TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP-BỘ NỘI THƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 02-TT-LB | Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 1964 |
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ 17-TTG NGÀY 24-02-1964 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÂN CÔNG GIỮA HAI NGÀNH NỘI THƯƠNG VÀ LÂM NGHIỆP TRONG VIỆC PHÂN PHỐI GỖ VÀ CÁC HÀNG LÂM SẢN KHÁC
Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 05-02-1964 và Chỉ thị số 17-TTg ngày 24-02-1964 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định nội dung phân công giữa hai ngành nội thương và lâm nghiệp về việc phân phối gỗ và các hàng lâm sản khác.
Bộ và Tổng cục đã nghiên cứu chỉ thị trên thấy rằng: quyết định của thường vụ Hội đồng Chính phủ là phân ranh giới nhiệm vụ cung cấp giữa khu vực nhu cầu Nhà nước, nhu cầu tập thể và nhân dân về gỗ và các loại hàng lâm sản khác, làm cho mỗi ngành đi sâu vào chức năng nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ đầy đủ kịp thời cho nhu cầu Nhà nước, nhu cầu tập thể và nhân dân một cách toàn diện hơn.
Trên cơ sở phân công của Nhà nước và sự nhận định của Bộ Nội thương và Tổng cục Lâm nghiệp, căn cứ vào tình hình thực tế và chiều theo đề nghị của Cục Vật liệu Kiến thiết, Cục Khai thác vận chuyển phân phối lâm sản, Bộ Nội thương và Tổng cục Lâm nghiệp thống nhất những vấn đề cụ thể sau đây để các cấp thuộc hai ngành tiến hành việc bàn giao.
I. PHÂN ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ GIỮA HAI NGÀNH
a) Chức năng và nhiệm vụ:
Căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ và Tổng cục cụ thể hoá nhiệm vụ của từng ngành đối với việc phân phối gỗ và các loại hàng lâm sản khác như sau:
- Tổng cục Lâm nghiệp đảm nhiệm việc phân phối gỗ, tre, nứa, củi, than cho tất cả các nhu cầu có kế hoạch của các xí nghiệp quốc doanh (kể cả công tư hợp doanh), cơ quan Nhà nước và cung cấp gỗ và lâm sản cho ngành nội thương phân phối theo chức năng và đối tượng thương nghiệp;
- Bộ Nội thương đảm nhiệm việc phân phối gỗ, tre, nứa, củi, than cho nhu cầu thị trường bao gồm nhu cầu của hợp tác xã, nhu cầu của nhân dân và các nhu cầu sửa chữa lẻ tẻ ngoài kế hoạch của các xí nghiệp quốc doanh (kể cả công tư hợp doanh) và cơ quan Nhà nước. Riêng mặt hàng lá cọ. Bộ Nội thương đảm nhiệm việc cung cấp cho cả các nhu cầu cơ quan Nhà nước, nhu cầu tập thể và nhân dân vì tổng số lá cọ ở Phú Thọ chiếm tới 90% do Nội thương thu mua. Do đó, việc vận chuyển, phân phối lá cọ cũng như hàng hoá ngoài sử dụng, cung cấp của lâm nghiệp đều do ngành nội thương phụ trách.
b) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch.
Căn cứ vào nhiệm vụ đã được phân công và kế hoạch đã được Nhà nước phê chuẩn, mọi ngành đều phải xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành mình và chỉ đạo thực hiện kế hoạch đó. Hàng năm, hàng quý và hàng tháng, Bộ Nội thương báo cho Tổng cục Lâm nghiệp biết số lượng nhu cầu của từng tỉnh để tiện việc chuẩn bị phân phối, điều động hàng hoá.
Tỷ trọng phân phối hàng hoá giữa nhu cầu Nhà nước tập thể và nhân dân là cơ sở lập kế hoạch của đôi bên. Nhưng hiện nay về tre, nứa, củi than, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chưa chỉ đạo tỷ trọng cụ thể về gỗ cho sản xuất nông, ngư cụ, vận tải, quan tài, đồ mộc cũng chưa phân chia tỷ trọng khu vực quốc doanh, công tư hợp doanh với khu vực hợp tác xã sản xuất. Bởi vậy, hai ngành đều có nhiệm vụ phân phối với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xác định tỷ trọng giữa khu vực Nhà nước và nhân dân, giữa khu vực hợp tác xã sản xuất với khu vực sản xuất quốc doanh nhằm thực hiện tốt kế hoạch 1964, tiến tới hoàn chỉnh kế hoạch 1965.
