vụ cho từng hợp tác xã, trong từng vụ.
IV. THỦ TỤC CẤP PHÁT LƯƠNG THỰC
Để việc cung cấp lương thực cho nhân dân đi xây dựng kinh tế miền núi được chuẩn bị chu đáo và quản lý chặt chẽ, có tác dụng thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống trong hoàn cảnh lương thực của Nhà nước có nhiều khó khăn, người đi khai hoang cũng như các cơ quan có trách nhiệm cần thực hiện đúng các quy định sau đây:
1. Lập kế hoạch dự trù
Ủy ban hành chính tỉnh nơi có người đi phải lập kế hoạch dự trừ số lương thực cần cung cấp lập kế hoạch dự trù số lương thực thực cần cung cấp trong thời gian Nhà nước phải cung cấp hoàn toàn (6 tháng đầu) cho nhân dân tỉnh mình đi xây dựng kinh tế miền núi. Bản dự trù cần có số người (phân tích theo lao động chính, phụ, người già, trẻ em) đi từng đợt, thời gian đi và hình thức tổ chức (xen ghép hoặc độc lập). Dự trù này cần được Ủy ban hành chính tỉnh tiếp nhận người xác nhận trước khi gửi lên Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Lương thực và Bộ Nông nghiệp xét duyệt.
Khi người đi đến cơ sở mới đã bắt đầu có thu hoạch, theo chính sách Nhà nước chỉ còn cung cấp cho những tháng thiếu thì Ủy ban hành chính nơi nhận người, căn cứ vào tình hình thu hoạch, kế hoạch sản xuất và chính sách chung để lập dự trrù xin lương thực của Nhà nước cho từng loại hợp tác xã theo từng đợt.
2. Lập bản kê khai số người thực tế khi mới đến.
Các hợp tác xã khai hoang độc lập cũng như xen ghép cần lập danh sách số người thực tế có mặt ở nơi sản xuất (có phân biệt người lao động và người già, trẻ em) được Ủy ban hành chính xã, huyện xác nhận trước khi gửi đến phòng lương thực địa phương để mua lương thực. Bản kê khai đính kèm đầy đủ các giấy tờ cần thiết như giấy thôi cấp lương thực, giấy chứng nhận đã bán phần lương thực cho Nhà nước (nếu có).
3. Chế độ báo cáo.
Sau mỗi vụ thu hoạch, phòng nông nghiệp (khai hoang), phòng lương thực và Ủy ban hành chính xã cần giúp đỡ các hợp tác xã khai hoang làm cân đối lương thực, thống kê rõ:
- Diện tích, năng suất, sản lượng của từng loại cây trồng;
- Danh sách những người hiện có trong hợp tác xã (lao động và trẻ em, người già);
- Kế hoạch sản xuất vụ sau;
- Số lương thực cần đề nghị Nhà nước cấp thêm hoặc trao đổi mầu.
Bản cân đối phải được Ủy ban hành chính huyện xác nhận, phòng lương thực và phòng nông nghiệp (khai hoang) có trách nhiệm thẩm tra tình hình sản xuất và đời sống của các hợp tác xã để đảm bảo việc cung cấp lương thực cho đúng chính sách chế độ hiện hành.
Phòng lương thực phải định kỳ xuống kiểm tra tình hình sử dụng lương thực ở các hợp tác xã khai hoang, hoặc ở những nơi có đồng bào đi xây dựng kinh tế miền núi để cải tiến việc phục vụ đồng bào được tốt.
Việc thực hiện chính sách cung cấp lương thực đối với đồng bào đi xây dựng kinh tế miền núi có tác dụng rất quan trọng đối với toàn bộ cuộc vận động. Trong mấy năm qua Nhà nước đã có nhiều cố gắng về mặt này, nên đã ổn định đời sống, động viên nhân dân sản xuất, đưa phong trào nhân dân đi xây dựng kinh tế miền núi đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, trong tình hình cả nứoc có chiến tranh, lương thực còn nhiều khó khăn, việc thực hiện chính sách cung cấp lương thực cần làm tốt hơn để phục vụ đắc lực cho cuộc vận động, vừa không lãng phí lực lượng lương thực của Nhà nước. Mặt khác các cấp, các ngành liên quan cần giáo dục động viên quần chúng, làm cho mọi người thấy rõ trách nhiệm nặng nề của hậu phương lớn mà ra sức phát triển sản xuất, nhanh chóng tự giải quyết vần đề lương thực, giảm dần mức cung cấp của Nhà nước.
Đề nghị Ủy ban hành chính các cấp nắm vững tinh thần và những quy định cụ thể của thông tư để vận dụng cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Các ty lương thực và cơ quan phụ trách khai hoang cần phối hợp chặt chẽ, cùng nắm vững tình hình, chủ yếu là tình hình sản xuất và cân đối lương thực của hợp tác xã khai hoang giúp Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp thực hiện tốt những quy định trong thông tư này.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.