Trong khi chờ đợi sự chỉ đạo tỷ trọng chính thức của trung ương, cơ quan lâm nghiệp và nội thương các cấp phải phối hợp với các ngành có liên quan dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính địa phương xác định tỷ trọng tạm thời cho địa phương mình làm cơ sở xây dựng kế hoạch của đôi bên.
c) Ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.
Để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước, đảm bảo cung cấp cho các nhu cầu của Nhà nước, tập thể và nhân dân, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã công bố, Tổng cục Lâm nghiệp ký kết hợp đồng nguyên tắc với Bộ Nội thương về tổng số lượng mặt hàng lâm sản thuộc khu vực lưu thông thương nghiệp toàn niên.
Tổng cục Lâm nghiệp ký hợp đồng nguyên tắc với Ủy ban hành chính tỉnh, thành về số lượng mặt hàng theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước duyệt cho địa phương về các nhu cầu do lâm nghiệp phụ trách cung cấp. Bộ Nội thương ký hợp đồng nguyên tắc với Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố về số lượng mặt hàng theo chỉ tiêu kế hoạch cho các nhu cầu mà ngành nội thương phụ trách.
Hai bên giao nhiệm vụ cho các cấp trực thuộc ngành mình để ký hợp đồng cụ thể và có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện hợp đồng, đảm bảo thực hiện tốt các hợp đồng nguyên tắc của Bộ và Tổng cục đã ký.
II. VẤN ĐỀ GIAO NHẬN VÀ GIÁ CẢ THANH TOÁN
a) Về giao nhận
1. Lâm nghiệp có nhiệm vụ vận chuyển từ thượng nguồn về giao tới một hoặc hai bến chính của mỗi tỉnh. Nội thương có nhiệm vụ vận chuyển từ thị trường chính về các thị trường phụ theo chức năng lưu thông của mình.
Để tránh những trường hợp phải vận chuyển vòng quanh hoặc ngược chiều làm tăng phí tổn lưu thông không cần thiết, hai bên căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương mà giải quyết cho hợp lý như: trên đường vận chuyển từ thượng nguồn về mỗi tỉnh, lâm nghiệp cần kết hợp trên tuyến đường đi thuận chiều giao cho nội thương tại một số thị trường lẻ, nhưng số lượng không quá lẻ tẻ, để thuận tiện cho đóng cốn, vận chuyển bè mảng (gỗ phải từ 100m3, tre 5.000 cây, nứa 10.000 cây, củi 100 sít-te trở lên). Kế hoạch phân phối lẻ tẻ đó nội thương phải báo trước cho lâm nghiệp và chuẩn bị bãi bến, phương tiện để nhận.
2. Đối với các tỉnh miền núi, trung du và khu 4 thì tuỳ theo tình hình sản xuất của lâm nghiệp, nhu cầu thị trường của nội thương từng thời kỳ mà quy định giao nhận với nhau tại địa điểm thuận lợi cho nội thương, nhưng cũng không để lâm nghiệp phải vận chuyển ngược chiều.
3. Việc giao nhận phải chính xác và dứt khoát, nói chung là giao nhận ở trên bờ, trường hợp nào do Bộ Nội thương đề nghị thì có thể giao nhận dưới nước mà phải đảm bảo đánh giá đúng số lượng và chất lượng hàng hoá (hai bên thoả thuận cùng ký nhận rồi mới lập phiếu thanh toán). Phí tổn bốc dỡ để giao từ nước lên bờ do lâm nghiệp chịu, nội thương có trách nhiệm cùng với lâm nghiệp tổ chức huy động nhân công, phương tiện để bốc dỡ giao nhận được nhanh chóng.
b) Giá cả thanh toán.
1. Giá cả
Ngành lâm nghiệp giao hàng cho nội thương tạm thời tính theo giá cung cấp như tinh thần công văn số 50-UB-VG ngày 09-01-1964 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã quy định: giao nhận hàng cho tỉnh nào thì tính theo giá cung cấp tỉnh đó.
Về giá cả bán ra thuộc hệ thống nội thương theo từng đối tượng sẽ do ngành nội thương quy định. Khoản chênh lệch giữa giá cung cấp với giá lẻ của nội thương, sau khi đã trừ các khoản phí thuế, lãi theo kế hoạch, ngành nội thương có trách nhiệm nộp vào ngân sách Nhà nước.
Năm 1963 lâm nghiệp giao hàng cho nội thương tính theo hai giá cung cấp và lẻ trừ lùi phí, thuế, lãi thành giá cao. Năm nay theo tinh thần công văn số 50-UB-VG ngày 09-01-1964 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thì lâm nghiệp bắt đầu từ ngày 01-01-1964 giao hàng cho nội thương chỉ tính một giá cung cấp. Những việc thi hành chưa thống nhất trong quý I-1964 hai bên giao nhận hàng vẫn còn tính hai giá, đến quý II-1964 hai bên giao nhận hàng mới bắt đầu tính theo một giá cung cấp. Với tình hình thực tế đó liên Bộ thống nhất là không đặt thành vấn đề thanh toán lại, mà bắt đầu từ quý II năm 1964 trở đi ngành lâm nghiệp giao hàng cho nội thương tính thống nhất một giá cung cấp (theo công văn số 50-UB-VG ngày 09-01-1964 của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước). Trường hợp nào có đơn vị chưa thanh toán dứt khoát cho nhau thì tiến hành thanh toán theo tinh thần trên. Như vậy là trong quý I -1964 ngành lâm nghiệp có trách nhiệm nộp khoản chênh lệch cho ngân sách Nhà nước từ quý II-1964 và quý III-1964 trở đi ngành nội thương có trách nhiệm nộp khoản chênh lệch cho ngân sách Nhà nước.
2. Thanh toán tiền mua hàng
Từ nay sau khi hàng hoá được giao nhận đúng thủ tục, phải tiến hành thanh toán theo phương thức nhờ thu nhận trả qua Ngân hàng. Ngành nội thương phải chủ động nắm được nguồn hàng vận dụng lưu thông thương nghiệp của mình, điều hoà cung cấp hàng hoá khi cần thiết và thu nộp tốt khoản chênh lệch cho Nhà nước, ngành lâm nghiệp giao hàng cho nội thương qua Công ty vật liệu kiến thiết tỉnh, hàng giao cho công ty tỉnh nào sẽ thanh toán ngay với công ty tỉnh đó.
III. BỐ TRÍ TỔ CHỨC CỦA HAI NGÀNH
Để bảo đảm thực hiện chức năng nhiệm vụ của mỗi ngành được Thủ tướng Chính phủ phân công, hai bên đều nghiên cứu hệ thống tổ chức của mình cho hợp lý và thích ứng với chức năng:
1. Đảm bảo thực hiện tinh thần Chỉ thị 17-TTg ngày 24-02-1964 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Tổ chức của ngành lâm nghiệp phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ khai thác, vận chuyển, phân phối cho khu vực kinh tế quốc doanh.
3. Tổ chức của ngành nội thương phải đảm bảo quản lý được hàng và tiền, chủ động được việc điều hoà phân phối hàng hoá và phục vụ cho nhu cầu của tập thể và nhân dân.
IV. TIẾN HÀNH CÔNG TÁC BÀN GIAO GIỮA HAI NGÀNH
Trên tinh thần nhiệm vụ và việc phân công của hai ngành đã được xác định, công tác bàn giao về tổ chức và chức năng phải được tiến hành một cách cụ thể để mỗi bên có thể làm tròn trách nhiệm của mình.
A. PHƯƠNG CHÂM BÀN GIAO.
1. Vận dụng thích hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương mà thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 17-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức gọn nhẹ, đảm bảo được nhiệm vụ của Nhà nước giao.
2. Công tác bàn giao phải đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch năm 1964 của Nhà nước.
3. Công tác bàn giao phải tiến hành khẩn trương, chu đáo và dứt khoát, có lãnh đạo chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.
B. NGUYÊN TẮC BÀN GIAO.
1. Giao nhiệm vụ đến đâu thì giao tổ chức và cán bộ đến đó. Nếu thiếu thì xin Ủy ban hành chính địa phương điều chỉnh, cuối cùng chưa đủ sẽ điều hoà cán bộ trong ngành về.
2. Giao nhiệm vụ tổ chức đồng thời giao các phương tiện hoạt động khác, trên cơ sở sẵn có mà sử dụng, không được vì bàn giao mà tăng kinh phí về xây dựng cơ bản, mua sắm v.v… và nhất thiết không được vì bàn giao mà ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch của hai ngành.
3. Đảm bảo việc thanh toán, giao nhận rõ ràng, chính xác, chống tham ô lãng phí trong khi bàn giao, tiện cho việc kiểm tra về sau.
C. NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ.
1. Về nhiệm vụ.
Ở trung ương: Bộ Nội thương giao lại cho Tổng cục Lâm nghiệp nhiệm vụ cung cấp gỗ, tre, nứa, củi, than cho khu vực quốc doanh (kể cả công tư hợp doanh) ở 9 tỉnh đồng bằng.
Tổng cục Lâm nghiệp giao lại cho Bộ Nội thương toàn bộ nhiệm vụ lưu thông thương nghiệp các mặt hàng nói trên ở một số tỉnh miền núi hiện nay ngành lâm nghiệp còn đảm nhiệm.
Ở địa phương: Các cơ sở của lâm nghiệp và nội thương cũng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã nói trên để phối hợp mà bàn giao với nhau.
2. Về tổ chức, cán bộ, phương tiện hoạt động.
Ở các tỉnh đồng bằng hiện nay ngành nội thương đang làm cả nhiệm vụ cung cấp, sau khi giao lại nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp sẽ tách một phần cán bộ, công nhân viên kèm theo các phương tiện cần thiết trên cơ sở thực tế và thoả thuận của hai bên.
Ở các tỉnh mà ngành lâm nghiệp còn đang đảm nhiệm việc bán lẻ cũng tiến hành bàn giao sang cho ngành nội thương theo như tinh thần nói trên.
3. Kế hoạch và tài liệu.
Tất cả các chỉ tiêu kế hoạch, về phần cung cấp vật tư kỹ thuật và lưu thông thương nghiệp năm 1964 Nhà nước đã duyệt thì hai bên tiến hành kiểm điểm lại việc thực hiện từ đầu năm đến nay, còn lại bao nhiêu hai bên căn cứ vào nhiệm vụ nói trên mà bàn giao cho nhau và mỗi bên có trách nhiệm tiếp tục thực hiện tốt các kế hoạch đó.
Những hợp đồng kinh tế cụ thể bên cùng tiến hành bàn giao cho nhau và thông báo cho các đơn vị có liên quan đến hợp đồng đó biết để tiện cho việc giao dịch về sau.
4. Kho tàng và bãi bến.
Kho tàng và bãi bến là phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ kinh doanh. Khi bàn giao nhiệm vụ ở mỗi địa phương thì căn cứ vào tình hình thực tế mà giải quyết thoả đáng cho việc hoạt động của hai ngành được thuận lợi.
5. Hàng hoá và vốn.
a) Hàng hoá: Do đặc điểm hàng hoá dự trữ tồn kho của ngành nội thương hiện nay về các mặt hàng gỗ, tre, nứa, than hiện có là một phần để cung cấp cho khu vực quốc doanh và công tư hợp doanh, một phần để bán cho khu vực tập thể và nhân dân. Vì vậy, khi tiến hành bàn giao theo nhiệm vụ trên ở 9 tỉnh đồng bằng, các Công ty Vật liệu kiến thiết ngành nội thương phải kiểm kê và trị giá hàng tồn kho của mình để xác định số tồn kho phải bàn giao cho ngành lâm nghiệp. Cách xác định tồn kho bàn giao này là căn cứ vào kế hoạch cung cấp vật tư và lưu thông thương nghiệp của mỗi địa phương và dựa vào thực tế tồn kho đã kiểm kê mà tính tồn kho phải bàn giao. Nhưng cần chú ý là hàng hoá tồn kho còn lại của các Công ty Vật liệu kiến thiết ngành nội thương phải đảm bảo đủ mức dự trữ cần thiết phục vụ tốt cho kế hoạch lưu chuyển hàng hoá của phần lưu thông thương nghiệp.
Ngược lại ngành lâm nghiệp bàn giao hàng hoá tồn kho cho ngành nội thương ở một số tỉnh miền núi về phần lưu thông thương nghiệp cũng tính theo tinh thần trên.
Khi tiến hành bàn giao, nếu có hàng hoá kém, mất phẩm chất của bên nào thì bên đó phải thành lập hội đồng dưới sự chủ trì của Ủy ban hành chính tỉnh, xác định phẩm chất và giá cả trước khi bàn giao và nếu có hàng hoá ứ đọng cũng phải xác định rõ trước khi bàn giao.
Ngoài ra có thể còn một số hàng hoá đang đi trên đường của một số công ty ngành nội thương đã ký nhận ở đầu nguồn do lâm nghiệp vận chuyển và chưa thanh toán tiền thì coi số hàng hoá đó là của lâm nghiệp giao cho nội thương để làm nhiệm vụ lưu thông thương nghiệp và thương nghiệp sẽ thanh toán tiền sau khi giao nhận xong.
b) Vốn lưu động:
Vốn Nhà nước cấp cho ngành nội thương để dự trữ hàng hoá (cả cung cấp vật tư và lưu thông thương nghiệp) là 30% trên cơ sở xác định tồn kho bình quân cả năm. Do đó không thể căn cứ vào tồn kho bàn giao xác định ở một thời gian để bàn giao vốn Nhà nước cấp được, mặt khác vòng quay vốn hàng hoá để phục vụ cho hai đối tượng cung cấp vật tư và lưu thông thương nghiệp nhanh chậm cũng khác nhau, nên việc bàn giao vốn phải tiến hành:
- Nơi nào từ đầu năm đã xây dựng được kế hoạch vốn dự trữ hàng hoá riêng từng khâu (cung cấp vật tư và lưu thông thương nghiệp) thì căn cứ vào kế hoạch vốn đó mà bàn giao cho nhau.
- Nơi nào không có kế hoạch vốn riêng từng khâu thì căn cứ vào hai yếu tố: kế hoạch lưu chuyển hàng hoá và kế hoạch vòng quay vốn hàng hoá của các mặt hàng trên mà xác định số vốn Nhà nước cấp để bàn giao cho nhau trên nguyên tắc đảm bảo hoạt động bình thường của ngành nội thương sau khi bàn giao.
- Nội thương căn cứ vào tài sản lưu động đã bàn giao mà chuyển giao cho lâm nghiệp cả vốn tự có (đã xác định trên) và vốn vay ngân hàng để lâm nghiệp quản lý và trả cho ngân hàng. Ngược lại ngành lâm nghiệp bàn giao cho ngành nội thương cũng áp dụng theo tinh thần trên.
- Các loại tài sản lưu động khác thuộc vốn phi hàng hoá nếu bàn giao được thì giao nhận vốn bằng 100% giá trị còn lại trên sổ sách của những tài sản đó.
- Công nợ của ngành nào, ngành đó chịu trách nhiệm, thanh toán lấy không phải bàn giao. Riêng nợ tạm ứng cho cán bộ, công nhân viên, khi bàn giao cán bộ đến đâu thì giao nợ đến đó.
c) Vốn cố định.
Nếu có bàn giao tài sản cố định thì bàn giao vốn cố định theo giá trị nguyên thuỷ trừ khoản đã khấu hao (tức không trị giá lại) và phải bàn giao cho nhau vốn sửa chữa lớn nếu còn.
Nói chung về việc bàn giao vốn phải đảm bảo hai nguyên tắc:
- Đảm bảo vốn hoạt động thuận lợi cho hai ngành tránh việc chiếm dụng vốn của nhau.
- Đảm bảo việc thanh toán được rõ ràng về vốn Nhà nước cấp cho cả hai bên.
V. BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH BÀN GIAO
Việc bàn giao giữa hai ngành sẽ có nhiều khó khăn phức tạp. Do đó Bộ và Tổng cục nhận thấy cần phải có sự lãnh đạo chặt chẽ của Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố và các Sở, Ty Lâm nghiệp, Thương nghiệp và các Công ty, Trạm Lâm sản và Công ty Vật liệu kiến thiết phải chuẩn bị chu đáo về nhận thức làm cho cán bộ, công nhân viên quán triệt tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và những phương châm nguyên tắc của Bộ và Tổng cục đã đề ra mà khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt việc bàn giao.
Để thực hiện tốt công tác này, ở trung ương Bộ và Tổng cục giao trách nhiệm cho Cục Vật liệu kiến thiết (Bộ Nội thương) và Cục Khai thác vận chuyển phân phối lâm sản (Tổng cục Lâm nghiệp) phối hợp với nhau thành lập ban chỉ đạo bàn giao, hướng dẫn các địa phương tiến hành, đồng thời uỷ nhiệm cho hai ông Cục trưởng Cục Vật liệu kiến thiết và Cục trưởng Cục Khai thác vận chuyển phân phối lâm sản ký kết văn bản bàn giao với nhau, báo cáo kết quả về Bộ và Tổng cục.
Ở địa phương, Bộ và Tổng cục giao trách nhiệm cho Ủy ban hành chính khu, tỉnh và thành phố lãnh đạo và trực tiếp chủ trì việc bàn giao có sự tham gia của tài chính và ngân hàng.
Biên bản bàn giao phải cụ thể, rõ ràng, quy định ranh giới giao trách nhiệm cho mỗi ngành có Ủy ban hành chính khu, tỉnh hoặc thành phố xét duyệt và báo cáo về Bộ và Tổng cục.
Việc bàn giao phải tiến hành khẩn trương kể từ ngày 01-7-1964 mỗi ngành bắt đầu hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ đã quy định.
Tiếp được thông tư này, đề nghị Ủy ban hành chính, các Sở, Ty Thương nghiệp, Lâm nghiệp lãnh đạo các Công ty Lâm sản và Vật liệu kiến thiết chấp hành với tinh thần khẩn trương và chu đáo.
K.T. TỔNG CỤC TRƯỞNG | K.T. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.